Canh Bạc Mạo Hiểm Của Barcelona 62e3a007dece2.png

Canh bạc mạo hiểm của Barcelona

Vài tháng trước, Barca liên lạc với nhiều mục tiêu tiềm năng trên thị trường chuyển nhượng. Nhưng ở thời điểm đó, CLB này chạm giới hạn lương của La Liga, đồng nghĩa họ không thể đăng ký bất cứ cầu thủ mới nào.

Tuy nhiên, Barcelona đảm bảo với các ngôi sao rằng họ sẽ tìm ra cách. Đấy là lý do Robert Lewandowski hay Raphinha chấp nhận về Camp Nou. Barca có được các ngôi sao này. Đổi lại, họ thế chấp tương lai và đặt cược bằng sự ổn định tài chính dài hạn của CLB.

Kỳ chuyển nhượng liều lĩnh

Ban lãnh đạo Bayern Munich từng đùa với nhau rằng họ không tin Barca còn tồn tại đến mùa giải năm kia. Lời đùa cợt đó được nhà báo kỳ cựu Raphael Honigstein tiết lộ ra công chúng, khiến ông trở thành tâm điểm chỉ trích từ phía Barca lẫn Bayern. Honigstein sau đó phải thanh minh rằng ông ban đầu đã khẳng định rõ ban lãnh đạo CLB nước Đức chỉ có ý đùa cợt.

Song ngay cả khi những lời phân trần của Honigstein đúng, thì việc Bayern Munich hoài nghi về tình hình tài chính của Barca trong tương lai là có thật. Đó là lý do Bayern Munich yêu cầu Barca trả ngay phí chuyển nhượng Lewandowski chứ không chấp nhận thanh toán theo đợt.

Canh bạc mạo hiểm của Barcelona - Bóng Đá

 Barcelona kỳ vọng những tân binh như Raphinha có thể giúp họ sớm trở lại thời kỳ hoàng kim. Ảnh: Reuters.

Thông thường, phí chuyển nhượng cầu thủ sẽ được các CLB trả trong nhiều năm tùy thuộc việc đàm phán. Trong điều kiện kinh tế bình thường, những các đội bóng đều sẵn sàng cho đối tác thanh toán theo kiểu này. Ví dụ, Barca mua Malcom từ Bordeaux vào mùa hè 2018 với giá 42 triệu euro. Đến nay, CLB La Liga vẫn còn nợ đối tác Pháp số tiền 8,3 triệu euro phí mua cầu thủ.

Bordeaux sau đó lâm vào khủng hoảng tài chính và suýt bị giáng xuống giải hạng Ba Pháp. Nhưng họ không thể bắt Barca trả tiền sớm vì đã đồng ý vào các điều khoản hợp đồng 4 năm trước. Bayern thì không dại dột như vậy. Họ muốn giảm thiểu các rủi ro trong tương lai vì tin rằng Barca có thể vỡ nợ và khi đó sẽ không thể hoàn tất các khoản chi trả.

Vài CLB khác còn cực đoan hơn khi quyết định không làm ăn với đội bóng xứ Catalonia. Napoli là một trong số đó. “Tôi bảo Kalidou Koulibaly rằng tôi sẽ không bán cậu ta cho Barca vì họ làm gì có tiền”, Chủ tịch Napoli, Aurelio De Laurentiis, nói sau khi để trung vệ của mình tới Chelsea.

Một người Bayern khác là Julian Nagelsmann nói thẳng toẹt: “Barcelona có lẽ là đội bóng duy nhất không có tiền nhưng vẫn sở hữu mọi cầu thủ họ mong muốn, không chỉ riêng Robert Lewandowski. Tôi không biết họ làm cách nào nhưng điều này thực sự kỳ lạ, thậm chí điên rồ”.

Phát biểu của Nagelsmann hay De Laurentiis nói lên rất nhiều điều về tình thế hiện tại của Barca. “Đòn bẩy tài chính” mà ban lãnh đạo đội bóng Tây Ban Nha áp dụng giúp họ có được một kỳ chuyển nhượng trong mơ nếu nói về chất lượng và danh tiếng của các tân binh. Thế nhưng việc thế chấp tương lai để mua cầu thủ không phải là chiến lược đảm bảo bền vững.

Canh bạc mạo hiểm của Barcelona - Bóng Đá

 Chủ tịch Laporta đang chơi canh bạc liều lĩnh với hy vọng giúp Barca lấy lại vị thế. Ảnh: Goal.

Thế chấp tương lai để mua hiện tại

Trước khi kỳ chuyển nhượng mùa hè 2022 diễn ra, người đứng đầu La Liga, Javier Tebas, ước tính Barca phải huy động số tiền khoảng 600 triệu euro (511 triệu bảng) để đáp ứng giới hạn quỹ lương của giải đấu. Barca khi đó có khoản nợ lên tới 1,2 tỷ euro, phần lớn là nợ ngắn hạn.

