Nếu theo dõi bóng đá Việt Nam từ thời HLV Miura, có lẽ nhiều người sẽ thấy hình ảnh của đội tuyển lúc đó đã tái hiện trong những trận đấu vừa qua. Đó là một Việt Nam đá theo kiểu “bỏ qua hàng tiền vệ”, chủ yếu dùng bóng dài đưa nhanh lên cho tiền đạo dứt điểm.
Đối với đối thủ “vừa miếng” Indonesia, đội tuyển Việt Nam đã tương đối dễ dàng kết liễu đối phương, và pha mở điểm chính là từ một đường chuyền dài của Hùng Dũng. Nếu may mắn hơn, ở trận đấu đó Tuấn Hải đã có bàn thắng và Văn Hậu cũng có cho mình những kiến tạo theo cùng công thức như trên.
Tuy nhiên, đến khi đối đầu với Thái Lan, mọi sự đã thay đổi. Sự khác biệt giữa Thái Lan và Indonesia dễ nhận thấy nhất đó là cự ly đội hình của Voi chiến đã được giữ một cách tuyệt hảo, trong gần như toàn bộ thời gian trận đấu. Sự kín kẽ đó khiến những đường chuyền dài, dù tầm cao hay tầm thấp, có thể xé rách hàng phòng ngự Indonesia nhưng đã không thể tái hiện trước Thái Lan.
Đẳng cấp của đối thủ có lẽ cũng không cần bàn nữa. Nhưng sự bế tắc này đặt ra một vấn đề với đội tuyển Việt Nam, đó là chúng ta liệu đã thực sự nghiêm chỉnh tìm ra những cách tiếp cận trận đấu kiểu khác, so với lối chơi “ban bật nhỏ” vốn được mặc định là “phù hợp” với người Việt hay chưa?
Trở lại thời Miura, khi đó lối chơi bóng dài gặp sự phản đối mạnh mẽ bởi không hợp mắt nhiều người, tuy nhiên đó lại là lối chơi thường thấy ở hầu hết các CLB V-League, khi mà tiền đạo ngoại vẫn đang thể hiện ưu thế lớn so với hậu vệ nội. Và cũng bởi vì sức mạnh của ngoại binh mà lối chơi đó cũng không quá biến hóa mà cực kỳ đơn giản, tuyến dưới cứ phất dài lên thôi, ở trên tiền đạo ngoại sẽ được “khoán trắng” cho khâu tấn công.
Nhưng V-League bây giờ đã khác xưa. Tính chiến thuật của giải đấu này ngày càng cao và các CLB cũng không còn đá đơn giản như vậy nữa. Chính vì vậy, trên bình diện đội tuyển quốc gia, cũng không thể đá như thời Miura được.
Lý thuyết là vậy, trên thực tế, ngay trong trận đấu với Thái Lan vừa qua, khi Thành Chung được đưa vào với vai trò tiền đạo, người hâm mộ tin rằng sẽ được thấy vô số các đường bóng dài, bóng bổng với điểm đến là cái đầu của Thành Chung để cầu thủ này dứt điểm hoặc làm tường.
Tuy nhiên kết quả không hề khả quan như vậy, số lần chạm bóng bằng đầu của cầu thủ Hà Nội có lẽ chỉ khoảng 2-3 lần, dường như còn thấp hơn số lần anh dùng chân nhận bóng. Bế tắc trong việc triển khai lối chơi dẫn đến việc chúng ta lại mò mẫm đánh trung lộ, nhưng đối phương quá chặt chẽ còn nhân sự của đội tuyển lúc đó thì lại không hợp với phối hợp nhóm, dẫn đến bế tắc lại càng thêm bế tắc.
Có thể nói, đấu pháp khoảng 20 phút cuối trận chỉ mới được ở mức ý tưởng, còn thực hiện thì đã nhanh chóng thất bại. Nguyên nhân có lẽ bởi đội tuyển vẫn chưa được luyện bài một cách chính thức.
Nói gì thì nói, một đường bóng dài vẫn là cách nhanh nhất đưa bóng tới khu vực có thể gây nguy hiểm cho đối phương. Cách đá phối hợp nhỏ có thể tốt nếu đối thủ yếu hoặc đang gặp bất lợi, nhưng nếu gặp đội ngang cơ hoặc đẳng cấp cao hơn chúng ta, bóng dài vẫn luôn có ưu thế, đặc biệt trong bối cảnh thể hình thể lực cầu thủ Việt hiện nay thuộc nhóm hàng đầu khu vực cũng như có thể tiến sát với châu lục. Nhưng bất kỳ một lối đá nào thì cũng cần sự chuẩn bị bài bản, khoa học và nghiêm túc. Hy vọng rằng, ở “triều đại mới” sau HLV Park Hang-seo, đội tuyển Việt Nam sẽ thực sự rèn giũa được vũ khí lợi hại để giải quyết trận đấu, để không còn nỗi buồn như giải đấu vừa qua.
(Bạn đọc: Phan Huỳnh Tuấn)
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.
Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về [email protected]. Các
quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.
Trân trọng,
Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam