Cristiano Ronaldo muốn tiếp tục được hô vang tên ở Champions League trong các thánh đường bóng đá tại Madrid, Milan hay Munich. Anh kỳ vọng sải bước trên những sân khấu lớn nhất, so tài với những cầu thủ hàng đầu nhưng không được.
Thay vào đó, ánh hào quang sự nghiệp của Ronaldo mờ dần tại Mrsool Park, sân vận động nhỏ bé của Al Nassr trong khuôn viên trường Đại học King Saud. Đoạn kết có phần nghiệt ngã dành cho Ronaldo, một trong những cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử.
Người ta nói nhiều về việc vị thế của Ronaldo suy giảm. Tuy nhiên, khi đôi chân đã mỏi, tới Trung Đông chính là lựa chọn tốt nhất của Ronaldo ở buổi xế chiều sự nghiệp.
Trải nghiệm mới
Tại Al Nassr, CR7 hưởng mức lương khổng lồ. Hợp đồng có thể lên tới 200 triệu euro mỗi năm, theo Marca. Khi tuyên bố muốn rời Manchester United, Ronaldo quyết tâm chơi bóng ở UEFA Champions League. Nhưng không nhiều đội bóng lớn ở châu Âu trải thảm đỏ chào đón anh.
Sau khi bị “Quỷ đỏ” hủy hợp đồng cùng với một kỳ World Cup 2022 thất vọng, Ronaldo chấp nhận bản thân không thể trụ lại châu Âu. Lời đề nghị với hợp đồng béo bở từ Al-Nassr, vốn được đưa ra trong gần hai tháng, hóa ra là lựa chọn tốt nhất và duy nhất cho một trong những cầu thủ vĩ đại nhất.
Tại Trung Đông, Ronaldo sát cánh bên những đồng đội mới như cựu thủ môn Arsenal David Ospina, tiền đạo người Cameroon Vincent Aboubakar và Talisca, chân sút người Brazil đang dẫn đầu danh sách ghi bàn ở giải Saudi Pro League với 9 pha lập công. Odion Ighalo, cựu tiền đạo Manchester United, đang xếp thứ 2 với 7 bàn trong màu áo Al Hilal.
Cuộc sống ở Saudi Arabia sẽ là trải nghiệm hoàn toàn mới đối với Ronaldo. Trước đó, sự nghiệp của tiền đạo 37 tuổi gắn liền với các thành phố mang tính lịch sử của môn thể thao vua như Lisbon, Manchester, Madrid và Turin.
Ronaldo chắc chắn tạo nên một cơn sốt ở Saudi Arabia. Tuy nhiên, ở quốc gia này, các cầu thủ bóng đá hưởng nhiều đặc quyền không riêng gì Ronaldo.
Khi ký hợp đồng với các đội Saudi Pro League, những cầu thủ hàng đầu kiếm được thu nhập tương đương mức lương ở các giải đấu lớn của châu Âu. Túi tiền của họ luôn rủng rỉnh và được đãi ngộ tốt nên hiếm khi một cầu thủ Saudi Arabia tìm cách chuyển đến châu Âu chơi bóng.
Một nguồn tin nói với ESPN rằng các cầu thủ Saudi Arabia được “đối xử như những ngôi sao nhạc rock” và được cấp “những ngôi nhà lớn trong khu phức hợp tốt nhất với những căn hộ sang trọng được kiểm soát an ninh tối ưu và có thể chọn bất kỳ chiếc xe nào họ thích”.
Saudi Arabia không áp thuế với công dân của họ. Với những người ngoại quốc sinh sống và làm việc tại đất nước này, họ chỉ chịu 20% mức thuế cố định. Hay nói cách khác, Ronaldo và tất cả cầu thủ nước ngoài ở Saudi Pro League sẽ mất ít thu nhập hơn so với khi thi đấu ở các giải đấu châu Âu.
