Trực Tiếp Tọa đàm: ‘cân Bằng Dinh Dưỡng Cho Người Tập Luyện Thể Thao’ 628f49f059908.jpeg

Trực tiếp tọa đàm: ‘Cân bằng dinh dưỡng cho người tập luyện thể thao’

Video trực tiếp tọa đàm dinh dưỡng thể thao 

 

– Thưa TS. BS Trương Hồng Sơn, ông nhìn nhận thế nào về thực trạng dinh dưỡng của người Việt Nam nói chung và những người tập luyện thể thao nói riêng?

TS. BS Trương Hồng Sơn: Chúng ta biết rằng dinh dưỡng là vấn đề rất quan trọng. Hằng ngày ta vẫn phải ăn, phải uống. Vấn đề này trước tiên liên quan đến tăng trưởng chiều cao. Người Việt Nam hiện nay thuộc nhóm những nước có chiều cao thấp dù có sự tiến bộ rất lớn. 

Trực tiếp tọa đàm: 'Cân bằng dinh dưỡng cho người tập luyện thể thao' - 1

TS.BS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, chia sẻ tại toạ đàm. (Ảnh: Đắc Huy)

Điểm thứ hai là sức khỏe. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam được nâng lên là 76 tuổi, nhưng điều quan trọng là sống khỏe. Để sống khỏe, ngoài dinh dưỡng còn rất cần tập thể thao, làm thế nào để có một cơ thể khỏe mạnh. Chủ đề này giao thoa giữa 2 phần đó. Điểm này rất quan trọng.

Nước ta trước kia còn nghèo, người dân chỉ nghĩ đủ ăn thôi. Bây giờ chúng ta muốn mạnh mẽ, khỏe khoắn hơn thì việc tập luyện, dinh dưỡng rất quan trọng. Chủ đề này ít được đề cập đến, hi vọng thông qua buổi tọa đàm này chúng tôi có thể chia sẻ nhiều điểm hơn để người dân, không chỉ các VĐV, khi tập luyện cũng biết cách để có chế độ dinh dưỡng tốt. Đó là nền tảng để có một xã hội khỏe mạnh, người dân khỏe mạnh.

– Không chỉ mỗi VĐV, mà dinh dưỡng của mỗi người lại khác nhau. Ông có thể phân tích dinh dưỡng của VĐV và những người tập luyện thể thao khác thế nào so với người bình thường?

TS. BS Trương Hồng Sơn: Một người bình thường cần 1800 kcal mỗi ngày. Nhiều quá thì thừa cân, ít và kéo dài thì suy dinh dưỡng. VĐV nhu cầu năng lượng rất khác, đặc biệt là giai đoạn thi đấu và tập luyện. Những VĐV của giải Tour de France theo nghiên cứu họ cần 12.000 kcal mỗi ngày, gấp khoảng 7 lần bình thường.

Nhu cầu VĐV trong giai đoạn thi đấu, dinh dưỡng tính theo cân nặng, khoảng 40-70 kcal cho một kg cân nặng. VĐV cần tiêu thụ gấp 3 lần so với thông thường. Không có chế độ riêng cho từng người thì sẽ rất khó bởi vì có phải VĐV nào cũng như nhau đâu. Có VĐV cân nặng tốt, người khác thấp hơn, độ tuổi cũng khác nhau và hoạt động thể lực, các bộ môn khác nhau. Có môn tập trung nhanh, cường độ cao trong thời gian ngắn nhưng có môn cần sức bền.

Trong y học và dinh dưỡng thể thao có những nguyên tắc. Đối với từng VĐV, từng môn thi đấu có một chế độ ăn kiểu khác nhau. Các môn đòi hỏi sức bền thì vấn đề glucose, tinh bột rất quan trọng. Trong giai đoạn phục hồi thì protein, chất đạm rất quan trọng. Đối với VĐV, phải xây dựng chế độ ăn đến từng cá nhân.

– Từ trước đến nay, các vận động viên thể thao Việt Nam luôn bị coi là có thể lực không tốt so với các bạn bè thế giới. HLV Mai Đức Chung lý giải điều này thế nào?

HLV Mai Đức Chung: Dinh dưỡng trong thể thao còn tùy thuộc vào từng cá nhân, từng môn, không thể chia chung chung kiểu “bổ đầu”. Chúng ta thông cảm, khi tình hình thể thao Việt Nam còn khó khăn, chưa bằng nhiều nước, nên khó đòi hỏi dinh dưỡng phải được phân bổ theo từng môn. 

