Bóng đá Hàn Quốc Không Sống được Từ Bóng đá 63ea39f7ae7b9.jpeg

Bóng đá Hàn Quốc không sống được từ bóng đá

Chúng ta thường nói với nhau rằng, muốn có đội tuyển quốc gia mạnh, phải có một nền bóng đá mạnh, hệ thống giải vô địch quốc gia mạnh, một văn hóa bóng đá mạnh. Bóng đá ở các nước phương Tây phát triển đều như vậy.

Nhưng có nhiều ví dụ cho thấy, không cần phải có một nền văn hóa bóng đá mạnh, mà vẫn có được đội tuyển quốc gia tương đối mạnh ở tầm châu lục. Hàn Quốc là một điển hình. Đội tuyển nam nước này đã dự 10 kỳ World Cup liên tiếp từ năm 1986 đến 2022. Trên thế giới, chỉ có bốn nước khác làm được điều này như Hàn Quốc là Brazil, Argentina, Đức và Tây Ban Nha.

Nguyên nhân cơ bản của điều này là bóng đá, cũng như các môn thể thao khác ở Hàn Quốc, được xem như công cụ sắc bén để nâng đỡ tinh thần dân tộc, chứ không phải là những môn chơi thuần túy giải trí.

Sự ủng hộ của các lãnh đạo đã giúp Hàn Quốc đăng cai Olympic 1988, World Cup 2002, còn những giải thể thao tầm châu lục thì rất nhiều.

Nhưng Hàn Quốc thất bại trong việc xây dựng một nền văn hóa bóng đá trong công chúng, một giải VĐQG chuyên nghiệp mạnh. Đây là nội dung cơ bản trong cuốn sách “Organizational Culture, Image, Identity in Professional South Korean Club Football” của tác giả người Đức Nikolas Sonneborn.

 - Bóng Đá

Các sân bóng Hàn Quốc rất hoành tráng, nhưng vắng bóng khán giả trong các trận đấu K-League. Ảnh: The Asian Game.

Sai lầm nối tiếp sai lầm

Cho đến đầu những năm 1980, bóng đá Hàn Quốc được tổ chức thi đấu ở cấp độ nghiệp dư. Tổng thống Chun Doo-hwan quyết định thành lập giải bóng đá chuyên nghiệp Hàn Quốc vào năm 1983, ông gây áp lực lên các chaebol (tập đoàn kinh doanh lớn) để họ phải tài trợ các CLB.

Mới đầu, giải được tổ chức theo thể thức: tất cả trận trong một vòng được thi đấu tại một SVĐ được chỉ định trong một khoảng thời gian nhất định và vòng tiếp theo được tổ chức ở một thành phố khác. Theo kiểu này, không phải CLB nào cũng được đá ở thành phố của họ và không phải thành phố đăng cai nào cũng có CLB. Do đó thiếu người hâm mộ địa phương cũng như lòng trung thành của người hâm mộ.

Kiểu thi đấu này bị hủy bỏ. Nhưng sai lầm chưa chấm dứt. Thập niên 1990 có một điều luật: để bóng đá được lan rộng toàn quốc, mỗi thành phố chỉ được phép có một CLB. Kết quả là cả 3 CLB ở Seoul rời thành phố, khiến thủ đô Hàn Quốc không còn CLB nào nữa. Điều luật này tạo ra sự bất cập, vì các câu lạc bộ phải chuyển đến nơi hoàn toàn xa lạ, mất đi lực lượng cổ động viên đang có.

Chẳng hạn, FC Seoul bắt đầu với tên gọi Lucky-Goldstar Bulls vào năm 1984 tại tỉnh Chungcheong, rồi chuyển đến Seoul vào năm 1990 và đổi tên thành LG Cheetahs vào năm 1991. Năm 1996, họ chuyển địa điểm một lần nữa đến Anyang ở tỉnh Gyeonggi và đổi tên thành Anyang LG Cheetahs. Sau khi chơi ở Anyang trong 8 năm, CLB quyết định chuyển đến Seoul một lần nữa vào năm 2004 và đặt tên là FC Seoul tồn tại cho đến ngày nay.

Nhiều CLB chuyên nghiệp khác ở Hàn Quốc hiện nay cũng có lịch sử chuyển địa điểm và đổi tên, như Pohang Steelers, Ulsan Hyundai. Rõ ràng trong quá khứ, bóng đá chuyên nghiệp Hàn Quốc không có một tầm nhìn vững chắc dài hạn về hướng phát triển.

