Công Bằng Tài Chính Của Uefa Có Thực Sự Công Bằng? 646f221634699.jpeg

Công bằng tài chính của UEFA có thực sự công bằng?

 - Bóng Đá

 Pep tài năng, nhưng cũng cần rất nhiều tiền để thành công ở Man City. Ảnh Reuters.

Một đám mây mù bao phủ lên chức vô địch Premier League 2022/23 của Man City. Lẽ ra điều tất cả nên nói về là những màn trình diễn siêu đẳng, các con số thống kê áp đảo và nêu bật sự vĩ đại. Nhưng không, người ta đặt câu hỏi về tính hợp pháp của danh hiệu thầy trò Pep Guardiola vừa đạt được.

Như đã biết, “The Citizens” bị cáo buộc vi phạm luật công bằng tài chính 115 lần từ năm 2009 đến 2018. Trong trường hợp bị kết tội, họ có thể chịu các án phạt nặng nề bao gồm trừ điểm, bị trục xuất khỏi giải, bồi thường và thậm chí mất những danh hiệu đã giành được. Vấn đề là kết luận cuối cùng chỉ được ủy ban điều tra độc lập đưa ra trong khoảng 2 đến 4 năm tới. Và Man City tiếp tục sống trong sự nghi ngờ.

Nhưng cũng từ đây, sự nghi ngờ lớn dần lên với FFP (Luật Công bằng Tài chính của UEFA), rằng nó có thực sự đem lại công bằng như những gì UEFA mô tả. Trong trường hợp Man City vô tội, đó là minh chứng sống động cho sự vô tác dụng của FFP. Tất cả đều biết làm thế nào một đội bóng trung bình ở Anh đột nhiên trở thành thế lực không chỉ ở nước Anh mà còn cả châu Âu (nếu họ vô địch Champions League vào tháng tới). Rất nhiều tiền đã được ông chủ Sheikh Mansour chi ra, năm này qua năm khác, để tạo ra một đội ngũ hùng hậu mà ngay cả những cầu thủ dự bị cũng đáng giá hàng trăm triệu bảng.

Nhưng nếu Man City bị kết tội, không có gì đáng để ăn mừng trong thế giới bóng đá. Đó là chiến thắng của chủ nghĩa bảo hộ mà FFP chính là công cụ để các CLB lớn ở châu Âu ngăn chặn sự đe dọa đến từ những đội bóng được mua bởi các ông chủ giàu có. Nếu để ý sẽ thấy, trong một thập kỷ qua, Champions League không hề chào đón nhà vô địch mới. Kẻ đăng quang đều quanh quẩn là những cái tên như Real (5 lần), Bayern (2 lần), Barca, Chelsea, Liverpool (cùng 1 lần).

 - Bóng Đá

 Man City nhiều lần vi phạm luật công bằng tài chính. Ảnh: Reuters.

Quên đi các khái niệm mơ hồ về “DNA Champions League”, “phẩm chất đội bóng lớn” hay “tâm lý chiến thắng của nhà vô địch”, họ vô địch đơn giản chỉ vì những đội khác không có khả năng cạnh tranh. Họ có thể có tiền nhưng không thể mua sắm tùy ý bởi các quy tắc FFP trong khi các siêu cường lại thoải mái tăng cường lực lượng, rút ruột những đội yếu hơn. Trong một sự so sánh, nó giống như nhóm doanh nghiệp khổng lồ, bằng công cụ hữu hiệu, cấm các công ty khởi nghiệp sử dụng nguồn vốn bên ngoài để nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhờ vậy, trật tự không bị phá vỡ và cạnh tranh chỉ xảy ra giữa các doanh nghiệp lớn.

Vào tuần trước, HLV Julen Lopetegui để ngỏ khả năng chia tay Wolves sau khi đưa đội bóng này thoát khỏi nhóm cầm đèn đỏ và trụ hạng thành công. Ông đã tới vì Wolves có tham vọng lớn, nhưng vỡ mộng khi được thông báo về việc CLB không thể mua sắm quá nhiều bởi rào cản FFP. “Không thể cạnh tranh ở Premier League nếu không được đầu tư”, chiến lược gia người Tây Ban Nha chán nản nói.

Có rất nhiều ví dụ cho lo ngại của Lopetegui. 7 năm trước, Leicester khiến tất cả ngả mũ khi lên ngôi vô địch Premier League. Bây giờ họ đang trên bờ vực xuống hạng. Ông chủ Thái Lan có tham vọng và có tiền. Song vì quy tắc công bằng tài chính, họ bị hạn chế tăng cường cầu thủ. Không thể nâng tầm CLB, các ngôi sao lần lượt rời bỏ “The Foxes”.

Newcastle ở một thái cực khác. Với sự đầu tư mạnh mẽ từ ông chủ Saudi Arabia, “Chích chòe” đã kiếm được tấm vé dự Champions League và lên kế hoạch chi tiêu vào mùa hè. Việc được tiêu tiền nhờ vào nền tài chính sạch mà ông chủ cũ cố công gây dựng để dễ dàng bán CLB. Điều này sẽ không kéo dài lâu. Mua sắm ồ ạt làm lệch cán cân thu chi và vài năm nữa, Newcastle sẽ cảm nhận đầy đủ sự nghiệt ngã của FFP.

Zing | 12:05 25/05/2023