Ông Phan Anh Tú: ‘việt Nam Vẫn Là Thế Lực Bóng đá Nữ Đông Nam Á’ 62d67dfceb346.jpeg

Ông Phan Anh Tú: ‘Việt Nam vẫn là thế lực bóng đá nữ Đông Nam Á’

Theo cựu trưởng đoàn nữ Việt Nam Phan Anh Tú, thầy trò HLV Mai Đức Chung đã trải qua giải đấu không tệ tại AFF Cup 2022 và Philippines khó duy trì thành công ổn định.

Huỳnh Như (số 9) và Tuyết Dung ăn mừng sau khi ghi bàn, trong trận thua Myanmar 3-4 hôm 17/7. Ảnh: PFF

Huỳnh Như (số 9) và Tuyết Dung ăn mừng sau khi ghi bàn, trong trận thua Myanmar 3-4 hôm 17/7. Ảnh: PFF

– Từ vị thế đương kim vô địch, Việt Nam thua đậm Philippines 0-4 ở bán kết rồi thất bại trong trận tranh HC đồng với Myanmar. Ông đánh giá thế nào về hành trình đã qua của đội nhà ở giải AFF Cup nữ 2022?

– Tôi cho rằng đội tuyển đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Chúng ta không thể chỉ nhìn vào một giải đấu để đánh giá mà cần xem xét cả quá trình. Sau khi vượt qua vòng loại World Cup rồi giành HC vàng SEA Games 31 trên sân nhà, AFF Cup là giải đấu nằm ở cuối chu kỳ hưng phấn. Phong độ, thể lực của đội tuyển đều đi xuống. Đây là vấn đề quy luật về nhịp sinh học.

Hơn nữa, Việt Nam gặp phải một đối thủ mang phong cách châu Âu hoàn toàn. Sự thua thiệt hình thể có thể nhìn thấy rất rõ. Trong bóng đá nữ, yếu tố thể hình rất quan trọng vì kỹ năng và sự tinh tế chưa cao. Một đội bóng có thể hình, thể lực tốt dễ dàng tạo ra sự vượt trội dù đá đơn giản.

– Sau gần bảy năm, Việt Nam mới thất bại trước một đối thủ Đông Nam Á. Theo ông, đây có phải kết thúc của một chu kỳ thành công?

– Việt Nam vẫn là một thế lực tại Đông Nam Á. Nhưng đối với Philippines, chúng ta không thể đánh giá họ qua cái tên như trước nữa. Đây là một đội bóng được xây dựng dựa hoàn toàn vào các cầu thủ Mỹ, châu Âu hay các nền bóng đá hàng đầu thế giới. Rất khó có thể so sánh một đội Đông Nam Á với đối thủ như vậy.

Philippines không nhập tịch một hay hai cầu thủ, như các đội tuyển nam của họ. Nếu làm như thế, họ chỉ bổ sung để khắc phục một số nhược điểm. Đằng này, họ tung ra đội hình toàn các cầu thủ nhập tịch, có đến 9 hay 10 người. Đó là thay đổi bản chất của cả đội bóng. Mà với bóng đá nữ, sự vượt trội càng được thể hiện rõ rệt.

Đội tuyển nam Việt Nam từng thành công trong việc thu hẹp khoảng cách thể hình, thể lực với các đội hàng đầu. Làm thế nào để đội tuyển nữ làm điều đó?

– Có hai bài toán. Thứ nhất, để đạt thể hình như họ là chuyện không dễ. Nó liên quan đến vấn đề nòi giống. Còn nếu muốn chống lại các đội vượt trội về thể hình, thể lực, kỹ năng phải hơn hẳn. Tất nhiên, thể hình cũng phải được cải thiện đôi chút. Để giải quyết hai bài toán này cần thời gian và đầu tư dài hạn.

Liệu chức vô địch AFF Cup 2022 sẽ mở ra giai đoạn bóng đá nữ Philippines thống trị Đông Nam Á?

– Điều đó phụ thuộc vào việc họ có thể về đông đủ người như AFF Cup vừa qua hay không? Phải thừa nhận một điều là sự phát triển của bóng đá nữ Philippines không ổn định. Không ai có thể đảm bảo họ gọi được bao nhiêu thành viên từ đội hình vô địch này về thi đấu các giải tiếp theo. Các cầu thủ ở nước ngoài sẽ bận thi đấu cho CLB, bận học hành hoặc công việc gia đình. Vấn đề với các đội bóng phụ thuộc vào cầu thủ nhập tịch là họ không thể làm chủ thời gian, con người. Sẽ luôn có câu hỏi được đặt ra về việc cầu thủ này ở đâu, tại sao không tập trung cho giải này…?

Nếu gọi đủ đội hình, Philippines sẽ rất mạnh. Nếu thiếu vài người, câu chuyện sẽ khác. Sự trội lên của Philippines không phải kết quả phát triển của một nền bóng đá. Do vậy, dù chơi áp đảo tại AFF Cup, khó có thể khẳng định họ sẽ thống trị Đông Nam Á lâu dài.

Đâu là điểm tích cực và tiêu cực khi một đội bóng mạnh như Philippines xuất hiện tại Đông Nam Á?

– Trước đây, bóng đá nữ Đông Nam Á từng có sự hiện diện của đội tuyển Australia. Bây giờ, có thêm Philippines. Như vậy, sẽ có hai đội vượt trội về thể hình và đẳng cấp. Điều tốt là các cầu thủ Đông Nam Á sẽ có điều kiện cọ xát với những cầu thủ ở đẳng cấp cao hơn, qua đó trưởng thành hơn.

Ở giai đoạn có Australia, bóng đá nữ Việt Nam từng đứng nhì khu vực. Khi ấy, tôi là trưởng đoàn. Chúng ta không thua bất kỳ đội nào tại Đông Nam Á, nhưng không thể vượt qua Australia. Về bản chất, Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á nhưng ở các giải đấu, về nhì vẫn là về nhì. Bởi phía trước là tảng đá lớn mang tên Australia. Bây giờ, sẽ có thêm tảng đá Philippines với những cầu thủ nhập tịch hoàn toàn. Và câu chuyện thành tích của Việt Nam có thể sẽ khó khăn hơn. Nhưng dẫu sao, đá với các đối thủ ở đẳng cấp cao hơn, cầu thủ sẽ trưởng thành hơn. Đó là câu chuyện xảy ra với đội tuyển nam hay các CLB tại V-League, khi sự góp mặt của các tiền đạo ngoại đã giúp các hậu vệ ngày một hay hơn. Thi đấu thường xuyên với các đối thủ như vậy cũng giúp Việt Nam khỏi bỡ ngỡ khi gặp các đội hàng đầu thế giới.

– Ông đánh giá thế nào về vai trò hiện tại của HLV Mai Đức Chung?

– Vấn đề này phải để các chuyên gia của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam trả lời. Ai cũng biết là phải tìm HLV thích hợp với con người và lối chơi của tuyển Việt Nam. Nhưng thích hợp là thế nào? Chúng ta không thể gọi các cầu thủ nhập tịch như Philippines rồi bổ nhiệm một HLV Australia. Không thể mời một HLV danh tiếng rồi tin người đó sẽ thành công. Các HLV nước ngoài có thể làm việc tốt với những cầu thủ ngôi sao, nhưng huấn luyện đội tuyển chưa chắc đã vượt qua HLV nội. Mọi phương án đều tốt nếu mang lại sự phù hợp.

Quang Huy