Còn nguyên đam mê ở tuổi 60 với hơn 20 năm cầm quân, nhưng Mourinho thừa nhận phải tự thay đổi trong phong cách huấn luyện để thích nghi với bóng đá hiện đại.
Những người chê Europa Conference League là giải đấu nhỏ, vô nghĩa hẳn chưa gặp các CĐV Roma – những người mừng đến phát cuồng với danh hiệu ở châu Âu đầu tiên sau 61 năm. Đó là niềm vui vô bờ bến, từ sân vận động ở Tirana – nơi tổ chức chung kết, đến những người theo dõi và cổ vũ đội thi đấu tại Olimpico. Roma nhờ đó thành CLB Italy đầu tiên đoạt một Cup châu Âu kể từ năm 2010, khi Inter vô địch Champions League cũng dưới trướng Mourinho.
Hiện tại, Mourinho không còn giữ vị thế và danh tiếng của bản thân như khi cùng Inter đoạt cú ăn ba lịch sử – Serie A, Cup Italy và Champions League – năm 2010. Chiến thắng trước Feyenoord ở Albania giúp HLV Bồ Đào Nha có danh hiệu đầu tiên sau năm năm, dù thời gian chờ đợi có thể ngắn hơn nếu ông không bị Tottenham sa thải chỉ vài ngày trước chung kết Cup Liên đoàn.
Nâng mạch toàn thắng ở chung kết Cup châu Âu lên năm trận, Mourinho khóc nức nở khi cùng Roma mừng vô địch Europa Conference League. “Khát khao chiến thắng là bản chất của tôi”, Mourinho trả lời khi được Sky Sports hỏi về động lực thúc đẩy ông tiếp tục theo nghiệp cầm quân khi sắp sang tuổi 60. “Đó là bản chất của người muốn theo đuổi bóng đá trong nhiều năm nữa. Nếu bạn không yêu bóng đá và đã đạt tất cả thành tựu có thể với môn thể thao này, bạn sẽ giải nghệ và tận hưởng những ngày tháng huy hoàng. Bạn sẽ tận hưởng cuộc sống ngoài bóng đá”.
HLV Bồ Đào Nha nói tiếp: “Nhưng nếu yêu bóng đá, bạn không muốn dừng lại. Nếu yêu bóng đá, bạn không cảm thấy mình già đi, bạn cảm thấy tươi mới, như trẻ lại và muốn kéo dài điều đó đến những ngày cuối cùng. Vì thế, động lực luôn chảy trong máu của tôi”.
Mourinho gây tiếng vang khi dẫn dắt Porto năm 2002, cùng CLB Bồ Đào Nha gặt hái mọi danh hiệu ở quốc nội rồi đăng quang ở hai Cup châu Âu: Cup UEFA năm 2003 và Champions League 2004. Sau đó, ông tự nhận là “Người Đặc Biệt” trong buổi họp báo đầu tiên trên cương vị HLV trưởng Chelsea. Từ đó, biệt danh này được gắn liền với Mourinho. Tại Anh, “Người Đặc Biệt” biến Chelsea thành một thế lực với ba danh hiệu Ngoại hạng Anh, ba Cup Liên Đoàn, cùng một Cup FA và một Siêu Cup Anh.
Sau khi cùng Inter đoạt cú ăn ba, Mourinho cũng sưu tập đủ ba danh hiệu quốc nội, gồm La Liga, Cup Nhà Vua và Siêu Cup Tây Ban Nha cùng Real. Sau khi rời Chelsea ở nhiệm kỳ thứ hai, ông dẫn dắt Man Utd và đoạt ba danh hiệu gồm Europa League, Cup Liên đoàn và Siêu Cup Anh. Tottenham là đội duy nhất HLV 59 tuổi này không đoạt danh hiệu nào, trong hơn một năm dẫn dắt, trước khi gia nhập Roma hè 2021.
