Messi Là Món Quà Của Tạo Hóa 639dc2e196aab.jpeg

Messi là món quà của tạo hóa

 - Bóng Đá

 

Ba trong số ít những pha bóng ấn tượng nhất tại World Cup 2022 gắn với cái tên quen thuộc Lionel Messi. Pha ghi bàn vào lưới Mexico với với một khoảng hở rất hẹp. Thứ hai là pha chuyền bóng cho Nahuel Molina ghi bàn vào lưới Hà Lan. Thứ ba là pha bóng đùa giỡn trung vệ người Croatia và chuyền bóng cho Julian Alvarez ghi bàn.

Nếu yêu bóng đá và Messi, bạn từng xem hàng nghìn pha bóng như vậy của Messi trong gần 20 năm qua. Nếu chưa yêu Messi, hãy mở Youtube lên, dành chút ít thời gian, chắc chắn bạn sẽ yêu Leo. Không hẳn Messi chơi bóng, anh đánh bại các quy tắc vật lý.

Hay xem pha bóng Messi đánh bại Josko Gvardiol. Trung vệ người Croatia kém “El Pulga” 15 tuổi, cao hơn 16 cm (1,85 m và 1,69 m), nặng hơn 7 kg (80 kg và 73 kg). Làm thế nào để một người lớn tuổi, nhỏ con hơn chiến thắng trong cuộc đấu một chọi một?

 - Bóng Đá

Messi trong pha một đấu một với trung vệ Gvardiol của Croatia.

“Ngài ban cho tôi món quà đó”

Vấn đề không phải là tốc độ, như Lee Dixon, cựu hậu vệ phải Arsenal nhận xét. Đó là sự biến tốc. Chậm lại rồi tăng tốc, rồi giảm rồi tăng, liên tục như vậy. Gvardiol nghĩ rằng Messi chậm lại thì sẽ bắt được. Ý nghĩ vừa lóe trong đầu trung vệ Croatia thì đối phương tăng tốc. Thêm một cú nhún vai đánh lạc hướng của Leo, làm Gvardiol mất thăng bằng, và trung vệ Croatia bị bỏ lại.

Nếu lao ẩu vào hoặc dùng chân quét thì có thể ngăn chặn được Messi, nhưng Gvardiol là trung vệ văn minh. Anh không chọn cách như vậy. Cũng một phần khác là do Messi quay lưng lại với Gvardiol, theo đó trung vệ Croatia hoàn toàn có Leo trong tay, nhìn được số 10 của Argentina làm gì. Trong khi đó, đối thủ không nhìn được mình. Lợi thế lớn như vậy, việc gì phải chọn cách chơi xấu.

Không hẳn là chơi xấu nhưng thật ra, Gvardiol có những “tác động vật lý” như cách nói bóng bẩy của các bình luận viên truyền hình, nhằm làm Messi mất thăng bằng với phần thân trên của anh. Gvardiol có 4 lần kéo vai trái của Messi, nhằm kéo Leo rời xa quả bóng, mục tiêu thấp hơn là làm mất thăng bằng, mục tiêu thấp hơn nữa là kiểm soát nhịp độ. Nhưng cả ba mục tiêu đều bất thành.

Lý do? Messi đọc được những cú kéo và xô này để quyết định khi nào nên thực hiện bước đi tiếp theo của anh ấy. Lý do thứ hai thuộc về mặt hình thể, Messi người dài chân ngắn, trọng tâm thấp, nên giữ thăng bằng tốt. Bạn có thể khiến thân trên của anh rời khỏi vị trí cân bằng nhưng không thể làm điều tương tự với thân dưới.

Khi Messi bắt đầu xoay người ở góc dưới cùng, Gvardiol dùng hai tay xô mạnh vào hông Leo và thêm một cú kéo vào vai trái nữa, nhưng Messi vẫn giữ được bóng dưới chân, đồng thời tăng tốc để thực hiện pha kiến tạo. Vẫn là sức mạnh của thân dưới. Thân dưới khỏe và trọng tâm thấp cũng giúp Messi xoay trở và đổi hướng tốt hơn nhiều so với các đối thủ cao to. Và cũng giúp anh khó bị đẩy ngã hơn.

