Tinh thần nhân văn và là sức mạnh oai hùng của dân tộc Việt Nam được thể hiện qua hình ảnh môn võ dân tộc – võ cổ truyền. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, võ cổ truyền đã dần hoàn thiện về hệ thống tổ chức, kỹ thuật, luật thi đấu, các giáo án đào tạo, đã tạo ra một phong trào tập luyện rộng khắp không chỉ trong nước mà ở hơn 50 quốc gia trên toàn cầu.
Tuy nhiên, sau giải đấu, có những thông tin trái chiều của nhiều võ sư, võ sinh về công tác tổ chức, thành viên chấm giải, cũng như đơn vị công nhận thành tích cho các vận động viên.
Điều lạ ở giải lần này là Ban tổ chức giải có những thành viên không phải ở bộ phận chuyên môn nhưng đã được ngồi vào vị trí giám sát giải đấu như: ông Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng vụ Thể thao quần chúng, Võ sư quốc tế Lê Ngọc Quang.
Theo một số vận động viên, việc giám sát chuyên môn thuộc quyền và trách nhiệm của Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam (ông Quang hiện đang là 1 trong 9 Phó chủ tịch Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam, phụ trách công tác truyền thông).
Ngoài ra, việc cấp giấy chứng nhận thành tích mà các VĐV đạt giải nhận được từ Ban tổ chức do Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cấp, Phó giám đốc sở Phạm Thị Tô Trang ký. Việc này hoàn toàn khác lạ và không khớp với kế hoạch tổ chức giải và quy định hoạt động của Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam. Liệu sau này, có thể căn cứ vào giấy chứng nhận do cơ quan cấp sở ký để phong kiện tướng hay cấp 1,2 quốc gia cho các vận động viên?
Theo Kế hoạch 81/KH-TCTDTT ngày 09/3/2021 do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Nguyễn Hồng Minh ký và ban hành, tại khoản 3, Mục V có nội dung: Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam “Cấp giấy chứng nhận thành tích cho các vận động viên đạt thành tích tại giải”.
Đồng thời, theo quy định tại Quyết định số 299/QĐ-UBND ngày 13/2/2017 của UBND TP. Hải Phòng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Văn hoá và Thể thao thành phố Hải Phòng cũng không có thẩm quyền được cấp Giấy chứng nhận thành tích cho các vận động viên tham gia thi đấu giải toàn quốc.
Để làm rõ về những vấn đề trên, phóng viên đã liên lạc với ông Trần Đức Phấn, Phó Cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục Thể thao nhưng chưa có thông tin phản hồi.
Còn bà Phạm Thị Tô Trang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cho rằng, bà ký giấy chứng nhận thành tích cho vận động viên với tư cách là Trưởng Ban tổ chức giải nên đúng quy định. Còn có đúng với Điều lệ của Liên đoàn, Kế hoạch 81/KH-TCTDTT hay không thì đề nghị phóng viên làm việc với vụ Thể thao quần chúng.
Bình Định vô địch giải Võ cổ truyền toàn quốc 2021
Đây là giải cấp quốc gia duy nhất của bộ môn này được tổ chức trong năm nay do đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh trong nước. Giải được tổ chức với sự tuân thủ nghiêm nhặt các quy định về phòng chống dịch bệnh.
Tham dự giải có 287 VĐV của 21 đoàn trong cả nước gồm An Giang, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Định, Bình Phước, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đồng Nai, Hà Nội Hải Phòng, Hưng Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Nghệ An, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ninh, TP HCM, 2 đoàn Công an nhân dân và Quân đội. Các VĐV tranh tài trong 37 bộ HC quyền thuật và 10 bộ HC đối kháng nam, 8 bộ HC đối kháng nữ.
Giải võ cổ truyền vô địch toàn quốc 2021 nhận sự quan tâm đặc biệt của giới chuyên môn làng võ Việt Nam chính là việc ban tổ chức và Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam đã chính thức áp dụng Luật thi đấu võ cổ truyền 2021 (ban hành từ 15/6/2021, đưa vào thực thi từ ngày 1/9) thay thế Luật thi đấu võ cổ truyền cũ ở Quyết định số 483/QĐ-TCTDTT (ngày 27/4/2016). Luật thi đấu võ cổ truyền Việt Nam mới áp dụng có 2 phần, 6 chương, 32 điều và phụ lục. Đáng chú ý, sau 28 năm (từ năm 1993) bị cấm, ở luật mới, các đòn đánh bằng cùi chỏ và gối được cho phép khi thi đấu.
Ở luật mới ghi rõ “mỗi đòn đánh bằng tay, bằng chỏ trúng vùng đánh hợp lệ được 1 điểm; mỗi đòn đánh bằng chân, bằng gối trúng vùng đánh hợp lệ được 2 điểm; đòn tay, đòn trỏ, đòn chân, đòn gối được tính điểm khi đảm bảo tiêu chí phải đánh đúng kỹ thuật quy định không vị phạm lỗi, đánh trúng vùng hợp lệ và đòn đánh không bị chặn đỡ, có uy lực trúng đích cũng như đòn đánh diễn ra sau khi khẩu lệnh – đấu, trước khi khẩu lệnh – dừng”.
Tại giải, ban tổ chức đã tiến hành thi đấu nội dung thi đấu quyền và đối luyện với 10 bài quyền quy định đưa vào biểu diễn gồm Lão hổ thượng sơn; Hùng kê quyền; Lão mai quyền; Ngọc trản quyền; Phong hoa đao, Song tuyết kiếm; Độc lư thương; Thanh long độc kiếm; Siêu xung thiên; Thái sơn côn. Với quyền tự chọn sẽ có các bài Quyền tay không; Binh khí ngắn đơn; Binh khí ngắn đôi; Binh khí dài; Binh khí ly tâm; Nhuyễn tiêu; Các loại binh khí đặc trưng. Đối với đối luyện, VĐV có 3 nội dung để chọn gồm tay không với tay không; tay không với binh khí và binh khí với binh khí.
Kết thúc nội dung biễu diễn, VĐV của Bình Định giành 9 HCV, 6 HCB và 2 HCĐ để đứng đầu trong khi đó đoàn võ cổ truyền TP.HCM chỉ giành được 6 HCV, 8 HCB và 2 HCĐ nên xếp hạng nhì.
Ở thi đấu đối kháng, đã có 10 hạng cân của nam (từ 46kg tới trên 90kg) và 8 hạng cân nữ (từ 44kg tới trên 75kg) tranh tài và VĐV của võ cổ truyền Bình Định giành thêm 2 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ qua đó có tổng 11 HCV, 8 HCB, 3 HCĐ để đứng nhất toàn đoàn toàn giải năm nay.
Như vậy, với những kết quả vượt trội, đoàn Bình Định với 22 HC giành được trong đó có 11 vàng, 8 bạc, 3 đồng, đã giành giải nhất toàn đoàn. Đoàn TP HCM xếp thứ nhì toàn đoàn tại giải với 24 HC giành được trong đó có 7 vàng, 10 bạc và 7 đồng. Đoàn Quân đội xếp thứ 3 toàn đoàn với 19 HC trong đó có 7 vàng, 9 bạc và 3 đồng.