Trong lúc Real lạc lối, Carlo Ancelotti bất ngờ trở lại và vực dậy gã khổng lồ bóng đá châu Âu, để đi đến trận tranh vô địch Champions League với Liverpool tuần này.
Một bằng chứng cho nghệ thuật lãnh đạo của Ancelotti xảy ra trong trận bán kết Champions League lượt về trên sân Bernabeu, khi Real Madrid dẫn Man City 2-1 và trận đấu bước vào hiệp phụ. Trong khi Pep Guardiola xua cầu thủ đứng thành hình vòng cung, cố giải thích điều ông cần từ họ, Ancelotti bình tĩnh rảo bước qua Marcelo và Toni Kroos trên ghế dự bị và hỏi xem họ nghĩ ông nên làm gì ở hiệp phụ. Bởi vì, chính ông cũng chưa biết phải làm gì.
Đương nhiên, nếu Real thua trận đó và Man City vào chung kết, câu chuyện có thể đảo ngược. Sẽ có giai thoại về chuyện Ancelotti đã bị động ra sao, và Guardiola lên kế hoạch cho giai đoạn hệ trọng của cuộc chiến tài ba thế nào. Ancelotti biết điều đó, và chẳng lạ gì những biến động của các trận cầu cấp CLB. Nhưng ông luôn là người đầu tiên thừa nhận: Bí mật đầu tiên của người quản trị là bạn cần một chút may mắn.
Kể cả như vậy, đây vẫn là sự đối lập thú vị. Tôn chỉ của các HLV ngày nay là kiểm soát: kiểm soát bóng, kiểm soát vị trí, tối đa hóa cường độ và pressing tầm cao. Nhưng trong khoảnh khắc đó, Ancelotti đã buông bỏ sự kiểm soát này, đưa ra quyết định hệ trọng một cách nhẹ nhàng nhất. “Điều đó giải thích tại sao ông ấy là một nhà cầm quân hoàn hảo”, Toni Kroos nói sau trận.
Nếu phải vẽ chân dung Ancelotti trong vai trò một HLV bóng đá một cách chân thực nhất, thì sẽ là hình ảnh này: một ông chú vui vẻ đang ngậm trên miệng điếu xì gà, mẫu người có thể giải quyết mọi rắc rối, người đàn ông biết cách chế biến món thịt nướng ngon tuyệt. Rộng hơn nữa là khuôn mặt luôn bình thản trước mọi biến động, một diễn viên có thể đóng nhiều vai trên sân khấu – góp nhặt từ rất nhiều nhà cầm quân cùng thế hệ.
“Với tôi, giai đoạn khó khăn nhất là khoảng ba đến bốn tiếng trước trận đấu”, Ancelotti nói ngày 24/5, khi được hỏi về trải nghiệm tại các trận chung kết Champions League. “Đó là một bất ổn về thể chất. Tôi đối diện với nó nhiều hơn bình thường ở mùa này, vất vả hơn và hồi hộp hơn. Những suy nghĩ tiêu cực len lỏi vào đầu bạn. Nhưng may thay, tất cả chấm dứt khi trận đấu bắt đầu”.
Điều này có thể chỉ hiện diện trong các trận cầu lớn nhất với áp lực cực đại. Ancelotti không chỉ ân cần với cầu thủ của ông, mà còn cho họ những cái ôm động viên. Ông không chỉ điều chỉnh kế hoạch của bản thân, mà còn cho cầu thủ tham gia quyết định; không chỉ truyền bá thông điệp của ông đến cầu thủ mà còn biến thông điệp ấy thành của họ.
Thoạt nghĩ, điều này có thể là sự thiếu can đảm đưa ra những quyết định hệ trọng, và nó có vẻ không đúng lắm với mẫu lãnh đạo điển hình mà chúng ta hình dung, vốn luôn áp đặt đến từng chi tiết. Nhưng ở góc nhìn khác, nó là mẫu hình khác của sự can đảm: vì phải tự tin vào khả năng nhìn người của bản thân đến mức nào, bạn mới đủ can đảm đưa cho họ chiếc gậy quyền năng.
