Alexander Arnold – Cỗ Máy Tấn Công Từ Hàng Thủ Liverpool 6291f032acade.jpeg

Alexander-Arnold – cỗ máy tấn công từ hàng thủ Liverpool

Sở trường hậu vệ phải nhưng với hơn 60 kiến tạo qua hơn 200 trận cùng Liverpool ở tuổi 23, Trent Alexander-Arnold là cầu thủ tấn công hiệu quả bậc nhất bóng đá hiện tại.

Mùa này, dù xuất phát ở cánh phải hàng thủ quen thuộc, Alexander-Arnold thường xuyên di chuyển vào trong trung lộ nhiều hơn. Từ đó, phần lớn những cơ hội anh tạo ra đến từ vùng không gian này, trái ngược với những quan niệm thông thường về một hậu vệ cánh.

Để hiểu thêm về khía cạnh chiến thuật trong lối chơi của Alexander-Arnold cũng như cách hệ thống Liverpool được vận hành, hãy lắng nghe những phân tích đến từ chính hậu vệ người Anh trên tờ The Athletic.

Alexander-Arnold tranh chấp với cầu thủ Villarreal ở bán kết Champions League mùa này.

Alexander-Arnold tranh chấp với cầu thủ Villarreal ở bán kết Champions League mùa này.

Những tam giác phối hợp ở biên

Alexander-Arnold lý giải: “Nhìn vào các cơ hội được tôi tạo ra, rất nhiều trong số chúng đến từ hành lang trong (inside channel, hay half-space) thay vì hành lang biên và ngay bên ngoài vòng cấm đối thủ. Đó là vùng không gian ưa thích với tôi, vì chúng gần với cầu môn đối phương hơn. Các hậu vệ đối phương vì thế sẽ có ít thời gian để kịp phản ứng, và tôi thì tạo ra chiều sâu trong các pha tấn công hơn”.

Theo hậu vệ người Anh, đường kiến tạo mà anh thấy ấn tượng nhất mùa là tình huống gần với góc vòng 16m50 cho Sadio Mane ghi bàn vào lưới Burnley hồi tháng 8/2021. Lúc ấy, Harvey Elliot thay Alexander-Arnold bám biên. “Mô hình vị trí và các pha di chuyển của chúng tôi diễn ra hết sức quen thuộc. Tam giác phối hợp ở khu vực này được hình thành theo cách mạch lạc và bản thân tôi hoàn toàn thoải mái di chuyển vào hành lang trong để bấm quả bóng cho Sadio”, anh kể lại.

Alexander-Arnold có mặt ở hành lang trong, phối hợp với Elliot và Salah rồi bấm bóng...

Alexander-Arnold có mặt ở hành lang trong, phối hợp với Elliot và Salah rồi bấm bóng…

... cho Sadio Mane ghi bàn.

… cho Sadio Mane ghi bàn.

Tầm hoạt động lan tỏa vào phía trong của Alexander-Arnold xuất phát từ chính yêu cầu của Jurgen Klopp. HLV người Đức lên kế hoạch, thiết lập một hệ thống cho phép các cầu thủ di chuyển linh hoạt để tạo ra những khoảnh khắc mang về chiến thắng. Klopp cho Alexander-Arnold tự do di chuyển vào trung lộ nhiều hơn một chút, và điều chỉnh này giúp ích cả trong mặt trận tấn công lẫn phòng ngự. “Nếu chẳng may để mất bóng, chúng tôi sẽ có thêm một nhân sự nữa ở tuyến tiền vệ để tạo ra thế quân số đông và giúp thu hồi bóng. Còn khi tôi có bóng, tôi trở nên nguy hiểm hơn nếu xuất hiện ngay bên ngoài vòng cấm, thay vì bám ở biên”, Alexander-Arnold giải thích.

Mùa này, trọng tâm lối chơi của Liverpool đặt vào hai tam giác ở hai cánh – đó là những tiền vệ số 8, những hậu vệ cánh và những tiền đạo cánh ở mỗi bên. Trong mọi thời điểm, họ cũng phải đảm bảo tạo ra các tam giác: Một người giúp kéo dãn chiều ngang sân ở cánh, một người khác thì đá cao hơn ở sát đường biên ngang, và người còn lại duy trì sự có mặt ở hành lang trong cùng cánh hoặc ở vị trí tiền vệ số 8.

