Điều thú vị trong ngày thi đấu thứ ba, 20/5, của môn judo là cả hai tấm HC vàng đều đến từ các võ sĩ người Trà Vinh.
Đang tập luyện chính ở đội tuyển quốc gia và thi đấu cho các đơn vị khác, nhưng cả Nguyễn Thị Thanh Thủy (-52kg) lẫn Chu Đức Đạt (-60kg) đều xuất thân từ Trà Vinh. Nhiều năm qua, tỉnh ở Đồng Bằng Sông Cửu Long này vẫn được xem là một nơi ươm mầm “mát tay” các VĐV judo, với nhiều thành tích cao trong những giải đấu trẻ, thiếu niên, nhi đồng cấp quốc gia. Ở môn judo tại SEA Games 31, còn một VĐV khác xuất thân từ tỉnh này là Nguyễn Hoàng Thành, hạng dưới 55kg, thi đấu trong hôm nay 21/5.
HC vàng đầu tiên của đội judo Việt Nam trong ngày 20/5 thuộc về Đức Đạt. Võ sĩ này chỉ mất 25 giây để giành điểm tuyệt đối Ippon với đòn Uchi Mata trước đối thủ Jamaludin Muhamad Jafaannuar của Malaysia ở tứ kết. Vào bán kết gặp võ sĩ Philippines Quillotes Bryn, Đức Đạt hoàn toàn kiểm soát thế trận và liên tục tấn công. Trong một pha tung đòn Sode Tsuri Komi Goshi – vốn là đòn hông nhưng biến thể trong chiến đấu thường được thực hiện như đòn vai, võ sĩ sinh năm 1999 ghi được điểm Waza Ari – bậc điểm thấp hơn Ippon, rồi tiếp nối bằng đòn đè để ghi thêm một điểm Waza Ari. Hai Waza Ari được tính thành một điểm tuyệt đối Ippon và trận đấu kết thúc.
Khác với những trận đầu dễ dàng, Đức Đạt trải qua trận chung kết giàu kịch tính đến nghẹt thở với võ sĩ Lào Sithisane Soukphaxay. Đây là một trận đấu đẹp và rất hấp dẫn vì cả hai VĐV đều thuộc trường phái tấn công, không phòng thủ tiêu cực. Ngay từ đầu, Soukphaxay tung đòn liên tiếp và đặc biệt tỏ ra nguy hiểm ở các đòn chân. VĐV người Trà Vinh cũng ăn miếng, trả miếng với các đòn vai Ippon Seoi Nage, Kata Guruma. Kịch tính lên đến đỉnh điểm khi Đức Đạt tấn công bằng Uchi Mata và trong đà đánh đã ngã cùng với đối thủ. Ban đầu, trọng tài chính đã chấm điểm Ippon cho VĐV Việt Nam, nhưng sau khi Hội đồng trọng tài xem lại các đoạn phim quay pha này thì đã bỏ điểm Ippon và đây là một tình huống thu hút nhiều sự tranh luận của người hâm mộ judo sau đó. Trận đấu tiếp tục và khi bảng điểm báo chỉ còn 7 giây, Đạt tung ra đòn Morote Seoi Nage quỳ, rồi chuyển tư thế đánh đòn hy sinh Tomoe Nage, ghi điểm Waza Ari. Anh đã bảo toàn được điểm quý giá này cho đến hết thời gian, đoạt HC vàng hạng -60kg.
Theo HLV trưởng đội tuyển judo Việt Nam Nguyễn Duy Khanh, để chuẩn bị cho kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á trên sân nhà, ông đã sớm tìm kiếm những VĐV tiềm năng cho đội tuyển. Từ năm 2019, ông Khanh đã chọn Đức Đạt. Ông kể: “Lúc ấy, Đạt chỉ đoạt HC đồng ở giải VĐQG, nhưng bộc lộ tư duy chiến thuật tốt, có lối đánh thông minh, kỹ thuật đa dạng. Và từ lúc tập trung với ĐTQG, Đạt đã tiến bộ rõ rệt, nhanh chóng trở thành số một ở hạng -60kg trong nước.
Dù là VĐV mới, chưa có nhiều dịp cọ xát ở đấu trường quốc tế hai năm qua vì dịch bệnh, ngay lần đầu tiên dự SEA Games, Chu Đức Đạt đã bước lên bục cao nhất để nhận huy chương. “Hôm nay, tôi đã thực hiện đúng chiến thuật của Ban Huấn luyện đề ra, phát huy được những sở trường của mình, lại được sự cổ động nhiệt tình từ khán giả nhà nên cảm thấy rất tự tin”.
