World Cup 2026 tại Canada và Mỹ là kỳ cúp thế giới đầu tiên trong lịch sử mà lục địa đông dân nhất, châu Á, sở hữu tới 8,5 suất tham dự. Với vị trí thứ 17 châu Á hiện tại, cơ hội để tuyển Việt Nam lần đầu giành vé tới ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh lớn cỡ nào?
Trên thực tế, ngay từ khi FIFA manh nha ý định nâng số đội dự World Cup lên thành 48 đội, những kỳ vọng về cơ hội cho tuyển Việt Nam đã được đề cập bất chấp thành tích không tốt khi đó. Bởi vậy khi tuyển Việt Nam đã lột xác trong 4 năm qua, những kỳ vọng lại càng trở nên có cơ sở.
Trên lý thuyết, 8,5 vé dự World Cup của châu Á có thể chia thành 3 “miếng bánh” với kích cỡ khác nhau. 6 tấm vé đầu tiên dự World Cup 2026 sẽ thuộc về các đội nhất và nhì bảng ở vòng loại thứ ba, giai đoạn 18 đội chia vào 3 bảng và tuyển Việt Nam có khả năng lớn được tham dự. Chúng ta chỉ phải đấu với những đối thủ vừa sức hoặc yếu hơn ở vòng loại thứ hai trước đó. Với hạng 17 châu Á, tuyển Việt Nam không cần dự vòng loại thứ nhất.
Nếu nhìn lại vòng loại World Cup 2022, 6 tấm vé này khó lọt khỏi tay những ông lớn Iran, Hàn Quốc, UAE, Saudi Arabia, Nhật Bản và Australia. Thực tế nói rằng tuyển Việt Nam gần như không có cơ hội cạnh tranh với nhóm này dù nỗ lực đến cỡ nào.
Cơ hội của Quang Hải và các đồng đội nằm ở phần bánh còn lại. Đầu tiên là 2 tấm vé trực tiếp tiếp theo ở vòng loại thứ 4. Giai đoạn này, các đội xếp thứ 3 và 4 vòng loại thứ ba (6 đội) sẽ được AFC chia thành 2 bảng, mỗi bảng 3 đội và thi đấu theo thể thức vòng tròn một lượt. 2 đội nhất bảng giành 2 suất trực tiếp dự vòng chung kết World Cup 2026.
Vị trí thứ 3 hoặc 4 ở vòng loại thứ ba là mục tiêu khả thi và rõ ràng nhất của tuyển Việt Nam. Chúng ta có thể tận dụng thời cơ nếu những lá thăm đưa ta gặp những đội không vượt quá xa về đẳng cấp như Trung Quốc, Syria hay Lebanon hoặc các đội Đông Nam Á nằm cùng bảng ở giai đoạn này.
Cơ hội cuối cùng với tuyển Việt Nam là đứng nhì bảng ở vòng loại thứ tư. Khi đó, chúng ta sẽ đá vòng play-off để chọn ra đại diện cuối cùng của châu Á rồi tiếp tục đá play-off liên lục địa. Đối thủ ở vòng play-off liên lục địa vốn chưa được FIFA xác định.
Năm 2005, Bahrain đã thất bại trước Trinidad & Tobago trong trận play-off liên lục địa này. Trước đó vào năm 2001, Iran thua Ireland ở trận đấu có ý nghĩa tương tự. Năm 2009, Bahrain thua New Zealand. Năm 2013, Jordan thua Uruguay. Vị trí thấp nhất trên BXH FIFA của các đại diện châu Á trong những thất bại này thuộc về Jordan, đứng thứ 78, vào năm 2013.
Tuyển Việt Nam hiện đứng thứ 97. Tuy nhiên trong một ngày đẹp trời, chúng ta đã quật ngã Trung Quốc 3-1, đội đứng thứ 78 trên BXH FIFA. Điều đó có nghĩa vé dự World Cup vẫn xa xôi nhưng không còn là điều bất khả thi.
Tuyển Việt Nam đã kéo lùi khoảng cách với nhiều đội tốp đầu châu Á sau khi dự vòng loại thứ ba World Cup 2022 vừa qua. Nếu tiếp tục tiến bộ trong 3 năm tới, việc Quang Hải, Hoàng Đức, Văn Hậu… đặt chân lên đất Mỹ và Canada trong giai đoạn hoàng kim của sự nghiệp không phải viễn cảnh trong những giấc mơ.
4 vòng loại của World Cup 2026 khu vực châu Á
Vòng 1: 22 đội tuyển xếp hạng từ 26 tới 47 châu Á theo FIFA Ranking sẽ đối đầu trực tiếp theo thể thức sân nhà – sân khách, chọn ra 11 đội chiến thắng để bước vào vòng loại thứ hai.
Vòng 2: Các đội xếp hạng 1-25 sẽ cùng 11 đội tuyển ở vòng loại thứ nhất tiến hành bốc thăm, chia làm 9 bảng, mỗi bảng 4 đội. Các đội thi đấu vòng tròn một lượt để chọn ra 2 đội đứng đầu mỗi bảng đến vòng loại thứ ba.
Vòng 3: 18 đội sẽ chia vào 3 bảng, mỗi bảng 6 đội. Các đội thi đấu theo thể thức vòng tròn một lượt, tiếp tục chọn ra 2 đội đứng đầu mỗi bảng, giành 6 vé đầu tiên tới World Cup 2026.
Vòng 4: Các đội xếp thứ 3 và 4 ở vòng loại thứ ba (tổng 6 đội) được chia thành 2 bảng, mỗi bảng 3 đội và thi đấu theo thể thức vòng tròn một lượt. Hai đội nhất bảng giành suất trực tiếp dự vòng chung kết World Cup 2026.
Vòng play-off: Hai đội nhì bảng vòng loại thứ 4 sẽ đối đầu trực tiếp để tìm ra đội thắng, đồng nghĩa sở hữu 0,5 suất còn lại đi World Cup. Đội thắng giành suất đi thi đấu ở vòng play-off liên lục địa.