ItalyTrong vai trò Giám đốc Kỹ thuật, cựu thủ quân Paolo Maldini giúp Milan trở lại vị thế số một sau 11 năm ở Serie A.
Khi Theo Hernandez độc diễn từ sân nhà để nâng tỷ số lên 2-0 trước Atalanta ở vòng áp chót Serie A ngày 15/5, ống kính máy quay vội lia về khu vực VIP trên sân San Siro. Ở đó, khung hình hiện ra một gương mặt quen thuộc, đang khoác trên người chiếc áo sơmi trắng lịch lãm thay vì bộ quần áo cầu thủ lấm mồ hôi. Paolo Maldini – Giám đốc Kỹ thuật của Milan – đang cười rạng rỡ.
Sự trở lại của huyền thoại
Năm 2014, Milan văng khỏi top 10 Serie A khi mùa giải còn 10 vòng, đồng thời bị Atletico Madrid vùi dập 5-1 qua hai lượt trận vòng 1/8 Champions League. Với người hâm mộ thông thường, đó đã là cay đắng. Nhưng với Maldini, nỗi buồn còn lớn gấp bội. Ông và người cha huyền thoại Cesare đã dành cả sự nghiệp trong màu áo đỏ đen.
Trên Gazzetta dello Sport khi đó, Maldini nói: “Tôi vừa thất vọng, vừa phẫn nộ. Không chỉ vì kết quả tệ hại, mà còn bởi dường như người ta đang vứt đi toàn bộ thành quả mà chúng tôi vất vả gây dựng 10 năm qua. Nhìn chúng bị huỷ hoại khiến tôi phát điên. Milan không thể cạnh tranh với Juventus hay bất kỳ đội nào thuộc top 10 châu Âu. Đội bóng không có một kế hoạch nào!”.
Là một huyền thoại sống của CLB, Maldini có thể kiếm một chân trong ban lãnh đạo Milan nếu ông muốn sau khi giải nghệ năm 2009. Nhưng cựu hậu vệ Italy liên tục từ chối, bởi ông phải tôn trọng những giá trị mà bản thân đã giữ nó suốt sự nghiệp. Trong bức tâm thư năm 2016, Maldini từng nhấn mạnh: “Tôi không hề đưa ra một yêu cầu nào về mặt tài chính và tôi đã nhắc đi nhắc lại với họ rằng vai trò của tôi sẽ là chìa khóa quyết định trong quá trình thương thuyết. Làm thế nào tôi có thể chấp nhận một đề nghị khi mà vai trò cụ thể không được rõ ràng”.
Tới năm 2018, Maldini mới nhận lời trở lại, sau khi Massimiliano Mirabelli và Marco Fassone bị sa thải. Bộ đôi này là những người mà Maldini cho rằng “đã phá nát Milan của tôi”. Ban đầu, cựu hậu vệ người Italy đóng vai trò Giám đốc phụ trách chiến lược và phát triển thể thao. Tháng 6/2019, ông ngồi ghế Giám đốc Kỹ thuật.
Trong cuốn tự truyện “1041, Paolo Maldini” của Diego Guido hé lộ sự bỡ ngỡ của Maldini khi làm việc cùng Giám đốc Thể thao Leonardo. “Trong sáu tháng đầu tiên, tôi cảm thấy không đủ khả năng để hỗ trợ ông ấy”, Maldini kể. “Tôi biết rất nhiều thứ, có rất nhiều ý tưởng, nhưng trong thực tế, tôi vẫn phải học một công việc hoàn toàn mới. Chỉ tới khi Leo bảo tôi rằng ông ấy sắp nghỉ việc, tôi mới thực sự giật mình và tự mình bơi”.
Trước đây, Maldini không thoải mái khi đàm phán với những người đại diện và các đội bóng. Thế rồi khi ông tự bắt tay vào việc, nó trở thành thứ tự nhiên nhất trên đời. “Tôi dần biết nên và không nên nói những gì, cần nói thẳng với ai và dùng biện pháp ngoại giao khi gặp đối tượng nào”, tự truyện có đoạn.
Maldini cũng có lúc sai lầm. Ông cùng Zvonimir Boban và Frederic Massara đặt niềm tin vào HLV Marco Giampaolo, để rồi phải ngậm ngùi sa thải nhà cầm quân này chỉ bốn tháng sau đó với thành tích bốn thua qua bảy trận. Nhưng quyết định sau đó của Maldini lại được thời gian chứng minh rằng không thể đúng đắn hơn.
