Defoe: Từ Cậu Nhóc ở West Ham đến Huy Chương Hiệp Sĩ 630ddcea527f0.jpeg

Defoe: Từ cậu nhóc ở West Ham đến Huy chương Hiệp sĩ

Trên trang The Payers Tribune, cựu tiền đạo tuyển Anh Jermain Defoe điểm lại những khoảnh khắc khó quên trong sự nghiệp 22 năm đầy thăng trầm.

Defoe, sinh năm 1982, thi đấu cho nhiều CLB, nhưng nổi bật nhất là Tottenham - nơi anh đá 362 trận, ghi 142 bàn và 32 kiến tạo.

Defoe, sinh năm 1982, thi đấu cho nhiều CLB, nhưng nổi bật nhất là Tottenham – nơi anh đá 362 trận, ghi 142 bàn và 32 kiến tạo.

Tôi nhớ rõ mọi thứ, thật đấy.

Nhiều cầu thủ sẽ quên, ký ức sẽ phai mờ. Tôi thì không. Bạn cứ cho tôi xem một bức ảnh bất kì về tôi trong sự nghiệp, tôi sẽ chỉ cho bạn nó được chụp ngày nào, bàn thắng hôm đó thế nào, và thời tiết ra sao. Mọi thông tin mà bạn cần.

Tôi biết bản thân may mắn nên trân trọng mọi thứ đến với mình. Tôi biết cả gia đình đã hy sinh thật nhiều để tôi có ngày hôm nay, nên đó là những ký ức không thể quên. Như một giấc mơ mà bây giờ giải nghệ rồi tôi mới bấm “tạm dừng” để nhìn lại tất cả.

Tất cả từ một cuộc gọi của Harry Redknapp.

Chú Harry. Có nhiều câu chuyện về Harry Redknapp nhưng có lẽ tất cả có thể tóm tắt bằng cuộc nói chuyện với chú ấy hồi tôi 16 tuổi, khi mới tới West Ham. Đó là những điều Harry lặp đi lặp lại với tôi suốt sự nghiệp. Chỉ ba từ: “Ghi bàn đi”.

Harry tuyệt vời ở chỗ chú ấy không làm phức tạp vấn đề. Đó là ưu điểm tuyệt đối khi dẫn dắt đám cầu thủ trẻ. Đó là lý do West Ham có những tài năng trẻ hàng đầu. Đội bóng luôn tìm những cầu thủ trẻ giỏi nhất nước Anh. Michael Carrick, Joe Cole, Rio Ferdinand, Frank Lampard. Rất nhiều người khác nữa.

Ngày ký hợp đồng với West Ham, người đầu tiên tôi gặp khi bước vào trung tâm Chadwell Heath với bố mẹ là ai, bạn đoán xem? Ian Wright. Ông ấy đứng đó đợi tôi. Mọi người đều biết ông ấy là thần tượng của tôi thậm chí từ hồi chưa biết đá bóng. Và đó là khuôn mặt đầu tiên tôi thấy. Chúa ơi. Tôi chọn đúng đội rồi.

Khi bước vào căng-tin lần đầu, tôi nghe thấy Rio Ferdinand gọi tên mình. Sau đó là Harry. Chú ấy nói: “Đây là Jermain. Chúng ta mua cậu ấy từ Charlton. Cậu ấy mới 16 tuổi thôi nhưng sẽ ghi cho chúng ta cả đống bàn, phải vậy không con trai của ta?”.

Chúng tôi đá ra trò và tiếp tục đón những cầu thủ chất lượng. Đó là Trevor Sinclair, Les Ferdinand, David James, Fredi Kanoute, Michael, Joey… và đặc biệt: Paolo Di Canio. Đó là người giỏi nhất tôi từng đá cùng. Một thiên tài.

10 bàn thắng đẹp nhất của Defoe cho Tottenham

10 bàn thắng đẹp nhất của Defoe cho Tottenham

10 bàn thắng đẹp nhất của Defoe cho Tottenham.

Cú sốc Theo Walcott. Về World Cup 2006, tôi muốn làm rõ mình chưa từng có vấn đề với bất cứ HLV nào. Tôi chưa từng mâu thuẫn với Theo. Việc cho cậu nhóc đến World Cup là quyết định của Sven (Goran Eriksson). Đó là đội bóng do ông ấy huấn luyện và ông ấy có quyền. Nhưng tôi dám chắc hồi đó, nếu bạn hỏi bất cứ CĐV tuyển Anh nào, họ sẽ đều nói: “Jermain Defoe nên được dự World Cup”.

Tôi khởi đầu mùa đó rất tốt với Tottenham và cho dù sa sút đôi chút lúc cuối mùa, không ai có thể nói tôi không ghi nhiều bàn. Sven có thể nói rằng tôi không làm được điều ông ấy muốn nhưng sự thực không phải vậy.

