Thành công lớn nhất của U23 Việt Nam ở giải U23 châu Á là khai phá được những gương mặt tiềm năng, đủ sức mang lại luồng gió mới cho bóng đá Việt Nam trong tương lai gần nếu phát triển đúng hướng, trong đó có những cái tên ấn tượng như thủ môn Quan Văn Chuẩn, hậu vệ Phan Tuấn Tài hay tiền vệ Khuất Văn Khang.
Quan Văn Chuẩn
Quan Văn Chuẩn không phải lựa chọn số 1 của HLV Gong Oh-kyun ở giải này. Với kinh nghiệm dày dạn ở V-League và từng khoác áo ĐTQG, Nguyễn Văn Toản mới là cái tên được tin tưởng cho vị trí trấn giữ cầu môn. Tuy nhiên, sai lầm cộng với chấn thương của Văn Toản ở trận gặp U23 Thái Lan đã mở ra cánh cửa để Văn Chuẩn thể hiện mình.
Thủ môn thuộc biên chế đội Hà Nội đã thi đấu tốt trong cả 4 trận đấu, đặc biệt nhất là trận gặp U23 Hàn Quốc. Văn Chuẩn có 4 tình huống cứu thua, trong đó có pha bay người cản phá ngoạn mục cú sút ở tuyến hai của tiền vệ Hong Hyun Seok có giá trị không thua kém một bàn thắng.
Ở trận gặp U23 Malaysia và U23 Ả Rập Xê Út, Văn Chuẩn lại chứng minh năng lực chơi chân với những tình huống phát động tấn công và chuyền bóng chính xác. Riêng trận gặp U23 Malaysia, tỷ lệ chuyền bóng của Văn Chuẩn tốt hơn cả 11 cầu thủ bên phía đối phương.
“Văn Chuẩn có những tố chất của thủ môn hiện đại. Đầu tiên là khoản chơi chân như một trung vệ. Các thủ môn trên thế giới giờ đây được đòi hỏi phải chơi chân nhiều, làm chủ không gian khu vực vòng cấm địa tốt.
Văn Chuẩn có đủ mọi yếu tố thuận lợi: thể hình, nhanh nhẹn, sự điềm tĩnh và khả năng chơi chân. Nếu gặp đối thủ pressing tầm cao mà thủ môn chơi chân tốt thì rất có lợi cho đội nhà“, cựu thủ môn Dương Hồng Sơn phân tích.
Ở Hà Nội FC, Văn Chuẩn dự bị cho Bùi Tấn Trường. Trong bối cảnh Tấn Trường đã luống tuổi, Văn Chuẩn là lựa chọn cho tương lai ở cấp độ CLB và có thể tiến xa hơn nữa nếu chứng minh được khả năng.
Phan Tuấn Tài
Tuấn Tài giữ băng đội trưởng ở đội trẻ Viettel, nhưng ở cấp độ đội tuyển quốc gia, cầu thủ gốc Nghệ An phải đến giải U23 Đông Nam Á mới bắt đầu để lại dấu ấn. Tuấn Tài dự giải đấu này với tư cách cầu thủ viện trợ cho nhóm U23 Việt Nam dự giải ở Campuchia, bởi đội hình chính khi ấy có quá nhiều ca mắc COVID-19.
Bước lên “chuyến tàu muộn”, nhưng Tuấn Tài đã phát lộ tiềm năng với những pha xử lý khéo léo ở hành lang trái. Tuấn Tài kiến tạo cho Trần Bảo Toàn ghi bàn duy nhất ở trận chung kết gặp U23 Thái Lan. Đến SEA Games 31, lại là Tuấn Tài với quả tạt chuẩn xác để Nhâm Mạnh Dũng đánh đầu hạ Thái Lan, giúp Việt Nam bảo vệ HCV SEA Games.