Dinh dưỡng cho người tập thể thao rất quan trọng, nhất là bóng đá bởi môn thể thao này đòi hỏi người chơi phải tiêu hao năng lượng nhiều. Sau 1 trận đấu, có những cầu thủ sút đến gần 5kg, chạy nhiều nhất hơn 10km, năng lượng như thế mà không bù đắp thì thể lực, sức khỏe ngày càng đi xuống. Dinh dưỡng là một phần quan trọng của VĐV thể thao thành tích cao. Tuy nhiên, chúng ta chưa đáp ứng được dinh dưỡng so với mặt bằng chung.

Ở môn bóng đá, VĐV của chúng tôi có tiêu chuẩn ăn uống là 500.000 đồng/ngày, nhưng chưa có tiêu chuẩn dinh dưỡng từng cho cá nhân. Ở đội tuyển nữ, chúng tôi chia các bữa ăn theo mâm, gồm 6 người/mâm. Mỗi mâm hôm nào nhiều thì có 5,6 món, có những món như thịt gà, cá rán, rau xào, canh, hoa quả, mâm nào cũng như mâm nào, thường không phân biệt được. 

Trực tiếp tọa đàm: 'Cân bằng dinh dưỡng cho người tập luyện thể thao' - 2

HLV Mai Đức Chung chia sẻ về dinh dưỡng thể thao. (Ảnh: Đắc Huy) 

– Hoàng Thị Loan đã xây dựng chế độ dinh dưỡng thế nào để đảm bảo và duy trì thể lực, sức bền tốt trong quá trình tập luyện và thi đấu?

Tôi luôn ưu tiên chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và tập luyện. Muốn tập tốt phải ăn tốt, nghỉ ngơi tốt. Tôi luôn động viên bản thân và tự tạo động lực rằng mình phải ăn uống đầy đủ các chất cần thiết và dinh dưỡng tốt. Đồng thời loại bỏ những thứ không cần thiết và không tốt cho sức khỏe.

– Dưới góc độ VĐV, Hoàng Thị Loan nghĩ thế nào về chế độ dinh dưỡng cho VĐV hiện nay?

Là VĐV chuyên nghiệp, tôi hiểu rằng chế độ dinh dưỡng vô cùng quan trọng. Để đảm bảo sức lực và thể lực thi đấu, bản thân tôi phải ăn uống và nghỉ ngơi để có sức tập luyện và theo chế độ của một VĐV chuyên nghiệp. Nếu muốn tập luyện với cường độ cao, phải ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. 

Trực tiếp tọa đàm: 'Cân bằng dinh dưỡng cho người tập luyện thể thao' - 3

Cầu thủ Hoàng Thị Loan vừa cùng ĐTQG nữ Việt Nam vô địch SEA Games 31. (Ảnh: Đắc Huy)

– Năng lượng nạp vào và tiêu hao là vấn đề rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe, đặc biệt cho những người tập luyện thể thao. Chúng ta cần có lưu ý thế nào trong chế độ dinh dưỡng để đảm bảo điều này?

TS. BS Trương Hồng Sơn: Lưu ý đầu tiên là phải duy trì không bỏ bữa. Thông thường, đối với VĐV, chúng tôi đề nghị có 3 bữa chính, 2 bữa phụ. Bữa sáng cung cấp 20-25% năng lượng trong ngày, bữa trưa cao hơn, khoảng 30-35%. Thêm bữa chiều và có 2 bữa phụ là đủ 100% năng lượng. 

Điểm thứ hai là chế độ ăn uống vừa phải đảm bảo cho thi đấu đồng thời cũng phải xem xu hướng của VĐV. Ví dụ VĐV cần tích lũy, thể trạng cần lên cân một chút hoặc xuống cân thì ta phải điều chỉnh tổng năng lượng bằng cách đo cá thể từ các chỉ số chuyển hóa cơ bản, cân nặng, chiều cao để tính VĐV đấy cần lên điểm nào là phù hợp nhất, đủ sức mạnh mà không bị ỳ. 

Trực tiếp tọa đàm: 'Cân bằng dinh dưỡng cho người tập luyện thể thao' - 4

TS. BS Trương Hồng Sơn: Đối với từng VĐV, từng môn thi đấu cần chế độ ăn kiểu khác nhau. (Ảnh: Đắc Huy)

Ngoài ra, chúng ta phải tính đến thời điểm. Đối với những môn thể thao đỏi hỏi cơ bắp tốt, giai đoạn trước khi thi đấu phải giảm tinh bột, đẩy lên thịt, dầu mỡ để tạo ra khoảng trống tinh bột nhưng trước khi thi đấu khoảng 3 ngày phải đẩy tinh bột lên để tạo ra tình trạng vượt ngưỡng glucose. Lúc đấy tích lũy tại gan và cơ bắp, đến ngày thi đấu đây là sự dự trữ năng lượng rất tốt để VĐV khỏe khoắn hơn.

