Nếu nhìn vào bản danh sách đăng ký thi đấu trận CLB Bình Định – HAGL, nhiều người hẳn đã nghĩ HLV Nguyễn Đức Thắng sẽ sử dụng sơ đồ 3 trung vệ với 3 cái tên Dương Thanh Hào, Adriano Schmidt và Trần Đình Trọng. Cách nghĩ ấy là có cơ sở khi thuyền trưởng CLB Bình Định cũng thử nghiệm sơ đồ 3 trung vệ trong quá trình chuẩn bị cho V-League 2022.
Nhưng khi bóng lăn, bất ngờ đã xuất hiện. CLB Bình Định vẫn vận hành với sơ đồ 4 hậu vệ truyền thống. Họ sử dụng một tiền vệ phòng ngự chơi trước cặp trung vệ Thanh Hào – Schmidt và sau lưng bộ đôi Hendrio Araujo – Lý Công Hoàng Anh.
Tiền vệ phòng ngự ấy là Trần Đình Trọng.
Nhờ đội hình lạ lẫm ấy, CLB Bình Định đã có một thế trận tốt. Trước phút 40, thời điểm họ chơi thiếu người, HAGL gần như không tạo ra được cơ hội nguy hiểm nào về phía khung thành của thủ môn Vũ Tuyên Quang.
Đoàn quân của HLV Kiatisuk chỉ có đúng một pha dứt điểm trong vùng cấm từ Vũ Văn Thanh ở phút 24.
Hầu hết đường lên bóng còn lại đều bị Đình Trọng bẻ gãy. Khi được nhô cao hơn, khả năng đọc tình huống, điểm mạnh trong lối chơi của cầu thủ sinh năm 1997 được phát huy. Anh có nhiều pha chủ động lao lên, cắt bóng ngay trong chân các tiền vệ HAGL.
Khi cần thiết, Đình Trọng sẵn sàng phạm lỗi chiến thuật. Đây là điều người hâm mộ đã được chứng kiến quá nhiều ở anh trong màu áo tuyển Việt Nam cũng như tại CLB Sài Gòn, Hà Nội. Sự khôn ngoan, tinh quái từ lâu đã trở thành thương hiệu của Đình Trọng. Không phải ngẫu nhiên mà cầu thủ chỉ cao 1,74 m như Đình Trọng lại được đặt biệt danh “chuyên gia săn Tây” ở V-League.
HLV Đức Thắng đã có một tính toán chính xác. Thời điểm này, CLB Bình Định thiếu một tiền vệ giỏi đánh chặn. Những cái tên như Hoàng Anh, Văn Thuận, Hồng Quân, Tiến Anh… đều khẳng định được khả năng ở V-League nhưng lối chơi của họ thiên về “chia bài” hơn đánh chặn.
Đương nhiên, Đình Trọng vẫn có một số lỗi vị trí khi thi đấu ở vai trò mới. Anh vẫn chưa thể phát động tấn công nhanh bằng những đường chuyền vượt tuyến. Nhưng màn trình diễn chung của Trọng vẫn là tích cực.
Khi trở về chơi trung vệ (sau khi Tuyên Quang bị đuổi), Đình Trọng lại thể hiện được giá trị. Anh có nhiều pha cắt bóng, giải vây cho đồng đội. Một trong số đó là tình huống phá bóng trên vạch vôi, ngăn Văn Thanh ghi bàn ở phút thứ 58.
“Tôi xếp Đình Trọng đá tiền vệ phòng ngự bởi tôi hiểu rõ khả năng của cậu ấy. Với đội kiểm soát bóng tốt như HAGL và có những cầu thủ kỹ thuật như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, tôi cần Trọng đá ở vị trí này”, HLV Đức Thắng chia sẻ trong cuộc họp báo sau trận đấu.
Cách sắp xếp này không chỉ mở ra phương án mới cho CLB Bình Định mà còn mang lại cơ hội để Đình Trọng trở lại đội hình chính tuyển Việt Nam.
Trong những chiến dịch lớn thời gian qua của tuyển Việt Nam, số trận thi đấu của Đình Trọng có thể đếm trên đầu ngón tay. Năm 2021, anh có 34 phút ra sân ở trận thua Saudi Arabia (vòng loại thứ 3 World Cup 2022), 4 phút góp mặt trong trận thắng Lào (AFF Cup 2022).
Sang năm 2022, Đình Trọng có lần lượt 90 phút và 45 phút thi đấu trước Australia và Trung Quốc ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Mới nhất, anh chơi 81 phút trong chiến thắng 2-0 trước Afghanistan ở trận giao hữu.
Với một cầu thủ đẳng cấp như Đình Trọng, những con số đó là khá khiêm tốn. Sau khoảng thời gian dài chấn thương, anh dần đánh mất vị trí chính thức khi có những nhân tố mới nổi lên như Nguyễn Thành Chung, Bùi Hoàng Việt Anh hay Nguyễn Thanh Bình. Trong khi đó, Quế Ngọc Hải, Bùi Tiến Dũng hay Đỗ Duy Mạnh vẫn giữ được vị trí.
Nhưng sau khi chứng kiến màn trình diễn của Đình Trọng trước HAGL, người hâm mộ có thể nghĩ về kịch bản trung vệ này sắm vai tiền vệ trụ ở tuyển Việt Nam trong tương lai, nhất là khi HLV Park Hang-seo không còn trong tay cầu thủ nào thực sự giỏi đánh chặn ở trung tuyến.