Sống bằng bầu sữa các công ty

Có 2 mô hình sở hữu CLB ở Hàn Quốc: sở hữu công ty và sở hữu đại chúng. Jeonbuk Hyundai Motors FC là điển hình cho một CLB thuộc sở hữu công ty. Trong khoảng thời gian 2009-2022, Jeonbuk Hyundai giành 9 danh hiệu vô địch K-League 1, trở thành CLB giàu thành tích nhất Hàn Quốc. Họ cũng 2 lần vô địch AFC Champions League.

 - Bóng Đá

CLB FC Seoul phải dùng cả búp bê trên hàng ghế khán giả trong trận đấu của họ. Ảnh: independent.ie.

Jeonbuk Hyundai đang tổ chức các trận đấu trên sân nhà tại sân Jeonju được xây để tổ chức World Cup 2002 có gần 50.000 chỗ ngồi. Các mùa bóng cao điểm nhất 2014/15 và 2015/16, họ có 16.000 khán giả đến xem. Sau đó giảm dần. Các mùa bóng 2019/20 và 2020/21 số khán giả giảm thê thảm do Covid-19. Đến mùa bóng 2021/22 chưa phục hồi nhiều, chỉ có số khán giả trung bình 6.000, ngồi lọt thỏm trong sân bóng lớn, nguồn thu từ bán vé là thất bại.

Dù là CLB thành công nhất Hàn Quốc, nhưng Jeonbuk gặp khó khăn trong việc thu hút khán giả và các nhà tài trợ trên phạm vi toàn quốc. Vì Jeonju là một thành phố khá nhỏ với nền kinh tế tương đối yếu ở Hàn Quốc nên CLB không có nhiều nhà tài trợ tiềm năng trong khu vực. Ngân sách CLB hàng năm khoảng 41 tỷ Won (31 triệu euro) được tập đoàn Hyundai Motors bơm sang.

Ban lãnh đạo CLB tuyên bố rằng việc nâng cao hình ảnh của công ty mẹ có giá trị tương tự như việc đạt được lợi nhuận. Nhưng họ cũng không chi tiêu một cách xa hoa, cố gắng duy trì sự cân bằng trên thị trường chuyển nhượng bằng cách bán cầu thủ. Chẳng hạn bán Kim Shin-wook cho Shanghai Shenhua (Trung Quốc) lãi 3,85 triệu euro. Bán Ricardo Lopes cho Shanghai SIPG (Trung Quốc) lãi 4,46 triệu euro. Trong danh sách đội tuyển Hàn Quốc dự World Cup 2022 tại Qatar, có 6 cầu thủ của Jeonbuk.

Nhìn chung Jeonbuk làm công tác tiếp thị hoặc trách nhiệm xã hội thay mặt cho công ty mẹ Hyundai Motors. Trong quá trình ra quyết định ở Jeonbuk, không phải bản thân CLB, doanh thu của CLB, mà mục tiêu của công ty mẹ mới là ưu tiên cao nhất. Công ty mẹ sẵn sàng trang trải toàn bộ chi phí cho CLB miễn là CLB đóng vai trò là công cụ tiếp thị thành công cho công ty mẹ. Nếu công ty mẹ cho rằng CLB mất giá trị tiếp thị, họ có thể quyết định loại bỏ CLB, mà không bán CLB được cho người khác, như ở châu Âu.

Loại CLB thứ hai là thuộc sở hữu đại chúng như Bucheon FC 1995 của chính quyền thành phố Bucheon. CLB chủ yếu được vận hành bằng tiền thuế và do đó là một loại dịch vụ dành cho công dân của Bucheon. Nhưng tiền của chính quyền không thể nhiều như tập đoàn. Thế nên Bucheon FC 1995 lẹt đẹt ở K-League 2 suốt. Sân nhà của họ có sức chứa 35.000 chỗ ngồi, nhưng chỉ thường xuyên có 1.000 đến 2.000 khán giả đến sân. Về lâu dài, nếu không chuyển quyền sở hữu cho một tập đoàn nào đó thì đội bóng sẽ bị giải tán vì chính quyền địa phương không đủ ngân sách để nuôi đội bóng lâu dài.

Chính Phong | 19:00 13/02/2023