Về vấn đề vi khoáng, có nhiều loại vi khoáng nhưng ta sẽ tập trung vào một số loại quan trọng. Ví dụ như sắt. Ta ngồi đây ko biết thiếu máu hay không nhưng tỉ lệ thiếu máu là 20%, chỉ phát hiện ra khi xét nghiệm. Thiếu máu thể hiện ra lúc bắt đầu chạy nhiều, người thiếu máu sẽ nhanh mệt, xanh xao. Nếu có xét nghiệm cho VĐV như vậy, biết VĐV thiếu máu thì có thể giải quyết ngay.

Ta phải để ý cả canxi. Có một con số giật mình, theo một nghiên cứu gần đây tại TP.HCM là 18% vận động viên nữ chúng ta bị loãng xương, thiếu canxi.

VĐV có nguy cơ gãy xương rất cao, hơn người bình thường gấp 3, gấp 3,5 lần. Người có mật độ xương thấp phục hồi rất khó. Vì vậy ta phải kiểm tra vấn đề loãng xương và bồi phụ canxi trong sữa, trứng thực phâm khác.

Việc này còn phức tạp ở chỗ canxi còn liên quan vitamin D, vitamin D lại liên quan đến dầu mỡ. Ta bổ sung canxi mà thiếu vitamin D thì không hấp thụ được. Không ăn dầu mỡ thì không hấp thụ được vitamin D. Sự liên quan này được gọi là giao hưởng vitamin. Có một vấn đề là VĐV thường ngại mỡ. Ăn vào béo lên, sức nhanh mất đi. Thế nên phải tính toán thế nào cho đủ, dẫn đến không có vấn đề loãng xương, thiếu máu, thiếu vitamin.

Các vi khoáng rất quan trọng. Ví dụ như magie, liên quan đến testosterone ở VĐV nam, liên quan đến vấn đề tim mạch, tạo ra sức bền cho VĐV. Tôi nói với VĐV năng lượng là một chuyện nhưng vi khoáng cũng rất quan trọng. 

– Với các cầu thủ bóng đá mà HLV Mai Đức Chung đã và đang dìu dắt, yếu tố quan trọng nhất để họ có một thể lực tốt cũng như sức bền trong mỗi trận đấu đó là gì? Ban huấn luyện đã có những đầu tư và thay đổi chế độ dinh dưỡng luyện tập như thế nào?

HLV Mai Đức Chung: Trong huấn luyện chuyên nghiệp, chúng tôi có 3 kỳ, tương ứng 3 giai đoạn chuẩn bị. Giai đoạn đầu tiên là chuẩn bị chung, gồm nhiều tố chất như sức bền, sức mạnh, khéo léo, mềm dẻo,… Đó là giai đoạn quan trọng nhất, cầu thủ cần nhiều dinh dưỡng, bởi có dinh dưỡng mới có thể lực. Những môn cần dinh dưỡng nhiều như điền kinh, bóng đá, cử tạ, chưa kể bóng chuyền, quần vợt, luôn đặt cho chúng ta câu hỏi làm thế nào để đáp ứng dinh dưỡng cho VĐV mới quan trọng. 

Chúng ta còn thiếu bác sĩ, làm sao để cắt nghĩa cụ thể rằng làm thế nào để VĐV ăn đủ chất, trong thời kỳ đó cần những chất gì, magie, sắt, kẽm, hay vitamin A, E trong hoa quả. Đó đều là những chất rất cần cho VĐV tập luyện. Nếu không đáp ứng đủ thì chúng tôi không thể để VĐV tập nặng, bởi họ không đảm bảo đủ chất và giữ sức khỏe. 

Ở giai đoạn thứ hai là chuẩn bị chuyên môn, ban huấn luyện thiết kế những bài tập với khối lượng thấp, cường độ cao. Đây cũng là giai đoạn cần dinh dưỡng bổ sung vì cầu thủ cần sức bền chuyên môn, không đáp ứng được tiêu chí ăn uống thì không đảm bảo tập luyện được. 

