Trước trận bán kết SEA Games 32 với Campuchia, thông tin tuyển nữ Việt Nam để chân sút chủ lực Huỳnh Như trên ghế dự bị để lại không ít cái nhíu mày. Chân sút của Lank ghi bàn 2 trong 3 trận kể từ đầu giải, là thủ lĩnh cả về chuyên môn lẫn tinh thần của đội. Để Huỳnh Như ở ngoài, tuyển nữ Việt Nam liệu phá lưới đối thủ kiểu gì?
Mọi nghi ngờ sau cùng biến mất. Huỳnh Như ở ngoài, nhưng tuyển nữ Việt Nam vẫn dễ dàng đè bẹp đội chủ nhà Campuchia 3-0. Như có ghi bàn, nhưng là cú đá phạt đền ở cuối trận, khi mọi thứ đã an bài.
Nói chuyện này không phải để chỉ ra vai trò của Huỳnh Như dần hạn chế ở tuyển nữ Việt Nam. Ngược lại, chất lượng đồng đều của tuyển nữ Việt Nam giúp HLV Mai Đức Chung có nhiều phương án hơn để giải quyết các trận đấu đơn giản.
Trong các trận đấu với những đối thủ như Campuchia, Hải Yến, Thanh Nhã hay Vạn Sự đều có thể sắm vai quyết định trận đấu. Hệ thống chơi bóng nhuần nhuẫn của tuyển nữ Việt Nam lúc này tạo ra thế trận vượt trội, giúp các nhân sự có chất lượng của tuyển nữ Việt Nam phát huy được khả năng.
Tuy nhiên, không phải trận nào tuyển nữ Việt Nam cũng có thế trận áp đảo và nhàn hạ như trước Campuchia. Trận chung kết SEA Games sẽ là ví dụ. Ở SEA Games 31, tuyển nữ Việt Nam chỉ có thể thắng Myanmar 1-0. Người ghi bàn duy nhất trong trận đấu ấy là Huỳnh Như. Ở chung kết, tuyển nữ Việt Nam thắng Thái Lan 1-0. Huỳnh Như cũng là người ghi bàn duy nhất.
Điều bất ngờ: Huỳnh Như không hề ghi bàn ở giai đoạn vòng bảng trong chiến dịch giành HCV SEA Games năm ngoái của tuyển nữ Việt Nam. Nếu phải tìm ra đâu là hình mẫu cầu thủ của những trận cầu lớn, Huỳnh Như luôn là câu trả lời.
So với kỳ SEA Games trên sân nhà cách đây đúng một năm, Huỳnh Như lúc này có phần toàn diện hơn. Gần một mùa giải chơi bóng ở Bồ Đào Nha giúp Như trội hơn cả về thể lực, tư duy chơi bóng lẫn nhãn quan chiến thuật.
Trong trận đấu với Campuchia, Như vào sân ở nửa cuối hiệp 2, trực tiếp giảm tốc độ trận đấu bằng khả năng cầm nhịp thế trận. Những pha lui về chạm bóng từ tuyến trên của Như khiến hàng phòng ngự đối thủ rối loạn. Kỹ năng xử lý bước một mềm mại lẫn tìm kiếm khoảng trống của chủ nhân QBV Việt Nam cũng giúp các đồng đội xung quanh luôn có không gian chơi bóng.
Bàn bóng sống của Như ở chiến thắng 3-1 trước chính Myanmar ở vòng bảng là một ví dụ khác. Như nhận bóng bổng, đỡ bước một cực ngọt trước khi dứt điểm chéo góc hạ gục đối thủ. Vũ khí kiểu này là thứ giúp Huỳnh Như vươn mình thành cầu thủ Việt Nam thành công nhất khi xuất ngoại.
Tuy nhiên, cả ở Lank, Như cũng cần môi trường lẫn cách sử dụng để tỏa sáng. Như vào sân trên ghế dự bị tương đối nhiều trong mùa giải vừa qua trên đất Bồ Đào Nha.
Đó là thời điểm thể lực giữa Như và những đối thủ phần nào có được sự cân bằng, và cũng là lúc Như có thể phát huy tối đa điểm mạnh về tư duy chơi bóng.
Myanmar không phải đối thủ dễ chơi. Ở vòng bảng, Myanmar đã thua thầy trò HLV Mai Đức Chung 1-3. Nhưng đối thủ này cũng đã thắng Philippines, đội duy nhất thắng được tuyển nữ Việt Nam đến lúc này. Công bằng thì Myanmar không mạnh bằng Thái Lan hay Philippines, hai địch thủ lớn nhất khu vực của chúng ta.
Tuy nhiên, bóng đá không thiếu bất ngờ. Thất bại của U22 Việt Nam trước Indonesia ở bán kết nội dung bóng đá nam là hình ảnh tương đối biểu tượng về rủi ro nếu chủ quan mà tuyển nữ Việt Nam có thể gặp phải.
Sử dụng Huỳnh Như thế nào sẽ là bài toán HLV Mai Đức Chung buộc phải giải cho trận chung kết.
Sẽ là một thế trận chặt chẽ, đấu sức tay đôi đến hiệp 2 để Như xuất trận. Hay Như sẽ vào sân từ đầu, tận dụng thể lực còn sung mãn khi được nghỉ phần lớn trận bán kết, giúp tuyển nữ Việt Nam dồn ép Myanmar một cách chủ động như cách chúng ta đã thắng đối thủ này ở vòng bảng.