Nếu phải khóc vào lúc này và dù cho đã chực trào nước mắt vì một điều gì đó, bạn cũng nên để dành những giọt cảm xúc ấy cho rạng sáng thứ tư tới, hoặc may mắn hơn là tối chủ nhật tuần này, thời điểm trận chung kết World Cup 2022 khép lại.
Xin đừng vội tức giận, đây không phải mệnh lệnh vô lý hay bắt buộc gì cả mà chỉ là một lời khuyên chân thành.
Ngày vui sắp qua
Bởi quả thực, có một sự thấm thía gần như không thể chịu đựng nổi khi xem Messi thi đấu trong những ngày này. Đó là điều chúng ta đã xem, đã thảo luận, đã quan tâm trong suốt một chặng đời không hề ngắn và thậm chí là điều ta gửi gắm một phần tâm hồn.
Nhưng giờ đây, điều tuyệt diệu ấy sắp vẫy tay chào.
Với cá tính của mình, gần như chắc chắn Messi sẽ không giải nghệ ngay sau khi World Cup kết thúc. Nhưng rõ ràng, đây là những ngày quan trọng đối với anh.
Bởi nếu có giành thêm một hoặc hai danh hiệu Ligue 1 hoặc thậm chí vô địch Champions League cùng Paris Saint-Germain trong vài năm nữa, di sản vĩ đại của “El Pulga” vẫn sẽ bị thiên hạ đánh giá là thiếu sót. Chỉ khi đặt được thêm chiếc cúp vàng thế giới vào rương báu ấy, lời ngụy biện cuối cùng chống lại sự vĩ đại của anh mới biến mất.
Điều đáng nói là khi “El Pulga” càng tiến gần thêm đến trận chung kết ở giải đấu cuối mà anh cần nỗ lực hết mình này, chúng ta lại càng xót xa tiếc nuối. Bởi ngày Messi nâng cao bảo vật mà anh hằng mơ cũng chính là lúc anh đặt xuống chiếc đũa phép của mình.
Thế nên không hề ngoa khi nói mỗi trận đấu của Messi tại kỳ World Cup đặc biệt này là một biểu tượng cho sự mong manh nhất thời của vẻ đẹp con người trước sự trường tồn thời gian.
Trong bối cảnh đó, thật dễ hiểu khi tập thể Argentina luôn thường trực sự căng thẳng trên đất Qatar. Thật dễ hiểu khi khát khao của họ dâng tràn đến thế và cũng thật dễ hiểu khi các cầu thủ và CĐV “Albiceleste” có sự đồng cảm đến mức độ ấy trong từng cung bậc cảm xúc vui buồn.
Song, lại có điều chưa rõ ràng là liệu cơn bão cảm xúc ấy sẽ thúc đẩy hay bóp nghẹt họ trong giai đoạn quyết định này, nhất là sau những diễn biến khó lường mà Argentina đã trải qua ngay từ trận khai mạc đến tận loạt luân lưu của vòng tứ kết. Liệu họ có còn bị dồn vào cửa tử? Có còn phải tựa lưng vào sông mà chiến đấu? Và trong hoàn cảnh đó, liệu họ có còn đủ bản lĩnh để vượt qua?
Thế hệ sắp bị vùi lấp
Với ĐT Argentina, đây thậm chí không chỉ là câu chuyện về Messi mà còn về vẻ đẹp sắp biến mất của một thời đại. Đó là kỷ nguyên mà thật thú vị, đã bắt đầu từ chính mảnh đất đất Qatar vào năm 2005 khi HLV Jose Pekerman dẫn dắt U20 Argentina giành chức vô địch U20 World Cup.
Không cần nói cũng biết, người dân xứ tango đã kỳ vọng lớn đến thế nào về tiềm năng của những thế hệ ấy. Song kết quả thật thất vọng. Giữa hai chức vô địch Copa America 1993 và 2021, tuyển Argentina không giành được danh hiệu nào suốt 28 năm ròng rã.
