Đội bóng của HLV Philippe Troussier sở hữu những nhân tố đầy chất lượng trên hàng tấn công, song lại chưa thể hiện được sự áp đảo như kì vọng.
Chưa thể kiểm soát trận đấu
Chiến lược gia người Pháp đưa ra sân đội hình giống như nhiều người kì vọng, ngoại trừ hai tiền vệ trung tâm Nguyễn Đức Phú và Nguyễn Thái Sơn. Cả hai đều sinh năm 2003, đều có lần đầu tiên đá chính ở cấp độ U22 và có một điểm chung khác, là đều được biết đến với nguồn năng lượng dồi dào trên sân của mình hơn là khả năng điều tiết thế trận.
Trên thực tế, cặp đôi tiền vệ trung tâm này đã chơi không hề tồi trong 45 phút thi đấu đầu tiên của trận đấu. Cả hai làm tốt những gì họ giỏi nhất ở vị trí của mình, khi cho thấy tầm hoạt động rộng, sẵn sàng tranh chấp, bọc lót khi phòng ngự và luôn hướng về phía trước khi tấn công. Nhưng họ cũng giống như các đồng đội còn lại trên sân, đôi khi quá vội vàng khi kiểm soát bóng.
Tình huống ở cuối hiệp 1 có thể xem là một ví dụ điển hình cho việc tại sao U22 Việt Nam lại không tạo ra được sự áp đặt trận đấu như kì vọng, từ thời điểm kiểm soát bóng, tới thời điểm chuyển đổi từ có bóng sang không bóng.
Thanh Nhàn có bóng ở sát hành lang cánh phải, trong bối cảnh U22 Lào đã thiết lập hệ thống phòng ngự của mình ở 1/3 sân nhà. Thay vì một lựa chọn chuyền ngược lại cho Đức Phú đã sẵn sàng hỗ trợ để tiếp tục duy trì quyền kiểm soát, cầu thủ sinh năm 2003 này muốn tiếp tục tấn công theo chiều sâu bằng ý đồ phối hợp với Hồ Văn Cường.
U22 Việt Nam để mất bóng trong một tình huống mà chúng ta có thể giữ nó lâu hơn.
Phản xạ của những cái bóng áo đỏ sau khi để mất bóng mới là thứ đáng để quan sát hơn ở pha bóng này. Thái Sơn và Đức Phú, đúng với bản năng của mình, ngay lập tức muốn đoạt lại bóng ngay ở khu vực 1/3 sân đối phương. Nhưng trái ngược với hành động ấy, là phản xạ của hai wing-back Võ Minh Trọng và Hồ Văn Cường, họ có xu hướng lùi về vị trí của mình.
Phản xạ của 3 trung vệ cũng gần như tương tự. Khung hình của góc quay truyền hình cho thấy cầu thủ U22 Lào thoải mái dẫn bóng sang phần sân của U22 Việt Nam, sau khi đội bóng này đã vượt qua được áp lực của đội bóng áo đỏ.
Lý do là bởi, U22 Việt Nam đã sẵn sàng cho một tình huống phòng ngự chủ động. 5 hậu vệ và 2 tiền vệ trung tâm gần như đã có mặt ở khu vực 1/3 sân nhà chỉ vài giây sau đó, thiết lập một cấu trúc phòng ngự bằng những bước lùi cực kì đồng bộ và có tổ chức.
Đó không phải là lần duy nhất hàng phòng ngự của ông Troussier có phản xạ đồng bộ như thế ở thời điểm chuyển đổi phòng ngự. Nhiều thời điểm khác nhau trong trận đấu, hàng hậu vệ 5 người lựa chọn bảo vệ khoảng trống ở sau lưng bằng cách lùi đồng bộ về phần sân nhà, thay vì cử ra ít nhất một nhân sự có sự áp sát đồng bộ với cầu thủ có bóng của đối phương.
Chúng ta không chỉ giữ trái bóng đủ lâu trong chân, mà còn tỏ ra tương đối an toàn ở các thời điểm chuyển đổi bằng việc sẵn sàng lùi đội hình về phần sân nhà và thiết lập cấu trúc phòng ngự của mình.
