Trong suốt năm cuối cùng làm việc dưới vai trò HLV của Borussia Dortmund, Jurgen Klopp và người bạn kiêm trợ lý Peter Krawietz đã cảm nhận rõ được bầu không khí đầy nghi ngờ dành cho họ.
Krawietz, người giờ đây đã trở thành trợ lý HLV tại Liverpool, chia sẻ trong cuốn “Bring The Noise” – tiểu sử về Klopp của tác giả Raphael Honigstein: “Trong đầu chúng tôi lúc đó toàn là những câu hỏi: Có phải lỗi của chúng tôi không? Hay sự sa sút này là lỗi của toàn đội? Chúng tôi cần phải làm gì bây giờ?”
“Tình cảnh tại Dortmund khi ấy rất tồi tệ, hơn mức nhiều người có thể chịu đựng. Bạn thậm chí không mong tình cảnh ấy xảy đến với đối thủ lớn nhất của mình. Toàn đội mệt mỏi và rệu rã đến mức khó tin”.
Chu kỳ 7 năm của Klopp
Cụ thể, chỉ hơn 1 năm sau khi vào tới trận chung kết Champions League, Dortmund đã trải qua chuỗi trận đáng thất vọng. Họ để thua tới 11/19 trận đầu tiên tại Bundesliga mùa giải 2014/15. Tới đầu tháng 2/2015, đoàn quân của HLV Klopp vẫn đang xếp chót bảng xếp hạng – một cú ngã đau với đội bóng vừa thăng hoa vài mùa giải trước.
Sau đó, Dortmund đã cố gắng vực dậy, giành 5 chiến thắng và 2 trận hoà trong 7 trận tiếp theo, thoát khỏi nhóm cầm đèn đỏ và kết thúc mùa giải tại vị trí thứ 7 chung cuộc.
Klopp đã có những thành công vang dội với Dortmund: 2 chức vô địch Bundesliga, 1 cúp Quốc gia Đức, 2 Siêu cúp Đức, chức Á quân Champions League và vô số những khoảnh khắc kỳ diệu kể từ khi ông chuyển tới từ Mainz vào năm 2008. Sau 7 năm, Klopp đã quyết định từ chức vào đầu tháng 4/2015. Ông cho rằng các cầu thủ và đội bóng cần 1 sự thay đổi.
Và ở Liverpool vào thời điểm hiện tại, dường như Klopp đang phải đối diện với 1 “chu kỳ 7 năm” khác.
Kể từ khi Klopp tới, những người yêu mến Liverpool đã được tận hưởng quãng thời gian đẹp như mơ, với chức vô địch Champions League, Premier League, Carabao Cup và FA Cup. Họ cũng thêm 2 lần vào tới chung kết Champions League (đều thua trước Real Madrid) và 2 lần cạnh tranh chức vô địch Premier League với Manchester City của Pep Guardiola tới tận trận đấu cuối cùng của mùa giải.
Tuy nhiên, ngay khi mùa giải 2022/23 bắt đầu, đoàn quân với “tinh thần quái vật” của Klopp đã cho thấy dấu hiệu “hết pin”. Và có lẽ Klopp cũng đang trải qua những mệt mỏi và áp lực giống với các học trò của mình.
Có rất ít HLV ăn mừng chiến thắng nồng nhiệt như Klopp. Ông luôn nở nụ cười tươi, ôm chầm lấy các cầu thủ của mình, liên tục đấm vào không trung để ăn mừng với đám đông cổ động viên, và không giấu được niềm vui trong những cuộc họp báo sau trận đấu.
Và ngược lại, cũng không nhiều HLV để sự thất thường của CLB ảnh hưởng lớn đến tâm trạng cá nhân như Klopp. Khả năng truyền năng lượng của ông giờ đây đang phản tác dụng, khi nó khiến bầu không khí tại Liverpool u ám hơn bao giờ hết. Các cầu thủ, nhân viên, người hâm mộ và giới truyền thông tại đây đều đang cảm nhận rõ được sự thay đổi.
