Barca từng rơi vào khủng hoảng tài chính vì chi tiêu thiếu kiểm soát, nhưng bây giờ họ lại dốc hầu bao vào chuyển nhượng để tìm lối thoát.
Khi Covid-19 tàn phá tình hình tài chính của các đội bóng, ban lãnh đạo Barca nghĩ ra một kế hoạch.
Họ cử ra một đại diện, trình UEFA một đề xuất. Barca muốn vay tiền dưới sự bảo đảm của UEFA để cải thiện tình trạng tài chính bắt nguồn từ việc chi tiêu vô tội vạ vào chuyển nhượng cầu thủ từ thời cựu chủ tịch Josep Maria Bartomeu. Cụ thể, Barca sẽ vay một ngân hàng, với tài sản bảo đảm là tiền bảo quyền truyền hình, truyền thông họ nhận được từ UEFA khi thi đấu Champions League những mùa tiếp theo.
UEFA từ chối ngay đề xuất đó, bởi không có gì đảm bảo được Barca sẽ góp mặt ở Champions League qua từng mùa giải. Không như dự thảo Super League giúp các đại gia chắc chắn được tham dự, Barca cần giành suất Champions League qua các thành tích thể thao như vào Top 4 La Liga. Không thể khẳng định họ sẽ luôn vào Top 4 trong tương lai.
Đại diện Barca đã rất bất ngờ khi bị UEFA từ chối đề xuất này.
Khi được hỏi về vấn đề này, UEFA trả lời The Athletic rằng họ không thể bình luận, vì lý do bảo mật thông tin.
Barca đã tuyệt vọng đến vậy, nhưng các đối thủ của họ bị ngỡ ngàng trước những động thái của Chủ tịch Joan Laporta trên thị trường chuyển nhượng gần đây.
Sự ngỡ ngàng của các đối thủ biến thành bực tức và cay đắng, khi Barca chi 143 triệu USD để tuyển mộ Raphina từ Leeds, Robert Lewandowski từ Bayern Munich và Jules Kounde từ Sevilla. Họ cũng ký hợp đồng tự do với Andreas Christensen (Chelsea ) và Franck Kessie (Milan).
Barca đã chọc tức các CLB châu Âu qua những thương vụ này. Họ qua mặt Arsenal và Chelsea để ký với Raphinha, đánh bại Chelsea một lần nữa ở thương vụ Kounde, hay khiến Lewandowski công khai tuyên bố muốn rời Bayern.
Barca cũng tái ký với tiền đạo cánh Ousmane Dembele, sau khi hợp đồng của cầu thủ này hết hạn cuối tháng 6/2022. Barca cũng vượt mặt Real để mua cầu thủ tiềm năng tuổi teen Pablo Torre từ Racing Santander. Chưa hết, họ còn nhắm tới hậu vệ trái Marcos Alonso của Chelsea, và Bernardo Silva ở Man City.
Trường hợp điển hình ở Barca lúc này là tiền vệ Frenkie de Jong. Ba năm trước, anh rời Ajax đến Barca với phí chuyển nhượng 79 triệu USD. Hiện Barca ép anh ra đi để đội bóng có thể đăng ký những cầu thủ mới. Vấn đề nằm ở chỗ Barca còn nợ De Jong 21 triệu USD tiền lương. Tiền vệ Hà Lan muốn nhận được số tiền này nếu phải ra đi. Trong khi chủ Camp Nou muốn anh phải giảm lương nếu ở lại. Cựu hậu vệ Gary Neville cho rằng De Jong đang bị “ăn hiếp” ở Barca, và kêu gọi Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp thế giới (FIFPro) hỗ trợ tiền vệ 25 tuổi.
Mới hai tháng trước, Laporta còn nói rằng Barca đã “chết lâm sàng” khi ông đắc cử chủ tịch tháng 3/2021. Lúc đó, ông còn nói rằng đội bóng đang “nằm trong buồng điều trị tích cực (ICU)”.
Tháng 8/2021, Laporta tiết lộ Barca nợ 1,38 tỷ USD. Ngay cả sau khi Lionel Messi ra đi, quỹ lương của đội vẫn còn cao hơn doanh thu của họ. Và giá trị ròng của đội tụt xuống còn âm 451 triệu USD.
Họ phải mượn thêm 80 triệu USD để trả nợ lương các nhân viên, và vay dài hạn 550 triệu USD từ Goldman Sachs để tái cấu trúc những khoản nợ khác.