Người được chọn để chữa cháy là Stefano Pioli – HLV dành phần lớn sự nghiệp để dẫn dắt những đội bóng nhỏ và bị kình địch Inter sa thải năm 2017. Pioli chưa bao giờ là kế hoạch A của Milan và CEO Ivan Gazidis. Không lâu sau khi Pioli lên nắm quyền, truyền thông châu Âu còn đưa tin về việc HLV người Đức Ralf Rangnick sẽ được trải thảm về sân San Siro theo nguyện vọng của Gazidis.
Nhưng Maldini vẫn đặt niềm tin vào Pioli và bảo vệ HLV đồng hương đến cùng. Dần dần, những kết quả trên sân mang tới sự tích cực biến thành niềm hy vọng. Sau ba năm, niềm tin của Maldini cho kết quả ngọt ngào. Trong khi Rangnick chật vật với vai trò người đóng thế tại Man Utd, Pioli đưa Milan đến ngôi vô địch Serie A với 86 điểm – nhiều nhất kể từ mùa 2005-2006. Không chỉ người hâm mộ, ngay cả những huyền thoại Arrigo Sacchi hay Fabio Capello cũng hết lời ngợi khen Pioli vì đã giúp Milan vô địch với đội hình thiếu những ngôi sao.
Người xây dựng tập thể
Khi được đề nghị nhận xét về Milan, HLV Igor Tudor của Verona nhận định: “Trên lý thuyết, đội hình Milan chỉ mạnh thứ ba hoặc thứ tư của giải. Nhưng vị trí dẫn đầu cho thấy đội bóng và HLV đã làm tốt đến nhường nào, khi biết cách khai thác tốt nhất từ các cầu thủ”. Nếu xem thành quả của Milan là một bữa đại tiệc, Pioli là đầu bếp, thì Maldini xứng đáng là người đi chợ đại tài.
Với tài chính khiêm tốn so với các đại gia khác của bóng đá châu Âu, Maldini đã liệu cơm gắp mắm để đưa về những cầu thủ phù hợp. Với những đội bóng khác, có thể họ không còn nhiều giá trị nhưng khi về Milan, tất cả đều có vai trò nhất định. Hai lão tướng Oliver Giroud và Zlatan Ibrahimovic không còn là những cỗ máy săn bàn, nhưng vẫn thực hiện tốt vai trò mỗi khi vào sân, đồng thời là những anh cả trong phòng thay đồ.
Trên trang cá nhân mới đây, Ibra đã hé lộ việc anh trải qua nửa năm dài với những con đau không dứt ở đầu gối, nhưng vẫn tập trung hết mình vì mục tiêu vô địch. Maldini hiểu sự cần thiết của một con sư tử già như Ibra và đã đích thân gọi điện để cản chân sút người Thụy Điển tới Napoli. Ông thuyết phục Ibra: “Đội bóng này cần cậu”. Hệ quả là Ibra tái xuất San Siro và trở thành ngọn hải đăng sừng sững trên sân lẫn ngoài đường piste làm gương cho phần còn lại.
Nếu một cầu thủ đã giành vô số danh hiệu vô địch tập thể vẫn khát khao đến vậy ở tuổi U40, không có cớ gì để những tài năng trẻ như Rafael Leao, Pierre Kalulu hay Sandro Tonali không chơi hết mình. Tonali là minh chứng điển hình cho niềm tin được đền đáp. Anh từng được mệnh danh “Pirlo đệ nhị” khi khoác áo Brescia và được đem cho Milan mượn ở mùa giải 2020-2021 với điều kiện mua đứt 18 triệu USD kèm 11 triệu USD phụ phí. Nhưng trong mùa giải đầu khoác áo Milan, Tonali chơi dưới kỳ vọng, và nhiều người hẳn đã nhướn mày khi biết Milan vẫn quyết định mua anh ở mùa hè sau đó.
Tonali chấp nhận giảm lương để được chính thức làm cầu thủ Milan và trở thành nhân tố sáng chói ở tuyến giữa đội bóng Đỏ-Đen. Sự nhiệt huyết, năng nổ của Tonali gợi nhớ về một Daniele De Rossi hơn là Pirlo. Để Tonali có cơ hội thăng tiến như thế, Maldini không ít lần ra mặt bênh vực. Ông từng nói: “Tonali chưa cho thấy hết tiềm năng bản thân. Bất kỳ ai từng xem cậu ấy tập luyện hàng ngày đều sẽ biết giá trị của Sandro. Đôi khi người ta quên rằng đây là một chàng trai trẻ mới 22 tuổi lần đầu khoác áo một đội bóng lớn”.
