Bức ảnh Cristiano Ronaldo trong mẫu áo thi đấu mùa giải mới của Man Utd đang trở thành đề tài châm chọc. Tiền đạo người Bồ Đào Nha, với động tác tạo dáng hai tay để trên cổ áo, bị cổ động viên chế giễu là đang tìm cách cởi chiếc áo đấu Man Utd càng sớm càng tốt để rời đi.
Tất nhiên, mọi chỉ trích chỉ đến từ một chiều. Ronaldo chưa có tuyên bố chính thức về mong muốn rời khỏi sân Old Trafford. Tuy nhiên, sự im lặng, hay mới nhất là động thái bỏ du đấu cùng Man Utd cho thấy trái tim CR7 không còn ở đây.
Với CĐV “Quỷ đỏ”, đó là nỗi thất vọng lớn.
Ronaldo bội ước?
Theo báo giới Anh, Ronaldo không tham gia chuyến du đấu của Man Utd ở Thái Lan và Australia vì “lý do gia đình”. Man Utd chấp thuận lý do nói trên, đồng ý cho phép Ronaldo ở lại Bồ Đào Nha.
Hôm Man Utd hội quân, tiền đạo 37 tuổi bị bắt gặp có mặt ở sân tập của đội tuyển Bồ Đào Nha. Daily Mail khẳng định Ronaldo ở lại quê nhà để tập duy trì thể lực, chờ gia nhập đội bóng mới.
Chưa thể kết luận Ronaldo bỏ tập để gây áp lực đòi rời Man Utd. Tuy nhiên, sự vắng mặt của CR7 đúng thời điểm đội bóng thành Manchester hội quân và du đấu càng chứng minh thông tin Ronaldo muốn rời Man Utd là có cơ sở. Hàng loạt nguồn tin lớn tại Anh đều đã xác nhận Ronaldo muốn ra đi. Tiền đạo sinh năm 1985 đã hết động lực ở “Quỷ đỏ”.
Trong sự nghiệp, Ronaldo chưa từng bỏ du đấu, từ chối tập luyện nhiều lần để gây áp lực với CLB chủ quản. Mùa trước, Ronaldo thậm chí còn thi đấu cho Juventus ở Serie A, ghi bàn rồi mới chia tay “Lão bà” để chuyển sang Man Utd.
Năm 2008, Ronaldo đồng thuận ở lại Man Utd thêm 1 năm theo lời khuyên của Sir Alex Ferguson, ghi những bàn thắng quan trọng giúp “Quỷ đỏ” về nhì ở Champions League, rồi sau đó chuyển sang Real Madrid mà không nhận phải lời trách cứ của CĐV Man Utd.
Nhưng nếu lần này, Ronaldo nghỉ tập để thúc đẩy quá trình rời Man Utd, có lẽ tiền đạo số 7 đang tự hủy hoại hình ảnh của mình.
Ngày Ronaldo trở về, Manchester Evening News nhấn mạnh Man Utd hy vọng tiền đạo người Bồ Đào Nha trở thành tấm gương cho toàn đội, đặc biệt là các cầu thủ trẻ bởi tham vọng, sự cầu tiến và chuyên nghiệp khẳng định xuyên suốt sự nghiệp.
Theo Daily Mail, sự trở lại của Ronaldo mang lại hiệu ứng rõ rệt. Các cầu thủ trẻ ở Man Utd tò mò học theo chế độ dinh dưỡng của CR7, hay Ronaldo nhanh chóng trở thành cầu thủ có tiếng nói nhất ở phòng thay đồ để khích lệ, động viên học trò.
Song, cách Ronaldo đang từng bước rời khỏi Old Trafford để lại nỗi thất vọng lớn, thậm chí gây tâm lý tiêu cực đến toàn đội. Có thể đánh giá một đội bóng là ổn định, nếu ngôi sao số 1 đang tìm đường “đào thoát” khỏi CLB? Việc nghỉ tập, bỏ du đấu và chưa biết ngày trở lại có còn giúp Ronaldo trở thành tấm gương chuyên nghiệp?