Klopp không quan trọng cá nhân cụ thể ở từng vị trí là ai, nhưng yêu cầu luôn có người hiện diện để chiếm lĩnh ba vùng không gian ấy. Dựa trên sự linh hoạt chuyển đổi, cầu thủ có thể làm những gì họ muốn, chỉ cần đảm bảo luôn có nhân sự ở các vị trí này. Do đó, trong nhiều thời điểm, Alexander-Arnold di chuyển vào khoảng trống giữa trung vệ và hậu vệ cánh của đối thủ, vì bấy giờ sau lưng anh đang có một tiền vệ số 8 bám lấy biên, ở vị trí của hậu vệ cánh phải, là Jordan Henderson, còn Mo Salah ở trước mặt tạo thành đỉnh còn lại của tam giác ở gần đáy biên ngang. “Đấy chính là sự linh hoạt mà tôi nhắc đến, đồng thời còn là sự thấu hiểu về di chuyển và các mô hình phối hợp tấn công”, Alexander-Arnold nói.

Cấu trúc phòng ngự và sự thấu hiểu

Với một hậu vệ cánh có xu hướng tấn công nhiều như Alexander-Arnold, bắt buộc phải có người lót phía sau anh. Vậy thì làm cách nào anh có thể an tâm tin tưởng để thoải mái vẫy vùng sáng tạo?

“Mọi thứ nằm ở khả năng liên lạc”, hậu vệ này giải thích. Các cầu thủ trên sân phải luôn thấu hiểu nhau. Chỉ cần biết rằng luôn có đồng đội sẵn sàng hỗ trợ và bọc lót sau lưng, mỗi người sẽ hoàn toàn tự tin vào vị trí hoạt động của bản thân. Theo Alexander-Arnold, đội hình Liverpool hiện tại chơi với nhau đủ lâu để trở thành một khối gắn kết, biết rõ khi nào và trong tình huống nào thì mỗi người cần xuất hiện ở những vị trí cụ thể.

Nguyên tắc nền tảng trong lối chơi của Liverpool là bất kể đối phương chơi với hệ thống nào, đội sẽ luôn có hai trung vệ ở gần với vạch giữa sân và Fabinho là người bao quát toàn bộ vùng không gian đó. Nếu các đối thủ chơi với hai tiền đạo, các cầu thủ Liverpool sẽ để mặc họ cho Fabinho và cặp trung vệ, vì đó là thế ba đánh hai. Sự thấu hiểu và tin tưởng đó, theo Alexander-Arnold, cũng giống như khi bóng lăn ở hành lang cánh trái, ai trong đội cũng biết Salah sẽ cầm bóng tiến vào vòng cấm. “Vấn đề còn lại chỉ là giữa tôi với tiền vệ số 8, cụ thể là Jordan Henderson, ai sẽ xâm nhập vòng cấm và ai sẽ hỗ trợ sau lưng Salah. Một trong hai người chúng tôi sẽ thay phiên tùy tình huống”, hậu vệ phải này giải thích.

Alexander-Arnold (số 66), Salah (11) và Henderson (14) tạo thành một tam giác ăn ý trong các pha tấn công biên lợi hại của Liverpool mùa này. Ảnh: imago

Alexander-Arnold (số 66), Salah (11) và Henderson (14) tạo thành một tam giác ăn ý trong các pha tấn công biên lợi hại của Liverpool mùa này. Ảnh: imago

Salah không có trách nhiệm lùi về phòng ngự, vì đội không cần anh làm công việc đó, mà cần Salah đột nhập vòng cấm và ghi bàn. Và cũng có lúc chính Henderson tiếp cận vòng cấm, như trước Everton. Alexander-Arnold nói thêm: “Vòng 16m50 là khu vực cần có sự chiếm lĩnh. Bạn phải luôn có nhân sự trong khu vực này. Nếu quả bóng ở một bên cánh nhất định, tiền đạo cánh đó sẽ không thể có mặt ở vòng cấm, vậy nên chính tiền vệ hoặc hậu vệ cánh đối diện phải xâm nhập vào”. Theo đó, hậu vệ trái Andy Robertson và Alexander-Arnold đều phải tấn công cột xa của đối thủ. Nhưng để điều đó diễn ra, phía sau họ phải luôn có sự bảo vệ và mấu chốt nằm ở sự liên lạc giữa các trung vệ cùng tiền vệ phòng ngự Fabinho.

