Chelsea Sẽ đi Theo ‘vết Xe đổ’ Của Man Utd? 62208f1d7b4a6.jpeg

Chelsea sẽ đi theo ‘vết xe đổ’ của Man Utd?

Chelsea có thể đối mặt nhiều vấn đề khi không còn ông chủ Roman Abramovich hậu thuẫn sau 19 năm, cũng như Man Utd từng chia tay Alex Ferguson sau 27 năm.

Man Utd vẫn chưa vô địch Ngoại hạng Anh kể từ khi HLV Alex Ferguson giải nghệ năm 2013. Đội bóng thời hậu Ferguson chưa thể định hình được hướng đi sau chín năm. Ferguson dù kiêm luôn vai trò quản lý đội bóng, vẫn khác xa so với một ông chủ như Abramovich. Nhưng việc hai nhân vật quan trọng này ra đi có thể khiến một hệ thống hỗn loạn.

Sau khi Ferguson giải nghệ ở Man Utd, Giám đốc Điều hành David Gill và các trợ lý HLV cũng rời đi. David Moyes kế nhiệm và đem theo bộ sậu mới, nhưng thất bại nhanh chóng, khiến đội bóng mất định hướng. Đến nay Man Utd chưa tìm ra một lối chơi đúng đắn, cũng như cách hoạt động ở bộ máy thượng tầng.

Ferguson trong trận cuối cùng của Man Utd trên sân Old Trafford mùa 2012-2013. Ảnh: Reuters

Ferguson trong trận cuối cùng của Man Utd trên sân Old Trafford mùa 2012-2013. Ảnh: Reuters

Dù thế nào, Abramovich ra đi cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các nhân viên và cầu thủ Chelsea. 19 năm qua, họ hiểu rõ rằng Abramovich luôn cam kết chi tiêu vì đội bóng, và sẵn sàng trả lương cao cho bộ máy. Tỷ phú 55 tuổi luôn là sự đảm bảo tài chính vững vàng với cầu thủ và cả thân chủ của họ. Nhưng nếu ông rời đi, họ sẽ có suy nghĩ khác.

Bộ sậu của Abramovich ở Chelsea cũng đang làm tốt nhiệm vụ, trong đó có Giám đốc Marina Granovskaia. Gần đây cựu thủ môn Petr Cech cũng nhận vai trò cố vấn kỹ thuật ở ban huấn luyện, để đem lại sự tự tin cho các cầu thủ. Tương lai của những nhân sự cấp cao tại Chelsea sẽ là dấu hỏi, dưới trướng những ông chủ mới. Ngay cả nếu họ ở lại, khả năng hòa hợp giữa giám đốc với những ông chủ cũng có thể không khăng khít như xưa.

Dưới trướng Abramovich, Chelsea đã làm việc cùng 13 HLV khác nhau. Abramovich vẫn tin dùng đội ngũ quản lý từ năm 2003, với rất ít thay đổi nhân sự cấp cao. Giám đốc điều hành hay giám đốc thể thao có thể được thay thế, nhưng nòng cốt vẫn như cũ.

Có ba nhân sự đã đồng hành cùng Abramovich từ những ngày đầu, gồm chủ tịch Bruce Buck. Buck là fan Chelsea, và đã đóng vai trò luật sư giúp Abramovich thâu tóm đội bóng. Eugene Tenenbaum là giám đốc người Ukraine nhưng đã làm việc cùng Abramovich hàng chục năm. Còn Granovskaia là giám đốc điều hành, dù không phải trên danh nghĩa đó.

Granovskaia chuyển từ Moscow tới London hè 2003, sau khi Abramovich mua lại Chelsea. Bà đã học hỏi nhanh công việc và được đánh giá rất cao trong giới bóng đá. Cả Tenenbaum và Granovskaia đều từng làm việc cho Sibneft – công ty dầu khí mà Abramovich đã bán năm 2006.

Giám đốc Marina Granovskaia và HLV Thomas Tuchel bên cạnh cup Champions League 2021. Ảnh: Reuters

Giám đốc Marina Granovskaia và HLV Thomas Tuchel bên cạnh cup Champions League 2021. Ảnh: Reuters

Sau khi Chelsea được bán lại, khả năng cao Buck, Tenenbaum và Granovskaia sẽ theo chân Abramovich. Những nhân vật này có vai trò quan trọng giúp định hình cách thức hoạt động của Chelsea, cả trong lân ngoài sân cỏ. Nhiệm vụ của chủ mới sẽ là tìm cách giữ chân các nhà quản lý này, nếu không sẽ gặp rủi ro lớn.

Ferguson rời Man Utd là cuộc chia tay đã được liệu trước, khi tuổi tác ông đã ngoài 70 khi giải nghệ. Nhưng quyết định của ông được đưa ra chỉ vài tháng trước khi kết thúc mùa giải, và Man Utd không tìm ra cách thay thế phù hợp nhất.