Trung vệ Gerard Pique cũng phải giảm lương xuống mức gần như không đáng kể, để đội bóng ký hợp đồng được với Memphis Depay và Eric Garcia. Giám đốc Điều hành Ferran Reverter cho biết một kiểm toán viên nội bộ Barca kết luận đội bóng về cơ bản ở trong tình trạng phá sản. Nếu Barca là một công ty đại chúng, họ đã bị giải thể.
Reverter đã từ chức tháng 2/2022. Không có ai thay thế ông, bởi Laporta muốn bành trướng tầm ảnh hưởng ở đội bóng.
Chứng kiến những diễn biến trái ngược ở Barca, HLV Bayern Julian Nagelsmann thốt lên: “Barca là đội duy nhất không có tiền, nhưng mua được mọi cầu thủ họ thích. Tôi không hiểu vì sao họ làm được như thế. Kỳ chuyển nhượng của Barca thật quái gở và điên rồ”.
Ở Camp Nou, các lãnh đạo lại nhìn nhận tình hình theo góc khác. Khoản đầu tư hôm nay là động lực để Barca trở lại hình dạng của một ông lớn ở trong lẫn ngoài sân cỏ. Từ đó, tài chính của đội cũng sẽ tăng trưởng theo. Laporta nói rằng ông tôn trọng mọi ý kiến, nhưng người khác không có thông tin nào để nói về Barca như vậy. “Các cầu thủ chúng tôi chiêu mộ hè này giống như những khoản đầu tư”, ông nói. “Mọi người có thể coi đó là chi phí, nhưng nếu tôi không làm vậy, đội bóng có thể biến mất. Các cầu thủ cũ cũng hài lòng bởi các tân binh cũng điều chỉnh tiền lương cho phù hợp với cấu trúc mới của chúng tôi”.
Giải pháp mạo hiểm của Barca hè này đến từ những kết quả không khả quan trên sân cỏ lẫn trong báo cáo tài chính vài mùa trước. Sau tám chức vô địch La Liga giai đoạn 2009-2019, Barca trắng tay danh hiệu này ba năm qua. Cũng đã bảy năm từ khi Barca được chơi chung kết Champions League.
Điểm sa sút của họ có lẽ từ thương vụ đắt giá nhất lịch sử Neymar sang PSG, và những quyết định sai lầm sau đó. Họ đã chi 384 triệu USD cho Philippe Coutinho, Dembele, Paulinho, Nelson Semedo, Gerard Deulofeu và Malcom. Rồi họ bỏ thêm 280 triệu USD cho Antoine Griezmann, De Jong, Martin Braithwaite, Neto, Junior Firpo, Emerson và Marc Cucurella. Khó khẳng định được bất cứ cầu thủ nào trong số này thành công ở Camp Nou.
Và Laporta phải quyết định gieo xúc xắc và trông chờ màn trình diễn của đội trên sân.
Tháng trước, ông tới Las Vegas và chứng kiến Barca hạ Real Madrid 1-0. Dù chỉ là giao hữu, kết quả này chính là thứ Laporta đang hướng tới. Ông cần đội bóng phải hành động, và trở lại vinh quang ngay lập tức.
Một lựa chọn khác với Laporta là bán và thanh lý những trụ cột để giảm nợ và thua lỗ, nhưng chấp nhận đội bóng sẽ trắng tay vài năm tới. Một cựu lãnh đạo mảng thương mại Barca cho biết Laporta ông muốn làm như vậy. Ông sẽ mạo hiểm và tiếp tục để đội bóng đầu tư.
Phương pháp này đã được Laporta sử dụng từ lần đầu ông làm Chủ tịch Barca năm 2003. Khi đó, Ferran Soriano vẫn còn làm giám đốc điều hành ở đội bóng này. Chiêu mộ siêu sao như Ronaldinho để tạo thương hiệu, từ đó tài chính cũng sẽ phất lên theo.
Lewandowski là quân cờ quan trọng trong chiến lược của Barca mùa tới, giống như Ronaldinho gần 20 năm trước. Vấn đề là Barca đã trao cho tiền đạo 34 tuổi bản hợp đồng bốn năm, dù anh giảm lương nhưng không đáng kể. Vài lãnh đạo Bayern cho rằng họ hưởng lợi trong thương vụ này, khi nhận được 46 triệu USD phí chuyển nhượng cho cầu thủ chỉ còn một năm hợp đồng.