Mọi thứ càng trở nên cấp bách hơn khi Barca chiêu mộ thành công Lewandowski, Raphinha, Franck Kessie, Andreas Christensen và sắp tới là Kounde. Cần nhớ rằng đến ngày 28/7, Barca chưa thể đăng ký Lewandowski và Raphinha vào danh sách dự La Liga 2022/23.

Nỗ lực của ban lãnh đạo Barca vài tháng qua là đáng khen ngợi. Họ xoay xở đủ cách để thay đổi bảng cân đối kế toán, làm tăng doanh thu của CLB. Khoản vay 600 triệu euro từ Goldman Sachs (có thời hạn 10 năm) giúp đội chủ sân Camp Nou tạm giải quyết các vấn đề ngắn hạn. Thỏa thuận tài trợ 70 triệu euro/năm được Barca ký với Spotify, bao gồm để đối tác in tên áo đấu, dụng cụ tập luyện và quyền đặt tên sân vận động cũng giúp họ đáng kể.

Tuy nhiên, hợp đồng mang tính chất “trọn gói” với thời hạn 12 năm kể trên khiến Barca không còn nhiều cơ hội hợp tác với các thương hiệu khác. Để lấy ví dụ, MU có hai nhà tài trợ khác nhau liên quan đến việc in tên lên mặt trước và cánh tay áo thi đấu. Trang phục tập luyện và tên sân tập của “Quỷ đỏ” cũng do hai thương hiệu khác tài trợ.

Barca cũng bán 10% bản quyền truyền hình La Liga của họ với giá 207,5 triệu euro cho Sixth Street trong 25 năm. Ngoài ra, CLB này vừa thành công trong việc bán tới 49,9% bản quyền và thương mại của họ để thu về trên dưới 400 triệu euro. Nói cách khác, Barca đang bán mọi thứ có thể, đang thế chấp tương lai của mình trong hai thập niên tới để kỳ vọng vào thành công ngay lập tức trong 1-2 năm.

Vì sao gọi đó là một cuộc “thế chấp tương lai”? Bởi Barca sẽ phải trả khoản lãi không nhỏ từ Goldman Sachs trong tương lai bên cạnh việc suy giảm doanh thu trong dài hạn. Doanh thu của Barca khó có thể tăng so với những đối thủ như Real Madrid hay Man City trong 5, 10 hay 20 năm tới bởi CLB này bị trói vào các bản hợp đồng dài hạn.

Nếu tiền bản quyền truyền hình La Liga tăng trong một thập niên tới, Barca sẽ hưởng lợi rất ít từ điều đó. Tất nhiên, kỳ vọng của Laporta và các cộng sự nằm ở việc thành công trên sân cỏ trong ngắn hạn sẽ bù đắp tất cả. Nếu Barca vô địch Champions League vào tháng 5/2023, điều đó có thể tạo ra cú hích về mặt doanh thu. Sự phát triển đúng hướng của Pedri, Gavi hay Ansu Fati có thể giúp Barca tiến lên một vị thế mới về mặt bóng đá lẫn tài chính.

Laporta không xa lạ với cách làm này. Ông từng thành công bằng chiến lược đó trong nhiệm kỳ đầu ở Camp Nou. Năm 2003, Laporta đem về Ronaldinho sau lời hứa chiêu mộ David Beckham với các cử tri không thành. “Rô Vẩu” trở thành cầu thủ hay nhất thế giới trong màu áo Barca, giúp CLB vô địch Champions League 2006.

Sau khi Ronaldinho sa sút, Laporta nhận được hai “món quà” mang tên Lionel Messi và Pep Guardiola. Điều đó giúp Barca duy trì vị thế. Nhưng bóng đá thế giới lúc này đã khác.

Các đội bóng Ngoại hạng Anh thể hiện sức mạnh tài chính nhờ tiền bản quyền truyền hình giải đấu tăng phi mã. PSG nhận nguồn tiền từ cả một quốc gia. Bayern Munich vẫn duy trì vị thế nhờ cách vận hành khoa học và chuẩn chỉnh. Real Madrid tỏ ra lọc lõi và khôn ngoan trên thị trường chuyển nhượng. Khi tất cả đối thủ vẫn rất hùng mạnh, Barca lại chẳng còn thần hộ mệnh Messi.

Ai đủ khả năng như Ronaldinho, Guardiola hay Messi trong quá khứ để giúp Barca gặt hái thành công trên sân cỏ? Xavi, Pedri, Gavi hay Lewandowski ở tuổi 34 đủ năng lực làm điều đó?

Theo Tường Linh – Zing.vn | 10:00 29/07/2022