Đó là quan điểm của Jamie Carragher, người tin rằng những hành động và lời nói từ ông chủ mới Chelsea đáng để người ta lo ngại.
Super League chưa chết
Với lời nói và ý tưởng về kế hoạch tổ chức trận All-Star của Boehly, tôi cho rằng ông ấy nên nghiên cứu kỹ hơn trước khi đưa ra phát ngôn như vậy.
Nhiều năm qua, Premier League trở thành ngành công nghiệp đa quốc gia, trị giá hàng tỷ bảng, thu hút phần lớn các cầu thủ và huấn luyện viên giỏi nhất thế giới, lấp đầy các sân vận động mỗi tuần và liên tục tăng giá bản quyền phát sóng.
Ai giúp Premier League thành công như vậy, Todd Boehly chăng? Giá như ông ấy xuất hiện ngay từ đầu năm 1992 để các đội bóng hàng đầu bóng đá Anh có thể phát huy hết tiềm năng.
Hãy nghĩ xem các CLB hàng đầu có thể kiếm tiền nhiều hơn bao nhiêu nếu vị tỷ phú người Mỹ nhúng tay vào công việc ở thời điểm đó.
Đúng vậy, tôi đang mỉa mai (Boehly – PV).
Premier League bị chỉ trích suốt ba thập niên qua vì nhiều thứ như lòng tham, gạt đi sự tự tôn, đôi khi tẩy trắng lịch sử, bỏ bê các đội hạng dưới và coi người hâm mộ như khách hàng thay vì tập trung vun đắp tình cảm của họ với bóng đá.
Tuy nhiên, mọi người, từ nhà báo đến CĐV, chuyên gia hay cựu cầu thủ, chủ sở hữu đều thống nhất rằng bất chấp những khiếm khuyết của Premier League, giải đấu vẫn là chiến thắng về cả khía cạnh thể thao lẫn kinh tế.
Giải đấu phát triển và mạnh lên hàng năm, về cả chất lượng chuyên môn lẫn tiền bạc. Premier League tạo ra doanh thu và thu hút những cổ đông hoặc nhà tài trợ khổng lồ, những người có thể trả lương cho Pep Guardiola, Jurgen Klopp hay Antonio Conte mà không cần suy nghĩ nhiều. Tất nhiên, chính những ông chủ giàu có kể trên đôi khi cũng bị phản ứng vì mưu đồ tạo dựng các kế hoạch gây bất lợi cho số đông.
Đơn cử như dự án Super League vào năm ngoái, với sự ủng hộ từ 6 CLB hàng đầu nước Anh. Khi kế hoạch Super League bại lộ và nhanh chóng bị loại bỏ, những bộ óc thông thái nhất cảnh báo rằng giới chủ của 6 CLB kể trên sẽ không từ bỏ. Họ tin rằng mình chỉ mới thua trong trận chiến lớn đầu tiên, chứ không phải cả cuộc chiến.
Điều khiến tôi băn khoăn nhất sau nhận xét của Boehly vào giữa tuần là họ (giới chủ ngoại quốc tại top 6 Premier League) chứng minh những lời giễu cợt như vậy là đúng.
Ý tưởng về Super League chưa chết, nó chỉ đơn thuần nằm ở chế độ ngủ đông, với những doanh nhân như Boehly đang chờ đợi để nắm bắt cơ hội tiếp theo nhằm khởi động lại kế hoạch đó.
Boehly muốn ám chỉ rằng bóng đá Anh còn có thể kiếm tiền nhiều hơn nữa (so với hiện tại). Đó là lý do tại sao đồng nghiệp của tôi, Gary Neville, rất kiên quyết về việc cần có một cơ quan quản lý độc lập, đảm bảo những “ý tưởng” kiểu như Boehly không biến thành sự thật.
