Tây Ban NhaViệc liên tục tăng lương cho Lionel Messi tạo tiền lệ xấu để nhiều cầu thủ khác yêu sách tương tự, khiến quỹ lương của Barca phình to và mất kiểm soát nhiều năm qua.
“Chúng tôi đang chữa căn bệnh nan y và ở trong phòng chăm sóc đặc biệt”, Chủ tịch Joan Laporta mô tả về tình hình tài chính của Barca hồi đầu hè. “Chúng tôi cần kích hoạt các đòn bẩy tài chính để chống chọi và ra viện”.
Barca – một trong những CLB bóng đá lớn nhất thế giới – như mớ hỗn độn với khoản nợ lên tới 1,5 tỷ USD, hậu quả để lại từ thời cựu Chủ tịch Josep Bartomeu. Một ngày trước khi đá trận ra quân La Liga gặp Rayo Vallecano tuần trước, họ mới có thể đăng ký thi đấu cho bốn trong năm tân binh được tuyển mộ hè 2022.
Dù vậy, đây vẫn là CLB tiêu nhiều tiền nhất châu Âu ở kỳ chuyển nhượng hè năm nay với tổng trị giá khoảng 170 triệu USD, gồm việc ký hợp đồng với tiền đạo chủ lực của Bayern Robert Lewandowski và ngôi sao của Leeds Raphinha.
Đã có nhiều ý kiến mỉa mai, so sánh Barca với một kẻ không thể trả 20 USD đang nợ, nhưng sau đó lại tiêu xài thoải mái khi tiệc tùng tại quán rượu vào tối cuối tuần. HLV Bayern, Julian Nagelsmann thắc mắc: “Barca là CLB duy nhất không có tiền, nhưng có thể mua mọi cầu thủ họ muốn. Thật là điên rồ, kỳ lạ”.
Từ đó, tờ Sportmail đặt vấn đề: “Tại sao một CLB có bề dày lịch sử như Barca lại đi đến bờ vực sụp đổ? Tại sao họ như quyết định rằng cách thoát khỏi khủng hoảng là chi tiêu, chi tiêu, chi tiêu và mua thêm cầu thủ?“.
Tháng 8/2021 ghi dấu những hình ảnh sẽ mãi ám ảnh những người hâm mộ Barca: Lionel Messi – một trong những cầu thủ bóng đá vĩ đại nhất lịch sử – lau nước mắt với đôi môi run rẩy vì nỗi buồn phải rời CLB để gia nhập PSG.
Trong bốn năm kể từ ngày gia hạn hợp đồng cuối cùng vào năm 2017, chủ sân Camp Nou đã trả ngôi sao Argentina hơn 560 triệu USD. Khi mức lương của Messi tăng gấp ba lần trong vòng mười năm, Barca, đội có khẩu hiệu “Hơn cả một CLB”, trở nên giống “đội bóng của Messi”.
Tiền đạo 35 tuổi chỉ cần công khai bất bình về một HLV, và sau đó vài ngày, HLV này bị sa thải. Người tiếp quản ghế nóng tại Camp Nou đến và quay sang hỏi Messi trong giờ nghỉ giữa hiệp trận Barca đang gặp khó khăn rằng “Anh sẽ làm gì, Leo?”.
Jorge Messi biết giá trị của con trai và với tư cách là người đại diện, đã đàm phán về việc tăng lương hàng năm. Chủ tịch nào của Barca cũng đồng ý mà không chút do dự. Nếu không làm như vậy, họ sẽ chịu sự chỉ trích dữ dội từ người hâm mộ và nhiệm kỳ sẽ bị rút ngắn.
“Messi, dù không có lỗi, vừa là tài sản lớn nhất, biểu tượng, nhưng vừa là vật ký sinh của Barca”, Sportmail bình luận.
Không ai phàn nàn khi lương của Messi tăng vọt, thậm chí nhiều lúc còn cao nhất thế giới. Nhưng đây đồng thời thành tiền lệ xấu khi các đồng đội ra yêu sách tương tự. “Ngài Chủ tịch, tiền thưởng!”, các cầu thủ hét lớn trước Bartomeu – Chủ tịch Barca lúc đó – trên chuyến bay về Catalonia sau khi vô địch Champions League 2015.