Rất nhiều cầu thủ tài năng khởi đi từ giai đoạn vô địch U20 World Cup 5 lần ấy đã không thành công cùng ĐTQG. Để rồi đến nay, chỉ còn đúng ba người sót lại: Messi, nhà vô địch U20 World Cup 2005 cùng Papu Gomez và Angel Di Maria, vô địch năm 2007.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của HLV Pekerman thì vẫn còn. Chính ông sau khi thăng tiến lên HLV ĐTQG đã trao cơ hội dự World Cup đầu tiên cho Messi khi anh mới 19 tuổi. Trong khi đó, HLV hiện tại của Argentina, Lionel Scolani, cùng hai trợ lý Pablo Aimar và Walter Samuel, cũng từng là học trò của Pekerman trong đội hình vô địch U20 World Cup 1997 tại Malaysia.
Nhưng trong số đó, niềm cảm hứng từ Messi chắc chắn vẫn là điều quan trọng nhất.
Bóng ma trên sa mạc
Bên cạnh những nghĩa vụ với tập thể, Messi luôn có nhịp độ riêng biệt. Giờ đây khi luống tuổi, xu hướng “lang thang” khắp nơi để đánh giá rồi khai thác điểm yếu đối phương của anh lại ngày càng rõ rệt.
8 năm trước, khi bắt đầu tái sinh thành một HLV theo chủ nghĩa thực dụng, Louis van Gaal từng ngăn chặn thành công Messi trong trận bán kết World Cup 2014 bằng cách để Nigel de Jong đeo bám anh như hình với bóng. Nhưng điều đó không còn áp dụng được cho Messi ngày nay.
Giờ đây, anh như thể một bóng ma trôi nổi ngoài rìa trận đấu cho đến thời điểm thích hợp mới ra mặt. Có thể kèm chết một con người nhưng kèm bóng ma là bất khả.
Bởi vậy, có nói hàng triệu lời về thông số di chuyển thấp của Messi cũng vô nghĩa. Và sẽ là sai lầm chí mạng nếu lơi lỏng dù chỉ một giây khi đối đầu anh.
Hãy nhớ lại trận tứ kết với Hà Lan, có mảy may chút mùi nguy hiểm nào không khi Messi nhận bóng gần giữa sân ở phút 35? Chẳng có gì nhiều, vẫn còn tới 7 cái bóng áo cam sẵn sàng phòng ngự trong khi chỉ 3 người áo sọc xanh trắng sẵn sàng cho đợt tấn công. Muốn đột kích khung thành chỉ với lực lượng như vậy ư?
Nhưng rồi chỉ một khắc lơ là sau đó của Hà Lan là đủ để Messi tách khỏi Nathan Ake và thực hiện một đường chọc khe đầy phi lý với quan niệm thông thường nhưng là hoàn hảo khi “El Pulga” thực hiện.
Lợi thế quân số của Hà Lan tan vỡ hoàn toàn chỉ vì một giây mất cảnh giác còn phía trong vòng cấm, Nahuel Molina nhận được một đường chuyền có lực và độ chính xác hoàn hảo đến mức anh chẳng thể không ghi bàn.
Đây chính là World Cup hay nhất trong sự nghiệp của Messi, thậm chí hơn cả năm 2014 khi anh được trao Quả bóng vàng World Cup. Trước giải đấu năm nay, “El Pulga” chưa từng ghi bàn ở vòng knock-out giải đấu thượng thặng này. Nhưng giờ đây, anh đã ghi hai và kiến tạo một bàn ở vòng 1/8 và tứ kết trên đất Qatar.
Bản lĩnh và khả năng làm chủ cảm xúc trong những thời khắc then chốt của Argentina vẫn còn bị đặt dấu hỏi. Đơn cử khi nhiều đồng đội của Messi tỏ ra quá căng thẳng và mất kiểm soát ở cuối trận gặp Hà Lan, tạo điều kiện cho đối phương vùng lên gỡ hòa từ thế bị dẫn hai bàn.
Thế nhưng thách thức cũng chính là cơ hội. Năm 1986, việc Diego Maradona truyền cảm hứng cho một tập thể không quá xuất sắc đánh chiếm ngai vàng thế giới là vinh quang lớn nhất trong cuộc đời ông. 36 năm sau, Messi có thể làm điều tương tự.