Hagl Và Bản Ngã Tìm Thấy ở Afc Champions League 6267bff645dc5.jpeg

HAGL và bản ngã tìm thấy ở AFC Champions League

Trở lại giải đấu số một châu lục sau 17 năm và rơi vào bảng đấu nặng, nhưng HAGL đang có một trải nghiệm tích cực.

Văn Toàn đi bóng xuyên phá hàng phòng ngự Jeonbuk trong trận hoà 1-1 của HAGL trên sân Thống Nhất, TP HCM ngày 25/4. Ảnh: Đức Đồng

Văn Toàn đi bóng trong trận hòa Jeonbuk 1-1 ở lượt thứ tư trên sân Thống Nhất, TP HCM ngày 25/4. Ảnh: Đức Đồng

So với các đại diện Đông Nam Á khác tại AFC Champions League mùa này, HAGL rơi vào bảng đấu “xương xẩu” nhất. Họ phải đấu đội á quân Nhật Bản – Yokohama Marinos và á quân Australia – Sydney FC, cùng Jeonbuck – nhà ĐKVĐ Hàn Quốc K-League 1. Ở bảng G, nhà vô địch Thái Lan BG Pathum chỉ có một đối thủ nặng ký là đại diện Australia – Melbourne, nên dễ dàng lấy chín điểm trước Dragon – đội đang đá ở giải hạng Hai Hàn Quốc K-League 2 và đại diện Philippines, United City.

Trong tương quan ấy, việc giành hai điểm và đứng trên Sydney FC có thể xem là thành công ngoài mong đợi với đại diện duy nhất của Việt Nam.

Hai trận đấu trước Jeonbuk là điển hình cho sự chuyển biến của đội bóng dưới thời HLV Kiatisuk. Ở lượt đi, họ chỉ gục ngã ở phút bù giờ cuối cùng vì cú đá xuất thần của cầu thủ vào thay người Moon Seon-min. Đến trận lượt về hôm qua 25/4, HAGL đã hòa 1-1 trong thế trận họ hoàn toàn có thể lấy trọn ba điểm – xét trên số cơ hội rõ rệt qua chân Văn Toàn hay Công Phượng. Với hai trận còn lại – gặp Yokohama rồi Sydney, dù cơ hội đi tiếp rất nhỏ, HAGL có quyền hướng đến chiến thắng để khép lại hành trình AFC Champions League và mở ra hy vọng cho bóng đá Việt Nam ở những mùa giải sau.

Nhưng câu chuyện đáng nói nhất của HAGL không phải là triển vọng làm được điều gì đó tại sân chơi châu Á quá tầm. Mà đó là sự lột xác gần như toàn diện của họ so với “phiên bản V-League 2022”. Qua bốn trận tại AFC Champions League, HAGL luôn tràn ngập hứng khởi, giàu chất phiêu lưu mà cũng bản lĩnh trước những đối thủ có trình độ vượt trội. Kinh nghiệm từ các cầu thủ đang chơi bóng ở đội tuyển Việt Nam chỉ là một nguyên nhân, vì trên thực tế, trong hai năm qua, mức độ thành công của cầu thủ HAGL ở cấp đội tuyển là không nhiều. Lợi thế sân nhà cũng không tác động quá lớn, vì đối thủ đều là những đội bóng đến từ các nền bóng đá mạnh nhất châu Á và dư sức chịu được áp lực từ khán đài.

Tâm lý thoải mái có lẽ là nguyên nhân quan trọng hơn cả giúp HAGL lột xác. Ở sân chơi lớn như AFC Champions League, một cách tự nhiên, quan điểm “đá đẹp, thua cũng được” của bầu Đức sẽ phát huy tác dụng. Các cầu thủ HAGL không phải chứng tỏ bản thân theo kiểu gồng mình lên. Họ được trả về trạng thái chơi bóng một cách tự nhiên nhất, cống hiến hết sức và đợi kết quả tự đến. Điều này hoàn toàn khác khi họ chơi ở V-League, nơi HAGL bị sự thành công của mùa giải 2021 đè nặng trên từng bước chạy. Họ luôn phải cố thắng trong khi các đối thủ ở V-League chỉ cần chơi phòng ngự số đông chờ phản công. Tại V-League, càng đá, HAGL càng tắc, một phần vì tự “lấy dây buộc mình”.

Đội bóng của Kiatisuk có chất lượng và nhân sự đồng đều, nhưng chưa bao giờ được đánh giá cao ở khía cạnh tâm lý. Từ khi được bầu Đức đưa lên đá V-League năm 2015, họ luôn phải chơi bóng theo kiểu nhìn trước – ngó sau, vừa muốn đá đẹp nhưng cũng phải phạm lỗi, tiểu xảo để vượt qua những thách đố từ đối phương. Kết quả là họ chẳng đá đẹp hơn, thắng nhiều hơn, mà lại nhận nhiều thẻ phạt hơn. Những gì họ trải qua suốt bốn vòng đầu V-League 2022 là hệ quả từ sự nửa vời mà bản thân Kiatisuk cũng không thể giải quyết khi ông phải thuận ý bầu Đức phần nào.

Nhưng AFC Champions League đã trả HAGL về với chính họ, trao cho các chàng trai đến từ phố Núi một trạng thái chơi bóng hoàn hảo.

Tuy nhiên, thành công về mặt kết quả không đồng nghĩa HAGL đã tiến bộ toàn diện tại AFC Champions League. Năng lực ghi bàn của họ chẳng cải thiện so với V-League khi các ngoại binh đều chỉ ở tầm trung bình. Nhạc trưởng Xuân Trường chưa tạo ra tầm ảnh hưởng ở khía cạnh chiến thuật. Công Phượng vẫn chậm trong xử lý, còn Văn Thanh chưa giảm được tần suất phạm lỗi khi dâng cao nên dễ dàng bị hổng ở sau lưng. Văn Toàn và Tuấn Anh giữ được nhịp điệu chơi bóng, nhưng trước các đối thủ quá mạnh, họ cũng khó mà đơn lẻ tạo nên khác biệt nào.

Từ khoảng hai năm gần đây, dưới thời Kiatisuk, HAGL cải thiện đáng kể khả năng phòng ngự. Năm ngoái, họ thủng lưới chín bàn qua 12 trận. Năm nay, họ cũng chỉ lọt lưới chín bàn qua chín trận trên mọi đấu trường – gồm V-League, Cup Quốc gia và AFC Champions League. Chính sự tiến bộ này đã giúp HAGL đạt được cân bằng về thế trận trước các đối thủ mạnh của châu lục. Họ mạnh dạn đẩy đội hình lên, chủ động tấn công đối phương ngay từ đầu trận và biết cách tăng tốc mỗi khi bị thua trước. Vấn đề còn lại với Kiatisak có lẽ là tìm được một cây săn bàn ngoại có chất lượng cao để giải quyết những tồn đọng trong thời gian tới.

Song Việt