“Tôi đã vô địch ở bốn quốc gia – Bồ Đào Nha, Anh, Italy và Tây Ban Nha – từ rất sớm. Tôi không cần phải ở đó ba, bốn hay năm năm để đoạt những danh hiệu. Tôi lập tức thành công ngay mùa ra mắt, cùng lắm là đến mùa thứ hai”, Mourinho nói tiếp theo phong cách ngông cuồng đặc trưng. “Tôi nghĩ mình làm được điều đó bởi nghiên cứu rất kỹ toàn đội. Tôi cố gắng khai thác tốt nhất khác biệt bằng cách cố gắng áp dụng ý tưởng của riêng mình, đồng thời tôn trọng văn hóa địa phương và cách tiếp cận trận đấu mà người hâm mộ bản xứ mong muốn”.
Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất là Mourinho chấp nhận thay đổi. Trước chung kết Europa Conference League gặp Feyernoord, ông nhấn mạnh biệt danh “Người Đặc Biệt” không còn phù hợp và muốn viết nên trang sử mới cùng Roma. “Chàng trai trẻ của năm 2000 khác với chàng trai trẻ của năm 2022”, Mourinho nói. “Đây không phải lời than thở về những gì đã mất, mà Mourinho như mở lòng hơn để đón nhận những thử thách mới”, Sky Sports bình luận.
Thay đổi phong cách huấn luyện là chìa khóa giúp Mourinho ghi dấu ấn trong mùa ra mắt Roma. “Đã có những thay đổi, bây giờ quan trọng nhất là sự tận hiến”, cựu HLV Man Utd nói. “Lãnh đạo có nghĩa là mọi người phải theo bạn. Và để theo bạn, họ phải tin bạn, cảm thấy đồng cảm. Điều đó có ý nghĩa với tôi, với tư cách là HLV, tôi có trách nhiệm không để toàn đội và người hâm mộ thất vọng. Tôi phải ở bên họ, vì họ, mọi lúc mọi nơi. Họ phải tin tưởng tôi”.
Khi đến Roma hè năm ngoái, Mourinho đối mặt với nhiều rủi ro. Chris Smalling và Henrikh Mkhitaryan – hai cầu thủ từng có hiềm khích với Mourinho tại Man Utd – là trụ cột của Roma. Nhưng cả hai đã gạt quá khứ sang một bên, và trở thành trụ cột trong kế hoạch tái thiết Roma của HLV người Bồ Đào Nha.
Đội trưởng Lorenzo Pellegrini nói việc bổ nhiệm Mourinho giống như một tia sét đánh vào CLB. Tiền vệ Italy cũng nói Mourinho là lựa chọn đúng người – đúng thời điểm với Roma. Và sân Olimpico cũng là nơi hoàn hảo để Mourinho gây dựng lại danh tiếng. “Mỗi khi gặp Mourinho, tôi vẫn còn thấy kinh ngạc”, tiền đạo Tammy Abraham nói.
Pellegrini ca ngợi Mourinho là một trong những HLV giỏi nhất thế giới, còn Abraham nhấn mạnh ông thầy là người vĩ đại nhất, giúp anh cảm thấy đặc biệt trở lại. Nicolo Zaniolo, người ghi bàn duy nhất ở chung kết Europa Conference League, nói ngắn gọn rằng Mourinho là người chiến thắng, giúp anh hoàn thiện hơn ở kỹ năng phòng ngự. Mỗi cầu thủ Roma dường như đều có câu chuyện của riêng họ với vị HLV, và quan trọng là câu chuyện nào cũng có ít nhiều khác biệt.
“Mỗi người có cách thức khác nhau để giao tiếp, phản hồi, tìm động lực. Điều quan trọng là hiểu bản chất, biết tất cả về họ”, Mourinho phân tích. “Sau đó, bạn có thể trò chuyện với họ về mọi thứ. Giống khi bạn đến một nhà hàng để ăn chọn món, đó cơ bản là những gì bạn phải làm với các cầu thủ. Đừng xem tất cả giống nhau, vì mỗi người sẽ có điểm khác biệt”.