“Niềm tin của chúng tôi còn nằm ở các tình huống counter-pressing – chống phản công ngay khi để mất quyền kiểm soát bóng. Đó là nền tảng trong thứ bóng đá Liverpool xây dựng. Ai nấy cũng biết cả rồi, vì chúng tôi nổi tiếng với lối chơi ấy. Càng có đông quân số tham gia tấn công, càng có lợi thế khi counter-pressing. Ở đây, chúng tôi luôn có niềm tin rằng muốn thu hồi đoạt lại quả bóng gần với khung thành đối phương, càng phải chấp nhận nhiều rủi ro khi đẩy cao đội hình”, Alexander-Arnold giải thích.

Theo hậu vệ Anh, nếu miễn cưỡng, không nhiệt tình và hăng hái, anh và đồng đội sẽ bị trừng phạt. Giữa việc tiến đến phần sân đối phương rồi gây áp lực chút đỉnh khác biệt hoàn toàn với việc tiến đến phần sân đối phương rồi vồ vào ngay trước mắt họ để chặn quả bóng hoặc đoạt lại bóng. Vậy nên, Klopp muốn cầu thủ Liverpool phải luôn dứt khoát, đã pressing thì phải pressing nhiệt tình.

Sự đồng điệu cùng Salah

Alexander-Arnold và Salah mùa này tạo nên một cặp bài trùng bên hành lang phải của Liverpool. Và theo hậu vệ Anh, việc này diễn ra một cách tự nhiên, dù còn tuỳ thuộc đối thủ là ai. Hai người có thể nhận diện được điểm yếu của đối thủ, và sẽ bàn nhau cách khai thác điểm yếu đó trong cả trận đấu. Có lúc, Salah ở phía trong, kéo theo hậu vệ cánh đối phương và để khoảng trống ở ngoài cho Alexander-Arnold. Hoặc có lúc, Salah sẽ dạt biên nhiều hơn, để Alexander-Arnold bó vào trong. “Chúng tôi chỉ cần xác định xem chỗ nào có thể gây nguy hiểm cho đối thủ nhiều nhất và thích ứng trong lúc trận đấu diễn ra”, cầu thủ 23 tuổi kể.

Salah và Alexander-Arnold cố để mỗi người tự do triển khai lối chơi. Nếu Salah có mặt ở đâu đó trong hoặc xung quanh vòng cấm, Alexander-Arnold sẽ chuyền, để tiền đạo Ai Cập làm nốt phần việc còn lại, và ngược lại. Nhưng hậu vệ người Anh cũng thừa nhận cả hai không than vãn hay oán trách gì nhau, vì hiểu bản thân mỗi người luôn muốn cống hiến, luôn dám mạo hiểm và muốn để lại dấu ấn vào các bàn thắng càng nhiều càng tốt.

Khi nhìn lại tình huống Salah nhận bóng trong trận đấu trước Watford hồi tháng 10 năm ngoái, Alexander-Arnold đùa rằng “đây ắt hẳn là cú chạm bóng tệ nhất của anh ấy trong mùa giải này”. Cú đỡ bóng không tốt của ngôi sao người Ai Cập đã tạo điều kiện để thủ thành Ben Foster cản phá kịp thời. Nếu không, Salah đã có bàn, còn Alexander-Arnold thì có thêm một kiến tạo.

Salah luôn sẵn sàng chạy, rất khôn khéo khi di chuyển và đưa ra tín hiệu. Mùa này, anh và Alexander-Arnold nắm bắt tín hiệu của nhau rất tốt, từ đó dễ dàng điều chỉnh tư thế sao cho phù hợp. Hậu vệ Anh luôn biết rõ ở đâu và cách thức Salah muốn nhận bóng. “Khó có thể nói chi tiết những tín hiệu ấy là gì, nhưng anh ấy luôn ra dấu muốn nhận bóng ở khu vực nào, để thoát khỏi hậu vệ cánh trái của đối thủ. Yếu tố còn lại là tôi phải đọc được tín hiệu đó để tung ra những đường chuyền”, Alexander-Arnold giải thích.

Dường chuyền quyết định của Alexander-Arnold dành cho Salah trước Bournemouth tháng 4/2018 là một ví dụ về sự thấu hiểu giữa bộ đôi này. Hậu vệ phải Liverpool tự nhận đây là một trong những pha kiến tạo ưa thích nhất của anh. “Sức nặng từ đường chuyền cùng quỹ đạo của nó phải nói là lý tưởng”, Alexander-Arnold nói khi xem lại đoạn video này. “Salah đã làm nốt phần việc còn lại xuất sắc. Niềm sung sướng nằm ở đó, khi bạn giúp Mane hoặc Salah ghi bàn. Tôi cũng sẽ như vậy nếu chuyền cho Bobby hoặc Diogo Jota. Họ gần như đều có thể tận dụng mọi đường bóng tôi thực hiện”.