Tình cảnh hiện tại của Liverpool có những nét tương đồng không thể phủ nhận với Dortmund ngày trước, khi một nhóm cầu thủ hoạt động hết công suất trong thời gian dài và có dấu hiệu quá tải. Tuy nhiên, chính HLV Klopp đã từng khẳng định vào tháng 10/2022 rằng tình cảnh giữa 2 CLB là “hoàn toàn khác nhau”, và nhấn mạnh rằng Dortmund đã để mất Mario Gotze và Robert Lewandowski vào tay Bayern Munich.
Nhưng rõ ràng, chiến dịch của Liverpool cho tới thời điểm này của mùa giải đang gợi cho người hâm mộ về “chu kỳ 7 năm” mà Krawietz đã từng nhắc tới khi còn làm việc tại Đức.
Có lẽ, Klopp cũng cảm thấy khó hiểu hơn ai hết về chính Liverpool của ông. Từ 1 đội bóng được định hình lối chơi giàu thể lực và sự dẻo dai, với cường độ hoạt động cao và bản năng sát thủ, Liverpool mùa giải này thường xuyên thi đấu nhạt nhoà. Họ đang tạm xếp thứ 9 tại Premier League, kém đội đầu bảng Man City 19 điểm và cách nhóm dự Champions League 9 điểm.
“Lữ đoàn đỏ” chỉ giành được 9 chiến thắng sau 21 trận, và thậm chí màn trình diễn của họ còn kém thuyết phục hơn những gì bảng xếp hạng phản ánh.
Vì sao Liverpool sa sút?
Đã có nhiều phân tích được đưa ra về Liverpool mùa giải này: sự thua thiệt tại tuyến giữa, bão chấn thương hoành hành, nằm trong số những đội bóng có độ tuổi trung bình cao nhất Premier League, hàng thủ quá dễ bị xuyên phá…
Hàng thủ trứ danh vài năm trở lại đây của màu đỏ vùng Merseyside với lối chơi chủ động, chỉ ngại những tình huống phản công, giờ đây cảm giác có thể nhận bàn thua bất cứ lúc nào, và thường ở những phút đầu của mỗi hiệp đấu.
Sự sa sút phong độ của các ngôi sao: Trent Alexander-Arnold, Fabinho, Mohamed Salah, Darwin Nunez… cũng được chú ý tới. Tuy nhiên qua thời gian, Liverpool ngày càng khó phân biệt nguyên nhân và những hệ quả. Chúng ta đã nói nhiều về phong độ của Alexander-Arnold từ đầu mùa giải, nhưng liệu khả năng phòng ngự không tốt của cầu thủ người Anh khiến Liverpool gặp khó, hay anh cũng chỉ đang bị ảnh hưởng bởi sự sa sút của toàn đội?
Liệu tuyến giữa của Liverpool dễ dàng bị bẻ gãy là do phong độ của Fabinho và Jordan Henderson, hay họ đang phải kéo giãn ra để bù vào những yếu điểm khác trên sân?
Có thể thấy, những màn trình diễn gây thất vọng của Liverpool đang tới từ những vấn đề lớn hơn, cả về thể chất lẫn tinh thần. Mô hình kinh doanh tự duy trì của Fenway Sports Group cũng đang cho thấy những hạn chế.
Kể từ chức vô địch Champions League năm 2019, Liverpool luôn xếp sau ít nhất 10 đội bóng Premier League về khoản chi mỗi kỳ chuyển nhượng. “The Kop” đã mang về Anfield những cái tên như Thiago Alcantara, Diogo Jota, Ibrahim Konate, Luis Diaz, Darwin Nunez và Cody Gakpo trong khoảng thời gian ấy. Nhưng với vị thế của ĐKVĐ Champions League, Liverpool lẽ ra nên làm mới và trẻ hoá đội hình triệt để hơn.
HLV Jurgen Klopp cũng đã lên tiếng phản bác những ý kiến cho rằng ông “quá trung thành” với đội hình xuất phát đã trở thành công thức chiến thắng của Liverpool trong 1 thời gian dài. Tuy nhiên, Liverpool ở thời điểm hiện tại cần một cuộc cải tổ lớn mà Klopp chưa từng có thể tưởng tượng trước đây.