Mourinho còn thừa nhận ông không tự xem bản thân là nhà lãnh đạo bẩm sinh. Ông nói: “Thực tế, khi còn nhỏ, tôi sẽ nói rằng mình là nhà lãnh đạo thầm lặng. Nhưng công việc không cho phép tôi trở thành một nhà lãnh đạo thầm lặng, vốn là bản chất của tôi. Tôi luôn phải xuất hiện trong mắt công chúng, trước truyền thông, dự các buổi họp báo, và điều đó tạo ra sự khác biệt lớn”.
Nhưng Mourinho sinh ra để làm HLV. Smalling nhấn mạnh khả năng điều chỉnh và đưa ra quyết định của Mourinho ở những trận cầu lớn. Hậu vệ Brazil Roger Ibanez thì thừa nhận HLV Bồ Đào Nha biết mọi thứ về anh. “Chìa khóa thành công không đổi, quan trọng nhất vẫn là chiến lược”, Mourinho nhấn mạnh. “Bạn không thể đoán trước mọi thứ, nhưng càng chuẩn bị kỹ, bạn càng tập luyện tốt hơn. Từ đó, bạn có thể giảm bớt sự khó đoán định, qua đó lựa chọn và đưa ra quyết định dễ dàng hơn. Bóng đá luôn có rủi ro, nhưng bạn phải cố gắng giảm thiểu rủi ro đó bằng cách chuẩn bị tốt nhất có thể”.
Nhưng điều đó liệu có đủ để Mourinho thành công với bóng đá hiện đại? HLV Bồ Đào Nha thừa nhận môn thể thao vua khác rất nhiều so với thời điểm đầu sự nghiệp, khi ông gặt hái thành công với Porto và Chelsea. Ông nói: “Bóng đá đã thay đổi trong hai thập kỷ qua. Về tập luyện và thi đấu, chúng tôi hiện có nhiều công cụ mới khác nhau để phân tích trận đấu, ngay cả khi ngồi trên ghế huấn luyện. Giờ đây, tôi có một thứ bị cấm cách đây 20 năm, đó là màn hình có camera chiến thuật trên các sân vận động. Điều đó giúp tôi nhìn nhận các góc khác nhau trên sân”.
HLV Bồ Đào Nha kể tiếp: “Các khía cạnh mới của đội ngũ huấn luyện cũng xuất hiện. Bạn hiện chia sẻ công việc với nhiều chuyên gia về nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông sau đó lấy ví dụ về HLV thể lực. Trước đây, vị trí này chỉ có một người. nhưng bây giờ Mourinho có cả ê-kíp, gồm HLV thể lực, HLV hiệu suất, HLV phục hồi, HLV cá nhân và cả HLV phòng ngừa.
“Thật điên rồ. Điều đó đưa công việc của chúng tôi đến kích thước đáng kinh ngạc. Vì thế, bạn phải tiếp xúc với nhiều người với những tính cách và cái tôi khác nhau, và phải đối phó với nhiều thông tin hơn trước”, Mourinho nói. “Đôi khi tôi chỉ chọn những thông tin quan trọng nhất vì đơn giản là tôi không thể giải quyết mọi thứ. Điều đó khá giống F1. Trong chặng đua, họ có rất nhiều dữ liệu, nên phải rất chọn lọc. Họ không thể chuyển tất cả thông tin cho tay đua”.
Bóng đá thay đổi, nhưng mục tiêu của Mourinho vẫn như cũ, là chiến thắng. HLV lừng danh bậc nhất bóng đá châu Âu, người từng được coi là đồng nghĩa với thành công, vẫn đang học hỏi, thay đổi và quyết tâm gây dựng lại vị thế của mình trên bản đồ bóng đá.
Hồng Duy