Bạn có thể xem nhiều video khác, Messi còn bị xô, kéo mạnh hơn như vậy nhưng cuối cùng anh vẫn là người chiến thắng. “El Pulga” quá quen với việc bị như vậy và không bao giờ nao núng.

 - Bóng Đá

Hệ thống phanh tuyệt vời giúp Messi thực hiện lối chạy biến tốc gây bất ngờ cho đối thủ.

Messi rất giỏi trong việc biến tốc như Dixon nhận định. Đó là bởi cơ thể anh có hệ thống phanh tuyệt vời. Đang chạy nhanh, Leo có thể dừng lại. Lối rê dắt bóng của Messi, nếu nhìn kỹ và phân tích bằng video quay chậm, là tổng hợp của nhiều nhịp chạy và dừng, chạy và dừng như vậy. Đó lý do một tay chạy nước rút không thể trở thành người giỏi trong bóng đá. Đang chạy nước rút mà dừng lại ngay thì có nguy cơ chấn thương lớn.

Cách chạy của Messi cũng khác người. Khi chạy, chân anh chạm đất nhiều hơn so với người bình thường. Tức là khi hai chân của đối thủ bám theo Messi vẫn ở trên không thì chân anh tiếp đất. Và nhờ vậy anh thay đổi hướng đi bóng của mình, thoát khỏi tầm truy cản của đối thủ.

Messi từng nói trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi chơi như vậy khi còn nhỏ, tôi thực sự không tập để chơi như vậy. Chúa khiến tôi chơi như vậy. Ngài ban cho tôi món quà đó. Không có món quà này, tôi sẽ không đi đến đâu hết”.

“Anh ấy giống nhân vật trong The Matrix”

Phương trình Messi thiên tài gồm 3 tham số. Thứ nhất là “phần cứng” như đã nói ở trên, gồm cơ, bắp, khớp và các đặc điểm thể chất được tạo hóa ban tặng. Thứ hai là “phần mềm” là nhận thức, hành động và ra quyết định của bộ não. Thứ ba là hệ thống thần kinh kết nối giữa “phần mềm” với “phần cứng”.

 - Bóng Đá

Kể cả quay lưng lại đối thủ, Messi cũng làm các đối thủ của anh toát mồ hôi.

Messi là cầu thủ đi bộ nhiều nhất World Cup 2022, hơn cả các thủ môn Yassine Bounou, Andries Noppert. Nhưng không phải đi bộ vẩn vơ, giữ sức hay chờ đồng đội đưa bóng đến. Mà anh phân tích các đối thủ, tìm ra điểm yếu và thói quen của từng người, vị trí nào tốt nhất để nhận bóng, khoảng cách giữa hai trung vệ đối phương. Rất nhiều phân tích như vậy. Những quyết định Messi đưa ra khi không có bóng giúp anh chơi tốt hơn khi có bóng.

Các HLV dễ dàng phân tích khi mổ băng, ngồi trước máy tính với đủ loại phần mềm hỗ trợ. Nhưng Messi làm điều đó ngay trong trận đấu, với bộ não của mình. Đó là sự khác biệt của anh so với mọi người. Đó là thiên tài.

Robert Moreno, người làm việc với Messi trong 3 năm với tư cách là trợ lý cho Luis Enrique ở Barca, còn thần thoại hóa Messi lên một bậc nữa. “Anh ấy giống nhân vật trong The Matrix, bạn có nhớ cảnh nhân vật đang di chuyển cơ thể và tất cả viên đạn bay chậm không? Tất cả mọi thứ đang diễn ra trong tâm trí anh ấy chậm hơn so với những gì đang xảy ra với phần còn lại của thế giới”. Nghĩa là mắt ta nhìn sự vật hiện tượng ở tốc độ bình thường thì Messi nhìn nó di chuyển ở tốc độ thấp, nên nhìn tường tận mọi thứ hơn.

