Bên cạnh trình độ chơi bóng, nhận thức cuộc sống cũng là yếu tố quan trọng giúp nhiều tuyển thủ Thái Lan xuất ngoại thành công.
“Sau những buổi tập đầu tiên, ngày nào tôi cũng khóc. Tôi rất cô đơn, và không thể nói chuyện với ai. Tôi nhớ nhà, nhớ gia đình, nhớ vợ con da diết. Đây là lần đầu tiên tôi phải xa nhà, xa Thái Lan”.
Những tâm sự của hậu vệ Theerathon Bunmathan lột tả sâu sắc những khó khăn của một cầu thủ Đông Nam Á khi chơi bóng ở nước ngoài, đặc biệt là những nền bóng đá cao hơn. Có lẽ chính Theerathon cũng không ngờ rằng chỉ hơn một năm sau, giọt lệ cô đơn ngày nào đã thành nước mắt của hạnh phúc.
Năm 2018, Theerathon gia nhập CLB Vissel Kobe ở J-League, và làm đồng đội của những ngôi sao lẫy lừng một thời ở châu Âu như Lucas Podolski, David Villa hay Andres Iniesta. Hậu vệ 28 tuổi khi đó đã đoạt mọi vinh quang ở Thái Lan, với 25 danh hiệu cùng Buriram và Muangthong, kèm theo nhiều giải thưởng cá nhân khác. Những ngày đầu ở Kobe, Theerathon không được thi đấu, lại sống trong nền văn hoá khác biệt và ngôn ngữ xa lạ. Nhưng sau vài tuần, mọi thứ trở lại quỹ đạo vốn có của anh.
“Tôi có một phiên dịch tiếng Nhật riêng”, Theerathon nói với The Cloud. “Tôi nghe những từ cơ bản mà các đồng đội người Nhật nói, rồi học theo. Ở đây cũng có một nhà hàng Thái Lan, và tôi không gặp vấn đề gì khi ăn một mình. Về chuyên môn, tôi cố gắng học hỏi cách di chuyển của những hậu vệ trái khác trong đội, cố gắng hiểu được lối chơi và văn hoá bóng đá Nhật Bản. Có những đêm tôi vừa ngủ vừa khóc, nhưng tôi không cho rằng lựa chọn này là sai lầm”.
Mùa đó, Theerathon chơi 28 trong 34 trận ở J-League, giúp đội bóng cán đích thứ 10. Mùa giải tiếp theo, anh chuyển sang Yokohama F Marinos, ghi ba bàn trong 25 trận. Cuối mùa đó, Theerathon trở thành cầu thủ Thái Lan đầu tiên vô địch J-League, và anh góp công không nhỏ vào thành tích đó.
Theerathon không phải thành công duy nhất của Thái Lan khi họ “xuất khẩu” cầu thủ. Chanathip Songkrasin thậm chí vào đội hình tiêu biểu J-League năm 2018, khi khoác áo Consadole Sapporo. Đầu 2022, anh chuyển sang Kawasaki Frontale với phí nhượng kỷ lục nội địa Nhật Bản hơn 4 triệu USD. Teerasil Dangda cũng là cầu thủ Đông Nam Á đầu tiên chơi bóng ở La Liga trong hơn 60 năm qua, khi khoác áo Almeria năm 2014. Anh chơi sáu trận ở La Liga, và ghi một bàn tại Cup Nhà vua.
Xa hơn nữa, Piyapong Pue-on từng vô địch K-League năm 1985 cùng CLB Lucky-Goldstar (nay là FC Seoul). Piyapong không chỉ là Vua phá lưới năm đó, mà còn là cầu thủ kiến tạo nhiều bàn nhất giải. Ông là đồng đội cũ của Park Hang-seo và Lee Young-jin ở đó.
Thái Lan vẫn là nền bóng đá xuất khẩu cầu thủ thành công nhất Đông Nam Á. Nhưng trước khi gặt hái quả ngọt, họ đã trải qua những thử nghiệm thất bại.
Năm 2007, tỷ phú Thái Lan Thaksin Shinawatra mua lại CLB Man City và đưa ba cầu thủ tiền năng của Thái Lan sang tập huấn, gồm Suree Sukha, Kiatprawut Saiwaeo và Teerasil Dangda. Khi đó, tờ Manchester Evening News viết: “Một CLB bóng đá hiện đại muốn thành công cần hai yếu tố: tiền bạc và độ phủ sóng toàn cầu. Lần này họ đưa về thêm ba cầu thủ học viện, kèm theo hàng triệu bảng từ các nhà tài trợ”.
Nhưng Suree cho rằng anh được ký hợp đồng với Man City nhờ thực lực. “Tôi rất tự tin vào bản thân, và tôi sẽ làm được. Chuyện này chẳng liên quan gì đến chính trị”. Khi đó Suree 25 tuổi, chưa có trong tay danh hiệu nào ở Thai League. Kiatprawut cũng chỉ 21 tuổi, còn Teerasil thậm chí mới 19. Cả ba đều không thành công, và được đẩy sang các CLB sân sau của Man City để tập huấn. Tại đó họ chỉ trụ lại ba tháng trước khi trở về Thái Lan, không chơi được trận nào cho đội một.
Thử nghiệm trên không thành công, nhưng mở ra làn sóng cho cầu thủ Thái Lan ra nước ngoài. Năm 2009, CLB Melbourne Victory đưa hai cầu thủ Thái Lan đến thi đấu ở A-League, gồm Sutee Suksomkit 31 tuổi và Surat Sukha 27 tuổi. Sutee khi đó đã qua thời đỉnh cao, chỉ chơi chín trận ở A-League, còn Surat trụ lại ba mùa giải, thi đấu 36 trận.
