HLV Graham Potter được bổ nhiệm làm HLV trưởng Chelsea chỉ một ngày sau khi người tiền nhiệm Thomas Tuchel bị sa thải. HLV Potter có nhiều điều khác biệt so với các đồng nghiệp từng làm việc ở sân Stamford Bridge. Ông đến Chelsea mà không mang theo một bản lý lịch hoành tráng.
Sự cuốn hút của HLV Graham Potter nằm trở triết lý bóng đá mà ông xây dựng ở các đội bóng mình từng làm việc. Ngoài ra, vị HLV 47 tuổi này cũng có những nét thú vị ở ngoài sân cỏ.
Chuyên gia huấn luyện “ngựa ô”
Sự nghiệp cầu thủ của Graham Potter chẳng có gì đặc biệt. Đội bóng danh tiếng nhất mà ông từng đầu quân là Southampton, Stoke City và Birmingham. Ông giải nghệ ngay khi bước qua tuổi 30.
Năm 36 tuổi, Potter quyết định đến Thuỵ Điển bắt đầu sự nghiệp huấn luyện ở đội bóng nhỏ bé Ostersunds. Daily Mail mô tả đây là một nước đi “bước ra khỏi vùng an toàn” của ông, bởi các HLV người Anh thường không được đánh giá cao khi làm việc ở nước ngoài.
Dù vậy, đó có thể coi là một thành công của HLV Potter. Nhà cầm quân người Anh đưa Ostersunds tiến một mạch từ hạng tư lên hạng chuyên nghiệp cao nhất của Thụy Điển trong vòng 5 năm. Mất thêm 2 năm nữa để Graham Potter giúp đội bóng của mình giành vé dự Europa League bằng cách đánh bại Galatasaray ở vòng sơ loại.
Những cầu thủ như Modou Barrow, Ken Sema và Saman Ghoddos…được Ostersunds ký hợp đồng khi chẳng ai biết tới họ. Sau một thời gian làm việc cùng HLV Graham Potter, họ được các tuyển trạch viên quốc tế để mắt tới và có cơ hội chuyển đến những giải đấu lớn hơn, như Ngoại Hạng Anh.
Chủ tịch CLB Osterfunds, ông Daniel Kindberg nói về HLV Graham Potter: “Anh ấy giúp các cầu thủ phát huy hết tiềm năng của họ, biến những cầu thủ xuất thân bình thường trở thành những người đẳng cấp nhất. Potter là một thiên tài chiến thuật và lãnh đạo, một quý ông và cực kỳ thông minh”.
Cũng nhờ những già làm được ở Thuỵ Điển, HLV Graham Potter tìm được tấm vé thông hành trở lại với bóng đá Anh cùng Swansea, sau đó là Brighton. Chỉ là một đội bóng tầm trung, có tiềm lực hạn chế nhưng Brighton dưới bàn tay của HLV Graham Potter trở thành “ngựa ô” của Ngoại Hạng Anh. Truyền thông xứ sương mù đánh giá cao những phát kiến về nhân sự và chiến thuật của nhà cầm quân này.
Brighton xếp thứ 9 ở Ngoại Hạnh Anh mùa giải trước và hiện đang đứng thứ tư trên bảng xếp hạng – vị trí cao hơn cả Chelsea. Trước khi chia tay HLV Graham Potter, đội bóng này chỉ thua một trận, đứng sau Arsenal, Man City và Tottenham.
Thạc sĩ chuyên ngành đặc biệt
Một điểm thú vị về HLV Graham Potter là ngay khi giải nghệ ở tuổi 30, ông đã có bằng cử nhân ngành khoa học xã hội. Thay vì bắt đầu sự nghiệp huấn luyện ở các CLB chuyên nghiệp, ông Potter chọn các đội bóng trường đại học.
Đại học Leeds Metropolitan – nơi HLV Potter làm giám đốc kỹ thuật của đội bóng đá – có một ngành học đặc biệt gọi là “lãnh đạo và trí tuệ cảm xúc”. HLV Graham Potter theo học thạc sĩ tại đây.
Sau đó, khi chuyển sang làm huấn luyện viên bóng đá, ông Potter áp dụng luôn những kiến thức chuyên ngành. Tâm lý học trở thành một phần quan trọng trong phong cách huấn luyện của vị HLV này.
“Sau khi chúng tôi thăng hạng lên giải VĐQG Thụy Điển, HLV Potter gửi email cho cha mẹ và người thân của tất cả các cầu thủ, đề nghị họ gửi thư tay cho chúng tôi, nhắn nhủ rằng họ tự hào về thành tích của chúng tôi như thế nào. Sau đó ông ấy cũng tự viết thư riêng cho từng cầu thủ”, Jamie Hopcutt, học trò cũ của HLV Potter ở Ostersunds kể lại. Cuối mùa giải đó, mỗi cầu thủ Ostersunds cầm về một phong bì chứa 2 bức thư đầy xúc động.
Vị HLV người Anh có nhiều cách đặc biệt để tạo ra sự kết nối giữa các thành viên trong CLB và xây dựng văn hóa nội bộ cho đội bóng. Ở Ostersunds, ông từng đưa cả đội vào thị trấn diễn nhạc kịch và chính nhà cầm quân này cũng tham gia vào vở diễn.
Khi Brighton and Hove Albion có chuỗi 7 trận liên tiếp không thắng ở mùa giải trước và đối mặt với lịch thi đấu khó khăn, HLV Potter phản ứng theo cách không ai ngờ. Ông không bắt các cầu thủ của mình phải chạy nhiều hơn, tập luyện lâu hơn, hay quát mắng chỉ trích họ về những lỗi sai.
Việc đầu tiên mà HLV Potter làm là tổ chức một buổi họp đội chỉ để các cầu thủ chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của mình.
“Ông ấy luôn cố gắng chia sẻ với chúng tôi về vấn đề tâm lý ,để chúng tôi tự suy nghĩ về tình hình”, tiền vệ người Argentina của Brighton, Alexis MacAllister, cho biết. Sau đó, Brighton chỉ thua thêm một trận.
Thế Sơn