Dù đã ký hợp đồng với Lewandowski, Barca vẫn chưa thể đăng ký anh thi đấu ở La Liga. Trường hợp tương tự cũng xảy ra với các tân binh khác, trong đó có Dembele. Họ cần thanh lý thêm cầu thủ, hoặc đề nghị các cầu thủ cũ giảm thêm lương. La Liga cũng chỉ còn một tuần nữa là khởi tranh.
Barca từng là đội đầu tiên vượt mốc doanh thu 1 tỷ USD năm 2019, nhưng khi đó quỹ lương đã “ăn” phần lớn số tiền thu được. Nhờ Lionel Messi ra đi, còn Antoine Griezmann ăn lương của Atletico Madrid, quỹ lương Barca đã giảm hơn 200 triệu USD kể từ đó. Nhưng, họ vẫn phải vay mượn thêm.
Ngoài khoản vay khổng lồ từ Goldman Sachs, Barca còn kích hoạt những đòn bẩy tài chính.
Đầu tiên là thỏa thuận nhận tài trợ từ Spotify tháng 3/2022, giúp Barca nhận 64 triệu USD mỗi năm. Spotify là dịch vụ cung cấp nhạc kỹ thuật số hàng đầu thế giới, với doanh thu 100 tỷ USD trong 10 năm qua. Barca cũng đồng ý bán 25% thu nhập từ bản quyền truyền hình La Liga trong 25 năm tới cho Quỹ đầu tư Sixth Street. 10% đầu tiên của hợp đồng này giúp Barca nhận được 273 triệu USD.
Trước đó, họ cùng Real Madrid và Athletic Bilbao đã từ chối hợp đồng 50 năm với Quỹ đầu tư cá nhân CVC, để họ lấy 8% bản quyền truyền hình La Liga mỗi năm. Messi phải ra đi một phần vì Laporta từ chối đề nghị này của CVC và La Liga.
Hôm 1/8, Barca tiếp tục bán 10% cổ phần Barca Studios để thu về 102 triệu USD. Laporta cũng chấp nhận bán 49% hoạt động bán lẻ của Barca để thu về tiền mặt ngay lúc này. Điều đó khiến ông bị chỉ trích vì những hành động ngắn hạn của Barca sẽ ảnh hưởng tới dài hạn. Nhưng một cựu lãnh đạo Barca giấu tên nói với Athletic rằng Laporta không có lựa chọn nào khác. “Ông ấy phải mạo hiểm, hoặc là để CLB chết dần chết mòn. Chủ tịch kế nhiệm Barca sẽ phải giải quyết những hệ quả của hè 2022”, ông nói.
Do kỳ chuyển nhượng đóng cửa ngày 1/9, còn mùa giải bắt đầu với Barca ngày 13/8, họ sẽ đăng ký trước một vài cầu thủ thực sự cần thiết theo quy định của La Liga. Chẳng hạn họ sẽ đăng ký Lewandowski và Dembele, còn Kounde và Raphinha sẽ phải chờ thêm vài vòng khi đội bóng tìm cách thanh lý cầu thủ như De Jong, Martin Braithwaite hay Ferran Torres.
Barca tuyệt vọng đến nỗi lúc đàm phán với Leeds về thương vụ Raphinha, họ muốn trả phí chuyển nhượng bắt đầu từ tháng 1/2023 đề phòng không thể đăng ký tiền vệ này thi đấu ở La Liga từ hè 2022. Leeds không có lý do gì để làm thế, mà còn thòng thêm điều khoản phạt Barca 10 triệu USD nếu không trả phí đúng hạn.
Không chỉ Leeds, hai đội bóng khác cũng thòng điều khoản phạt tương tự nếu bán cầu thủ cho Barca. Các khoản phí chuyển nhượng thường được trả góp, và những đội bóng này nghi ngờ khả năng thanh khoản của Barca trong dài hạn.
Laporta cũng sẽ thảo luận với La Liga trong thời gian tới, để tìm ra cách nới lỏng quy định đăng ký cầu thủ với Barca. Dù sao La Liga không có Barca sẽ giảm đáng kể mức độ hấp dẫn. “Hy vọng La Liga cũng nhìn nhận tình hình giống như chúng tôi, và không ngăn Barca đăng ký cầu thủ”, Laporta nói.