Thay vì mạo hiểm hơn, duy trì sự đồng bộ trong việc gây áp lực ở thời điểm chuyển đổi, U22 Việt Nam tỏ ra thoải mái với việc phòng ngự ở phần sân nhà. Thêm vào đó, những đường chuyền dài có phần vội vàng từ hàng phòng ngự là lí do khiến thế trận của U22 Việt Nam thiếu đi tính áp đặt như kì vọng.
Vai trò của người dẫn dắt ắt hẳn là thứ hiện lên một cách rõ nét sau trận đấu mở màn này. Khó có thể nhận ra một thủ lĩnh thực sự trong đội hình hiện tại của U22 Việt Nam, một người có đủ tiếng nói trên sân để thiết lập nhịp độ trong lối chơi, một người có thể kiểm soát lại thế trận ngay cả khi quả bóng không nằm trong chân mình.
Đó có thể là khác biệt lớn giữa hình ảnh của nhà đương kim vô địch SEA Games ở giải đấu lần này so với hai lần đăng quang trước đó.
Điểm sáng hàng công
Bên cạnh sự khác biệt có phần không mấy ấn tượng như đã nói, có thể nhận thấy dấu ấn tích cực của U22 Việt Nam ngay từ trận đấu mở màn tại SEA Games 32 lần này, khi chúng ta đang sở hữu những cá nhân thực sự chất lượng trên hàng tấn công.
Văn Tùng và Quốc Việt, những người đã ghi bàn đều cho thấy họ là những mẫu tiền đạo có thể tạo ra sự khác biệt từ những cơ hội nhỏ nhất, những mẫu tiền đạo nhạy bén trước khung thành của đối phương. Trong khi đó, màn thể hiện của những cá nhân sắm vai các tiền vệ tấn công là Văn Đô, Thanh Nhàn cùng Văn Khang là đầy ấn tượng.
Cả Thanh Nhàn và Văn Đô nếu cho thấy sự hiện đại trong lối chơi. Cả hai là những cầu thủ được đào tạo một cách bài bản, sở hữu nền tảng tốt cả ở kĩ thuật, sức mạnh, kiến thức bóng đá cũng như đã được thi đấu đủ nhiều ở cấp độ CLB. Trong sơ đồ 3-4-3, cả hai đều hiểu vai trò cầu nối tấn công cũng như xâm nhập vòng cấm địa của mình. Và theo những cách khác nhau, bộ đôi này đều thể hiện hiệu quả.
Trong khi đó, Văn Tùng chứng minh mình là tiền đạo đáng kì vọng nhất của lứa cầu thủ sinh từ năm 2001 trở về sau, với một màn trình diễn mang đậm bản năng của một số 9 toàn diện. Thời điểm hỗ trợ, các quyết định với bóng và các quyết định tấn công vòng cấm của cầu thủ thuộc biên chế CLB Hà Nội đều được thể hiện một cách đầy bản năng.
Trong tay ông Troussier lúc này đang là một bộ ba cầu thủ đá chính đã hoàn thiện về kĩ năng và tư chất chơi bóng, cùng những cá nhân dự bị ở lứa tuổi U20 sẵn sàng tạo ra đột biến.
Những Văn Đô, Văn Tùng, Thanh Nhàn hay Văn Khang, Quốc Việt, Văn Trường tạo nên một hàng tấn công đa dạng trong sơ đồ 3-4-3 của U22 Việt Nam. Và nói không quá, thì đây có thể xem là một khác biệt so với những gì U22 Việt Nam sở hữu tại kì SEA Games một năm về trước.
Sẽ có nhiều chi tiết cần được chỉnh sửa từ chiến lược gia người Pháp trong hành trình ngắn ngủi tại SEA Games lần này. Khác biệt về nhân sự là thứ đã có thể thấy được ngay từ trận đấu đầu tiên của U22 Việt Nam.
Đó sẽ là một hành trình mà nhà đương kim vô địch cần phát huy tối đa những điểm mạnh, cũng như tìm ra phương án để hạn chế những hạn chế về tư chất thủ lĩnh trong đội hình của mình. Hành trình ấy ắt hẳn sẽ không dễ dàng.