“Trung Quốc có dân số 1,4 tỷ người, nhưng không thể tìm ra 11 cầu thủ giành vé dự World Cup. Đó rõ ràng là nỗi hổ thẹn“, một bình luận xuất hiện trên Weibo, sau khi chứng kiến đội nhà thất bại ở vòng loại World Cup 2022. Câu nói thể hiện rõ thực trạng của bóng đá Trung Quốc trong những năm qua.
Khó khăn của cầu thủ trẻ Trung Quốc
Năm 2019, Jordi Cruyff, con trai của cố huyền thoại Johan Cruyff, tạo nên scandal khiến bóng đá Trung Quốc và giải Chinese Super League (CSL) bị thế giới chê cười. HLV của Chongqing Lifan này tung cầu thủ trẻ Yin Congyao vào thay cho Feng Jing ở phút 89. Và 3 phút sau, Yin Congyao bị rút ra nghỉ, vào sân thay anh là Dilmurat Mawlanyaz.
Sở dĩ ban huấn luyện Chongqing Lifan ra quyết định như thế bởi ban tổ chức CSL quy định, phải có ít nhất hai cầu thủ U23 ra sân trong bất kỳ một trận đấu nào tại giải quốc nội. Trong đội hình xuất phát, Jordi Cruyff chủ yếu sử dụng ngoại binh và nhiều cầu thủ bản địa lớn tuổi, giàu kinh nghiệm. Không có cái tên nào trong nhóm U23.
Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi không chỉ Chongqing Lifan, mà nhiều CLB Trung Quốc tận dụng kẽ hở này để lách luật. Những nỗ lực cải thiện số phút thi đấu của các cầu thủ U23 tại CSL, coi như đổ sông đổ bể.
Thực tế, “Luật U23” ở CSL được điều chỉnh vài lần. Ban đầu, Hiệp hội bóng đá Trung Quốc (CFA) yêu cầu CLB phải tung ra sân số cầu thủ U23 bằng với số ngoại binh. Sau đó, CFA lại đổi luật, cho phép ít nhất 3 cầu thủ U23 được thi đấu, rồi cuối cùng giảm số lượng nhóm này xuống còn một người. Sức ép lớn từ chính các CLB lẫn giới truyền thông khiến người đứng đầu giải đấu phải thay đổi.
Tại AFC Champions League trong 2 năm gần nhất, các CLB Trung Quốc như Beijing Guoan hay Guangzhou FC cử lứa cầu thủ U21 đi cọ xát, và nhận về không ít chỉ trích. Việc ép chín lứa cầu thủ trẻ còn non nớt, thay vì trao cơ hội thi đấu ở đội một thường xuyên hơn, không phải nước đi hiệu quả của các CLB này.
Trong vòng một năm qua, cả Guangzhou FC và Jiangsu FC, hai CLB chịu chơi bậc nhất Trung Quốc trong quá khứ, đều giải thể vì kiệt quệ tài chính. Điều này lấy đi cơ hội thi đấu của nhiều cầu thủ trẻ tại Trung Quốc. Không ít người còn bị nợ lương trong nhiều tháng, và đành tìm cách cầu cứu với CFA.
Ở ĐTQG, scandal mua suất lên tuyển cũng gây rúng động hồi đầu năm nay. Liu Jianhong, bình luận viên nổi tiếng của đài CCTV, đưa ra thông tin các tuyển thủ dùng tiền mua suất thi đấu. Nhóm này còn có thể quy định số trận tối thiểu được chơi bóng.
“Tôi theo dõi nhiều cầu thủ thi đấu ở CLB. Họ chơi rất tốt, trái ngược hoàn toàn khi khoác áo tuyển quốc gia. Đây là điều không thể chấp nhận được“, HLV trưởng tuyển Trung Quốc, Li Xiaopeng nói.
Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc phải vào cuộc điều tra, để tìm ra những “kẻ trong bóng tối” và đưa ra biện pháp trừng trị thích đáng. Dễ dàng nhận thấy, sự có mặt của các cựu binh lấy đi cơ hội cọ xát của nhóm cầu thủ trẻ trên tuyển. Để nền bóng đá phát triển, cần làm sạch môi trường thi đấu và tạo ra sự cạnh tranh công bằng nhất cho tất cả.
