Uefa Dùng Công Nghệ Bắt Việt Vị ở Champions League 62eb960717d6a.jpeg

UEFA dùng công nghệ bắt việt vị ở Champions League

Công nghệ bắt việt vị bán tự động (SAOT) được UEFA áp dụng lần đầu ở Siêu cup châu Âu giữa Real Madrid và Frankfurt ngày 10/8.

Hôm 3/8, UEFA thông báo trọng tài Anh Michael Oliver được chỉ định bắt trận Siêu cup châu Âu. Đồng thời, họ xác nhận trận đấu đó sẽ được áp dụng SAOT. Không những vậy, công nghệ mới này còn sẽ xuất hiện ngay từ những trận vòng bảng Champions League mùa tới.

Công nghệ mới sẽ hỗ trợ các trọng tài biên trong những pha bắt việt vị. Ảnh: Marca

Công nghệ mới sẽ hỗ trợ các trọng tài biên trong những pha bắt việt vị. Ảnh: Marca

Giám đốc trọng tài UEFA Roberto Rosetti cho rằng tổ chức luôn tìm kiếm những giải pháp công nghệ mới để phát triển bóng đá và hỗ trợ công việc của trọng tài. Hệ thống tiên tiến này cho phép tổ VAR xác định việt vị nhanh chóng và chính xác hơn, cải thiện nhịp độ trận đấu và giúp các quyết định bẫy việt vị ổn định hơn.

Công nghệ mới hoạt động dựa trên nhiều camera chuyên dụng, có thể theo dõi 29 điểm khác nhau trên người mỗi cầu thủ. UEFA đã thử nghiệm công nghệ này từ năm 2020, gồm các trận Champions League mùa trước, vòng knock-out Champions League nữ hay VCK Euro nữ 2022. “Công nghệ này đã sẵn sàng được sử dụng ở các trận chính thức”, Rosetti nói.

Tháng 7/2022, FIFA cũng thông báo SAOT sẽ được áp dụng tại World Cup 2022 ở Qatar. Họ hứa hẹn các quyết định bắt việt vị sẽ nhanh và chuẩn hơn. Họ sẽ giải thích cách vận hành hệ thống này qua màn hình ở các sân, cho khán giả hiểu rõ hơn.

Công nghệ bắt việt vị bán tự động (semi-automated offside technology) gồm 12 camera theo dõi gắn trên mái vòm sân, để bắt chuyển động của bóng và 29 điểm dữ liệu trên cơ thể cầu thủ, 50 lần mỗi giây. Bằng cách đó, họ tính toán chính xác vị trí của bóng và cầu thủ ở mọi thời điểm trên sân, nhằm xác định việt vị. Kết quả xử lý dữ liệu của SAOT sẽ được truyền về cho tổ VAR, để họ chuyển tiếp cho các trọng tài trên sân. Trọng tài chính vẫn là người đưa ra quyết định cuối cùng.

Ở World Cup, mỗi trái bóng Al Rihla còn được gắn thêm cảm biến, gửi dữ liệu về cho tổ VAR 500 lần mỗi giây. Điều đó giúp họ xác định khi nào cầu thủ chạm bóng để chuyền, để các quyết định chuẩn hơn.

Hoàng An