Indonesia Khó Từ Bỏ Bóng đá Đông Nam Á 62d920f7029c0.jpeg

Indonesia khó từ bỏ bóng đá Đông Nam Á

Nếu Indonesia chuyển sang Liên đoàn Bóng đá Đông Á, các đội U sẽ không có sân chơi, còn đội tuyển quốc gia khó có cửa dự vòng chung kết EAFF Cup.

Các quốc gia chuyển liên đoàn dù ở cấp châu lục hay khu vực, đều có tiền lệ. Lý do các nước này đưa ra có thể khác nhau, nhưng chủ yếu vì chính trị hoặc tham vọng cạnh tranh với các đối thủ trình độ cao hơn chứ không phải kiểu “giận dỗi” như Indonesia.

Israel là thành viên Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) từ năm 1954 đến 1974. Vì áp lực chính trị với các quốc gia khối Ả-rập ở xung quanh, Israel bị loại khỏi AFC năm 1974. Mất 18 năm, Israel mới gia nhập một liên đoàn khác là UEFA. Trong thời gian không nằm ở liên đoàn nào, đội tuyển nước này vẫn dự vòng loại World Cup ở một số khu vực khác như OFC (châu Đại Dương), CONMEBOL (Nam Mỹ) hay UEFA.

Australia trong trận gặp Việt Nam trên sân Mỹ Đình, ở vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á ngày 7/9/2021. Ảnh: Lâm Thỏa

Australia trong trận gặp Việt Nam trên sân Mỹ Đình, ở vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á ngày 7/9/2021. Ảnh: Lâm Thỏa

Australia đã coi trường hợp của Israel làm tiền lệ để xin gia nhập AFC năm 2006, dù lý do của họ khác nhau. Họ rời OFC năm 2006 vì thể thức vòng loại World Cup khu vực châu Đại Dương quá khó, khi đội đứng đầu vùng này vẫn phải đá play-off với một đối thủ Nam Mỹ. Kể từ khi sang AFC năm 2006, Australia luôn giành suất dự World Cup.

Australia cũng gia nhập AFF năm 2013, nhưng chưa từng dự AFF Cup. Họ chỉ cử đội đá các giải trẻ hoặc bóng đá nữ ở Đông Nam Á. Nhưng Australia từng bị chỉ trích vì dự giải vô địch Đông Á với các đội thuộc EAFF năm 2013, dù là thành viên AFF. Đại diện LĐBĐ Australia Mark Falvo từng giải thích: “EAFF Cup diễn ra vào mùa hè ở Bắc Bán cầu, đúng thời gian nghỉ của A-League nên chúng tôi có thể tham dự. Còn AFF Cup thường đá vào mùa đông, khiến Australia không thể tập hợp cầu thủ góp mặt”.

Ở cấp độ khu vực, việc quốc gia xin chuyển liên đoàn bóng đá cũng không lạ. Năm 2015, LĐBĐ Trung Á (CAFA) thành lập với sáu thành viên gồm Uzbekistan, Turkmenistan, Tajikistan, Kyrgyzstan, Afghanistan và Iran. Trước đó, Afghanistan thuộc LĐBĐ Nam Á (SAFF), còn Iran là thành viên của LĐBĐ Tây Á (WAFF). Nhưng về địa lý, hai nước này đều giáp các quốc gia Trung Á.

Iran rời WAFF vì mâu thuẫn chính trị với các đội khối Ả-rập khác, giống như Israel. Một đội mạnh hàng đầu như Iran được chào đón ở CAFA là dễ hiểu.

Còn Afghanistan đơn giản muốn tham dự một liên đoàn mạnh hơn để cải thiện trình độ, khi họ có thứ tự FIFA thấp nhất ở CAFA. “Chúng tôi có ước mơ dự Asian Cup và thậm chí là World Cup”, HLV tuyển Afghanistan Petar Segrt nói. “Đó là lý do chúng tôi đổi liên đoàn, chứ không có vấn đề gì với SAFF”.

Trong ba kỳ SAFF Cup cuối cùng trước khi ra đi, Afghanistan đều vào chung kết, một lần vô địch. Họ mạnh chỉ sau Ấn Độ ở Nam Á, nhưng khi gia nhập CAFA lại thành đội yếu nhất. Afghanistan vẫn cho rằng việc cọ xát với những đội mạnh hơn là cách tốt nhất để họ phát triển.

Chủ nhà Indonesia ở trận hòa Việt Nam tại vòng bảng U19 Đông Nam Á 2022. Ảnh: VFF

Chủ nhà Indonesia ở trận hòa Việt Nam tại vòng bảng U19 Đông Nam Á 2022. Ảnh: VFF

Indonesia không phải đội duy nhất đang xem xét chuyển liên đoàn, vì Ấn Độ cũng muốn làm điều tương tự. LĐBĐ Ấn Độ (AIFF) xác nhận đã đạt thỏa thuận để chơi các giải trẻ và nữ cùng CAFA từ năm 2022, dù vẫn là thành viên của SAFF. Cũng như Afghanistan, Ấn Độ muốn cạnh tranh với những đối thủ mạnh hơn để nhanh chóng tiến bộ. Quyết định này được nhiều CĐV Ấn Độ ủng hộ.

Ấn Độ cũng đã liên hệ AFF để mong được mời dự các giải trẻ và nữ. Tổng thư ký AIFF Kushal Das nói tháng 9/2021: “Phản hồi của AFF tích cực, nhưng chúng tôi đang vật lộn với Covid-19 nên chưa thể góp mặt. Chừng nào được AFF chấp thuận, chúng tôi cũng sẽ dự các giải ở Đông Nam Á”.

EAFF đã thành lập 20 năm với chín thành viên, và một lần kết nạp thành viên mới năm 2008, với Quần đảo Bắc Mariana – lãnh thổ chưa hợp nhất của Mỹ. Với quốc gia đông dân thứ tư thế giới và cuồng nhiệt bóng đá như Indonesia, EAFF đã phản hồi tích cực khi họ tỏ nguyện vọng gia nhập, theo lời Chủ tịch PSSI Mochamad Iriawan. Nhưng việc chuyển sang Đông Á chưa chắc đã đem lại lợi ích cho Indonesia, như trường hợp của Australia hay Afghanistan trước đây.

EAFF không tổ chức giải trẻ cho các hệ U16, U19 hay U23 như các khu vực xung quanh như Đông Nam Á, Trung Á hay Nam Á. Nếu Indonesia gia nhập EAFF, họ cũng chưa chắc được cọ xát với các đội mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Bởi, theo thể thức của giải vô địch Đông Á, ba đội này luôn được vào thẳng vòng chung kết EAFF Cup, nơi quy tụ chỉ bốn đội bóng. Các đội còn lại trong khu vực sẽ phải đá hai vòng loại để chọn ra thêm một đội vào vòng chung kết.

Indonesia chưa chắc có thể giành được suất này, trước các đối thủ không dễ chơi như Triều Tiên, Mông Cổ, Đài Loan hay Hong Kong. Ngay tại Đông Nam Á, dù là một trong sáu quốc gia sáng lập AFF, Indonesia chưa một lần vô địch giải khu vực.

Xuân Bình