Alexander-Arnold bấm bóng...

Alexander-Arnold bấm bóng…

... cho Salah đánh đầu ghi bàn vào lưới Bournemouth tháng 4/2018.

… cho Salah đánh đầu ghi bàn vào lưới Bournemouth tháng 4/2018.

Chớp thời cơ

Tháng 12/2021, cú nã đại bác của Alexander-Arnold vào lưới Newcastle được bình chọn là bàn thắng đẹp nhất tháng của Ngoại hạng Anh. Đó là tình huống hậu vệ cánh phải người Anh xuất hiện ở cánh trái, vốn không phải là vùng không gian hoạt động của anh. “Góc sút khi đó hoàn toàn khác với vị trí hoạt động của tôi, nên đòi hỏi một kỹ thuật vung chân cũng khác. Nếu bên cánh phải, bạn sẽ tìm cách để tạt quả bóng vào trong. Trong khi với tình huống tôi có mặt ở cánh trái trước Newcastle, cả khung thành mở ra trước mặt và tôi quyết định sút thẳng nó”, anh kể lại.

Pha kiến tạo để Roberto Firmino vào lưới Tottenham sau đó là một ví dụ. Khi đó, có hai cầu thủ Tottenham ở bên ngoài vòng cấm, nhưng khi đã có mặt ở vị trí này, bản năng mách bảo Alexander-Arnold sẽ cần tiến sâu vào vòng cấm.

“Lúc này tôi vẫn còn lững thững, rồi quả bóng tiến đến phía cột xa và pha bóng diễn ra lộn xộn. Tôi bắt đầu tăng tốc, hòng đoạt được bóng hai. Lúc Hugo Lloris đẩy bóng ra, tôi lao đi như trên đường chạy. Trong đầu, tôi liền suy nghĩ: ‘Đây là một pha bóng 50-50’, nhưng tôi tin mình sẽ đánh bại được Ryan Sessegnon để chạm bóng trước. Và tôi đã làm được, chuyền quả bóng vào vùng không gian nguy hiểm, một cú tạt cắt ngang mặt khung thành”, hậu vệ người Anh kể. “Tôi không nghĩ Robbo phải quá vất vả trong pha dứt điểm. Anh ấy chắc chắn nợ tôi. Ngay đầu trận, khi mới nhập cuộc chừng 30 giây, tôi đã trao cho Robbo một cơ hội khác mà đáng ra anh ấy phải tận dụng tốt hơn.”

Kỹ năng chuyền bóng

Kỹ năng chuyền bóng luôn là một trong những thế mạnh của Alexander-Arnold, và bản thân anh biết rõ. Alexander-Arnold luôn thấy tự tin khi chuyền bóng và rất thích chuyền bóng.

Một trong những đường chuyền chất lượng Alexander-Arnold từng thực hiện là đến từ cái chân trái, dành cho Robertson. Sau đó, cầu thủ người Scotland kiến tạo để Salah ghi bàn thắng thứ hai của Liverpool trong chiến thắng 3-1 trước Man City vào tháng 11/2019. “Lúc đầu trận đấu, tôi thường chuyền về cho Virgil van Dijk, và ôi phát hiện trong những tình huống đó, Bernardo Silva luôn ‘giở trò’. Anh ta sẵn sàng lao vào Virgil để gây áp lực đoạt bóng. Thế là tôi nghĩ ‘mình sẽ tìm cách loại anh ta mới được”, Alexander-Arnold nhớ lại.

Anh cho rằng khi pressing tầm cao, cấu trúc đội hình thường rất hẹp và chật chội, nên mấu chốt bấy giờ là tìm cách lật cánh chuyển hướng tấn công thật nhanh. Càng ít đường chuyền càng tốt. Thay vì cần đến hai hay ba, bạn chỉ cần một đường chuyền để loại bỏ đông quân số đối phương. “Chính lối tư duy như vậy, tôi mới tung ra cú lật cánh bằng chân trái cho Roberton”, Alexander-Arnold lý giải.

Đường chuyền táo bạo của Alexander Arnold...

Đường chuyền táo bạo của Alexander Arnold…

... cho Roberton, vừa giúp giải toả sức ép bên phần sân nhà, vừa giúp Liverpool có thêm một pha tấn công lợi hại.

… cho Roberton, vừa giúp giải toả sức ép bên phần sân nhà, vừa giúp Liverpool có thêm một pha tấn công lợi hại.