Vấn đề nằm ở giáo dục học đường?
Simon Chadwick, Giáo sư thể thao tại trường Emlyon Bussiness kiêm Giám đốc Trung tâm phát triển cộng đồng thể thao Á-Âu, thừa nhận bóng đá Trung Quốc thiếu hụt nguồn nhân tài một cách trầm trọng. “Bóng đá là trò chơi của mọi người. Vài người gọi nó là môn thể thao toàn cầu. Thực tế, ở cả hai khía cạnh đó, tôi nghĩ Trung Quốc đều không xem trọng”, ông nói.
Theo giáo sư này, Trung Quốc sở hữu lượng fan bóng đá hùng hậu, nhưng “chỉ số ít thực sự hứng thú với bộ môn này”. Bóng đá không được ưa thích như cầu lông, bóng bàn hay bóng rổ tại xứ tỷ dân. “Ngay chính trong lòng Trung Quốc, vẫn còn những hạn chế khiến nền bóng đá không thể phát triển. Nó khác biệt so với những nơi khác trên thế giới”, ông Simon Chadwick phân tích thêm.
Năm 2015, chính quyền Bắc Kinh đưa ra kế hoạch giúp bóng đá trở thành môn thể thao phổ biến tại Trung Quốc. Trọng tâm phát triển là đào tạo những cầu thủ trẻ tài năng để tranh tài tại World Cup. Trong bản kế hoạch này, những người đứng đầu yêu cầu tất cả các trường đưa bóng đá vào chương trình giáo dục thể chất. Số lượng trường học có sân bóng đá phải tăng từ 5.000 lên 50.000, ở thời điểm năm 2025. Cho đến hiện tại, kế hoạch chưa mang đến thành công.
Giáo sư Simon Chadwick tin rằng nhiều bậc phụ huynh ở Trung Quốc còn hoài nghi khi cho con em đi theo con đường làm cầu thủ chuyên nghiệp. Ông đưa ra một phép so sánh giữa Trung Quốc và Anh, nơi những phụ huynh sẵn sàng ủng hộ nếu con theo nghiệp quần đùi áo số.
Quan sát hệ thống giáo dục Trung Quốc trong nhiều năm qua, ông Simon Chadwick nhận định “nền giáo dục tại đây không thực sự xem trọng bóng đá, và không dạy những kỹ năng cơ bản cho các cầu thủ trẻ”.
“Những cầu thủ vĩ đại là người có tư duy sáng tạo và tính độc lập cao. Họ rất giỏi trong việc đưa ra các quyết định. Tôi không nghĩ hệ thống giáo dục Trung Quốc dạy cho các cầu thủ trẻ được điều đó. Đối với họ, đây là những yếu tố không cần thiết“, giáo sư này kết luận.
Sau khi chính thức mất đi tấm vé dự World Cup 2022, Xiaoting Feng, cựu đội trưởng tuyển quốc gia Trung Quốc, thừa nhận sự thật đau lòng: “Thế hệ cầu thủ trẻ của chúng ta không đủ tốt“. Xiaoting Feng lo ngại kể cả ở World Cup 2026 hay 2030, Trung Quốc cũng khó có được tấm vé dự vòng chung kết.
Giải CSL, nền tảng tạo nên thành công cho ĐTQG, tạo dựng tiếng vang trên toàn thế giới về độ chịu chơi, với những bản hợp đồng bom tấn, chứ không nổi tiếng vì sự phát triển bền vững của bóng đá trẻ. Trong mắt dư luận quốc tế, bóng đá Trung Quốc nhận phải định kiến “chạy theo thành công mang tính thời điểm”.
James Rose, trong bài viết gần đây trên SCMP, thừa nhận sự thật đau lòng rằng “nền bóng đá Trung Quốc sở hữu lớp vỏ bọc hoành tráng, nhưng bên trong lại rỗng ruột“. Đó là hiện thực mà chưa biết đến khi nào, những người đứng đầu nền bóng đá Trung Quốc mới có thể giải quyết.