Trong buổi gặp gỡ báo chí trong nước và quốc tế sau SEA Games 31, ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, trưởng đoàn Thể Thao Việt Nam chia sẻ về thành công của các VĐV Việt Nam tại SEA Games 31.
“Thể thao Việt Nam giành 205 HCV SEA Games là nhờ thực lực và cạnh tranh sòng phẳng với các đoàn thể thao trong khu vực, đây không phải chiến thắng đến từ ưu thế chủ nhà, bởi các môn đều được đo lường, chấm điểm khách quan và công tâm.
Nhưng Thể thao Việt Nam cần khoanh vùng đúng đắn mới tìm được định hướng đầu tư. Nếu không có những VĐV xuất chúng để đào tạo trọng điểm, Việt Nam khó cạnh tranh với Thái Lan, Indonesia,… khi bơi ra biển lớn châu Á. Nếu không đầu tư đúng hướng, Thể thao Việt Nam có thể lãng phí tiềm năng.
Thể thao Việt Nam đã chơi sòng phẳng, mọi nội dung thi ASIAD, Olympic, chúng ta đều tổ chức đầy đủ, không thiếu nội dung nào. Tinh thần, ý chí và nghị lực của VĐV Việt Nam ở SEA Games 31 là rất ấn tượng. Họ đều đặt kỳ vọng trước giải đấu và quyết tâm thi đấu hết mình. Có những VĐV mới lần đầu dự SEA Games, được thi đấu trước khán giả, được gia đình động viên, nên họ đã có động lực thành tích rất tốt.
Dù vậy, để hướng tới ASIAD hay Olympic, chúng ta cần tìm giải pháp, phải có nguồn lực rộng rãi. Tuy nhiên, nguồn lực hiện tại của ngành thể thao là rất hạn chế, nên phải khoanh vùng từng cấp để tập trung đầu tư.
Các địa phương (sở thể dục thể thao, trung tâm huấn luyện) nên được khuyến khích đầu tư xã hội hóa, để phía trung ương tập trung đào tạo VĐV cho ASIAD và Olympic. Hiện nay, có thể thấy các đội tuyển quốc gia đều tập huấn ở trung ương để tập trung cho SEA Games, không môn nào tập ở địa phương. Trong khi đó, các nước khác không làm như thế“, ông Phấn chia sẻ.
Sau gần 2 tuần tranh tài, đoàn Việt Nam giành 205 HCV, gần gấp đôi đoàn về nhì là Thái Lan.
Tuy nhiên, vị trí nhất toàn đoàn ở SEA Games 31 chưa phải đích ngắm cuối cùng. Mục tiêu của Thể thao Việt Nam là những sân chơi cao hơn như ASIAD và Olympic. Đây là hai đấu trường mà thành tích của VĐV Việt Nam còn cần phải cải thiện.
Đơn cử như tại Olympic Tokyo 2020, các VĐV Việt Nam không giành được tấm huy chương nào, xếp sau các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia, Indonesia.
Theo ông Trần Đức Phấn, Thể thao Việt Nam hiện nay thiếu đầu tư trọng điểm. Áp lực đào tạo, huấn luyện VĐV bị dồn hết lên các trung tâm đào tạo và huấn luyện thể thao ở trung ương, trong khi các địa phương chưa thể hiện được vai trò rõ ràng.
“Chúng ta sẽ đầu tư cho một số nội dung cho một số môn Olympic (như bắn súng, bắn cung, bơi, điền kinh) để cạnh tranh ở sân chơi Olympic. Đầu tư cho thể thao đỉnh cao thế giới rồi liên thông sang mục tiêu cho ASIAD. Tất nhiên, những VĐV ấy cũng phải có mục tiêu lấy HCV SEA Games.
Thể thao Việt Nam xây dựng chiến lược đầu tư Olympic, lựa chọn các VĐV trọng điểm xuất sắc. Tuy nhiên, nói chính xác đến khi nào có HCV là rất khó. Có thể nói trong 20 năm tới, thể thao Việt Nam khó có HCV Olympic. Đó là nhiệm vụ bất khả thi. Ở một số môn như bơi, điền kinh, VĐV Việt Nam đã khó lấy HCV ASIAD rồi, thì đến Olympic còn khó nữa.
Các VĐV tầm cỡ thế giới rất mạnh và được đầu tư bài bản. Còn ở Việt Nam, đơn cử như chúng ta đầu tư cho Huy Hoàng thì cũng chỉ đến cạnh tranh ở tầm ASIAD. Huy Hoàng từng giành HCV Olympic trẻ, nhưng cạnh tranh ở Olympic đỉnh cao là chuyện khác“, ông Trần Đức Phấn chia sẻ.
“Để hướng tới mục tiêu ASIAD, chúng ta phải đầu tư cho một số môn thể thao. Chúng ta có thể giành 10 HCV ASIAD nếu đầu tư tốt và có điều kiện, nhưng nhà nước chỉ dành cho ngành thể thao nguồn lực như vậy. Chúng ta cần tập trung nguồn lực cho ASIAD và đầu tư xã hội hóa ở cấp độ địa phương cho SEA Games.
Tuy nhiên, do chọn lọc nguồn lực chưa tốt nên chưa đạt được mục tiêu. Cần khoanh vùng kỹ lưỡng mới có thể đầu tư đúng đắn“.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT lấy dẫn chứng về cách những nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia đầu tư cho SEA Games. Bên cạnh nguồn lực lớn, các quốc gia này cũng thành công nhờ đầu tư với định hướng rõ ràng.
Tại Olympic Tokyo 2020, Thái Lan giành 1 HCV, 1 HCĐ, Indonesia có 1 HCV, 1 HCB, 3 HCĐ, trong khi Philippines có 1 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ.
“Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Singapore tập trung đầu tư, đầu tư có trọng điểm từ rất lâu. Nếu Việt Nam không thay đổi cách đầu tư, khó hướng tới ASIAD và Olympic“, ông Trần Đức Phấn khẳng định.
Ông Phấn cũng chia sẻ: với thực lực hiện nay, Thể thao Việt Nam nếu dự ASIAD 19 cũng chỉ giành được 3-5 HCV, tức là không khác nhiều so với 4 năm trước (giành 4 HCV).
“Trong kế hoạch chuẩn bị, chúng ta tập trung đầu tư cho khoảng 30 VĐV. Tại ASIAD, Thể thao Việt Nam trước mắt chỉ đặt mục tiêu từ 3-5 HCV trong nhóm 30 VĐV ấy.
Chúng ta chưa khoanh vùng để đầu tư đầy đủ, bài bản và chuẩn mực theo quy định quốc tế. Để VĐV Việt Nam lấy HCV ASIAD là không đơn giản. Môn bơi có Huy Hoàng, còn điền kinh có 1,2 nội dung có thể có huy chương.
Bắn súng cũng có thể đầu tư thêm để đổi lấy cơ hội. Còn ở các nội dung như các môn thể thao đối kháng như võ, vật, cơ hội của Việt Nam là không cao.
Chúng ta phải có giải pháp để lấy 10 HCV ASIAD, đó là đầu tư mạnh và có trọng điểm về cả nguồn lực lẫn con người. Còn với thực lực hiện có, Thể thao Việt Nam chỉ có 3-5 HCV là cùng. Nói đến nguồn lực để thấy, VĐV Việt Nam đạt được vinh quang đã là rất cố gắng“, ông Trần Đức Phấn kết luận.