Một khía cạnh khác trong lối chơi của Alexander-Arnold là những tình huống bóng cố định. Anh là một chuyên gia.

“Giờ tôi sẽ nói nhiều hơn về các khoảng trống,” Alexander-Arnold tiết lộ khi được hỏi liệu anh sẽ tìm cách chuyền bóng hướng đến các đồng đội cụ thể hay hướng đến các vùng không gian cụ thể với những quả đá phạt góc hoặc đá phạt gián tiếp. “Bạn biết rõ mục tiêu chuyền bóng là gì, hai trung vệ là những mục tiêu lớn nhất. Nhưng Diogo Jota và Sadio Mane cũng là những cầu thủ rất giỏi không chiến. Vậy nên, bạn phải đặt quả bóng vào những khu vực nhất định, chỉ cần đặt đúng, các đồng đội sẽ chủ động tiếp cận nó, chẳng hạn như bàn thắng của Van Dijk vào lưới Southampton”.

Alexander-Arnold đá phạt góc, đưa bóng tới vị trí vừa đủ thuận lợi...

Alexander-Arnold đá phạt góc, đưa bóng tới vị trí vừa đủ thuận lợi…

... để Van Dijk chạy chỗ ghi bàn vào lưới Southampton.

… để Van Dijk chạy chỗ ghi bàn vào lưới Southampton.

“Hiếm khi nào bạn đá phạt góc mà chuyền được quả bóng vào trong vòng cấm để cho ai đó vô-lê thành bàn. Virgil trong tình huống này đã bị chặn, nên anh ấy sẽ không thể chạy chỗ thuận lợi, song bằng cách nào đó anh ấy vẫn tìm được tới bóng để sút nó chính xác”, Alexander-Arnold giải thích.

Theo hậu vệ này, Liverpool luôn có bốn cầu thủ ngay bên ngoài vòng cấm để sẵn sàng cho các tình huống đoạt bóng hai, và đội rèn luyện kỹ bài vở này. Mỗi tình huống bóng bật ra, ngay lập tức sẽ luôn có người ập vào đón lấy.

Chuyên gia bóng chết

Alexander-Arnold có thói quen kiến tạo từ các tình huống phạt góc. Anh từng đá phạt góc kiến tạo giúp Alison ghi bàn thắng đáng nhớ vào lưới West Brom ở mùa giải trước.

“Lúc chạy tới góc cột cờ để lấy bóng, tôi biết anh ấy sẽ có mặt trong vòng cấm, vì thế tôi đợi đến khi Ali sẵn sàng. Tôi lựa chọn một quả tạt kiểu inswinger – bóng đi vòng vào trong, hướng tới cầu môn, ngược lại là outswinger – bóng đi vòng ra ngoài, xa khỏi cầu gôn, vì nó sẽ tạo ra sự hỗn chiến trong vòng cấm. Với thủ môn đối phương hiện diện ở vòng 5m50, đối thủ có thể mắc sai lầm đốt lưới nhà, hoặc tranh chấp với chính cầu thủ của họ. Tóm lại, tôi luôn tìm cách chuyền quả bóng vào đúng khu vực”, Alexander-Arnold giải thích.

Theo anh, trong các bài tập đá phạt, người thực hiện cần phải tạo ra đúng áp lực lên quả bóng, tương tự như vậy là với các quả đá phạt trực tiếp. Tạt bóng hay đá phạt góc đều phải được luyện tập để trở nên nhuần nhuyễn. Những quả đá phạt gián tiếp hoặc phạt góc đòi hỏi cả đội phải tập luyện với nhau, từ các pha chạy chỗ, canh thời gian cho đến cách thức chuyền bóng. Trong khi, những quả đá phạt trực tiếp và penalty thì chủ yếu là câu chuyện cá nhân người thực hiện.

“Còn với quả đá phạt góc trước Barca ở bán kết Champions League 2019 thì hoàn toàn khác. Trong tình huống đó, tôi cố thực hiện nó càng nhanh càng tốt mà thôi”, Alexander-Arnold nhắc lại tình huống anh láu cá dọn cỗ cho Divock Origi ghi bàn.

Alexander-Arnold đá phạt góc nhanh cho Origi ghi bàn lưới Barca

Alexander-Arnold đá phạt góc nhanh cho Origi ghi bàn lưới Barca

Alexander-Arnold đá phạt góc nhanh cho Origi ghi bàn.