Theo võ sĩ gốc Trà Vinh, giai đoạn nghỉ dịch cung hữu ích, giúp anh dành trọn vẹn thời gian tập luyện và tích lũy nền tảng thể lực, kỹ thuật. Hiện võ sĩ này đang thi đấu cho đơn vị Đồng Nai và là đương kim VĐQG ở hạng -60kg.
Nếu Đức Đạt còn mới mẻ, thì ở hạng -52kg, Thanh Thủy là VĐV kỳ cựu. Chị có rất nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế và cũng chính là đại diện duy nhất của judo Việt Nam ở Olympic Tokyo. Vì vậy, điểm dễ nhận thấy là nữ võ sĩ sinh năm 1993 này có lối đánh rất chắc chắn và luôn tận dụng tốt mọi cơ hội để ghi điểm. Trong trận bán kết gặp võ sĩ người Thái Lan Warasiha Akari, với thế mạnh về Ne Waza (địa chiến), Thanh Thủy đã giành điểm Ippon với đòn siết cổ.
Chung kết với đối thủ Pabulayan Mamero của Philippines, chị tiếp tục chiếm ưu thế. Trong một pha tấn công bằng Morote Seoi Nage, Thủy nhanh chóng chuyển sang địa chiến, lật đối thủ qua, vào đòn đè và giữ được 20 giây để giành điểm Ippon tuyệt đối, kết thúc trận đấu. Kỹ thuật lật đè để ghi điểm quyết định này vốn là sở trường của chị và đã được trui rèn thêm trong chuyến tập huấn ở Mông Cổ, được cọ xát với nhiều võ sĩ đẳng cấp cao của châu lục và thế giới.
Theo HLV Nguyễn Duy Khanh, nhiều VĐV Việt Nam vốn chỉ chú trọng các kỹ thuật quật mà không mạnh về địa chiến nên khi lên tuyển, Ban Huấn luyện đã tăng cường cho tập luyện phần Ne Waza để kỹ thuật được hoàn thiện hơn và không bỏ lỡ cơ hội ghi điểm ở bất kỳ tình huống nào. Tại SEA Games lần này, nhiều VĐV của nước ta, nhất là ở các hạng cân của nữ, đã giành chiến thắng nhờ Ne Waza.
“Lúc thắng trận chung kết, tôi đã không thể kềm được nước mắt vì đã lấy lại được HC vàng đã mất ở SEA Games 30 tại Philippines, và cũng vì thi đấu trên sân nhà. So với đại hội trước ở nước bạn, lần này tôi thi đấu với phong độ tốt và áp dụng được những thế mạnh của mình”, Thanh Thủy kể.
Tập judo từ năm 2004 ở quê nhà Trà Vinh, Thủy nhanh chóng trở thành nhân tố quan trọng với các thành tích nổi bật. Năm 2012, Thủy bắt đầu được tập trung vào ĐTQG. Trải qua 10 năm nỗ lực tâp luyện trên tuyển, với chị, “judo đã thấm vào máu”. Lúc nào chị cũng nghĩ về môn võ này và mong muốn chinh phục các giải đấu. Ngoài việc được đại diện nước nhà dự Olympic Tokyo, Thanh Thủy từng giành HC vàng SEA Games 28 (2015) và tại SEA Games 30 (2019), chị được HC đồng cá nhân, HC vàng đồng đội nữ. Nữ võ sĩ này chuyển sang thi đấu cho Ninh Bình từ năm 2013.
Trong ngày 20/5, judo Việt Nam cũng giành một HC bạc nhờ công của võ sĩ TP.HCM Trương Hoàng Phúc ở hạng dưới 66kg. Phúc điểm Ippon đẹp mắt ở tứ kết lẫn bán kết, nhưng vào chung kết gặp võ sĩ Philippines Sughen Nakano Pablo, anh để thua một điểm Waza Ari, nhận vị trí á quân của hạng cân.
Kết thúc ba ngày thi đấu, với sáu HC vàng, hai HC bạc và ba HC đồng, judo Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí nhất toàn đoàn, bỏ xa đoàn xếp thứ hai là Philippines (hai HC vàng, ba HC bạc, môt HC đồng). Môn judo tiếp tục diễn ra trong hôm nay 21/5 với các hạng cân nhẹ, và kết thúc vào ngày 22/55 với nội dung đồng đội hỗn hợp nam – nữ.
Lan Chi