Tiền vệ Nguyễn Quang Hải mạo hiểm dấn thân ở hạng hai Pháp cho Pau FC, dù biết trước nhiều thử thách và rủi ro đang chờ phía trước.
Quang Hải là cầu thủ Việt Nam đầu tiên đến châu Âu thi đấu không phải theo dạng cho mượn. Trước đó, Lê Công Vinh, Nguyễn Công Phượng và Đoàn Văn Hậu đều sang châu Âu đầu quân cho các CLB ở Bồ Đào Nha, Bỉ và Hà Lan. Họ không được xem là thành công, khi chỉ chơi tổng cộng năm trận ở đó, chủ yếu từ ghế dự bị.
Hoàn cảnh của Quang Hải tại thời điểm xuất ngoại cũng khác ba cầu thủ nói trên. Công Vinh, Công Phượng và Văn Hậu mới có tổng cộng một chức vô địch V-League vào thời điểm tới châu Âu. Còn riêng Quang Hải đã ba lần vô địch quốc gia, chưa kể hàng loạt danh hiệu tập thể lẫn cá nhân khác như AFF Cup, SEA Games hay Quả Bóng Vàng Việt Nam.
Quang Hải cũng sẽ chấp nhận giảm thu nhập từ CLB khi chuyển sang Pau. Theo báo cáo tài chính của Pau mùa trước, đội bóng chi 3,847 triệu euro (93 tỷ đồng) để trả lương cả mùa cho các cầu thủ (khoảng gần 30 người). Nếu đồng ý ở lại Hà Nội, Quang Hải đã có thể nhận không dưới 10 tỷ mỗi năm từ lương, thưởng và lót tay, chiếm 11% quỹ lương của Pau. Pau là đội bóng gia đình, và họ sẽ không phá cấu trúc lương để trả cho Quang Hải con số đó.
Nhưng tinh thần dấn thân là không đủ đảm bảo thành công cho Quang Hải, bởi môi trường thi đấu nước ngoài luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro với cầu thủ Việt Nam. Quang Hải từng nhận được đề nghị từ Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí được liên hệ đến một số CLB ở Thái Lan, nhưng cuối cùng chọn Pau FC – một đội bóng ít được biết đến ngay ở châu Âu.
Sang châu Âu thay vì các CLB châu Á khiến Quang Hải đối mặt với nhiều thử thách nhất có thể, vì khác biệt văn hoá. “Cầu thủ châu Âu không gặp những vấn đề như nhớ nhà, nhớ đồ ăn hay gia đình như châu Á”, cựu HLV người Anh Steve Darby – từng có vợ người Việt Nam – nói với VnExpress. “Bởi người Việt Nam không quen với cảm giác là người nước ngoài. Còn người châu Âu lại quá quen với điều này”.
Thử thách lớn nhất với Quang Hải là “khả năng thích nghi”, theo lời của cựu trung vệ Ligue 1 Chaher Zarour nói với VnExpress. Có rất nhiều thứ để Quang Hải cần phải thích nghi ở Pau, từ môi trường, ngôn ngữ, văn hoá, thời tiết, đồ ăn, đến đồng đội, lối chơi hay những đối thủ mới. Mùa trước, tiền vệ Serbia Jovan Nisic cũng xuất ngoại để gia nhập Pau. Dù được đá chính từ những ngày đầu, anh vẫn mất sáu tháng để hoà nhập với môi trường ở đó.
Quang Hải cũng sẽ phải tạo dựng lòng tin của đồng đội và HLV từ con số không. Cầu thủ tấn công luôn cần được đồng đội tin tưởng để nhận được đường chuyền, dù trong thi đấu hay ở buổi tập. Nếu không, họ sẽ không có nhiều đất để “diễn”. Tại Việt Nam, Quang Hải luôn đá chính nếu khoẻ mạnh, và hiếm khi bị thay ra. Thực tế thì anh không bị thay ra lần nào ở hai mùa V-League gần nhất. Còn ở đội tuyển dưới thời HLV Park Hang-seo, anh cũng mới năm lần rời sân trước khi mãn cuộc. Nhưng khi đến Pau, nhiều khả năng “số 19” phải khởi đầu từ ghế dự bị.
Một rủi ro khác mà Quang Hải phải đối mặt là thứ bóng đá giàu thể lực ở Pháp. Ligue 2 không khác nhiều so với Ligue 1, khi có tới 38% là cầu thủ ngoại, trong đó châu Phi chiếm 72% ngoại binh, theo thống kê mùa 2021-2022. Môi trường bóng đá giàu thể lực hơn, đồng nghĩa với va đập cường độ lớn hơn, khiến những cầu thủ như Quang Hải dễ mất sức hơn.