Có một câu chuyện về Ancelotti thời dẫn dắt Milan, khi ông ở tình trạng khó xử trong việc sử dụng cùng lúc bốn tiền vệ đẳng cấp thế giới: Andrea Pirlo, Clarence Seedorf, Kaka và Rui Costa. Sau khi nói chuyện với từng người, Ancelotti kết lại: “Các anh phải tự giải quyết vấn đề, nếu không, một trong số các anh sẽ phải ngồi dự bị triền miên”.
Sau câu nói của Ancelotti, bộ tứ nói trên cùng hiện diện trong một tuyến giữa hình kim cương – góp phần mang vinh quang đến cho đội, và phần nào đó tạo tiền đề cho Quả bóng Vàng của Kaka cùng chức vô địch Champions League 2007 sau này. Có lẽ, cách làm này chỉ hiệu quả ở các đội bóng có những tài năng thiên bẩm như Milan ngày ấy, và Real bây giờ.
Chắc chắn, Ancelotti đã may mắn khi kế thừa đội ngũ cầu thủ hiểu rõ vị trí và trách nhiệm của họ, những người sẵn sàng cống hiến và không tự mãn. Điều ngạc nhiên nhất về Ancelotti trong nhiệm kì hai tại Real – sau giai đoạn một từ 2013 đến 2015 – là việc những cầu thủ như Kroos, Macelo, Casemiro hay Luka Modric thay đổi rất ít, nhưng khát khao thi đấu của họ thì khác hẳn một mùa trước đó.
Bên cạnh đó là việc Ancelotti gắn kết được đội bóng vốn đang bị chia rẽ, gắn với nhiều yếu tố chính trị cả trong lẫn ngoài sân cỏ, đã từng khiến rất nhiều HLV bị xao nhãng. Hãy nhớ lại tình trạng của Real khi Ancelotti cập bến: tài chính kiệt quệ, bị chỉ trích vì cuộc đảo chính Super League thất bại, và đang cần tái thiết. Sergio Ramos và Raphael Varane ra đi, mang theo 26 năm kinh nghiệm.
Chức vô địch Liga và suất chơi chung kết Champions League mang công lao của những cựu binh: Modric, Karim Benzema, Thibaut Courtois. Nhưng thật ra, Ancelotti đã xáo trộn đội hình chính với sự bùng nổ của những cầu thủ trẻ như Vinicius Junior và Rodrygo, bộ đôi đều 21 tuổi, đặt trung vệ 24 tuổi Eder Militao vào trung tâm hàng thủ, tin tưởng Fede Valverde, 23 tuổi, ở tuyến giữa.
Tất cả trông có vẻ đơn giản, nhưng Real là đội bóng thường cho cầu thủ trẻ của họ cọ xát trước ở các đội khác theo dạng mượn, hơn là dùng hàng loạt như thế này. Những người lớn tuổi hơn như Eden Hazard, Isco, Marcelo từ từ rút khỏi vai chính, nhưng khi cần vẫn có thể đóng góp cho đội.
Hơn thế nữa là bầu không khí mà Ancelotti xây dựng, với một tinh thần hết sức mới mẻ và thoải mái. Theo đó, căng thẳng là một gánh nặng cần tránh, và HLV không thể có đáp án cho mọi vấn đề, nên khi HLV bí, cầu thủ cũng có thể nêu ra ý kiến, tất cả chúng ta đều có thời của bản thân, và cuộc sống quá ngắn cho thù hận. “Tôi đã sống trong thế giới bóng đá này từ năm 1977”, Ancelotti nói đầu mùa này. “Tôi không có thời gian và ham muốn cho những đấu đá”.
Tương tự, Ancelotti bị cho là không thể xây dựng một đội bóng ổn định, có thể chinh chiến nhiều năm và có tính kế thừa. Khi ông dẫn dắt Everton, nhiều chuyên gia chỉ trích ông như một người lỗi thời, một chuyên gia đá cúp. Nhưng không hẳn đã đúng. Ancelotti đã vô địch quốc gia ở năm nước khác nhau, và được yêu mến trên toàn thế giới. Ông đang đứng trước cơ hội trở thành nhà cầm quân đều tiên giành bốn Champions League, khi cùng Real đấu Liverpool ngày mai 28/5. Nếu như vậy là lỗi thời, thì nhiều HLV trẻ ngày nay cũng mong được như thế.
Đỗ Hiếu (theo Guardian)