Nói đến thất bại lúc này thì hơi nghiệt ngã cho Quang Hải, nhưng để nhìn nhận Hải đạt được nguyện vọng vào thời điểm ra mắt Pau FC hồi cuối tháng 6 thì rõ ràng là không. Sau hơn hai tháng gia nhập đội bóng Pháp, Hải vẫn chưa tạo ra dấu ấn thực tế trên sân cỏ.
Tiền vệ tuyển Việt Nam chơi trận sau ít phút hơn trận trước, không ghi bàn hay kiến tạo nhưng mắc sai lầm trực tiếp dẫn tới bàn thua. Chưa được đồng đội ghi nhận nhưng bị chỉ trích thẳng mặt trên sân.
Trong trận hòa Saint-Etienne cách đây hai ngày của Pau FC, Hải dự bị trọn vẹn 90 phút. Trên ghế dự bị, Pau có 7 cầu thủ. HLV Didier Tholot thay 5 người, không bao gồm Hải. Cầu thủ không được chọn bên cạnh Hải là Massamba Ndiaye, một thủ môn.
Ông Tholot đã sử dụng mọi quân bài có thể với tham vọng giúp Pau FC đánh bại đối thủ trong thế hơn người để có chiến thắng đầu tiên tại Ligue 2 mùa này, nhưng không dùng Hải. Nếu coi Hải là người thừa tại Pau FC lúc này, câu chuyện thay người này sẽ là viên gạch đầu tiên.
Vì sao Hải bị gạt ra ngoài?
Có nhiều lý do cả chuyên môn sân cỏ lẫn ngoài đường pitch để lý giải cho màn trình diễn không được kỳ vọng của Quang Hải tại Pau FC. Trong cả hai trận đá chính tại Ligue 2 mùa này, Hải không tạo ra ấn tượng đủ lớn dù được bố trí đá số 10.
Trong 68 phút góp mặt trên sân, tiền vệ tuyển Việt Nam chỉ chạm bóng vỏn vẹn 22 lần, tức trung bình hơn 3 phút Hải mới được chạm bóng. 22 lượt chạm này kéo theo 13 đường chuyền, nhưng chỉ 6 trong số này đi trúng đích. Tỷ lệ chuyền chính xác của Hải chỉ là 46%.
Hải nhận điểm 4 từ báo Pháp với màn trình diễn này. HLV Tholot sau đó nhấn mạnh Hải “hơi vội”. Nếu tự tin cầm bóng và đột phá, cựu tiền vệ CLB Hà Nội có thể đóng góp nhiều hơn vào mặt trận tấn công của Pau FC.
Trận đấu với Djon là một trong hai lần Hải được đá chính tại Pau. Ở trận đá chính còn lại, Hải thậm chí nhận điểm 3 từ báo Pháp. Ấn tượng tạo ra là con số không. Sau một loạt trận không gây nổi đột biến nào, Hải bị gạt hẳn ra ngoài.
Việc phải thi đấu ở CLB yếu bậc nhất giải đấu như Pau FC khiến Hải có quá ít cơ hội để sửa sai. Một trận đá chính liệu đã đủ để khẳng định trọn vẹn về tài năng của một cầu thủ? Có thể chưa. Nhưng với HLV Tholot, người phải đứng mũi chịu sào về thành tích của CLB, một trận là quá đủ để ông phải tính tới phương án khác.
Pau là đội có quỹ lương thấp nhất giải, SVĐ bé nhất… Pau cần trụ hạng, cần thắng những trận với đối thủ cạnh tranh trực tiếp, điều họ không thể làm trong những trận đấu có mặt Quang Hải. Vị thế và lực lượng của Pau không cho phép ông dông dài với những cầu thủ thích ứng chậm.
Đây chính là vấn đề thứ hai dẫn tới tình trạng khó khăn hiện tại của Hải: khả năng hòa nhập. Khác biệt về văn hóa lẫn ngôn ngữ giữa Việt Nam và Pháp là quá lớn để san lấp chỉ trong hơn 2 tháng. Hải không nói được tiếng Pháp và vẫn đang trong quá trình học tiếng.