Khi nhận cuộc gọi thông báo chỉ là phương án dự phòng cho World Cup, tôi tự nhủ: Vậy ai đi World Cup thay mình? Chắc là Benty. Darrent Bent đã ghi rất nhiều bàn mùa đó, tôi nhắn tin cho cậu ấy: “Cậu được gọi không?”. “Tớ không”. Tôi nhắn tiếp cho Shaun Wright-Phillips: “Cậu được gọi không?”. “Tớ không”. Tôi thầm nghĩ: Ai nhỉ?

Defoe ghi tổng cộng 20 bàn trong 57 trận cho tuyển Anh. Ảnh: Reuters

Defoe ghi tổng cộng 20 bàn trong 57 trận cho tuyển Anh. Ảnh: Reuters

Khi danh sách được công bố, chúng ta biết Sven đã gọi một cậu nhóc 17 tuổi chưa từng đá Premier League. Tôi không hề chống lại Theo mà thay vào đó, thật mừng cho cậu nhóc và gia đình đã có được niềm vui. Nhưng với tôi, lúc đó thật khó khăn.

Sven gửi lời mời tôi đi cùng đội tuyển, không được thi đấu nhưng vẫn hưởng không khí World Cup. Tôi cảm thấy mình tập rất tốt, thậm chí tốt hơn cả khi thi đấu trong mùa bóng. Tôi ghi nhiều bàn khi tập, gây ấn tượng trong các buổi tập, nhưng không được thi đấu. Tôi nghĩ bất cứ cầu thủ nào ở tình cảnh đó cũng thấy bối rối.

Nhưng tôi không nuôi hận thù. Nếu gặp lại Sven, tôi sẽ bắt tay ông ấy. Có thể, tôi sẽ hỏi ngày xưa, ông ấy nghĩ gì mà làm như vậy?

World Cup. Tôi ghi hơn 300 bàn trong sự nghiệp nhưng nếu phải chọn, tôi muốn ghi bàn tại World Cup hơn tất thảy. Đó là đỉnh cao. Thứ tôi khao khát.

Sau đen đủi bốn năm trước, tôi biết mình sẽ đi World Cup 2010 ngay từ tháng 3. Tôi gặp chấn thương gân khoeo nhẹ và nhận được cuộc gọi của Gary Lewin, chuyên gia thể lực của đội tuyển. Ông ấy bảo tôi: “Từ lúc này phải cẩn thận. Đừng làm điều gì ngu ngốc. Cậu nằm trong kế hoạch của Capello”.

Tôi luôn thích Capello. Tôi biết người ta đồn nhiều thứ không hay về ông ấy nhưng Fabio thật sự tốt với tôi. Trong các buổi tập, khi tôi chạy chỗ, ông ấy khen ngợi: “Tốt, cứ thế. Tốt đấy”.

Đó là World Cup đáng thất vọng sau trận gặp Đức. Hồi đấy nếu có VAR mọi chuyện sẽ khác. Nhưng với tôi, đó vẫn là thời khắc đặc biệt. Sau khi không đá nhiều trong hai trận đầu, tôi ra sân chính thức trước Slovenia, trận đấu mà đội tuyển cần thắng.

Tôi nhớ suy nghĩ của mình khi đó: “Thời cơ đến rồi”.

Phút 23, bóng đến James Milner ở biên và tôi đã nghĩ: “Mình cần băng đến góc gần”. Đó là pha bóng mà tôi vẫn tập luyện cùng Ian Wright và Di Canio khi còn trẻ. Tôi đã ghi bàn ở World Cup rồi.

Bradley. Trong mùa giải thứ hai tại Sunderland, Louise Wanless, một phóng viên, nói: “Có một đứa nhóc muốn gặp anh”. Cô ấy giải thích rằng Bradley Lowery là một mascot của đội bóng, mắc bệnh u nguyên bào thần kinh và thần tượng tôi. Tôi đồng ý, dù lúc đó không hiểu rõ vấn đề lắm. Tôi chỉ nhớ cô ấy đã mô tả Bradley là một đứa trẻ cực kì ít nói và rụt rè.

Nhưng ngay khi bước vào phòng thay đồ, cậu ấy chạy thẳng đến tôi và nhảy lên lòng, ôm hôn tôi với một nụ cười thật tươi. Sau cuộc gặp đó, tôi xin thông tin liên lạc của gia đình cậu bé, tôi sẽ đến và gặp cậu ở bệnh viện.