Trực tiếp tọa đàm: 'Cân bằng dinh dưỡng cho người tập luyện thể thao' - 5

Các khách mời chia sẻ về vấn đề dinh dưỡng thể thao. (Ảnh: Đắc Huy)

Chúng ta còn thiếu lắm trên khía cạnh y học thể dục thể thao, bởi ăn uống, khoa học tập luyện, massage, là quan trọng nhất để cầu thủ có nền tảng thể lực tốt. Trong đó ăn uống là quan trọng nhất, nếu không có thì không đủ thể lực thi đấu. Trước đây, VĐV Việt Nam cứ đá đến phút 60, 70 là đi bộ. Bây giờ cầu thủ đã tiến bộ hơn, cũng được bổ sung thêm vitamin, cũng tương đối.

Bữa này chưa có thịt bò, cá hồi thì bổ sung một ít, nhưng chưa thể nói là đủ. Cần thực tế dinh dưỡng cho cầu thủ là bao nhiêu. Một miếng cá hồi là chưa đủ cho VĐV, vậy thì số lượng bao nhiêu, tuần ăn mấy lần. Chúng ta chưa lượng hóa được. 

Chúng ta chưa có bác sĩ dinh dưỡng cho từng VĐV, từng bữa ăn. Chúng ta phải thông cảm vì Việt Nam còn khó khăn, chế độ dinh dưỡng cho thể thao chưa thể bằng nước khác. Do đó, cầu thủ mình yếu hơn so với chính các nước Đông Nam Á. Cầu thủ mình không mạnh, không cao bằng Thái Lan, tất nhiên đó là phép so sánh bằng con mắt, mà chưa có số liệu cụ thể. 

Chúng tôi cũng từng đề nghị về vấn đề này với Tổng cục Thể dục Thể thao, VFF. Tại Việt Nam chưa có máy móc tính cho từng VĐV, nhưng qua con mắt chuyên môn, kinh nghiệm, chúng tôi hiểu rằng cần nạp những chất nào.

Ví dụ mỗi lần tôi huấn luyện đội tuyển nữ chạy việt dã, chạy bãi biển 1 tiếng, cường độ rất căng thẳng. Mỗi bước chạy đã tốn bao nhiêu calories rồi, không nạp đủ thì sức chỉ có tiêu hao đi, dẫn đến yếu sức và yếu thể lực. Chúng ta đã bổ sung nhiều hơn đường và sữa cho VĐV, nhưng chỉ là một phần, chưa đáp ứng được. Chúng ta cần thêm dinh dưỡng trong bữa ăn nữa, chứ không chỉ uống mỗi sữa. 

Giai đoạn thứ ba là chuẩn bị thi đấu, chúng ta không cần ăn nhiều, nhưng vẫn cần những chất cụ thể đáp ứng cho VĐV. Tôi đã áp dụng phương pháp dinh dưỡng này cho đội tuyển nữ. 

– VĐV cần đảm bảo chất lượng dinh dưỡng và lượng thức ăn phù hợp, nếu ăn quá nhiều cũng không tốt vì có thể gây béo phì hoặc tích mỡ. Hoàng Thị Loan có lo lắng về vấn đề này không và xử lý thế nào?

Ăn uống cân bằng rất quan trọng. Cũng có lúc tôi ăn nhiều, nhưng thực sự, tôi rất sợ béo. Bởi khi tăng cân, cơ thể sẽ trở nên nặng nề hơn. Tôi luôn cố gắng để kiểm soát cân nặng từng chút một. Dù chỉ tăng nửa cân hay vài lạng thì vẫn phải giảm bớt chế độ ăn để không bị quá cân. Khi đã ở chế độ duy trì cân nặng rồi, cứ dựa vào thực tế mà điều chỉnh thôi.

Trực tiếp tọa đàm: 'Cân bằng dinh dưỡng cho người tập luyện thể thao' - 6

Hoàng Thị Loan luôn cố gắng duy trì chế độ ăn uống khoa học. (Ảnh: Đắc Huy)

– HLV Mai Đức Chung đánh giá yếu tố nào quan trọng nhất để cân bằng dinh dưỡng cho các vận động viên?

Đội thể thao nào cũng phải có bác sĩ về dinh dưỡng. Chuyên gia dinh dưỡng sẽ đưa ra thực đơn hàng ngày, nếu không thiết kế được thực đơn cho từng VĐV thì thiết kế cho cả đội cũng được, không thể ăn theo cảm tính vì như thế không đủ chất được. 

– Hoàng Thị Loan nghĩ sao về việc có thêm sản phẩm ăn liền tăng cường vi chất và năng lượng?

Nhiều bạn trong đội tuyển rất thích mang mì tôm khi thi đấu ở nước ngoài. Nếu trên máy bay, chúng tôi có thể bỏ ra và nhờ nhân viên xử lý giúp. Đúng là ăn một bữa đồ nóng thì dễ ăn nên nhiều thành viên trong đội rất thích. 