Không kết nối được với các đồng đội và HLV là điểm trừ quá lớn dẫn tới việc không thích nghi được với môi trường. “Bóng đá có ngôn ngữ riêng” chỉ là khái niệm với những cầu thủ đẳng cấp cao, không phải trường hợp của Quang Hải.
Các cầu thủ Đông Nam Á nói chung không dễ để hòa nhập với môi trường mới. Trên thực tế, chỉ cầu thủ Thái Lan ở khu vực Đông Nam Á là thích nghi nhanh chóng và có thành công khi xuất ngoại.
Ngoài việc lựa chọn bến đỗ chuẩn (Nhật Bản), các cầu thủ Thái Lan thích nghi nhanh chóng còn bởi văn hóa mở vốn dĩ của quốc gia này. Việc Việt Nam mở cửa muộn so với Thái Lan khiến chuyện xuất ngoại, va đập với các nền văn hóa khác đến giờ vẫn là thứ gì đó xa xỉ, đặc biệt với các cầu thủ vốn phần lớn đi lên từ những gia đình ít điều kiện.
Xuất ngoại để làm gì?
Hải đã đánh đổi nhiều thứ để chọn trải nghiệm chơi bóng tại châu Âu trong màu áo vàng của Pau FC. Anh chấp nhận mức lương ít, với vị thế bị đồng đội mắng té tát, trên SVĐ có sức chứa chỉ bằng 1/5 sân Hàng Đẫy. Nói Hải hy sinh để “đi du học” là chính xác.
Tuy nhiên, trải nghiệm mà Hải kỳ vọng sẽ nâng tầm sự nghiệp của mình đang có xu hướng trở thành cơn ác mộng. Pau chơi tốt hơn khi không có Hải. Henri Saivet, thần đồng một thời của bóng đá Pháp, thể hiện đẳng cấp vượt trội so với Hải ở vị trí hộ công. Chỗ của tiền vệ tuyển Việt Nam lúc này là ghế dự bị.
Vậy xuất ngoại để làm gì? Với tình thế hiện tại, việc nhất quyết lắc đầu với CLB Hà Nội để tới Pháp xem chừng là sai lầm của Quang Hải. Trải nghiệm tiền vệ này có ở Pháp là quá khắc nghiệt về chuyên môn, nhưng thừa hào nhoáng và ảo tưởng trên truyền thông.
Quay lại Việt Nam lúc này không phải phương án tồi với Quang Hải. Với vị thế và tầm ảnh hưởng, Hải vẫn sẽ là ngôi sao số một tại V-League. Thu nhập cũng chắc chắn được đảm bảo khi nguồn thu ngoài bóng đá với thương hiệu Quang Hải quá hấp dẫn với những ông chủ lắm tiền tại V-League.
Đặng Văn Lâm, đồng đội với Hải tại tuyển Việt Nam, đã quay lại V-League sau gần hai năm khoác áo Cerezo Osaka. Ở đó, Văn Lâm ngồi dự bị nhiều hơn ra sân, trước khi quyết định quay đầu về quê nhà. Trở lại Bình Định, Văn Lâm ngay lập tức có suất bắt chính, thậm chí góp công lớn trong chiến thắng 3-0 trước CLB Hà Nội ngay tại Hàng Đẫy. Đẳng cấp của Lâm hoàn toàn không bị mai một sau chuỗi ngày ngồi ngoài trên đất Nhật Bản.
Hải nên bắt đầu nghĩ tới việc làm như Văn Lâm. Không phải ngẫu nhiên những cầu thủ Việt Nam xuất ngoại tới bóng đá châu Âu đều không có thành công. Từ Lê Công Vinh, Nguyễn Công Phượng hay Đoàn Văn hậu, tất cả đều quay trở lại V-League sau thời gian ngắn. Bóng đá lục địa già vẫn là điểm đến quá sức với cầu thủ Việt Nam, Quang Hải tài năng mấy cũng không phải ngoại lệ.
Có những khác biệt cơ bản giữa văn hóa Á Đông của Việt Nam với văn hóa phương Tây. Chặng đường san lấp khoảng cách ấy cần nhiều hơn những người như Hải. Trong bóng đá, không phải lúc nào cứ đi là sẽ thành đường.