Defoe gọi Bradley là người bạn thân nhất của anh. Ảnh: Reuters

Defoe gọi Bradley là “người bạn thân nhất” của anh. Ảnh: Reuters

Lần đầu, tôi đi với nhiều cầu thủ khác, nhưng sau đó, tôi đi một mình. Tôi muốn dành nhiều thời gian cho cậu nhóc. Chúng tôi có mối liên kết tự nhiên. Tôi không biết phải giải thích thế nào. Tôi đã quen với việc cậu nhóc hiện diện thường xuyên ở Sunderland, và cảm thấy thật sự khó khăn khi cậu nhóc qua đời.

Cậu nhóc dạy tôi yêu cuộc sống này và những người xung quanh. Cậu nhóc thay đổi tôi hoàn toàn. Đó là một chàng trai hài hước. Sau mỗi trận đấu, cậu nhóc đều cùng tôi dừng lại trước camera để chụp ảnh, như một nghi thức. Tôi hỏi mẹ cậu bé, Gemma: “Chị dạy nó làm vậy à?”. Cô ấy đáp lại: “Không”. “Vì sao nó thích làm thế?”. “Tôi không biết”. Và chúng tôi cùng bật cười. Đó là Bradley.

Huy chương Hiệp sĩ. Tôi nhận được cuộc gọi của mẹ khi đang trên bãi biển ở Dubai. Bà ấy nói: “Con đứng lên đi”. Tôi tự nhủ, tin dữ rồi. Tim tôi đập nhanh, bấn loạn. “Gì thế mẹ”. “Mẹ vừa nhận thư. Con được tặng Huy chương Hiệp sĩ”.

Tôi không tin vào tai mình. Huy chương hiệp sĩ ư? Cho một thằng nhóc từ Đông London?

Cảm giác khác hẳn so với giành những chiếc cúp, ghi những bàn thắng hay đá cho tuyển Anh. Hơn cả bóng đá. Đây là phần thưởng cho nhân cách, nỗ lực, gia đình, những gì bạn đại diện và những gì bạn đã làm cho cộng đồng.

Khi gặp Thái tử Charles ở Điện Buckingham, tôi nhớ ông ấy đã hỏi: “Dạo này đá thế nào?”. Tôi trả lời: “Vẫn ổn. Hôm nay tôi nghỉ để đi nhận Huy chương”.

Defoe được phong tước OBE vì những đóng góp của anh cho cộng đồng thông qua quỹ Jermain Defoe, quỹ từ thiện đã được mở ra sau ngày mất của Bradley. Ảnh: AFP

Defoe được phong tước OBE vì những đóng góp của anh cho cộng đồng thông qua quỹ Jermain Defoe, quỹ từ thiện đã được mở ra sau ngày mất của Bradley. Ảnh: AFP

Chia tay bóng đá khi bị gọi là “chú”. Tôi biết Rangers sẽ vô địch quốc gia mùa 2020-2021 ngay từ tuần đầu tiên của mùa giải. Chúng tôi đã chịu đựng một năm Covid đen tối nên rất háo hức được gặp nhau, thi đấu và chiến thắng cùng nhau. Chúng tôi biết chắc sẽ có một mùa giải thành công.

Các CĐV của Rangers khát khao danh hiệu thứ 55 để chấm dứt sự thống trị của Celtic, các cầu thủ cũng vậy. Bước vào phòng gym đầu mùa giải, tôi không có đồ để tập. Tôi nghĩ mình phải mua thẻ thành viên để có máy tập. Toàn đội đều ở đó và ai cũng muốn nâng cấp mình.

Ơn Chúa, chúng tôi đã làm được. Không thể rời đội bóng này khi chưa khắc tên mình lên các chiến thắng. Tôi vẫn thường lui đến Glasgow. Nhưng điều làm tôi bối rối nhất ở đội bóng và thành phố này là khi những đồng đội trẻ Joe Aribo, Calvin Bassey, Glen Kamara bắt đầu gọi tôi bằng “chú”.

Đó là một cách xưng hô thể hiện sự tôn trọng và yêu mến nhưng cũng khiến tôi cảm thấy sự nghiệp của mình đã đi hết chu kỳ. Từ một cầu thủ trẻ, ấp ủ nhiều mơ ước, mắc những sai lầm, đến một cầu thủ trưởng thành và rồi, một ngày nào đó, bạn già đi. Họ gọi bạn là “chú”.

Tôi hy vọng ở Rangers, mình đã làm được những điều mà Harry, Wrighty, Becks và Paolo làm được tại West Ham. Người thì giúp bạn học hỏi và trở thành hình mẫu của bạn, người thì giúp bạn tập trung vào bóng đá và vượt qua những sai lầm. Ngoài sân bóng, mẹ vẫn thường nói với tôi: “Con còn hơn cả bóng đá”.

Tôi hy vọng, bản thân đã làm tốt khi đại diện cho gia đình và cộng đồng. Hy vọng tôi đã giúp được nhiều người.

Hiếu Đỗ (theo The Players Tribune)