Tôi không phải người theo chủ nghĩa truyền thống phản đối các ý tưởng mới cho giải đấu. Những kế hoạch và cách kiếm tiền cho giải đấu luôn tốt. Đó là điều giúp môn thể thao này tiếp tục phát triển. Bóng đá cần những người có tầm nhìn. Song, cách tiếp cận theo kiểu “nói trước, nghĩ sau” của Boehly thật đáng lo ngại.
Đối với tôi, ý tưởng của Boehly về một trận đấu giữa các ngôi sao miền nam – bắc Premier League hay ý tưởng về một giải đấu khác để phân suất xuống hạng thật sự là vấn đề. Điều làm tôi khó chịu còn là giọng điệu trịch thượng từ ông chủ Chelsea.
Người hâm mộ Chelsea có quyền lo lắng khi Boehly hành xử theo kiểu đó. Hoặc là ông ấy không tìm kiếm lời khuyên về cách “đối nhân xử thế” khi tiếp quản Chelsea, hoặc thậm chí tệ hơn là không thèm lắng nghe ai.
Đơn cử như câu nói của Boehly tuần này: “Tôi hy vọng Premier League học được một chút từ thể thao Mỹ”.
Có một bài học mà Boehly nên làm theo: Đó là hãy nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi phát ngôn. Tôi không chống giới chủ Mỹ. Đó là phản ứng trước sự kiêu ngạo.
Thật khó tin khi một chủ sở hữu CLB lại đưa ra những ý tưởng táo bạo kiểu như vậy công khai, thay vì thảo luận ở các cuộc họp trước đó tại Premier League. Nếu Boehly đề xuất ý tưởng của mình ra trước các CLB và ban tổ chức giải đấu, ông ấy sẽ được thông báo về phản ứng của công chúng và truyền thông, do đó tránh bị chế giễu
Mua một CLB bóng đá không giống như nhượng quyền thương mại trong kinh doanh. Giữa làn sóng chỉ trích Boehly, chúng ta có thể suy đoán rằng phải chăng doanh nhân này thiếu kiến thức và kinh nghiệm để điều hành một đội bóng hàng đầu Premier League?
Dấu hỏi về Boehly
Boehly có vẻ là một ông chủ “tay mơ” trong bóng đá và trên thị trường chuyển nhượng, người cho rằng Mohamed Salah và Kevin De Bruyne là những sản phẩm của học viện Chelsea. Ông ấy sa thải một trong 5 HLV giỏi nhất châu Âu hiện tại chỉ sau 7 trận đầu mùa.
Cho dù quyết định sa thải Thomas Tuchel có thuộc về yếu tố chuyên môn hay đã được lên kế hoạch từ trước hay không, mọi người ít nhất có thể đồng ý rằng thời điểm đưa ra quyết định khá kỳ lạ và phi lý.
Sai sót lớn của nhiều doanh nhân ngoại quốc là họ không hiểu rằng ở Anh, mua một CLB bóng đá không giống như mua một công ty hay “nhượng quyền thương mại”.
Logo, sân vận động và các cầu thủ của CLB chỉ là một phần. Những doanh nhân kể trên mua biểu tượng của một cộng đồng. Đối với nhiều vùng của nước Anh, bóng đá không chỉ là một hoạt động giải trí tầm thường.
Phần lớn dân Anh xem bóng đá như một hoạt động trung tâm trong cuộc sống hàng ngày. Các CLB cần được đối xử như vậy. Premier League hiện là giải đấu mạnh nhất thế giới với sự đóng góp chất xám từ các huấn luyện viên người Tây Ban Nha, Đức và Italy.
Trong quá khứ, các nhà quản lý người Pháp và Bồ Đào Nha đưa chúng tôi lên một tầm cao mới. Điều đó kết hợp với tình yêu cuồng nhiệt của người hâm mộ biến giải đấu trở thành như ngày nay. Boehly có thể ngạc nhiên khi biết rằng bóng đá Anh cần bảo vệ chứ không cần giải cứu (để kiếm được nhiều tiền hơn).