Trong pha kiến tạo dành cho Mane trước Arsenal, Alexander-Arnold hướng quả bóng đến một vùng không gian nhất định, vì Liverpool tổ chức di chuyển đều theo chiều ngang trước mặt khung thành để không một ai bị chặn và mở ra nhiều điểm có thể tiếp cận bóng. “Phần việc còn lại nằm ở người chuyền. Tôi cố gắng đưa quả bóng ra sau lưng hàng thủ đối phương, ngay trước mặt khung thành, nhất là phạm vi trung tâm hoặc về phía cột xa và hy vọng các đồng đội có thể đón được”, anh kể.

Alexander-Arnold đá phạt treo bóng vào vòng cấm...

Alexander-Arnold đá phạt treo bóng vào vòng cấm…

... cho Salah ghi bàn.

… cho Salah ghi bàn.

Trong số những bàn thắng Alexander-Arnold đã ghi được cho Liverpool, một số lượng không hề nhỏ đến từ các tình huống đá phạt hàng rào.

“Salah và tôi luôn trao đổi với nhau nên làm gì, tôi đưa ra quyết định dịch chuyển quả bóng rồi đặt nó xuống, để tạo ra một góc sút thuận lợi. Nếu các bạn nhìn lại bàn thắng vào lưới West Ham, hàng rào của họ toàn những cầu thủ khổng lồ, người thấp nhất cũng đã cao 1m85 – là Declan Rice. Tôi cần phải sút quả bóng qua được cậu ấy. Để làm được như vậy, tôi cần đá quả bóng xoáy một chút, khiến thủ môn bị khuất tầm nhìn”, hậu vệ này giải thích.

Alexander-Arnold đá phạt hàng rào ghi bàn vào lưới West Ham.

Alexander-Arnold đá phạt hàng rào ghi bàn vào lưới West Ham.

Hoàn thiện kỹ năng phòng ngự

Tấn công xuất sắc, nhưng với Alexander-Arnold, nghệ thuật phòng ngự luôn gắn liền với một hậu vệ, và anh thấy bản thân cần phải nỗ lực hơn nữa để cải thiện. “Tôi phải đảm bảo cự ly di chuyển, để có thể đưa ra quyết định chính xác và giữ vững phòng tuyến. Ngoài ra, là những quyết định trong các tình huống một-một”, hậu vệ này tự nhận.

Một trong những pha can thiệp kịp thời của Alexander-Arnold là ngăn chặn Ryan Fraser trước Newcastle hồi đầu năm. “Một cú tắc bóng chuẩn xác. Nhưng xuyên suốt pha bóng đó, tôi đã mắc phải nhiều sai lầm. Đường chuyền phát động và đường căng ngang sau đó của đối thủ đều rất chính xác. Chính lúc này, tôi biết mình đã chọn di chuyển sai phía, vậy nên tôi cố gắng di chuyển vào giữa”.

Alexander-Arnold chạy đuổi theo Fraser...

Alexander-Arnold chạy đuổi theo Fraser…

... trong tình huống mà anh tự nhận mà một mất một còn, Alexander-Arnold lao tới, cố rướn để chạm bóng và thực hiện cú tắc thành công.

… trong tình huống mà anh tự nhận mà một mất một còn, Alexander-Arnold lao tới, cố rướn để chạm bóng và thực hiện cú tắc thành công.

Một phần trong sự hoàn thiện bản thân của Alexander-Arnold là những buổi thảo luận với đội ngũ phân tích của Liverpool. Tại đó, mọi người luôn đi sâu và nhìn ra vấn đề. Alexander-Arnold luôn có trí nhớ rất tốt về những gì diễn ra trên sân. Anh gần như không thấy cần thiết phải theo dõi lại những đoạn băng video, vì chúng luôn có sẵn trong đầu tôi. Nhưng Alexander-Arnold luôn sẵn sàng xem lại chúng để phát hiện những thiếu sót của bản thân và hiểu vì sao anh lại đưa ra các quyết định sai lầm. “Mấu chốt là sự phán đoán và đưa ra quyết định”, anh nói.

Alexander-Arnold luôn đặt ra những tiêu chuẩn cao cho bản thân, không cần ai phải đứng đằng sau thúc ép. Tự bản thân anh luôn khát khao hoàn thiện, muốn giỏi hơn và duy trì phong độ càng lâu càng tốt. “Bất cứ khi nào ra sân, tôi cũng muốn trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân mình. Nếu không thể đạt được điều đó, tôi sẽ cảm thấy không vui”, hậu vệ này nhấn mạnh.

Hoàng Thông (theo The Athletic)