Bao nhiêu ngày tháng đã trôi qua, bấy nhiêu giải đấu sát cánh cùng nhau rồi, thật hiếm khi Hoàng Đức thấy đội trưởng mắc sai lầm như vậy.
Nhưng cũng dễ hiểu thôi, giữa cảnh dầu sôi lửa bỏng này, nhấc chân bước thôi cũng đã khó. Rủi ro sai sót hoàn toàn có thể xảy ra với cả những người uy tín nhất.
Nhưng làm gì còn thời gian để bất ngờ. Phải tận dụng từng khoảnh khắc. Trong khi giữ tối đa cảm quan, hai chân phải lao hết tốc lực về sân nhà.
Bởi nơi đó, rất nhiều thứ đang cần Hoàng Đức hỗ trợ bảo vệ: Số mệnh của tập thể và đồng đội; niềm tin và hi vọng của hàng triệu người dân đất nước này; và cả điều quý báu của chính anh nữa – một ước mơ còn dang dở…
Trận đấu trong mơ
“Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia trận chung kết giải vô địch Đông Nam Á. Cơ hội này gợi nhớ sâu sắc kỷ niệm về lần đầu tiên Việt Nam lên ngôi vào năm 2008. Lúc đó tôi còn rất là nhỏ và ngồi xem cùng gia đình”.
“Sau khi chứng kiến những đàn anh, đàn chú giành được chức vô địch và ăn mừng, tôi rất vui, hào hứng và cũng có suy nghĩ rằng nếu một ngày nào đó được chơi trận chung kết trong màu áo ĐT Việt Nam, tôi sẽ cố gắng mang lại vinh quang cho Tổ Quốc”.
Đó là những lời lần đầu Hoàng Đức kể, trên kênh truyền thông của AFF Cup trước thềm chung kết năm nay. 15 năm đã trôi qua từ buổi tối khắc sâu vào tuổi thơ của Hoàng Đức.
Dù đã 2 lần giành Huy chương Vàng SEA Games và cùng ĐT Việt Nam chinh chiến ở những trận cầu đẳng cấp cao của vòng loại cuối World Cup khu vực châu Á, AFF Cup vẫn là điều gì đó thiêng liêng trong sự nghiệp cầu thủ của anh.
Ở lần đầu tiên tham dự vào năm ngoái, Hoàng Đức cùng Việt Nam dừng bước đau đớn ở bán kết. Điều đó càng làm lần đầu tiên vào chung kết này ý nghĩa hơn đối với anh.
Thế mới thấy, Hoàng Đức đã quyết tâm như thế nào khi lùi về ngăn chặn pha tiến công “sát thủ” cuối cùng của người Thái, đã được đề cập phía trên. Đó là phút bù giờ cuối cùng trận chung kết lượt đi, khi Đỗ Hùng Dũng mắc sai lầm với đường chuyền và Thái Lan có cơ hội phản đòn kết liễu: Nếu tỷ số là 2-3, chúng ta buộc phải thắng ít nhất 2 bàn ở lượt về.
Văn Lâm hiển nhiên xuất sắc trong pha cứu thua nghẹt thở ấy, nhưng công của Hoàng Đức cũng không nhỏ. Anh đã di chuyển rất hay trên đường lui về, khi luôn giữ khoảng cách giữa hai cầu thủ Thái để không cho phép họ thực hiện một đường chuyền ngang và mở ra góc sút rộng.
Hoàng Đức đã góp công giữ lại cơ hội cho tuyển Việt Nam trước lượt về. Và trên sân Thammasat tối nay, đương kim Quả bóng Vàng hoàn toàn có thể làm nhiều hơn thế nữa trong công cuộc lội ngược dòng.
Người hùng đã sẵn sàng
Tuy vậy, điều đó còn phụ thuộc nhiều vào tính toán của HLV Park Hang-seo. Xuyên suốt chiến dịch AFF Cup năm nay, bộ ba tiền vệ Hùng Dũng – Hoàng Đức – Quang Hải được chiến lược gia Hàn Quốc bố trí thường xuyên nhất ở tuyến giữa. Trong đó, cầu thủ của Viettel thường được kéo lùi sâu hơn để làm cầu nối triển khai bóng, ít dâng cao so với hai người đàn anh.
Vai trò ấy phù hợp với cả độ “cứng” (sự ổn định) và “mềm” (kỹ thuật, khả năng cầm nhịp) của cầu thủ này. Nhưng nó cũng gián tiếp hạn chế sự bùng nổ của Hoàng Đức. Anh thầm lặng hơn, ít góp mặt trong những pha uy hiếp cuối cùng.
Cách bố trí đó có thể được thay đổi ở lượt về, trong bối cảnh chúng ta buộc phải thắng. Hay chí ít, là một chỉ đạo chiến thuật cá nhân giúp Hoàng Đức có thể dâng cao thường xuyên hơn. Nhất là trong bối cảnh, dường như chỉ có mỗi Nguyễn Tiến Linh là đang đạt phong độ cao trong cả thảy lực lượng tấn công của chúng ta thời điểm này.
Hoàng Đức có thể làm được gì? Pha thoát xuống và dứt điểm rất ngọt, rất tinh tế vào lưới Malaysia sau đường chọc khe đẳng cấp của Nguyễn Quang Hải là minh chứng.
Còn nhớ, Đức cũng là cái tên duy nhất được đích thân HLV Park Hang-seo vận động ra nước ngoài thi đấu sau Quang Hải. Ông muốn tiền vệ sinh năm 1998 chuyển sang các giải VĐQG của Hàn hoặc Nhật từ tận đầu năm 2022. Một cầu thủ ở đẳng cấp ấy đủ sức tỏa sáng ở trận chiến này.
Trên đỉnh Đông Nam Á tối nay, hoàn toàn có thể trông chờ thêm một ngôi sao băng quét qua, tương tự cách Vũ Văn Thanh đã làm.
Không nhiều người nhớ khoảng khắc Hoàng Đức đưa bóng dội cột dọc khung thành Singapore, suýt phá vỡ thế bế tắc trong trận hòa duy nhất của chúng ta ở vòng bảng. Và còn nhớ ở SEA Games 30, cũng một pha nã đại bác của anh đã giúp U23 Việt Nam thắng nghẹt thở U23 Indonesia.
Trong những thế trận chặt chẽ và giằng co, những nhân tố sút xa tốt như Hoàng Đức hoàn toàn có thể tạo ra khác biệt. Chẳng phải Thái Lan cũng cần đến “quân bài tẩy” này để thoát thua trên sân của Indonesia hay sao?