Krawietz đã bày tỏ rõ quan điểm của mình khi rời Dortmund: “Nếu đội bóng cần cuộc cách mạng, với đội hình và lối chơi khác, thì chẳng phải dễ dàng hơn khi thay đổi bộ mặt của người đứng đầu?”. Ông và Jurgen Klopp cảm thấy đó là điều nên làm cho Dortmund.
Tuy vậy, cũng có những người không đồng tình với ý kiến này. Giám đốc điều hành Hans-Joachim Watzke cho rằng: “Có lẽ sẽ tốt hơn nếu chúng tôi thay mới lại toàn bộ cầu thủ, chứ không phải huấn luyện viên”.
Mặt khác, Klopp giờ đây dự định sẽ tiếp tục tại vị và xây dựng lại Liverpool. Những người hâm mộ và giới chủ “The Kop” có thể cảm thấy biết ơn vì điều đó. Chia sẻ với tờ Telegraph, cựu trung vệ Liverpool Jamie Carragher cho rằng Klopp “chắc chắn sẽ thành công” trong cuộc cải tổ ấy, với nguồn năng lượng dồi dào của mình.
HLV người Đức cũng từng nói trong chương trình Football Peoplecủa Michael Calvin rằng ông cũng hứng thú với thử thách này, dù không thể làm được “như Chelsea đang làm với ông chủ mới”, khi mà “không ai biết chính xác họ đang làm gì và làm thế nào họ có thể chi số tiền lớn như vậy”.
Klopp không thích nói về chuyển nhượng – ít nhất là ở CLB ông đang dẫn dắt – bởi ông luôn cảm thấy không có lý gì để nói về những vấn đề chỉ có thể được giải quyết từ bên ngoài.
Nhưng những câu chuyện chuyển nhượng đã và đang trở nên khó tránh khỏi tại Liverpool, khi mọi thứ đang không đi đúng quỹ đạo, đặc biệt là tại tuyến giữa. Dường như Klopp chỉ luôn đưa ra những viễn cảnh tươi đẹp về chiều sâu tuyến giữa của “Lữ đoàn đỏ”, khi James Milner, Henderson và Thiago đều đã luống tuổi, còn Naby Keita và Alex Oxlade-Chamberlain có tiền sử chấn thương dày đặc.
Cho tới thời điểm này, những giải pháp vẫn chưa được thực hiện. Liverpool muốn có Aurelien Tchouameni mùa hè năm ngoái, nhưng tiền vệ người Pháp lại ưu tiên Real Madrid giống như các cầu thủ khác thường làm. Trả lời lại giới truyền thông cuối tháng 8/2022, Klopp cho rằng ông “muốn mạo hiểm hơn trên thị trường chuyển nhượng”, nhưng lại “được nói về những gì tôi có thể và không thể làm”.
Leo dốc thế nào?
Điều thú vị là, dù Liverpool đang trải qua quãng thời gian khó khăn, bản hợp đồng với Jude Bellingham vẫn đang được để ngỏ ở kỳ chuyển nhượng mùa hè 2023. Việc không được tham dự Champions League hay thậm chí là những cúp châu Âu khác có lẽ không phải là vấn đề với thương vụ này.
Tuy nhiên, có 3 câu hỏi được đặt ra: Một: liệu Liverpool có thể thuyết phục tài năng trẻ của Dortmund và đội tuyển Anh rằng, sự vắng mặt tại đấu trường châu lục chỉ là vấn đề nhất thời?
Hai: với nhiều vị trí cần bổ sung trong đội hình, có đáng để “The Kop” giành ít nhất 100 triệu bảng cho 1 cầu thủ?
Ba: Fenway Sports Group liệu có hỗ trợ Klopp mua những cầu thủ ông cần, trong bối cảnh họ đang muốn rao bán CLB?
Cần phải nhớ, Klopp đã nói cuối tháng 4/2022 khi ông ký vào bản hợp đồng với Liverpool tới năm 2026: “Tôi vẫn luôn cảm nhận được sự tươi mới của CLB và điều này tiếp thêm năng lượng cho tôi. Từ khi tôi tới Liverpool, tôi luôn được giới chủ tại đây ủng hộ và tôi tin trong tương lai, chúng tôi sẽ có thể làm nhiều hơn thế”.
