Hàn QuốcTrả lời báo Chosun, HLV Park Hang-seo nói ông thành công ở Việt Nam nhờ tôn trọng văn hóa bản địa và chuyên môn hóa ban huấn luyện.
– Những bí quyết nào giúp ông thành công ở Việt Nam?
– Đầu tiên tôi tôn trọng văn hóa và phong tục của Việt Nam. Thứ hai là cách tôi tổ chức và phân hóa ban huấn luyện.
Việt Nam từng không có đội y tế, chuyên gia thể lực hay phân tích video. Những công việc đó rất quan trọng nhưng Việt Nam chưa có những chuyên gia như thế. Họ để HLV trưởng lo hết mọi việc. Đội bóng phải hội tụ nhiều chuyên gia ở từng khía cạnh mới phát huy được hết khả năng. Chúng tôi quyết định dùng những nhân sự cũ, vì thuê người mới sẽ tốn thêm chi phí lao động.
Sự nhất quán quan trọng với một đội bóng, vì khi những người mới đến, chúng tôi sẽ phải dạy họ lại từ đầu. Vì thế, tôi đã đưa bác sĩ Choi Ju-young đến Việt Nam và để ông ấy làm việc suốt bốn năm qua. Một khi đã có đủ chuyên gia ở từng khía cạnh, việc phân chia công việc sẽ dễ dàng hơn. Khi được coi như chuyên gia và làm đúng chuyên môn, họ sẽ ý thức tinh thần trách nhiệm cao hơn. Đội bóng chuẩn bị càng kỹ lưỡng, cơ hội thắng càng cao.
Bóng đá Việt Nam đang tạo ra một hệ thống, dù vẫn chưa hoàn hảo. Nhưng đội tuyển Việt Nam sẽ ngày càng mạnh lên nếu kinh tế phát triển, cũng như Hàn Quốc. Nhiệm vụ của tôi là phân hóa rạch ròi từng đội ngũ trên tuyển và để lại nó cho người kế nhiệm. Tôi không biết người kế nhiệm là ai, nhưng tôi sẽ cố gắng để lại đủ thông tin cần thiết cho người đó.
– Ông nói tôn trọng văn hóa và phong tục Việt Nam. Cụ thể ra sao?
– Khi được Guus Hiddink chọn làm trợ lý Hàn Quốc năm 2002, tôi đã nghĩ cần học hỏi kinh nghiệm cho trường hợp sau này tôi ra nước ngoài làm việc. Tôi nói với những HLV Việt Nam rằng: ‘Không phải tôi, chính các anh mới là chủ nhân của bóng đá Việt Nam. Đừng ỷ lại tôi, mà hãy tự nghĩ và tìm ra giải pháp’.
Cơm và mì tôm là những thực phẩm truyền thống của Việt Nam. Nhưng cầu thủ bóng đá cần một chế độ dinh dưỡng giàu calo hơn. Thay vì nói cầu thủ ‘đừng ăn mì nữa’ lúc mới đến, tôi nhờ VFF hỗ trợ. Tôi nói họ cử chuyên gia dinh dưỡng đến để dạy cho cầu thủ. Các học trò tôi nói rằng lần đầu tiên họ được học những thứ như thế. Bây giờ, các cầu thủ luôn uống sữa trước và tự nguyện quan tâm đến dinh dưỡng cho bản thân hơn.
Một văn hóa khác của Việt Nam là ngủ trưa, mà ban đầu tôi không hiểu nổi. Nhưng theo kinh nghiệm của mình, tôi thấy một giấc ngủ ngắn sẽ hiệu quả khi trời nóng. Khi đó, các buổi tập sẽ chất lượng hơn. Giờ tôi cũng thường xuyên ngủ trưa. Làm theo văn hóa bản địa cũng là phương án hợp lý.