Một ví dụ khác chính là Hernandez. Khi hay tin hậu vệ trái 25 tuổi được Real rao bán, Maldini lập tức bay sang Tây Ban Nha để thuyết phục anh tới Milan hè 2019. Theo Maldini, điều Hernandez cần nhất để thể hiện được bản thân là một tập thể đặt niềm tin vào anh. Ông chia sẻ trên BeIN Sports: “Cậu ấy đã vô địch Champions League cùng Real, nhưng vẫn có chút lạc lối. Khi lần đầu nói chuyện, tôi thấy một chàng trai nhạy cảm khát khao được chơi bóng. Tôi tin vào Theo, và đội bóng cũng vậy. Những gì cậu ấy thể hiện trên sân thật phi thường và xứng đáng được đá chính cho tuyển Pháp”.
Nếu như Hernandez và Tonali còn là những cầu thủ tiềm năng được chú ý, thì cách Maldini đưa về hậu vệ trẻ Pierre Kalulu và thủ thành Mike Maignan thực sự khiến nhiều người bất ngờ. Khi tới Milan hè 2020 với phí chuyển nhượng chỉ 1,8 triệu USD, Kalulu thậm chí chưa hề ra sân cho đội một Lyon. Cầu thủ sinh năm 2000 không mất nhiều thời gian để hòa nhập và cùng Fikayo Tomori trở thành cặp trung vệ vững chãi trước khung thành Maignan – người được đưa về để thay thế Gianluigi Donnarumma hết hạn hợp đồng. Cả ba cái tên kể trên đều đóng vai trò quan trọng trong hành trình trở lại của AC Milan. Dù vắng mặt tới hơn một tháng do chấn thương, Maignan vẫn được bình chọn là Thủ thành xuất sắc Serie A mùa giải 2021-22, trong khi Kalulu được tờ The Athletic gọi là “Lilian Thuram mới” và được bầu làm Cầu thủ trẻ của năm. Bản thân Tomori cũng tiến bộ vượt bậc và khiến cái giá gần 30 triệu USD trả cho Chelsea trở thành một món hời.
Không chỉ khôn khéo trên thị trường chuyển nhượng, Maldini còn giúp tình hình tài chính Milan có những thay đổi đáng ngạc nhiên. Quỹ lương đội bóng giảm từ 161 triệu USD mùa 2018-2019 xuống chỉ còn 107 triệu USD. Đây là mức thấp nhất trong top 4 Italy hiện tại, sau Napoli (118 triệu), Inter (140 triệu) và Juventus (185 triệu). Nếu so với những đội bóng vô địch các giải Đức, Pháp, Tây Ban Nha hay Anh, quỹ lương của Milan chỉ ở mức vô cùng khiêm tốn nhưng vẫn cho thấy hiệu quả trên sân cỏ.
Để có được điều này, Maldini đã không ngần ngại từ chối những yêu cầu tăng lương vô lý và sẵn sàng để Gianluigi Donnarumma cùng Hakan Calhanoglu ra đi miễn phí. Với ông, không cá nhân nào được đặt quyền lợi cá nhân lên trên tập thể. Triết lý này được Maldini khẳng định như đinh đóng cột: “Chúng tôi không mua những nhà vô địch mà đi tìm những cầu thủ mạnh mẽ đang lạc lối như Theo và Leao. Chúng tôi giúp họ phát triển. Khi những chàng trai ấy tới gặp tôi, tôi bảo họ rằng trong những thời khắc khó khăn, những người đàn ông chứ không phải cầu thủ mới là những người đem về chức vô địch”.
Một đội ngũ kết hợp giữa kinh nghiệm và sức trẻ, giàu khát khao chứng tỏ bản thân đã đạt được thành công bước đầu. Nhưng với Maldini, con đường phía trước vẫn còn rất dài. Từng đoạt năm Cup C1/Champions League cùng Milan, Maldini hiểu rõ rằng muốn trở lại thời hưng thịnh, Milan cần vinh quang tại Champions League.
Ý chí ấy đã được ông khẳng định ngay sau khi Milan vô địch Serie A: “Đây là một đội bóng bị đánh giá thấp. Chúng tôi đã chơi với 100% khả năng, nhưng vẫn còn dư địa để phát triển. Đây sẽ là khởi điểm để bắt đầu cạnh tranh tại châu Âu”.
Thịnh Joey