Ronaldo là siêu sao truyền thông. Mọi nơi anh đặt chân đến, cả thế giới dõi theo. Ronaldo tạo ra hiệu ứng lớn. Tên tuổi CR7 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Màn ra mắt của Ronaldo hôm 3/1 thu hút sự chú ý của giới truyền thông thế giới, thậm chí, theo Goal, lấn át tang lễ của huyền thoại Pele ở Brazil. Một phòng họp báo đông nghịt người ở Riyadh là điều chưa từng có.
“Tôi phải nói rằng, tôi rất ngạc nhiên bởi nhiều người có mặt ở đây hôm nay”, huấn luyện viên Rudi Garcia của Al Nassr nói. “Thông thường, chỉ có 3 hoặc 4 nhà báo ở đây để nắm thông tin trước trận”.
Hiệu ứng Ronaldo
Tất nhiên, sân Mrsool Park không còn ghế trống. Mọi người đều muốn thấy Ronaldo. Cựu tiền đạo MU có thể gọi nhầm Saudi Arabia thành Nam Phi nhưng việc ra mắt Al Nassr có thể coi là “màn trình diễn ấn tượng nhất”. CR7 nói những điều cần chia sẻ. Anh khẳng định về tầm ảnh hưởng đến thế hệ tiếp theo, việc thay đổi nhận thức đối với bóng đá Saudi Arabia.
Ronaldo không quan tâm tới những bàn tán về vụ chuyển nhượng. Anh khẳng định từ chối nhiều lời đề nghị để khoác áo Al Nassr. Đáp lại, cả khán phòng dành cho cựu sao MU những tràng pháo tay lớn. Một số nhà báo còn chào đón Ronaldo bằng cách hét ‘Siu’ theo phong cách ăn mừng quen thuộc của ngôi sao 37 tuổi. Dễ hiểu khi có sự phấn khích lớn theo sau Ronaldo.
4 năm trước ở Italy, điều tương tự xuất hiện. Khi đó, hiệu ứng Ronaldo ở khắp nơi. Dòng chữ ‘Il colpo del secolo’ (Thương vụ thế kỷ) tràn ngập. Cái tên Ronaldo xuất hiện trên trang nhất của mọi tờ báo tại Italy.
Trong 24 giờ sau khi Ronaldo cập bến Turin, các tài khoản mạng xã hội khác nhau của Juve có thêm 2,2 triệu người theo dõi. Những con số tiếp tục tăng trong 18 tháng sau.
Sự xuất hiện của Ronaldo cũng khiến chiếc áo số 7 cháy hàng. Ronaldo làm cho chiếc áo đấu Juventus trở nên có giá trị hơn.
Chỉ 6 tháng sau khi Ronaldo có mặt ở Turin, “Bianconeri” đạt thỏa thuận về một hợp đồng tài trợ mới, thời hạn 7 năm với nhà sản xuất trang phục adidas, trị giá 357 triệu euro, gấp đôi giá trị của gói tài trợ trước đó. Tháng 11/2019, Juve mở rộng mối quan hệ đối tác với nhà tài trợ chính JEEP với giá 42 triệu euro, tăng 25 triệu euro so với thỏa thuận ban đầu.
Tuy nhiên, Marco Bellinazzo, tác giả cuốn ‘La fine del calcio Italiano’ (Sự kết thúc của bóng đá Italy) chia sẻ với Goal thời điểm đó rằng: “Hiệu ứng Ronaldo là có thật. Tất cả đều thấy. Nhưng vấn đề đối với Juventus là có sự gia tăng chi phí chứ không chỉ doanh thu”.
“Năm đầu của Ronaldo, Juve lỗ 40 triệu euro dù thực tế CLB kiếm được hơn 150 triệu euro. Điểm mấu chốt là bằng cách ký hợp đồng với Ronaldo, Juve phải tiếp tục phát triển và tiếp tục chiến thắng”, ông Bellinazzo nhấn mạnh.
Ronaldo không ngừng ghi bàn. Tuy nhiên, cả dự án tài chính và thể thao của Juve đều thất bại. Đại dịch như một đòn giáng mạnh khiến Juve mất hàng triệu euro doanh thu trong ngày diễn ra trận đấu. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng bộc lộ bản chất mong manh đối với tình hình tài chính CLB.