Hành động vẫn tốt hơn lời nói. Nếu không hòa nhập với đội bóng, tôi chẳng thể làm được gì. Thời gian đầu, người ta chuẩn bị đồ ăn Hàn Quốc cho tôi, và món Việt Nam cho các cầu thủ. Dĩ nhiên, tôi không chê gì thực phẩm Hàn Quốc. Nhưng tôi đề nghị họ cung cấp đồ ăn Việt Nam cho tôi, giống các cầu thủ. Họ không nhận ra điều đó, nhưng cầu thủ luôn nhìn vào HLV. Nếu tôi ăn đồ Hàn Quốc, sẽ có một rào cản tâm lý vô hình giữa thầy trò tôi, gây tiêu cực cho đội bóng. Giờ tôi ăn đồ Việt Nam vì tôi ghiền rồi.
– Tinh thần Việt Nam ở các cầu thủ là thế nào?
– Trước mỗi giải đấu, tôi chia đội hình 30 người thành ba nhóm, mỗi nhóm 10 cầu thủ. Tôi đề nghị mỗi nhóm chọn ra thủ lĩnh và cùng thảo luận xem mục tiêu của nhóm là gì và làm thế nào để đạt được mục tiêu đó. Mỗi cầu thủ cũng cần chuẩn bị thế nào để hỗ trợ đồng đội. Trước khi bắt đầu buổi tập, các nhóm sẽ thông báo nội dung cuộc thảo luận của họ. Theo cách này, từng người trong nhóm sẽ có cùng mục tiêu. Các cầu thủ sẽ có trách nhiệm hơn để làm tốt phần việc của họ. Khẩu hiệu của đội: ‘Chúng ta là Việt Nam’, cũng là thành quả của một cuộc thảo luận nhóm.
Tôi nghĩ hành trình Việt Nam tới chung kết U23 châu Á năm 2018 cũng giống lịch sử của họ, khi đánh bại nhiều đối thủ mạnh hơn để bảo vệ đất nước. Tôi đã hỏi các cầu thủ: ‘Tinh thần Việt Nam là gì? Tôi là người Hàn Quốc nên không hiểu. Các cậu hãy nói cho tôi’. Qua thảo luận nhóm, các cầu thủ tóm tắt tinh thần Việt Nam ‘đầu tiên là đoàn kết, thứ hai niềm tự hào, thứ ba sự thông minh và thứ tư tinh thần chiến đấu bất diệt’.
Bốn yếu tố đó cũng giống bóng đá. Bóng đá là trò chơi tập thể, đòi hỏi cầu thủ đoàn kết, tự hào, chơi bóng khôn ngoan với tinh thần chiến đấu không từ bỏ.
– Có tin đồn từ một Youtuber bản địa rằng có mâu thuẫn và xung đột giữa HLV Park và VFF. Thực hư chuyện ra sao?
– Chẳng có xung đột nào cả. VFF và tôi liên lạc thường xuyên, hợp tác tốt. Đôi khi chúng tôi bất đồng quan điểm, như chuyện xếp thời gian biểu. Nhưng chuyện đó chẳng có gì to tát. Có vẻ Youtuber đó liên tục đăng những nội dung khiêu khích, và tôi mong người đó kiềm chế một chút. Cũng có một Youtuber không nói tiếng Hàn Quốc nhưng vẫn đăng những tin đồn thất thiệt, phần lớn nội dung không đúng. Những chuyện đó không ảnh hưởng đến công việc của tôi. Nhưng tôi có thể đối diện vấn đề, nếu mọi người coi những nội dung đó là thật. Nên tôi muốn họ hãy dừng đăng tin như thế.
– Mục tiêu của ông trong tương lai là gì?
– Trong ngắn hạn, tôi muốn vô địch AFF Cup cuối năm 2022. Chúng tôi đã đem lại hạnh phúc cho người Việt Nam khi vô địch năm 2018, lần đầu sau 10 năm. Nhưng ở kỳ trước, chúng tôi thua Thái Lan tại bán kết và lỡ cơ hội bảo vệ ngôi vương. Lần này tôi sẽ phải đòi nợ.
Còn trong dài hạn, tôi chỉ am hiểu bóng đá, nên sẽ cố gắng làm tốt phần việc của mình.
Xuân Bình