Tuyển Việt Nam đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lần đầu tham dự vòng loại World Cup 2022. Chiến thắng đội tuyển Trung Quốc 3-1 là trận đấu ấn tượng nhất.
Dưới đây là 4 điểm nhấn trong lần đầu tiên Quang Hải cùng đồng đội vươn mình ra biển lớn.
Video: Nhật Bản 1-1 Việt Nam
Chiến thắng lịch sử
Chiến thắng 3-1 trước Trung Quốc hôm 1/2 (mùng 1 Tết Âm lịch) là một trong những mốc son trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Lần đầu tiên, một đội tuyển Đông Nam Á có được chiến thắng ở vòng loại cuối một kỳ World Cup. Trước Việt Nam, Thái Lan từng dự hai kỳ vòng loại cuối cùng, thi đấu 20 trận nhưng chỉ có 6 trận hòa, nhận 14 thất bại.
3 điểm có được trước Trung Quốc ở lượt thứ 8 càng ý nghĩa hơn khi tuyển Việt Nam đã thua cả 7 trận trước đó, dẫn tới áp lực tâm lý đè nặng lên không ít cầu thủ. Tuy nhiên, sự ủng hộ của khán giả nhà cùng khát vọng thắng vào ngày đầu năm mới đã giúp tuyển Việt Nam có trận đấu thăng hoa.
3 bàn thắng của Tấn Tài, Tiến Linh và Văn Đức không chỉ giúp đội bóng của HLV Park Hang Seo thắng giòn giã, mà còn giúp cả đội lấy lại tự tin.
Sau chiến thắng mang tính cởi bỏ nút thắt tâm lý trước Trung Quốc, tuyển Việt Nam sau đó tiếp tục tiến bộ. Thầy trò Park Hang Seo thua tối thiểu trước Oman trong trận đấu tạo ra nhiều cơ hội ăn bàn, rồi lần đầu tiên trong lịch sử hòa Nhật Bản ở giải đấu chính thức.
Tân binh tỏa sáng
HLV Park Hang Seo chỉ sử dụng một nhóm cầu thủ quen thuộc trên hành trình ở vòng loại thứ ba World Cup 2022. Quyết định của nhà cầm quân người Hàn Quốc là dễ hiểu, bởi đối đầu với những đội tuyển mạnh hàng đầu châu Á, tuyển Việt Nam phải sử dụng lực lượng mạnh nhất mới có thể nuôi hy vọng có điểm.
Dù vậy, có những tân binh đã tận dụng rất tốt cơ hội hiếm hoi được thi đấu để chứng tỏ giá trị. Một trong số đó là hậu vệ Tấn Tài. Cầu thủ thuộc biên chế CLB Bình Định được tung vào sân trong những phút cuối trận gặp Trung Quốc ở lượt đi, sau đó ghi dấu ấn với 1 bàn thắng bằng cú sút chân trái chuẩn xác.
Tấn Tài sau đó chiếm suất đá chính ở cánh phải và tiếp tục để lại ấn tượng với pha đánh đầu mở tỷ số cũng vào lưới tuyển Trung Quốc trên sân Mỹ Đình. Từ chỗ dự bị cho Văn Thanh, phong độ cao đã giúp Tấn Tài vươn lên trở thành hậu vệ phải tốt nhất hiện tại của tuyển Việt Nam.
Tuấn Hải cũng là phát hiện thú vị của HLV Park Hang Seo. Cầu thủ sinh năm 1998 từng đá nửa cuối hiệp 2 ở trận gặp Oman (lượt đi), rồi bị gạt khỏi danh sách dự AFF Cup 2020. Tuấn Hải sau đó trở lại, chơi tốt ở trận gặp Australia (trận đấu tuyển Việt Nam đá với hàng công chắp vá) để rồi trở thành lựa chọn số 1 trên hàng tấn công.
Tuấn Hải đã chơi cả 4 trận cuối của ĐTQG ở vòng loại ba. Cầu thủ của Hà Nội FC không chỉ hỗ trợ tấn công tốt, mà còn phòng ngự, đeo bám bền bỉ và không ngại tham gia bất cứ điểm nóng tranh chấp nào trên sân. Ở tuổi 24, Tuấn Hải là hiện tại và tương lai của hàng công tuyển Việt Nam.