Thực tế La Liga đã tìm ra cách châm chước Barca, khi tạo một lỗ hổng đăng ký cầu thủ. Họ cho phép các đội đăng cầu thủ trẻ vào một nhóm lương B, và nhóm này sẽ không được tính vào quy định áp trần lương. Điều đó có nghĩa Barca sẽ trút bỏ được phần lương của Pedri, Ansu Fati, Nico Gonzalez hay Eric Garcia khi đăng ký với La Liga, dù bốn cầu thủ này thường xuyên chơi cho đội bóng.
Với Laporta, chuyện đăng ký cầu thủ với La Liga không khó bằng việc tìm cách đẩy những cầu thủ lương cao đi. “Chúng tôi cần một vài cầu thủ rời Barca lúc này, nhưng chuyện không đơn giản”, ông nói.
Laporta đã ăn tối cùng chủ mới Chelsea Todd Boehly. Ông đề xuất chiêu mộ De Jong, dù vẫn phải chờ sự đồng ý từ HLV Thomas Tuchel. Trước đó, tiền vệ Hà Lan đã từ chối Man Utd vì anh muốn chơi ở Champions League, dù Barca đã đạt thỏa thuận bán anh với giá 77 triệu USD cho “Quỷ Đỏ”. Chelsea có thể sẽ thuyết phục được De Jong.
Một năm trước, Depay cũng chấp nhận giảm lương để rời Lyon sang Barca, nơi anh coi là đội bóng trong mơ. Nhưng lúc này, Barca lại đang muốn bán tiền đạo Hà Lan.
Khi mùa giải đã cận kề, Barca càng phải hành động khẩn trương. Tháng 1/2022, trung vệ Samuel Umtiti đã đồng ý giảm 1/4 lương để đội bóng ký hợp đồng với tiền đạo Ferran Torres.
He này, Xavi cũng đã nói với Umtiti, Riqui Puig, Neto, Braithwaite và Oscar Mingueza rằng họ không còn nằm trong kế hoạch của ông. Barca thậm chí còn nhắn tin cho các cầu thủ này, nói rằng họ có thể nghỉ hè dài hơn để sắp xếp cho bến đỗ mới.
FIFPro sẽ chỉ can thiệp vào cách Barca đối xử với các cầu thủ, nếu họ được cầu thủ nhờ cậy trực tiếp. Đến nay, chưa cầu thủ Barca nào liên hệ với FIFPro. Barca cẩn thận giải quyết vấn đề với các cầu thủ không nằm trong kế hoạch. Họ sắp xếp nơi tập luyện riêng cho cầu thủ để đảm bảo không vi phạm hợp đồng đã ký.
Barca và Real có thể là kình địch trên sân cỏ, nhưng trong lúc chủ Camp Nou hoạn nạn, Real không ngại dang tay giúp đỡ. Laporta hay người đồng cấp Florentino Perez cùng có mục tiêu là kiếm nhiều lợi nhuận về cho đội bóng. Nếu một trong hai đội biến mất, đội còn lại sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Ngoài ra, họ cùng Juventus là ba đội hào hứng nhất với mục tiêu thành lập Super League, để đảm bảo nguồn thu lớn và bền vững hơn trong tương lai.
Hôm 23/7, Laporta, Perez và chủ tịch Juventus Andrea Agnelli cùng ăn trưa ở Las Vegas. Họ bàn luận nhiều về Super League, và mối quan hệ với các đội mạnh khác ở cùng giải đấu. Đến nay dư luận vẫn chưa hiểu vì sao Roma từ chối đá giao hữu với Barca ở Joan Gamper Cup, còn Milan bỏ kế hoạch du đấu Mỹ với Real, Barca và Juventus. UEFA khẳng định họ không bao giờ nhúng tay vào kế hoạch đá giao hữu của các đội bóng.
Ba CLB này đều có chung đối thủ là La Liga và UEFA. Một công ty cố vấn thân Perez tiết lộ ông đã giúp Barca kiếm được hàng trăm triệu USD từ các hợp đồng tài trợ và đòn bẩy tài chính hè 2022. Trước sự vươn lên của những đội bóng được một quốc gia Trung Đông hậu thuẫn, như Man City hay PSG, Barca và Real phải nắm lấy tay nhau.
Perez và Laporta tự coi nhau là “frenemies”, là đối thủ nhưng thân thiện với nhau, cũng vì mục đích chung. Bởi nếu Barca không chết, Real sẽ dễ sống hơn.
Xuân Bình (theo Athletic)