Đối thủ giàu thể lực hơn cũng dễ dẫn tới nguy cơ chấn thương cao hơn. Quang Hải hiếm khi chấn thương nặng, nhưng điều đó không đảm bảo cho anh lành lặn ở Pháp. Neymar từng chơi 81% số trận có thể trong bốn mùa ở La Liga. Nhưng khi sang Ligue 1, tiền đạo Brazil mới chơi 48% số trận, và anh vắng mặt chủ yếu bởi chấn thương.
Quang Hải có gì để chấp nhận những rủi ro nói trên? Trong bài giới thiệu Quang Hải, Pau chỉ đưa ra một thông tin về anh rằng “đã chơi 45 trận cho đội tuyển Việt Nam”. Thành tích của tiền vệ này ở V-League không được nhắc tới, và cũng không khó hiểu vì sao. Trình độ chuyên môn ở V-League chưa thể sánh với Ligue 2 – một hạng đấu chuyên nghiệp của Pháp. Giải đấu này từng sản sinh ra những ngôi sao như Riyad Mahrez, N’Golo Kante, Ibrahima Konate hay Dayot Upamecano.
Nhưng con số 45 trận ấy không hề vô nghĩa. “Rất khó đánh giá trình độ của V-League, nhưng việc Quang Hải đã chơi 45 trận quốc tế tạo ra một góc nhìn rõ ràng hơn”, chuyên gia Pau FC – Alexandre Castets nói.
Castets sáng lập và đứng đầu website CĐV Pau. Qua những video nổi bật của Quang Hải, anh đánh giá cao và dành nhiều kỳ vọng cho tiền vệ này. Những gì Quang Hải đã thể hiện ở đội tuyển và U23 Việt Nam khiến Castets ấn tượng. Bởi ở sân chơi đó, đối thủ của Quang Hải không phải các hậu vệ Việt Nam như V-League, mà là hậu vệ hàng đầu Đông Nam Á hay châu Á.
Quang Hải là cầu thủ Việt Nam duy nhất từng chọc thủng lưới Nhật Bản và Hàn Quốc, dù đều ở cấp U23. Nếu tính ở cấp U23 lẫn đội tuyển, Quang Hải đã ghi bàn vào lưới tám đội tuyển ngoài Đông Nam Á, ở cấp U23 lẫn ĐTQG trong các giải chính thức. Thành tích đó tốt thứ hai lịch sử bóng đá Việt Nam, chỉ sau Lê Công Vinh. Thống kê càng có ý nghĩa khi Quang Hải chỉ là tiền vệ, và mới 25 tuổi.
Bàn thắng trước những đối thủ hàng đầu châu lục cũng chỉ là yếu tố tham khảo, chưa thể khẳng định Quang Hải sẽ thành công ở Pau hay không. Quá nhiều biến số có thể xảy ra ảnh hưởng tới điều đó. Và cũng không có thước đo cụ thể để đánh giá thế nào là thành công với Quang Hải. Nhưng ít nhất, anh cần vượt qua số trận đấu mà Công Vinh, Công Phượng hay Văn Hậu đã làm. Nếu thành công, Quang Hải sẽ mở ra cánh cửa để những cầu thủ đàn em ở Việt Nam mạnh dạn ra nước ngoài thi đấu.
Nhưng so với những người đi trước, Quang Hải được kỳ vọng nhiều hơn cả. Sân bóng của Pau có sức chứa nhỏ nhất ở Ligue 2, nhưng Quang Hải vẫn hài lòng bởi anh cảm thấy có nhiều cơ hội ra sân ở đây. Với cầu thủ khi xuất ngoại, điều quan trọng nhất là được thi đấu cùng đội một.
“Tôi nghĩ Quang Hải sẽ khởi đầu tuyệt vời cùng Pau”, Castets nhận định. “Sau đó khi thời tiết xấu đi, áp lực lớn hơn và đối thủ quen chân anh ấy hơn, Quang Hải có thể sa sút. Khi đó chúng ta phải kiên nhẫn và cho anh ấy thêm thời gian. Cơ bản tôi nghĩ Quang Hải sẽ thành công”.
Hôm qua 29/6, Quang Hải kiểm tra y tế thành công cùng Pau, kèm hợp đồng thời hạn hai năm với Pau. Trong những lời đầu tiên với tư cách cầu thủ Pau, anh viết lên Facebook rằng mình “vô cùng hạnh phúc và rất đỗi tự hào”. Kết bài, Quang Hải nói ngắn gọn: “Chiến đấu thôi”.
Và như Zarour đã nói về Quang Hải: “Chỉ cần chiến đấu cật lực, cậu ấy sẽ làm được”.
Xuân Bình