UzbekistanBàn gỡ của Nguyễn Quang Hải trong trận chung kết U23 châu Á 2018 còn nguyên ấn tượng với nhiều người Uzbekistan, trong đó có thành viên Uỷ ban Olympic Nurali Yuldashev.
Giải U23 châu Á 2018 tại Thường Châu (Trung Quốc) khởi đầu cho chuỗi thành công của bóng đá Việt Nam cùng HLV Park Hang-seo. Từ chỗ bị đánh giá là “lót đường”, đội lần lượt qua mặt Australia, Iraq và Qatar để tiến tới chung kết gặp Uzbekistan. Đội bóng Trung Á cũng là một bất ngờ lớn ở giải lần đó, khi vùi dập Nhật Bản 4-0 ở tứ kết rồi Hàn Quốc 4-1 tại bán kết.
Trong trận phân định ngôi vương, khi tuyết rơi trắng xoá trên sân Thường Châu, Uzbekistan mở tỷ số phút thứ 8 nhờ công Ashurmatov. Nhưng Việt Nam không đầu hàng. Cuối hiệp một, Lương Xuân Trường và Vũ Văn Thanh cào tuyết để Nguyễn Quang Hải lấy chỗ đá phạt. Từ trước vòng bán nguyệt, tiền vệ số 19 tung chân trái đưa bóng vòng qua hàng rào vào góc cao, thành bàn gỡ hòa 1-1. Dù thua bởi pha làm bàn phút cuối hiệp phụ thứ hai, Việt Nam vẫn để lại ấn tượng mạnh, trong đó có thành viên Uỷ ban Olympic Uzbekistan, Nurali Yuldashev.
“Tôi vẫn nhớ rất rõ quả đá phạt cầu vồng của Quang Hải năm 2018. Một khoảnh khắc tuyệt vời”, ông chia sẻ với VnExpress tối 31/5. “Hôm đó, chúng tôi tổ chức chiếu màn hình lớn ở SVĐ. Hàng nghìn người cùng xem trận cầu tuyệt vời đó, và chúng tôi đều ấn tượng với bàn gỡ của Quang Hải. Đó là khoảnh khắc diệu kỳ của bóng đá”.
Không chỉ Yuldashev, ở cuộc bầu chọn bàn thắng đẹp nhất giải năm đó, có đến 139.704 trong tổng số 218.915 phiếu bầu chọn cho Quang Hải, chiếm tỷ lệ 64%. Cú sút phạt đó cũng tạo nên cơn sốt trên các mạng xã hội châu Á. Tại Trung Quốc, nhiều người còn liên hệ nó với câu “Phi tuyết liên thiên xạ bạch lộc” (Bắn hươu trắng trong tuyết bay đầy trời) trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung.
Khác với thông lệ, chiếc Cup U23 châu Á 2018 không được đặt ở Phòng truyền thống của Liên đoàn Bóng đá Uzbekistan, dù ở đây trưng bày rất nhiều hiện vật mà bóng đá nước này giành được. Nó được “nâng cấp” lên Bảo tàng Uỷ ban Olympic Uzbekistan, và được đặt ngay trên đường vào từ cổng – một vị trí trang trọng. “Tất nhiên, bóng đá Uzbekistan có nhiều danh hiệu. Nhưng chúng tôi chỉ chọn chiếc Cup này”, Yuldashev cho hay. “Với chúng tôi, đây là một biểu tượng danh giá, nó cho thấy nỗ lực của một thế hệ cầu thủ trẻ. Ai vào đây cũng sẽ thấy ngay danh hiệu này”.
Dù thua trong trận chung kết, vị trí á quân mà Việt Nam có được vẫn là một kỳ tích. Nó tạo thành cú hích để các cầu thủ thành viên về sau chơi tự tin hơn, gặt hái rất nhiều thành công như vào tứ kết Asiad 2018, vô địch AFF Cup 2018, HC vàng SEA Games 2019… Lứa cầu thủ đi lên từ Thường Châu đó cũng giúp Việt Nam trở thành đại diện duy nhất của Đông Nam Á lọt vào vòng loại thứ ba – World Cup 2022, khu vực châu Á.
Năm nay, bóng đá Việt Nam tiếp tục dự vòng chung kết U23 châu Á, diễn ra chính ở Uzbekistan. Đội nằm ở bảng C, lần lượt gặp Thái Lan ngày 2/6, Hàn Quốc ngày 5/6 và Malaysia ngày 8/6. Dẫn dắt đội lần này không phải là HLV Park Hang-seo mà là nhà cầm quân đồng hương của ông, Gong Oh-kyun.
Lâm Thoả (từ Tashkent)