Cuối cùng, việc Ronaldo chuyển đến MU vào năm 2021 giảm bớt áp lực tài chính cho Juve. Ronaldo ra đi là lựa chọn tốt nhất cho cả hai.
Thách thức cho Ronaldo
Vậy dự án Ronaldo thất bại của Juve liên quan gì đến Saudi Arabia? Dù khác biệt đáng kể, vẫn có những điểm tương đồng. Thỏa thuận ở cả 2 thương vụ không chỉ nhằm mục đích đạt được thành công về mặt thể thao.
Cựu Chủ tịch Juventus, Andrea Agnelli, thừa nhận đội bóng tính toán mặt thương mại khi ký hợp đồng với Ronaldo. Al Nassr rõ ràng không cần tiền đạo 37 tuổi để thu hút tài trợ nhưng họ muốn khai thác thương hiệu CR7. Chủ tịch Musalli Al-Muammar thừa nhận: “Thỏa thuận không chỉ giới hạn trong phạm vi bóng đá”.
Ông nói thêm rằng sự hiện diện của Ronaldo giúp mang lại “nhiều thành công hơn cho câu lạc bộ, nền thể thao Saudi Arabia và các thế hệ tương lai”.
Trong thời đại của những người có sức ảnh hưởng, Al Nassr chắc chắn vừa ký hợp đồng với một tên tuổi có ảnh hưởng nhất. Ngày nay, nhiều người trẻ theo dõi cầu thủ bóng đá hơn CLB. Khi ấy, bóng đá Saudi Arabia bắt đầu được chú ý nhưng việc duy trì sẽ khó khăn hơn nhiều.
Ronaldo nói rằng anh muốn phá nhiều kỷ lục ở Saudi Pro League. Nhưng thành tích ghi bàn tại đây dường như không có trọng lượng, nghĩa là chúng khó tạo ra mức độ phấn khích như trước.
Giống như buổi ra mắt hôm 3/1, những trận đầu tiên của Ronaldo có thể sẽ thu hút sự quan tâm từ thế giới bên ngoài Saudi Arabia nhưng người ta tự hỏi nó sẽ kéo dài trong bao lâu.
Ronaldo được trả mức thù lao điên rồ, nhưng đây cũng là một canh bạc khi anh không còn phù hợp với bóng đá châu Âu. Kỳ World Cup 2022 thất bại cho thấy năng lực của Ronaldo đang tàn lụi, đồng nghĩa “hiệu ứng Ronaldo” cũng có nguy cơ biến mất.
Khi Ronaldo gia nhập Juve, người hâm mộ tin tưởng Serie A trở lại với những tháng ngày vinh quang. Nhưng nó không xảy ra. Ronaldo là một cầu thủ vĩ đại và một tên tuổi lớn về mặt thương mại, nhưng anh không thể tạo ra phép màu. Ở trường hợp của Serie A, cá nhân siêu sao Bồ Đào Nha không thể một tay vực dậy giải đấu đã xuống cấp do chính sách quản lý yếu kém trong nhiều thập kỷ.
Với Saudi Arabia, những bản hợp đồng thương mại không phải vấn đề. Nhưng tiêu chuẩn của giải đấu thấp hơn so với Serie A. Vì vậy, rất khó để Ronaldo có thể biến Saudi Arabia trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với những cầu thủ hàng đầu châu lục, bất kể anh phá bao nhiêu kỷ lục.
Cuối cùng sự thành công của thương vụ Ronaldo không được đong đo bằng các bàn thắng hay danh hiệu. Tất cả xoay quanh việc Saudi Arabia có giành quyền đăng cai World Cup 2030 hay không. Theo Goal, đó là mục đích chính của thỏa thuận.
Khi ấy, sức mạnh thật sự của “hiệu ứng Ronaldo” sẽ được phơi bày. Ronaldo không tới Saudi Arabia chỉ để chơi bóng. Anh mang sứ mệnh phát triển nền bóng đá Trung Đông với không ít thách thức đang chờ ở phía trước.