Góc nhìn của thầy Tuấn
“Tầm nhìn của chúng tôi là dài hạn, cho năm sau và sau nữa với sự tập trung cho chiến dịch World Cup 2026 và 2030. Trọng điểm của chiến lược là vì các cầu thủ trẻ”, HLV Hoàng Anh Tuấn phát biểu sau khi Olympic Việt Nam thua Olympic Iran 0-4.
Công bằng mà nói, sân chơi Đại hội Thể thao châu Á (Asian Games) – hay Asiad – mang tính bước đệm và học hỏi cho bóng đá Việt Nam hơn là mơ cạnh tranh huy chương.
Điều này cũng được nền bóng đá Nhật Bản – cường quốc châu Á và tiếp cận đẳng cấp thế giới – áp dụng.
Olympic Nhật Bản đến Hàng Châu mà không bổ sung cầu thủ lớn tuổi này. Thậm chí, không ai trong danh sách được HLV Go Oiwa triệu tập vượt quá 22 tuổi.
Mục tiêu của Nhật Bản khi đến với Asiad luôn là học hỏi để cạnh tranh Olympic.
Kể từ 1996 đến nay, bóng đá trẻ Nhật Bản luôn được dụ Olympic, với hai lần vào vòng tranh huy chương (2012 và 2020).
Chỉ có Hàn Quốc, đội giữ kỷ lục 5 lần giành HCV bóng đá nam Asiad (gồm cả ĐTQG trước đây), luôn ưu tiên cho sự kiện thể thao lớn nhất châu Á.
Bởi vì, giành HCV châu lục sẽ giúp cầu thủ Hàn Quốc được miễn thực hiện nghĩa vụ bắt buộc (sẽ tham dự khóa huấn luyện 3 tuần).
Đó là lý do ở sự kiện này nhà ĐKVĐ mang theo Lee Kang-in, cầu thủ của PSG, dù Asiad không nằm trong lịch FIFA.
Nhìn từ bài học Nhật Bản
Mới đây, đội tuyển Nhật Bản đánh bại Đức 4-1 (chiến thắng thứ hai liên tiếp, trước đó ở World Cup 2022).
Nền tảng tạo nên kỳ tích này có Mitoma, Ko Itakura, Ayase Ueda, Daizen Maeda, những người từng dự Asiad 18 rồi trưởng thành thêm tại Olympic 2020. (Một số người không dự Asiad 18 nhưng đá Olympic, như Takehiro Tomiyasu, Takefusa Kubo, Ritsu Doan…).
Cũng cần nhắc lại, lứa cầu thủ trẻ Nhật Bản này thua Olympic Việt Nam tại Asiad 18, diễn ra ở Indonesia, với bàn duy nhất của Quang Hải.
Các cầu thủ trẻ Nhật Bản – không ai quá 21 tuổi – vào đến chung kết giải đấu (thua Hàn Quốc trong hiệp phụ, đội có đội trưởng Son Heung Min quá tuổi), rồi sau đó xếp thứ 4 Olympic.
HLV Hoàng Anh Tuấn đang có cái nhìn như bước phát triển của người Nhật Bản những năm qua.
Kết quả một giải đấu trẻ không quan trọng bằng tầm nhìn dài hạn. Vì vậy, nhà cầm quân người Khánh Hòa bố trí đội hình chính của Olympic Việt Nam thắng Mông Cổ là 20,1.
Trong trận đấu với Iran – có tuổi trung bình của 11 cầu thủ đá chính là 24,2 – HLV Hoàng Anh Tuấn tung ra đội ngũ ở độ tuổi 20,2.
Olympic Việt Nam có 10 người chưa quá 20 tuổi đá chính trước Mông Cổ, trong đó 2 người 19 và 2 trường hợp 18. Trong trận thua Iran, số người chưa quá 20 là 9, còn các độ tuổi 18 và 19 vẫn giữ nguyên quân số.
Lứa trẻ Nhật Bản thua Việt Nam năm 2018 giờ đây đang hướng về World Cup 2026. Điều quan trọng là chúng ta học được gì từ thất bại trước Iran, vượt qua nỗi buồn và sẵn sàng mở ra cánh cửa thế giới!