Ở giải U23 châu Á, Tuấn Tài tỏa sáng rực rỡ ở hành lang trái khi in dấu giày vào 3 bàn của đội nhà. Cầu thủ của Đắk Lắk là chủ nhân của bàn thắng nhanh thứ ba lịch sử giải đấu khi sút tung lưới U23 Thái Lan ở giây 17, rồi có thêm 2 đường kiến tạo đẹp mắt cho Nguyễn Văn Tùng và Vũ Tiến Long lập công vào lưới Thái Lan và Hàn Quốc.
BLV Ngô Quang Tùng phân tích: “Tuấn Tài có cổ chân dẻo cùng khả năng phối hợp nhóm, leo biên rất ấn tượng”. Trong khi đó, chuyên gia Phan Anh Tú gọi Tuấn Tài là “chuyên gia chân trái” với những pha xử lý khéo léo và đặc biệt.
Giải U23 châu Á có thể trở thành bước đệm để Tuấn Tài thăng tiến trong màu áo CLB. Với khả năng công thủ toàn diện, hậu vệ mang áo số 2 là lựa chọn tiềm năng của tuyển QG trong tương lai.
Video: Tuấn Tài sút tung lưới U23 Thái Lan ở giây 17
Khuất Văn Khang
Văn Khang là lựa chọn thú vị của HLV Gong Oh-kyun ở giải này. Cầu thủ của đội Viettel không được HLV Park Hang Seo “chấm” cho một suất đá SEA Games 31, nhưng đã chứng minh tiềm năng trong 2 tuần tập luyện dưới sự chỉ đạo của HLV Gong Oh-kyun ở đội dự phòng.
Tiền vệ mang áo số 8 được HLV Gong xếp đá chính ngay trận đầu gặp U23 Thái Lan và đã chứng minh được tiềm năng với những pha xử lý thông minh ở phạm vi hẹp. Văn Khang chơi xông xáo ở trận gặp U23 Hàn Quốc, được bầu chọn là cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu.
Trong cuộc so tài với U23 Ả Rập Xê Út đêm qua, Văn Khang tạo ra 2 cơ hội cho đồng đội ghi bàn. Đó là tình huống làm tường khôn ngoan cho Mạnh Dũng dứt điểm tuyến hai, hay chuyền bóng trả ngược đẹp mắt để Lê Minh Bình dứt điểm dội xà ngang.
Văn Khang có thể chơi tốt ở vị trí tiền vệ trung tâm, tiền vệ tấn công hoặc tiền vệ biên. Sự đa năng là vũ khí lợi hại của cầu thủ nhỏ con được đào tạo ở Viettel. Tuy nhiên, Văn Khang cần cải thiện thêm thể lực và tranh chấp để chơi tốt hơn ở tuyến giữa.
Nhâm Mạnh Dũng
Tiềm năng của Mạnh Dũng đã được thể hiện ở các giải trẻ, nhưng phải tới SEA Games 31 và U23 châu Á, cầu thủ của Viettel mới rực sáng thành ngôi sao. Cầu thủ sinh năm 1999 đã hoàn thành nhiệm vụ dẫn dắt hàng tấn công ở giải này với khả năng chọn vị trí tốt, dứt điểm khôn ngoan và không chiến ấn tượng.
Ngoài ra, Mạnh Dũng còn thi đấu hay khi được HLV Gong Oh-kyun đặt vào những vị trí khác như trung vệ (ở trận gặp U23 Thái Lan), thậm chí thủ môn. Ở trận đấu đêm qua, thủ môn bất đắc dĩ Mạnh Dũng đã cản phá 3 tình huống dứt điểm của đối thủ, giúp số bàn thua của U23 Việt Nam dừng lại ở 2.
Sự đa năng trong lối chơi phần nào phản ánh thái độ chơi bóng của Mạnh Dũng, đó là sự cần mẫn và chuyên nghiệp. Đây là viên ngọc quý của bóng đá Việt Nam, cần được mài giũa nhiều hơn trong thời gian tới.
Hồng Nam