Tất nhiên, Ronaldo có thể mong đợi bản thân được hưởng mọi đặc quyền như những cầu thủ giỏi nhất ở Saudi Arabia. Một biệt thự sang trọng trong khu phức hợp Al Muhammadiyah danh tiếng, ngôi trường tốt nhất cho con cái và một bộ sưu tập xe hơi đắt đỏ. Nhưng Ronaldo cũng sẽ trải nghiệm một số khía cạnh không hoàn hảo ở thành phố Riyadh như tắc đường và khói bụi.
Sân Mrsool Park chỉ chứa 25.000 khán giả khi được lấp đầy. Nó gọn gàng và ngăn nắp, với những chiếc ghế màu vàng và xanh phù hợp với áo đấu của Al-Nassr. Tuy nhiên, sức chứa này lại nhỏ bé so với Old Trafford hay Santiago Bernabeu.
Cũng không có bất kỳ cửa hàng bán đồ lưu niệm nào của câu lạc bộ tại sân vận động. Nếu cổ động viên muốn mua một chiếc áo đấu của Ronaldo với số 7 đặc trưng sau lưng, họ sẽ phải đi đến cửa hàng nhỏ của đội bóng cách đó 30 phút đi xe.
Điều đó chứng tỏ Al-Nassr chưa hoàn toàn sẵn sàng cho cơn bão mà Ronaldo sắp mang lại. Al Ittihad sở hữu sân nhà lớn nhất Saudi Arabia. Số khán giả trung bình đến sân mỗi trận đạt 31.309 người tại sân King Abdullah Sports City so với sức chứa 62.000 chỗ ngồi trong mùa 2021/22. Nhà đương kim vô địch Al Hilal có trung bình 13.192 cổ động viên đến theo dõi tại sân King Fahd, sức chứa 67.000 người, trong khi Al-Nassr chỉ có thể thu hút lượng khán giả trung bình là 8.121 người tại Mrsool Park.
Dù to hay nhỏ, chỉ một nửa khán đài sân được lấp đầy là đặc điểm chung ở giải Saudi Pro League. CR7 có thể sớm phải làm quen với điều đó ở Saudi Arabia. Khi Ronaldo xuất hiện, giới chức kỳ vọng điều này thay đổi.
Thử thách ở Saudi Arabia
Bỏ qua những câu chuyện bên lề, Ronaldo sẽ bước vào các trận chiến thật sự khốc liệt tại Trung Đông. “Bóng đá ở Saudi Arabia là có thật”, Ian Cathro, trợ lý Giám đốc Al Ittihad, nói với ESPN. “Khi tôi đến đây làm việc với Nuno Espirito Santo, điều khiến tôi ấn tượng là mọi thứ rất cạnh tranh và đam mê, giống như những nơi khác tôi đã làm việc. Cơ sở vật chất thật tuyệt vời, ở đây có cường độ chơi bóng rất cao và các cầu thủ có chất lượng hàng đầu. Đó là điều chúng ta đã thấy với Saudi Arabia tại World Cup 2022″.
“Việc các cầu thủ hay nhất của Saudi Arabia vẫn chơi ở giải quốc nội cũng là một niềm tự hào. Tôi chắc chắn sự xuất hiện của Ronaldo chỉ khiến mọi thứ lớn mạnh hơn và đưa bóng đá Saudi Arabia trở nên vững chắc trên bản đồ thế giới”, Cathro kết luận.
Al Nassr mô tả việc ký hợp đồng với Ronaldo là “lịch sử đang hình thành”, đồng thời nói thêm rằng anh sẽ “truyền cảm hứng cho quốc gia và các thế hệ nam nữ tương lai để trở thành phiên bản tốt nhất của chính họ“. Đó là di sản mà Ronaldo muốn để lại tại Saudi Arabia.
Tuy nhiên, khi anh đặt chân lên mặt sân Mrsool Park, rất có thể trong cuộc đụng độ với Al Taee vào ngày 5/1, câu chuyện sẽ trở nên thực tế hơn rất nhiều. Saudi Arabia mang tới cho Ronaldo một cuộc sống như ông hoàng nhưng trên sân, không chắc đối thủ sẽ cho anh có được sự thoải mái.
“Saudi Pro League không phải giải đấu để Ronaldo dạo chơi”, ESPN khẳng định.