Dù vậy, trong vài tháng trở lại đây, Fenway Sports Group đang nỗ lực tìm kiếm những nguồn tiền mới bằng việc rao bán, hoặc tìm những nhà đầu tư muốn mua cổ phần của Liverpool. Chủ tịch của FSG Mike Gordon vẫn chưa quyết định về tương lai của ông trong việc quản lý CLB (đồng thời làm việc trực tiếp với Klopp), để tập trung tìm kiếm những nguồn đầu tư khác. Họ cũng không giữ được Giám đốc thể thao Michael Edwards và người kế nhiệm Julian Ward – người thậm chí mới chỉ nhậm chức mùa hè vừa qua.
Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu, tiến sĩ Ian Graham, cũng đang làm thủ tục nghỉ việc tại Liverpool. Bác sĩ của CLB, Jim Moxon, đã đột ngột rời đi vào mùa hè và đang làm việc tạm thời cho Manchester United.
Thêm vào đó là 1 loạt những người đã đi trong vài năm qua (trưởng bộ phận hiệu suất Phillipp Jacobsen, các nhà phân tích Harrison Kingston và Mark Leyland…). Dường như Liverpool đang trải qua quá nhiều biến động về mặt nhân sự đội bóng, cả trong và ngoài sân cỏ.
Sự thiếu ổn định tại hậu trường của Liverpool đã mang lại nhiều biến động cho CLB, và cùng lúc đó, đội hình trên sân cỏ từng mang lại nhiều vinh quang cũng sa sút phong độ và đưa ra tín hiệu cần về một cuộc “thay máu” tại đây.
Và không bất ngờ khi điều ấy đang khiến Klopp rất lo lắng. HLV người Đức luôn được biết tới với những màn đấu khẩu nảy lửa khi có ai đó nghi ngờ về đội ngũ của ông (như HLV thể lực Andreas Kornmayer, hay trợ lý HLV Pep Lijnders). Mùa giải này, không chỉ các cầu thủ trên sân bị chỉ trích bởi màn trình diễn tệ hại, đội ngũ của Klopp còn nhận nhiều lời phê bình hơn từ giới chuyên môn.
Bất cứ khi nào 1 HLV đã tại vị lâu năm tại 1 CLB gặp khó (và cũng không còn nhiều người như vậy), mọi người lại nhắc tới nguyên tắc làm mới đội ngũ hậu cần của Sir Alex Ferguson. Ngài Ferguson đã làm việc với tổng cộng 7 trợ lý HLV khác nhau trong 26 năm dẫn dắt Manchester United. Trong 12 năm, ông đã 5 lần thay đổi trợ lý của mình, từ Steve McClaren, Jim Ryan, Carlos Queiroz (2 lần), Walter Smith cho tới Mike Phelan.
Dù vậy, “triết lý” này của Sir Alex cũng có phần được nói quá. Jim Ryan và Walter Smith là những giải pháp tạm thời. Brian Kidd, McClaren và Queiroz đều rời đi để theo đuổi những vị trí cao hơn trong ban huấn luyện (tại Blackburn Rovers, Middlesbrough, Real Madrid, ĐTQG Bồ Đào Nha…) và đều không phải do ngài Ferguson muốn.
Sẽ là sự xúc phạm đối với chính Sir Alex và các cộng sự cũ của mình nếu nói rằng sự thành công của Manchester United tới từ sự thay đổi các vị trợ lý HLV.
Mặt khác, HLV Arsene Wenger đã chọn 1 bộ khung chủ chốt của ban huấn luyện để đi cùng ông trong nhiều năm tại Arsenal (21 năm với trường hợp của người trợ lý tin cậy Boro Primorac).
Wenger là vị HLV với triết lý hiện đại nhất Premier League từ những năm giữa – cuối của thập niên 90, nhưng có lẽ ai cũng nhớ, ông và Primorac đã gặp khó thế nào khi thập niên 2010 bắt đầu.