Số đông trụ cột Barca đều đã có những điều khoản thưởng dựa theo thành tích trong hợp đồng. Nhưng sau khi ra yêu sách, họ vẫn được Bartomeu rộng tay tăng lương.
21 năm trước, Messi ký hợp đồng đầu tiên với Barca trên một chiếc giấy ăn bởi cha của anh cảm thấy lời đề nghị quá tốt và ngay lập tức cần sự chứng thực bằng văn bản. Đến hè 2021, anh bị Barca đẩy đi để bảo vệ tương lai của CLB, trong bối cảnh tài chính bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19.
Nhiều ý kiến cho rằng Messi đáng ra phải chấp nhận giảm đáng kể lương nếu yêu Barca, nhưng thực tế, luật lao động Tây Ban Nha cấm giảm lương dưới 50%.
Hơn nữa, Barca sa sút từ rất lâu trước khi Messi ra đi trong nước mắt. Minh chứng rõ ràng nhất là đại diện La Liga mất Neymar vào tay PSG với phí chuyển nhượng kỷ lục thế giới 263 triệu USD hè 2017. Họ dùng khoản tiền đó để tuyển mộ Ousmane Dembele và Philippe Coutinho, nhưng đều gây thất vọng. Công tác chuyển nhượng sai lầm, trong khi lò đào tạo trứ danh La Masia không còn sản sinh ra những tài năng xuất chúng.
Vì vậy, khi lần thứ hai đắc cử chủ tịch năm ngoái, Laporta phải quyết định giữa việc bán tháo nhiều cầu thủ chủ chốt hoặc đầu tư vào đội bóng. Những thành viên của Barca gọi đây là “vòng tròn ảo”, là một canh bạc mà việc tiếp tục đầu tư vào CLB để có “thương hiệu” trên sân cỏ sẽ khiến khó khăn về tài chính thêm chồng chất.
Để giải quyết khó khăn, giới chóp bu ở sân Camp Nou liên tiếp kích hoạt ba đòn bẩy kinh tế từ đầu hè, gồm việc bán bản quyền truyền hình La Liga và cổ phần công ty Barca Studios. Nhờ đó, họ thu về 777 triệu USD.
Barca cũng tích cực tinh giản đội hình khi chia tay 10 cầu thủ, trong đó có Dani Alves, Adama Traore, Luuk De Jong và Clement Lenglet. Trong hai tuần còn lại của kỳ chuyển nhượng hè này, Barca sẽ tập trung tìm đầu ra cho Memphis Depay, Martin Braithwaite, Samuel Umtiti, Neto, Pierre-Emerick Aubameyang, Sergino Dest. Thậm chí, họ đã doạ kiện Frenkie de Jong khi cho rằng hợp đồng gia hạn giữa tiền vệ Hà Lan ký với bộ sậu của cựu chủ tịch Josep Bartomeu ngày 20/10/2020 có dấu hiệu phạm tội.
Giữa những xáo trộn ấy, vẫn có một số điều lãng mạn ở Camp Nou – không chỉ vì sân đấu có thể được thuê làm địa điểm tổ chức đám cưới, như một cách giúp Barca huy động thêm tiền. Sau khi thế chỗ Ronald Koeman, Xavi thổi luồng gió mới, giúp Barca từ vị trí thứ chín đến ngôi á quân La Liga.
Các tân binh cũng hòa nhập tốt ở giai đoạn tiền mùa giải. Raphinha lập siêu phẩm giúp Barca hạ Real 1-0 trong trận giao hữu trên sân Allegiant, Mỹ. Khi đá trận đầu tại Camp Nou, Lewandowski ghi một và kiến tạo hai bàn giúp Barca đè bẹp Pumas UNAM 6-0 để lần thứ mười liên tiếp đoạt Cup Joan Gamper – giải giao hữu tiền mùa giải thường niên tưởng niệm cựu chủ tịch đội bóng.
Những đòn bẩy kinh tế giúp Barca tăng cường lực lượng và nhìn thấy ánh sáng cuối con đường. Nhưng khó khăn chưa đi qua, như một thành viên CLB cảnh báo: “Hôm nay, chúng ta có thể ăn ngon, nhưng ngày mai chúng ta sẽ chết đói”.
Hồng Duy (theo Sportmail)