Raheem Sterling Và Những Giới Hạn Của Bản Thân 62cfd99ed4d8a.png

Raheem Sterling và những giới hạn của bản thân

Cuối mùa vừa qua, Sterling nâng cao danh hiệu Premier League thứ 4 trong sự nghiệp cùng Man City. Nhưng tiền đạo người Anh vốn không phải mẫu người “ngồi mát ăn bát vàng”. Chelsea đã tìm tới Sterling trong một dự án bóng đá hoàn toàn mới. Và anh chấp nhận lời đề nghị chuyển đến đội chủ sân Stamford Bridge.

Từ một cầu thủ trẻ được coi là “thần đồng” bóng đá Anh dưới màu áo Liverpool, Sterling đổi sang màu áo xanh với mong muốn khắc tên mình lên những danh hiệu. Giờ ở tuổi 27, anh khát khao trở thành ngôi sao sáng nhất. Vai trò của Sterling tại Man City đã bị Pep Guardiola ngó lơ trong hai mùa giải vừa qua và tuyển thủ Anh tin rằng đã đến lúc cho một sự thay đổi.

 - Bóng Đá

 Sau 7 mùa giải khoác áo Man City, Sterling sẽ thử sức tại đội bóng mới Chelsea. Ảnh: Chelsea.

Vươn lên từ biến cố

Trong cái duyên tới Chelsea, Sterling vẫn còn đó cái nợ cần phải trả. Tháng 12/2018, báo chí Anh đưa tin cầu thủ của Man City bị một CĐV Chelsea phân biệt chủng tộc trên khán đài Stamford Bridge. Dù cảnh sát địa phương khép lại vụ án do không đủ chứng cứ, “The Blues” vẫn tuyên bố cấm trọn đời một CĐV tới sân, cùng với đó là án phạt tới năm người khác.

Chính vụ việc này đã khiến Sterling thay đổi. Một ngày sau trận đấu, anh lên tiếng bảo vệ người đồng đội trong màu áo Man City là Tosin Adarabioyo, tố cáo tờ Daily Mail về bài viết sai lệch trong việc định hướng dư luận. Bài đăng trên trang cá nhân của Sterling nói rằng chính truyền thông Anh là nguồn cơn cho nạn phân biệt chủng tộc của các CĐV trên sân.

“Hai cầu thủ trẻ cùng chơi cho một đội bóng (Adarabioyo và Foden) đều mua một căn nhà cho gia đình để đền đáp công ơn giúp họ có sự nghiệp như ngày hôm nay. Nhưng hãy nhìn cách mà báo chí đối xử với một cậu bé da đen và một cậu bé da trắng. Cậu bé da đen bị nhìn nhận một cách tiêu cực. Và chính điều này khiến cho nạn phân biệt chủng tộc ngày càng nhiều trên đất nước này”, Sterling viết trên trang cá nhân của mình.

Sau khoảnh khắc đáng quên tại Stamford Bridge, Sterling có dũng khí để phản kháng giới truyền thông, vốn là kẻ thù của anh trong những thời khắc quan trọng nhất.

Khi Sterling rời Liverpool để tới Man City, báo chí Anh thêu dệt những câu chuyện về một cầu thủ chỉ biết “chạy theo đồng tiền mà không có lòng trắc ẩn”. Tại EURO 2016, “Tam Sư” dừng bước tại vòng 1/8, Sterling bị coi là tác nhân khiến tuyển Anh bị loại sớm với những màn trình diễn “thiếu thuyết phục”.

Một tờ báo còn đặt dòng tít “Sterling tự bắn vào chân” sau khi tuyển thủ Anh khoe hình xăm chiếc súng ở bắp chân, vốn là hành động để tưởng nhớ người cha bị bắn chết khi anh mới 2 tuổi. Thị phi là điều mà bất cứ người da màu nào cũng phải đối mặt. Nhưng đối với những người nổi tiếng như Sterling, không phải ai cũng đủ dũng khí để đương đầu.

Đối với Sterling, thành công đến bao nhiêu cũng chẳng bao giờ đủ. Khi anh chơi hay, xã hội sẽ chấp nhận con người Sterling. Khi anh chơi dở, Sterling sẽ trở thành mục tiêu của những chỉ trích.

Chúng ta đang nói về một cầu thủ sở hữu hơn 100 bàn tại Premier League, chuẩn bị khoác áo CLB thứ 3 trong nhóm “Big 6” và ra sân hơn 70 lần cho “Tam Sư”. Sau thất bại tại EURO 2016, Sterling đóng vai trò chủ chốt trong hệ thống của Gareth Southgate tại World Cup 2018 và EURO 2020.

Dần dần, khi thành tích của Sterling càng khiến cho người khác phải trầm trồ, những chỉ trích và phân biệt cũng phải lắng xuống.

Raheem Sterling và những giới hạn của bản thân - Bóng Đá

 Sterling ăn mừng chiến thắng trước ĐT Đức tại EURO 2020 cùng cậu con trai Thiago. Ảnh: Getty Images.

Hướng tới chương mới trong sự nghiệp

Sterling chưa bao giờ chạy trốn những lời miệt thị. Chính sự dũng cảm của anh đã tạo điều kiện để những người đàn em như Marcus Rashford có thể đứng lên và nối bước.

Khi Rashford, Jadon Sancho và Bukayo Saka đá trượt những quả penalty trong trận chung kết EURO 2020, có một niềm tin mãnh liệt rằng thất bại này sẽ không khiến các cầu thủ trẻ của Southgate mất tinh thần. Họ nhìn vào Sterling và tin rằng bản thân hoàn toàn có thể đứng lên sau cú vấp ngã.

Đó chính là lý do mà Sterling nhận được rất nhiều sự tôn trọng mỗi khi “Tam Sư” tập trung tại St George’s Park. Đồng đội tin tưởng cựu cầu thủ của Liverpool không chỉ vì tài năng mà còn đó là tiếng nói của một người từng trải. Ở tuổi 27, đạt độ chín trong sự nghiệp quần đùi áo số, Sterling đủ cứng cáp để giúp đỡ lứa kế cận theo sau.

Raheem Sterling và những giới hạn của bản thân - Bóng Đá

 Sterling được những người đàn em tại ĐT Anh hết mực tôn trọng. Ảnh: FA.

Trong thời điểm mà mạng xã hội bùng nổ như lúc này, các dòng bình luận khiếm nhã, mang tính phân biệt chủng tộc xuất hiện ngày càng nhiều. Người viết chỉ cần thoát phần mềm là xong nhưng họ để lại cho người đọc những tổn thương sâu sắc.

Không chỉ vậy, hiệu ứng dây chuyền khiến thực tại còn đáng buồn hơn. Từ một dòng bình luận, nó có thể nhân rộng tới cả cộng đồng. Các cầu thủ đã đồng loạt lên tiếng trong vô vọng tới những người làm pháp luật, những ông trùm của mạng xã hội. Cho tới nay, đó vẫn chỉ là những lời thỉnh cầu không ai đáp lại.

Hơn 3 năm sau sự việc đáng buồn tại Stamford Bridge, Sterling trở lại nơi này với một mục đích khác, cống hiến hết mình cho đội bóng từng khiến anh bị tổn thương.

Câu chuyện này không phải là màn hồi tưởng tới quá khứ buồn của cầu thủ gốc Jamaica. Đối với Sterling, đây là chương mới trong chặng đường vượt qua những hoài nghi, gian khó để khẳng định mình của một cầu thủ da màu tại Anh.

Nhật Minh – Zing.vn | 11:10 14/07/2022