Chuyện một HLV mới đến phải chịu áp lực dưới cái bóng quá lớn của người tiền nhiệm không mới. Đây thậm chí là vấn đề thuộc dạng dĩ nhiên của bóng đá ở mọi cấp độ. Nhiều tên tuổi lớn đã lụn bại khi đặt mục tiêu vượt khỏi cái bóng của người đi trước. Cứ nhìn chuyện 10 năm qua ở Man United là rõ.
Với một nền bóng đá đặc thù như Việt Nam, chuyện này càng thu hút sự chú ý. Không HLV nào thành công như ông Park trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Điều này đồng nghĩa không HLV nào chịu áp lực vượt bóng người tiền nhiệm như ông Troussier.
Trong buổi trả lời phỏng vấn phần nào gây sốc ở cấp độ khu vực ngay sau chiến thắng tại trận ra quân SEA Games, ông Troussier nhấn mạnh chuyện tuyển Việt Nam với lối đá phòng ngự phản công đã thắng lớn ở Đông Nam á “nhưng thua 8 trong 10 trận tại vòng loại World Cup 2022”. Từ đó, ông tin bóng đá Việt Nam cần chơi bóng khác đi, chủ động hơn, có mục đích rõ ràng. Vì chỉ lối chơi như vậy mới có thể sòng phẳng với từ UAE, Oman đến Nhật Bản, Hàn Quốc…
Những gì ông Troussier nói không sai. Điều “sai” duy nhất là đội bóng dưới tay ông Troussier không chơi thuyết phục. Trong thể thao hay bóng đá, nói chỉ hay khi đi kèm kết quả. U22 Việt Nam thắng Lào 2-0 nhưng có những thời điểm bị đối thủ dồn ép. Nếu Quan Văn Chuẩn không xuất sắc và may mắn ngoảnh mặt, U22 Việt Nam có thể chỉ gặt nổi 1 điểm trước Lào.
Là HLV, ông Troussier phải chịu trách nhiệm. Và với bộ mặt thiếu sức sống như thế của U22 Việt Nam, cách nhà cầm quân người Pháp mượn thành tích thời ông Park để nói về đường hướng phát triển của bóng đá Việt Nam trong tương lai dường như chưa ổn.
Những gì U22 Việt Nam thể hiện trước Lào là không tốt. Các cầu thủ trẻ muốn cầm bóng, áp đặt thế trận nhưng vội vàng trong các đường bóng cuối cùng. Ngay cả khi không đủ người, những cầu thủ U22 Việt Nam vẫn tìm cách đưa bóng theo chiều dọc sang phần sân đối phương, mặc kệ đầu nhận bóng sẽ bị cô lập khi không còn ai phối hợp.
Sự vội vã này kéo theo rất nhiều hình ảnh đáng quên: Các cầu thủ đỡ bóng nảy cả mét (vì lực chuyền quá mạnh), hàng phòng ngự dễ bị xuyên thủng (vì khối đội hình bị xô lệch)… Nguyễn Quốc Việt, một trong hai nhân tố ghi bàn cho U22 Việt Nam trước Lào, thừa nhận tâm lý các cầu thủ không được tốt ở trận ra quân. “Nhưng hiện tại, chúng tôi chuẩn bị rất tốt cho trận đấu Singapore”.
Hiện tại, chưa có gì để đảm bảo điều này là sự thật. Tất cả chỉ có thể được thấy trên sân vào lúc 16h chiều nay. Song có điều này về Troussier người hâm mộ Việt Nam cần biết.
Đội hình tuyển Nhật Bản vô địch Asian Cup 2000 dưới tay Troussier có phần lớn trụ cột là những cầu thủ U22: Shinji Ono, Shunsuke Nakamura, Naohiro Takahara. Nhóm cầu thủ này sau đó đã đi vào lịch sử bóng đá Nhật Bản với chiến tích lọt vào vòng 1/8 World Cup. Ông Troussier thì vĩnh viễn trở thành thần tượng tại nền bóng đá xứ sở hoa anh đào. Trước khi tạo ra kỳ tích này, ông Troussier cùng tuyển Nhật Bản thua tan nát tại Copa America 1999.
Truyền thông Nhật Bản “đánh” ông thầy người Pháp tơi bời đến mức Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản đưa Troussier xuống dẫn cấp độ U20. Nhưng chính vào lúc này, ông Troussier tìm và trui rèn thành công Ono, Nakamura, Takahara để đẩy nền bóng đá Nhật Bản lên tầm cao mới.
Thành công của ông Troussier đến từ những thất bại đắng ngắt trong giai đoạn đầu như thế. Nhà cầm quân người Pháp tới giờ mới dẫn đội U22 được hai tháng. Quãng thời gian này chưa đủ để tạo ra bất kỳ thay đổi thần kỳ nào. Những gì ông Park từng làm được là địa chấn, nhưng yêu cầu địa chấn xuất hiện liên tục thì không thực tế.
Ông Troussier và các cầu thủ U22 Việt Nam cần thời gian. Bước ngoặt có thể tới ngay từ chính trận gặp Singapore.