Có lẽ Teerasil hiểu được bài học này hơn ai hết, khi anh lại có cơ hội sang châu Âu thi đấu ở tuổi 26. Năm 2014, Teerasil ký hợp đồng với Atletico Madrid, nhưng sau đó được chuyển sang Almeria.
Hai đợt xuất ngoại này đem lại cho Thái Lan bài học, đó là cầu thủ chỉ thành công khi đã ở độ tuổi chín chắn, cả về năng lực chơi bóng lẫn nhận thức. Không tính những người sinh ra hoặc lớn lên ở nước ngoài, phần lớn tuyển thủ Thái Lan đều đã và đang xuất ngoại ở độ tuổi đỉnh cao sự nghiệp, sau khi đạt thành tích nhất định ở Thai League.
“Chắc chắn Theerathon, Chanathip và Teerasil hưởng lợi nhiều từ việc chơi bóng ở các giải đấu cạnh tranh hơn”, chuyên viên phân tích của đội tuyển Thái Lan Luis Viegas nói với VnExpress. “Tư duy chiến thuật của họ rất ấn tượng. Ở trong môi trường với trang thiết bị tốt hơn luôn cải thiện được kỹ chiến thuật, thể lực và tâm lý của cầu thủ”.
“Mấu chốt thành công khi một cầu thủ xuất ngoại luôn là tài năng, nhưng sự quyết tâm cũng quan trọng không kém”, Viegas nói thêm. “Cầu thủ Đông Nam Á sẽ phải chuẩn bị tinh thần chịu khổ trong những ngày đầu tiên, vì phải thích nghi với môi trường mới, dù trong hay ngoài sân cỏ”.
Thủ môn Kawin Thamsatchanan sang OH Leuven (Bỉ) năm 28 tuổi, thời điểm Theerathon cũng sang J-League. Tiền vệ Thitiphan Puangchan chơi cho Oita Trinita năm 26 tuổi, cũng như khi Teerasil khoác áo Almeria hay Piyapong tới Hàn Quốc. Còn Chanathip đầu quân Consadole Sapporo năm 24 tuổi, sau khi đoạt hai giải thưởng “Cầu thủ hay nhất giải” ở AFF Cup 2014 và 2016.
Chưa bàn tới trình độ chơi bóng, cầu thủ Thái Lan và Việt Nam đều phải đối mặt rào cản ngôn ngữ, văn hoá và nỗi nhớ nhà khi thi đấu ở nước ngoài. “Ở các CLB châu Âu, người ta sẽ không quan tâm đến việc cầu thủ Đông Nam Á có nhớ gia đình hay đồ ăn quê hương không”, cựu HLV Thái Lan Steve Darby nói. “Làm cầu thủ chuyên nghiệp ở nước ngoài không hề dễ dàng, và bạn phải có tinh thần thép. Nhưng nếu vượt qua được, thành quả đem lại sẽ rất to lớn”.
Cầu thủ Việt Nam đầu tiên xuất ngoại là tiền đạo Lê Huỳnh Đức, khi chơi cho Chongquin Lifan ở Trung Quốc năm 2001, nhưng không mấy thành công. Hậu bối Lê Công Vinh cũng từng chơi bóng ở giải vô địch Bồ Đào Nha cho Leixoes năm 2009, rồi đến Consadole Sapporo ở J-League 2 năm 2013. Thời gian anh chơi bóng ở Nhật Bản thành công hơn, với hai bàn qua chín trận.
Lứa tuyển thủ Việt Nam hiện tại có bốn người từng chơi ở nước ngoài, gồm Lương Xuân Trường (Hàn Quốc, Thái Lan), Nguyễn Công Phượng (Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ), Nguyễn Tuấn Anh (Nhật Bản) và Đoàn Văn Hậu (Hà Lan). Họ đều xuất ngoại khi còn rất trẻ, ở độ tuổi 20-21, và đều không thành công. Họ mới chơi tổng cộng 20 trận ở các giải VĐQG nước ngoài, ghi một bàn nhờ cú sút phạt của Xuân Trường ở Thai League tháng 12/2019.
Tất nhiên khi cầu thủ xuất ngoại, bóng đá phải được đặt lên hàng đầu chứ không phải thương mại hay yếu tố khác, đó là qua điểm của trợ lý đội tuyển Thái Lan Viegas. Ông nói: “Phương pháp huấn luyện và lối chơi của đội bóng cũng quan trọng như ngôn ngữ giao tiếp, đồ ăn và cuộc sống của cầu thủ. Điều quan trọng là cầu thủ phải có thời gian và cơ hội thi đấu. Mục đích của CLB khi chiêu mộ cầu thủ đó đầu tiên phải là vì bóng đá”.
Bài học từ Thái Lan cho thấy để xuất khẩu cầu thủ tốt hơn, họ phải biết chờ đợi đến đúng thời điểm. Khi trưởng thành, với nhận thức tốt hơn, cầu thủ mới có thể vượt qua những khó khăn ngoài sức tưởng tượng. Như bài học của Theerathon, thi đấu ở nước ngoài không chỉ là thi đấu, mà trước hết phải sống được như một cầu thủ chuyên nghiệp.
So với những đồng đội ở đội tuyển khi xuất ngoại trước đây, Quang Hải đang có một nền tảng tốt hơn. Anh đã giành tám danh hiệu cùng CLB Hà Nội, và giải thưởng Cầu thủ hay nhất AFF Cup 2018. Tuổi 24 cũng là thời cơ vàng để cầu thủ xuất ngoại, nhưng tiền vệ người Hà Nội sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn dù chơi ở châu Á hay châu Âu.
Xuân Bình