Theo Daily Mail, một trong những nguyên nhân khiến Man Utd chưa muốn Ronaldo ra đi là bởi chưa có phương án B. “Quỷ đỏ” đang nhắm tới nhiều mục tiêu ở kỳ chuyển nhượng, gồm các trung vệ (Lisandro Martinez), tiền vệ (Christian Eriksen, Frenkie de Jong) và tiền đạo cánh (Antony), nhưng không có tiền đạo cắm.
Ý định ra đi của Ronaldo đã rò rỉ từ trước khi mùa bóng khép lại. Tuy nhiên, Man Utd giữ quan điểm không bán Ronaldo bằng mọi giá. Đội chủ sân Old Trafford đề nghị Ronaldo tôn trọng hợp đồng và không lắng nghe lời đề nghị nào. “Quỷ đỏ” tin rằng mẫu cầu thủ chuyên nghiệp như Ronaldo sẽ không ra đi bằng mọi giá.
Nhưng, nếu Ronaldo cương quyết muốn đi, việc giữ lại một cầu thủ không còn khát vọng cống hiến, thậm chí làm mọi cách để gây áp lực với CLB chủ quản, có thể trở thành liều thuốc độc cho tập thể mà HLV Erik ten Hag mới đang từng bước định hình.
Đội bóng nào “chiều” được Ronaldo?
Ronaldo muốn chơi ở CLB được dự Champions League và đủ sức cạnh tranh danh hiệu lớn. Nhưng có một “luật ngầm” mà các đội bóng luôn lường trước khi chiêu mộ CR7, đó là phải đặt anh vào vị trí trung tâm của những đường lên bóng. Đội bóng lớn nào ở châu Âu sẽ đặt một tiền đạo 37 tuổi vào trung tâm đội bóng, dù đó có là Ronaldo đi nữa?
Không thể phủ nhận tài năng của Ronaldo, nhưng số lượng bàn thắng khổng lồ mà CR7 có được trong sự nghiệp cũng nhờ có công sức của những tập thể mà cầu thủ này từng khoác áo.
Để Ronaldo ghi bàn, anh cần được “chiều chuộng” trên hàng công. Ronaldo phải được chơi ở vị trí cao nhất, dồn nhiều bóng, được đá phạt đền, phạt trực tiếp, và được ưu tiên không phải hỗ trợ phòng ngự. Đáp lại, Ronaldo sẽ ghi bàn. Đó là điều CR7 giỏi nhất trong sự nghiệp.
Song, khi Ronaldo đã bước qua bên kia sườn dốc, các đội bóng phải hỗ trợ Ronaldo nhiều hơn, chuyền nhiều bóng hơn để CR7 đảm bảo hiệu suất ghi bàn.
Điều này vô tình làm giảm tầm ảnh hưởng của các vệ tinh xung quanh. Số bàn thắng của Bruno Fernandes giảm gần một nửa (từ 45 xuống 23) khi Ronaldo xuất hiện. Marcus Rashford, Jadon Sancho cũng sa sút phong độ khi chơi cùng đàn anh.
Đó là lý do Bayern Munich nói không với Ronaldo, còn Chelsea, Paris Saint-Germain lưỡng lự. Điểm chung của các CLB này là thi đấu pressing ở cường độ cao, đòi hỏi hàng công phải chơi đồng đội, gắn kết. Không có chuyện các CLB này chơi theo kiểu “1 người” như Man Utd mùa trước.
Các đội bóng cạnh tranh danh hiệu lớn đều chơi như thế. Ronaldo tìm chỗ đứng thế nào ở những tập thể này?
Đó là bước đi mà ê-kíp của Ronaldo phải tính toán kỹ lưỡng. Ở tuổi 37, Ronaldo còn rất ít sửa sai. Nếu CR7 bất chấp để rời Man Utd, anh càng chịu sức ép phải thành công để chứng minh lựa chọn của mình là đúng.
Hồng Nam