Tấm HCV SEA Games 31 của U23 Việt Nam có dấu ấn của hàng thủ, khi thầy trò HLV Park Hang Seo lên ngôi mà không phải nhận bàn thua nào trong cả 6 trận.
U23 Việt Nam còn nhiều hạn chế trong tấn công, nhưng ở khâu phòng ngự, đội bóng của thầy Park mang đến cảm giác chắc chắn nhờ bộ đôi Bùi Hoàng Việt Anh – Nguyễn Thanh Bình án ngữ trước cầu môn của Văn Toản.
2 trung vệ Việt Nam thi đấu ổn định trước những đối thủ mạnh như U23 Indonesia, U23 Thái Lan, nhờ vốn kinh nghiệm tích lũy ở CLB lẫn đội tuyển quốc gia. Trước khi dự SEA Games 31, HLV Park Hang Seo đã “cấy” Việt Anh và Thanh Bình vào đội hình chính tuyển Việt Nam ở trận gặp Nhật Bản tại vòng loại thứ ba World Cup 2022.
Cả hai cùng với Quế Ngọc Hải thi đấu đầy nỗ lực, giúp tuyển Việt Nam có trận hòa lịch sử ở Saitama. Thanh Bình còn ghi bàn vào lưới Nhật Bản sau tình huống không chiến dũng mãnh. Đó là bàn thắng đánh dấu nỗ lực không ngừng nghỉ của trung vệ Viettel, sau trận đấu đáng quên trước Trung Quốc ở giai đoạn lượt đi.
Kinh nghiệm ở sân chơi đỉnh cao giúp bộ đôi trung vệ U23 Việt Nam thi đấu chững chạc hơn so với tuổi và được đánh giá là trụ cột tương lai của hàng thủ đội tuyển.
Tuy nhiên, để chứng tỏ tầm vóc như những trung vệ đàn anh (Duy Mạnh, Tiến Dũng, Đình Trọng) đã làm, Việt Anh và Thanh Bình cần nhiều hơn là tấm HCV SEA Games. Đó phải là những trận đấu đẳng cấp ở giải U23 châu Á, sân chơi khó khăn và khắc nghiệt hơn SEA Games.
Tại SEA Games, Việt Anh và Thanh Bình chơi tốt, nhưng đó là cái hay nằm trong tổng thể chiến thuật. HLV Park Hang Seo triệu tập 3 cầu thủ quá tuổi là Hoàng Đức, Hùng Dũng, Tiến Linh, giúp U23 Việt Nam tạo ra thế trận tấn công và kiểm soát bóng.
Trong hầu hết các trận đấu từ vòng bảng đến bán kết, U23 Việt Nam đều chơi ở thế cửa trên, giúp hàng phòng ngự không chịu nhiều áp lực.
Ở một số trận đấu gặp U23 Timor Leste hay U23 Philippines, Việt Anh còn được tạo điều kiện dâng cao để phát triển bóng, hỗ trợ tấn công. Hùng Dũng, Hoàng Đức đã che chắn cho hàng thủ quá tốt, cộng với lối chơi phòng ngự chủ động mà nhiều đối thủ U23 Việt Nam áp dụng, thử thách cho Việt Anh, Thanh Bình có độ khó chưa đủ lớn.
Đến trận chung kết, khi U23 Thái Lan kiểm soát bóng và tổ chức tấn công linh hoạt hơn, năng lực phòng ngự của các trung vệ U23 Việt Nam mới lộ rõ.
Ở giải U23 châu Á, U23 Việt Nam sẽ tái ngộ U23 Malaysia và U23 Thái Lan, bên cạnh cuộc chạm trán với đương kim vô địch U23 Hàn Quốc mà không còn Hùng Dũng, Hoàng Đức trong đội hình.
Không còn nhóm cầu thủ quá tuổi, năng lực kiểm soát bóng của U23 Việt Nam bị đe dọa, chưa kể tuyến giữa cũng thiếu cầu thủ bao quát, che chắn cho hàng thủ. “Hàng tiền vệ là điểm yếu của U23 Việt Nam, tôi chưa biết họ sẽ thay nhóm cầu thủ kinh nghiệm ra sao“, chuyên gia Steve Darby khẳng định.
Trong bảng đấu của U23 Việt Nam, cả Thái Lan và Hàn Quốc đều có lối chơi tấn công tốc độ, kỹ thuật và chủ đạo dựa vào những đường chuyền ngắn. Tuyến giữa mỏng hơn về trình độ và kinh nghiệm, trên lý thuyết, sẽ tạo ra sức ép lớn cho hàng phòng ngự, buộc Thanh Bình và Việt Anh phải chống đỡ vất vả hơn.
Một yếu tố nữa là lối chơi HLV Gong Oh-kyun lựa chọn. Theo trung vệ Duy Cương, HLV mới của U23 Việt Nam ưu tiên sơ đồ 4-3-3 và 4-4-2, muốn chú trọng kiểm soát bóng và tấn công. Khi chiến thuật đội không còn nặng về phòng ngự, thử thách cho hàng thủ tăng thêm một bậc.
“Khi chơi với 5 hậu vệ , trong đó có 3 trung vệ dưới thời HLV Park Hang Seo, các trung vệ như chúng tôi được chơi gần nhau. Còn lúc này, khi đá 4 hậu vệ, thì khoảng cách giữa 2 trung vệ xa nhau hơn, tất cả phải mở rộng ra giữ cự ly, cố gắng di chuyển bọc lót cho nhau và hỗ trợ phòng ngự ở biên“, Duy Cương cho biết.
Tuy nhiên, khó khăn cũng là cơ hội để năng lực cầu thủ bộc lộ rõ nhất. Phải kinh qua màn thử lửa ở cấp độ châu lục, các trung vệ thép mới “thành hình”.
Các học trò của HLV Gong Oh-kyun đều bản lĩnh và nếu mắc sai lầm, đó cũng là điều cần thiết để Việt Anh và Thanh Bình thêm cứng cỏi hơn. Nếu vượt qua thuốc thử U23 châu Á, cả hai sẽ có thêm cơ hội ghi điểm với HLV Park Hang Seo ở ĐTQG.