Một trường hợp nữa đáng chờ đợi là trung vệ Thanh Bình. Từng bị chỉ trích khi mắc lỗi trong 2 bàn thua của Việt Nam trước Trung Quốc, trung vệ trẻ của CLB Viettel đã trở lại với bàn thắng vào lưới Nhật Bản cùng màn trình diễn tốt trên sân Saitama tối 29/3. Tương lai rộng mở đang chờ đón Thanh Bình.
Tâm thế mới
Tuyển Việt Nam thua tới 8/10 trận ở vòng loại ba, nhưng thầy trò Park Hang Seo đã gây khó khăn cho nhiều đội mạnh ở châu Á. Quang Hải cùng đồng đội có 4 lần dẫn trước đối thủ ở vòng loại ba, 3 trong số đó là các trận đấu trên sân khách trước Ả Rập Xê Út, Nhật Bản và Oman.
Trận lượt đi trên sân Ả Rập Xê Út, tuyển Việt Nam dẫn trước trong 50 phút, trước khi thua ngược bởi thẻ đỏ và 2 quả phạt đền. Ở cuộc so tài với Nhật Bản, đội bóng của HLV Park Hang Seo cũng dẫn bàn sau quả phạt góc và kiên cường chống trả đến những phút cuối.
Còn trên sân nhà, tuyển Việt Nam cũng chơi nỗ lực với 4 trận thua với tỷ số tối thiểu, mà phải một nửa trong số đó, thầy trò Park Hang Seo có quyền nuối tiếc.
“Các đội mạnh muốn thắng tuyển Việt Nam cũng không dễ dàng. Chúng ta phòng ngự chặt, chơi kỷ luật và phản công rất nhanh. Trận gặp Nhật Bản là minh chứng“, chuyên gia Phan Anh Tú phân tích. HLV Hajime Moriyasu cũng nhận xét tuyển Việt Nam là “đội bóng khó bị đánh bại với năng lực phòng ngự phản công rất tốt”.
10 trận đấu ở vòng loại cuối là cơ hội để tuyển Việt Nam từ nay có thể bước ra sân chơi biển lớn với tâm thế mới, không còn lo âu, sợ hãi trước sóng gió châu lục.
Những bài học
Song song với những trận đấu đáng khích lệ, tuyển Việt Nam cũng nhận được những bài học quý giá.
Đó là sự tàn nhẫn của bóng đá, khi tuyển Việt Nam có thể tạo thế trận ổn định, nhưng lại thua bởi những khoảnh khắc mất tập trung của các cá nhân như tình huống phạm lỗi chịu phạt đền của Duy Mạnh, Tấn Tài, pha ra vào non nớt của Văn Toản, tình huống kèm người lỏng của Thanh Bình hay pha bắt không dính của Nguyên Mạnh,…
Đó là khả năng phòng ngự bóng bổng khi 10/19 bàn thua của Việt Nam đến từ tình huống cố định. Đội bóng của HLV Park Hang Seo không những phải cải thiện sự tập trung, mà cần phát triển hơn nữa về thể hình, sức mạnh để đối mặt với những đối thủ to khỏe, càn lướt tốt.
Đó là khả năng kiểm soát trận đấu và luân chuyển bóng khi bị đặt dưới áp lực ngàn cân của những đội tuyển mạnh như Nhật Bản, Australia. Tuyển Việt Nam cần thêm những nhân tố mới để trở lại vòng loại thứ ba World Cup sau đây 4 năm.
Lứa cầu thủ hiện tại của thầy Park sẽ bước qua đỉnh cao sự nghiệp chỉ trong một vài năm nữa. Tuyển Việt Nam cần sự tiếp nối, có thêm những cầu thủ chất lượng để tạo ra sự cạnh tranh, mài giũa lối chơi. Đó là nhiệm vụ của cả nền bóng đá, đòi hỏi chiến lược dài hạn bắt đầu từ nền móng sẵn có hôm nay.