Điều này nghe có vẻ hoang đường. Nhưng đó là một phần lý do để giải thích tại sao Messi lại đùa giỡn với Gvardiol và hàng trăm cầ thủ khác được như vậy? Anh có khả năng theo dõi các chuyển động vi mô trên cơ thể của đối thủ, nhằm dự đoán hướng di chuyển và đưa ra quyết định cho mình.

Nên cách đi bóng đặc trưng của Messi là đi bóng dưới tốc độ tối đa, khuyến khích đối thủ trước mặt tiến vào anh. Khi đối phương tiến vào, Leo đổi hướng, giống như một đấu sĩ bò tót, cầm miếng vải đỏ nhứ con bò lao vào, khi nó lao vào, anh chuyển hướng. Điều này một phần giải thích cho lối biến tốc của Messi đã nói ở trên. Biến tốc vừa được thực hiện bởi sự ưu việt của “phần cứng” và cũng được trợ giúp đắc lực của “phần mềm”.

Nếu Kylian Mbappe đấu một chọi một với bạn, anh ta sẽ đẩy bóng lên phía trước để bứt tốc vượt qua bạn. Bạn hoàn toàn biết ý đồ đó. Nhưng bạn không thể biết Messi sẽ làm gì tiếp theo với bạn khi quả bóng nằm trong chân anh. Khi bạn biết Leo làm gì, thì anh ấy đã ở xa bạn rồi.

 - Bóng Đá

Đầu óc Messi không ngừng phân tích các dữ liệu anh thu thập trên sân.

Cơ bắp của Messi còn có cả trí tuệ

Phần thứ ba là hệ thống thần kinh truyền tín hiệu từ “phần mềm” tới “phần cứng”. Một cách thô sơ thì ta có thể nói đó là phản xạ tự nhiên. Khi bạn nhận thức được vật gì đang đe dọa đôi mắt bạn, tay bạn sẽ đưa lên và mắt bạn sẽ khép lại.

Ở mức độ cao hơn, của một vận động viên, luyện tập nhiều cũng là nhằm đến mục đích tạo cho cơ bắp của mình trí nhớ. Tức là đưa phản xạ tự nhiên vào một loại vận động nào đó cụ thể, phục vụ một nghề nghiệp nào đó. Roger Federer khi vung vợt lên đánh trái bóng sẽ không bao giờ cần nghĩ đánh nó thế nào, cơ bắp của anh có trí nhớ để làm việc đó, không cần phải đến bộ não làm việc này.

Nhưng đối thủ của Federer đứng bên kia lưới, cách anh vài chục mét, anh có thời gian để làm tốt việc của mình. Còn đối thủ của Messi ngay trước mặt, có khi ốp sát lưng. Anh vẫn thắng được đối thủ thì có thể nói là cơ bắp của anh không chỉ có trí nhớ, mà nó có cả trí tuệ nữa.

Đó là thứ ta gọi là “trí thông minh bóng đá” (football intelligence), một thứ khác với trí thông minh mà một người bình thường có. Đó là thứ mà bạn không thể giải thích. Cũng như khi bạn được yêu cầu giải thích việc “tại sao chúng ta nói khi chúng ta nói”. Nói gồm rất nhiều thứ cộng lại: miệng, răng, môi, thanh quản, cổ họng, thần kinh, bộ não, kiến thức, ký ức,… Và không ai nói giống ai.

Tương tự như vậy, các cầu thủ bóng đá có thể làm mọi việc nhưng họ không thể giải thích tại sao họ làm được những việc đó. Messi là biểu hiện tối đa của tình huống này. Anh tìm ra những giải pháp mà người khác không thể tìm ra.

Nguồn: Zing.vn
Chính Phong | 18:30 17/12/2022