Tro Tàn Rực Rỡ Của Brazil Và Neymar 6394884bdba76.jpeg

Tro tàn rực rỡ của Brazil và Neymar

 - Bóng Đá

 

Trước vòng Tứ kết World Cup 2022, trong một chương trình truyền hình trên kênh BeIN Sports, cựu danh thủ vừa tròn 40 tuổi Ricardo Kaka có một chia sẻ khiến các khách mời John Terry và Gary Neville rất ngạc nhiên:

“Nói ra có vẻ lạ nhưng thực tế là nhiều người Brazil không ủng hộ đội tuyển đâu, và chuyện này cũng không phải là hiếm. Ví dụ nếu nhìn thấy Ronaldo de Lima trước mặt mình thì bạn sẽ phấn khích đúng không? Nhưng ở Brazil mọi thứ khác lắm. Ronaldo khi đi ngoài phố thì cũng giống một gã béo bình thường mà thôi”.

“Tất nhiên là cũng có nhiều người yêu mến Ronaldo, trong đó có cả tôi nữa. Song Ronaldo không được tôn trọng ở Brazil như khi anh ấy ra nước ngoài. Bản thân tôi thấy điều này rất khác biệt, bởi Neymar hiện tại cũng bị đối xử không khác mấy. Có nhiều người nói về cậu ấy theo cách rất tiêu cực ở quê nhà”, Kaka khẳng định.

 - Bóng Đá

Một mình Neymar là không đủ để Brazil thắng trận. Ảnh: Reuters.

Từ tiết lộ gây sốc

Ngạc nhiên thôi chưa đủ, có lẽ phải dùng từ sốc và đó không chỉ là cảm giác của Terry và Neville.

Có lẽ phần đông người yêu bóng đá sẽ cảm thấy sốc với tiết lộ này. Có thể, đây chỉ là góc nhìn của một cá nhân. Có thể, Kaka diễn giải không đúng hoặc chưa đủ ý mà anh muốn nói. Và cũng có thể, cần một cuộc khảo sát khoa học đàng hoàng để kiểm chứng tính đúng đắn của quan điểm này.

Nhưng giữa sự bán tín bán nghi đó, vẫn dễ bật ra những câu hỏi đại loại như: “Từ bao giờ mà ở đất nước được mệnh danh là ‘vương quốc bóng đá’, các huyền thoại hay tượng đài không còn được tôn trọng đủ nhiều như vậy?”; hay là: “Có phải chăng ngay cả ở Brazil, bóng đá cũng không còn giữ vị thế độc tôn và đang giảm dần đi sức hút?”.

Những lo ngại lửng lơ ấy không phải không có cơ sở, vì đó là hiện tượng không chỉ diễn ra trên đất Brazil. Thích hay yêu một điều gì đó hoàn toàn là quyền của mỗi người, nhất là trong thời đại có vô vàn sự lựa chọn để gắn bó niềm đam mê.

Trong hai thập niên vừa qua, sự manh nha rồi phát triển vũ bão của ngành công nghiệp eSports, hay sự xâm lấn ra phạm vi toàn cầu của “làn sóng Hàn” với Kpop và K-drama là ví dụ điển hình cho những quyền lực mới trong lĩnh vực thể thao và giải trí.

Trong khi đó, quỹ thời gian của người lao động đặc biệt là lực lượng lao động trẻ lại ngày càng eo hẹp. Thích nhiều thì dễ, nhưng đam mê, gắn bó và theo dõi sát sao song song nhiều thứ là điều thật khó.

Khi bóng đá bị hòa tan

Giữa bối cảnh ấy, bóng đá toàn cầu dường như còn tự mang lại vấn đề cho mình trong việc thu hút sự chú ý từ những người ngoài cuộc, thuộc các địa hạt khác.

Trong nhiều năm qua, đa số các đội bóng và trận đấu có xu hướng “châu Âu hóa” rõ rệt. Chiến thuật hiện đại đề cao yếu tố tốc độ, sức mạnh với liên tục các tình huống áp sát, va chạm; giảm dần các yếu tố trình diễn kỹ thuật, ngẫu hứng và có lẽ là niềm vui đơn thuần nữa.

Tất nhiên là không có gì sai khi cập nhật theo guồng quay, nhưng nếu các nền bóng đá hòa tan vào nhau bằng các xu hướng thời thượng kể trên vì thành tích, bóng đá sẽ mất đi nhiều điều quan trọng.

Dễ nhận thấy việc các đội bóng ngày càng chơi giống nhau hơn. Italy kể từ EURO 2012 đã từ bỏ bản ngã phòng ngự để học hỏi lối chơi tấn công. Brazil kể từ World Cup 2010 bị xem là giống một đội châu Âu hơn là chính họ. Khi những cuộc thay da đổi thịt ấy ngày một nhiều, bóng đá mất nhiều hơn các bản thể giàu bản sắc riêng từng giúp môn thể thao này được yêu mến trên toàn thế giới.

 - Bóng Đá

Brazil gục ngã vì dâng lên tấn công quên phòng ngự trong những phút cuối trận dù đang dẫn bàn. Ảnh: Reuters.

Có thể nghĩ đơn giản thế này: Tính cách của từng tập khán giả hay thậm chí từng khán giả vốn khác nhau. Có người thích kiểu này, người lại chuộng kiểu kia. Thế nên càng đa dạng các bản thể đặc sắc, sẽ càng thu hút được nhiều nguồn khán giả.

Vậy mới nói trên sân Education City tối qua, Brazil đã làm một điều rất quan trọng: Gìn giữ bản sắc ngay cả trong thời điểm khó khăn.