Việc thay chủ ở Chelsea thậm chí có thể hoàn tất trong một vài tuần. Abramovich từng thuê ngân hàng đầu tư Mỹ Raine Group để định giá Chelsea 4 năm trước, nhưng khi đó ông luôn sẵn sàng từ chối đề nghị không vừa ý. Tình thế lúc này đã khác. Chính Abramovich công khai rao bán, có nghĩa thị giá Chelsea có thể không cao như mức 4 tỷ bảng (5,37 tỷ USD) mà ông kỳ vọng. Tình thế gấp gáp khiến người mua có thể đàm phán giảm giá xuống thậm chí còn một nửa.

Abramovich nói rằng thương vụ sẽ không diễn ra nhanh chóng, mà tuân thủ các thủ tục pháp lý. Nhưng Chelsea có thể sẽ có chủ mới trong vòng một tuần. Abramovich ngày càng có nguy cơ bị đóng băng tài sản ở Anh, trong đó có Chelsea. Vì thế ông phải hành động trước khi không thể bán đội bóng được nữa.

Về lý thuyết, Chelsea được công ty Fordstam Limited sở hữu. Công ty này được đăng ký ở Quần đảo Virgin thuộc Anh, và do Abramovich sở hữu. Việc chuyển nhượng quyền sở hữu không quá phức tạp, khi hai bên sẽ ký hợp đồng mua bán thông qua công chứng viên. Nhưng vấn đề là liệu chính phủ Anh đẩy nhanh việc trừng phạt Abramovich, để cản trở thương vụ này hay không.

Roman Abramovich dự khán một trận đấu trên sân Stamford Bridge. Ảnh: AFP

Roman Abramovich dự khán một trận đấu trên sân Stamford Bridge. Ảnh: AFP

Cách vận hành Chelsea hiện tại sẽ chỉ được đảm bảo nếu chủ mới cũng giàu có và đam mê. Abramovich rời Chelsea và miễn khoản nợ 2 tỷ USD của đội bóng với Fordstam. Nhưng tình hình tài chính đội bóng lúc này không mấy tươi sáng. Giai đoạn 2009-2020, Chelsea lỗ 1,077 tỷ USD, chiếm 20% khoản lỗ của Ngoại hạng Anh cùng kỳ. Chelsea vẫn thành công nhờ vào tiền túi của Abramovich.

Mối lo ngại lớn khác của người mua sẽ là kế hoạch cải tạo sân Stamford Bridge. Sân nhà của Chelsea đang có sức chứa thấp nhất trong các đội top 6, và chỉ bằng hơn một nửa Old Trafford. Abramovich lên kế hoạch cải tạo chỗ ngồi sân từ 40.000 lên 60.000 ghế, nhưng phải ngừng lại tháng 11/2021. Việc cải tạo sân có thể tốn hơn 1 tỷ USD, nhưng nếu không làm vậy, Chelsea có thể lép vế so với các đội mạnh khác về tài chính. Doanh thu bán vé vào sân của Chelsea thường thấp hơn cả Tottenham khi đội bóng này vẫn chơi trên sân White Hart Lane.

Chelsea cũng vừa báo lỗ 197 triệu USD ở mùa 2020-2021, dù vô địch Champions League. Đấy là hệ quả của việc mua những cầu thủ đắt giá như Kai Havertz, Ben Chilwell, Edouard Mendy, Timo Werner hay Hakim Ziyech. Chính CLB thừa nhận rằng họ “phải dựa vào Fordstam Limited để được hỗ trợ tài chính liên tục”. Nhưng nếu Abramovich không còn sở hữu Chelsea, ai sẽ thay thế ông rót tiền vào đội bóng?

Tương lai của Chelsea còn phụ thuộc vào cách kiểm soát của chủ sở hữu mới. Nếu chủ mới là một quỹ đầu cơ, hoặc một tỷ phú có cách tiếp cận như nhà Glazer ở Man Utd, mọi thứ có thể se thay đổi rất nhiều. Nhà Glazer đã mua Man Utd bằng cách để đội bóng mang nợ, chứ không phải từ các khoản vay cá nhân của gia đình tỷ phú Mỹ. Ngay cả khi hai tỷ phú Hansjorg Wyss và Todd Boehly hợp sức, họ cũng khó có thể noi gương Abramovich.

Man Utd tìm cố gắng tìm người giống Ferguson. Moyes cũng là người Scotland và có nhiều điểm tương đồng, chỉ khác là ông chưa đoạt danh hiệu nào cho tới khi dẫn dắt Man Utd. Ngay cả khi chuyển sang những HLV lão luyện và giàu thành tích như Louis van Gaal hay Jose Mourinho, Man Utd vẫn không thể tìm lại hào quang xưa.

Khi Chelsea bị bán, đội bóng cũng rất khó tìm được một ông chủ mới tương tự Abramovich. Dù gì ông cũng đứng thứ 142 trong danh sách người giàu nhất thế giới trong danh sách của Forbes, và có thừa đam mê với bóng đá. Chelsea sẽ cần một chủ mới vừa dồi dào tài chính, lại đủ tình yêu với đội bóng.

Nhưng 141 người giàu hơn Abramovich có thể không quan tâm tới thương vụ này và thậm chí chẳng để ý tới môn thể thao này.

Xuân Bình