Ngọn lửa Selecao

Các ngôi sao Brazil đa số đang thi đấu tại châu Âu, cũng cần thích nghi với thời đại và thực hiện rất nhiều các pha áp sát, nước rút hàng tuần tại lục địa già. Họ hiển nhiên cũng phải làm điều đó tại World Cup 2022 để hướng đến những chiến thắng. Nhưng khác biệt ở chỗ: Như tối qua, dù đang mải miết tìm bàn thắng và vấp phải hàng thủ kiên cường của Croatia, Brazil cũng không bỏ quên bản ngã của mình.

Trong hiệp hai, có ít nhất 5 lần họ dùng vũ khí kỹ thuật, ngẫu hứng đặc trưng để tìm đường vào mành lưới:

Phút 48: Vinicius Jr. cầm bóng từ rìa vòng cấm, xộc thẳng vào vòng vây ba cầu thủ Croatia và chuyền xỏ háng một người trong số đó (Marcelo Brozovic). Sau đó Neymar và lại là Vinicius có cơ hội dứt điểm nhưng không qua được những lá chắn lăn xả.

Phút 55: Richarlison thu hồi bóng trước cửa vòng cấm trong tư thế quay lưng với khung thành. Lập tức bị trung vệ Josko Gvardiol áp sát và tranh chấp dữ dội, anh kéo bóng điệu nghệ ra sau lưng rồi chọc khe cho Neymar dứt điểm (bị thủ môn Dominik Livakovic dùng chân cản phá).

Phút 60: Neymar cầm bóng ở gần giữa sân, đối đầu Brozovic và cả Luka Modric đang tiến đến hỗ trợ. Thay vì chuyền ngang hay chuyền về, “Số 10” nhấn nhử vài nhịp rồi ngoặt bóng nhanh loại bỏ Brozovic, tung đường chọc khe cho Vinicius (nhưng bị cắt ngang).

Phút 78: Lại là Neymar cầm bóng ở giữa sân, mặc Brozovic đeo bám, vẫn rê bóng lách vào khoảng không nhỏ nhoi giữa Modric và Perisic. Chỉ một tích tắc trước khi bị cựu tiền vệ Inter phá bóng, Neymar kịp tung ra đường chuyền… xỏ háng thêm một đối thủ nữa là Mateo Kovacic. Bóng đến đúng địa chỉ Richarlison, chỉ tiếc là pha bật tường sau đó giữa anh với Neymar lại bị số đông cản phá.

 - Bóng Đá

Neymar tỏa sáng nhưng chừng đó là không đủ để Brazil đi tiếp. Ảnh: Reuters.

Phút 90: Vẫn Neymar, phẩy bóng nhẹ tênh qua đầu 3 cầu thủ Croatia vào vòng cấm, hòng tạo cơ hội cho Pedro dứt điểm. Chỉ cú phá bóng cực mạnh của hậu vệ cuối cùng mới giúp Livakovic tránh pha đối mặt.

Các chuyên gia chiến thuật có thể lý giải: Dùng kỹ thuật và nỗ lực cá nhân là phương án hữu hiệu để phá các lớp phòng ngự dày đặc và kỷ luật, không có gì đáng ngạc nhiên ở đây cả.

Song, thực tế những tình huống dứt điểm nguy hiểm nhất của Brazil trong hiệp hai lại đến từ những pha phối hợp đơn giản, ít chạm; những đường xuống biên, căng ngang và đệm bóng.

Như vậy có nghĩa là bất chấp hiệu quả không cao, các tuyển thủ Brazil vẫn kiên định với các pha xử lý kỹ thuật của mình (bởi phía trên chỉ là 5 tình huống kỹ thuật tiêu biểu nhất). Để rồi đỉnh cao, chính là việc Neymar lừa qua người Livakovic trong pha đối mặt rồi mới sút tung nóc lưới từ góc cực hẹp ở phút 105+1.

Đó là pha bóng mà nhiều người nhận định rằng: Trong 100 cầu thủ thì 99 sẽ sút ngay nhằm tranh thủ góc sút còn rộng, 1 còn lại sẽ là người Brazil.

Đó là những người chơi bóng với niềm vui và tôn thờ “Joga Bonito” (lối chơi đẹp). Còn thứ họ truyền tải cho người xem thì không chỉ niềm vui, mà còn là niềm cảm hứng và ước mơ cho khán giả, đặc biệt là những đứa trẻ.

Nói như thế hoàn toàn không phải phủ nhận giá trị của những phong cách khác, đơn cử lối chơi bền bỉ, chạy không biết mệt, không bao giờ bỏ cuộc và đá bóng như thể “chết bỏ” của Croatia. Giá trị đẹp nào thì cũng truyền cảm hứng, quan trọng là bóng đá cần đa dạng những giá trị như thế và gìn giữ chúng, thay vì tất cả hòa tan vào một giá trị đang thắng thế.

Tối qua Brazil đã thua, Neymar đã khóc và có thể giã từ đội tuyển quốc gia. Selecao hiện tại sẽ còn phải tinh chỉnh rất nhiều để hướng đến tương lai, mà trước hết là thấm nhuần bài học về cách bảo vệ thành quả ở những phút cuối trận.

Nhưng song song đó, ngọn lửa “Joga Bonito” mà anh và các đồng đội vừa thắp lên trở lại từ mồi lửa vĩ đại của các tiền bối, cũng đã sẵn sàng được tiếp nối. Đó là tro tàn rực rỡ của Brazil tại World Cup 2022.

Nguồn: Zing.vn
Hoài Thuận | 18:00 10/12/2022