Tôi thường ăn uống theo chế độ dinh dưỡng của đội. Ngoài ra, tôi có thể ăn bình thường khi ở nước ngoài chứ không kén ăn.

– Nhiều VĐV thi đấu quốc tế phải sử dụng thêm sản phẩm ăn nhanh. TS. BS Trương Hồng Sơn đánh giá thế nào về tính an toàn và đảm bảo dinh dưỡng của các loại thực phẩm này? Theo ông những người tập thể thao và VĐV sử dụng mì ăn liền có được không?

Thi đấu ở Việt Nam, ăn uống đã có nhiều chi tiết cần quan tâm rồi. Ra nước ngoài còn phức tạp hơn thế. Các nước ăn uống khác chúng ta lắm. Chế độ ăn, cách chế biến của họ khác chúng ta, còn liên quan đến khẩu vị. VĐV không muốn ăn thì làm sao đủ sức thi đấu được? Thứ hai là dễ gặp rối loạn tiêu hóa.

Ngoài ra còn vấn đề doping nữa. Không cảnh giác là rất phức tạp. Vấn đề dinh dưỡng cho VĐV thi đấu rất khó khăn. Bài toán đặt ra là ta có sử dụng mì ăn liền không, câu trả lời là có thể. Nó nhanh, đơn giản, đáp ứng được một bữa phụ, khẩu vị gắn liền với các VĐV.

Ăn nhiều có hại không? Khoảng 10 năm nay ngành sản xuất mì ăn liền rất tiến bộ. Dầu trong mì ăn liền có chất béo dạng trans bằng không, tốt hơn nhiều so với đồ ăn ở nhà. Về khẩu phần và tính cân đối, trước đây mì ăn liền chủ yếu là bột thôi nhưng bây giờ lượng protein tương đương 30g thịt, có thêm vi khoáng nữa và đặc biệt là an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, nếu mà hợp lý thì ta sử dụng cho bữa phụ và cố gắng thêm rau vào. Quan trọng là phải có vitamin và chất xơ. Mì ăn liền chịu trách nhiệm quá lớn trên vai vì người ta muốn nó trở thành bữa hoàn chỉnh. Mì kết hợp với rau, trứng có thể trở thành một món ăn chấp nhận được trong các đợt thi đấu.

Đúng là chúng ta chưa có đánh giá chi tiết cho các VĐV. Tôi rất muốn mời HLV Mai đức Chung và các cầu thủ đến Viện nghiên cứu Y xã hội học để đánh giá lại toàn bộ các VĐV, xem phần cơ xương thế nào, bạn nào có nguy cơ loãng xương, thiếu máu để tư vấn cho từng người chế độ dinh dưỡng phù hợp. Vẫn còn nhiều môn thể thao khác, Tổng cục TDTT nên có kế hoạch làm cho tất cả các bộ môn để chúng ta tiến bộ trong thời gian tới.

– Ngoài việc ăn mì ăn liền, có lời giải nào cho bài toán cho việc VĐV ra nước ngoài thi đấu gặp vấn đề về khẩu vị? Có sản phẩm nào đó vừa nhanh, vừa ăn liền được và bổ sung vi chất cho VĐV không?

TS. BS Trương Hồng Sơn: Cách đây khoảng 3 năm chúng tôi từng nghĩ đến vấn đề này. Khó mang đồ tươi theo ra nước ngoài, sang đến nơi phụ thuộc vào thực phậm nơi đó thì có nhiều nguy cơ. Viện y học ứng dụng việt Nam nghĩ đến câu chuyện phải làm tốt nhất những gì ta có, ra được công thức, cải tiến lại công thức.

Thái Lan, Philippines và Indonesia cũng sử dụng mì ăn liền rất nhiều nhưng đây là 3 nước có mì ăn liền bổ sung vi chất. Mì của Việt Nam trước đây không có vi chất gì cả, chỉ có bột mì còn vi chất không đáng kể.

Vừa qua chúng tôi làm đề tài nghiên cứu khoa học trong 2 năm để phát triển công thức mới, để có loại mì đầu tiên của Việt Nam có vi chất, trong đó đưa lượng protein lên, đưa canxi, magie, kém và một số vitamin vào. Vi khoáng rất quan trọng, liên quan đến sức bền và sự mạnh mẽ. Các vi khoáng như vậy được đưa vòa dựa trên bằng chứng khoa học, tiêu chuẩn quốc tế.

Trước SEA Games vừa rồi, có những hợp đồng tài trợ của Acecook cho đội tuyển bóng đá. Dần dần, những sản phẩm ấy đồng hành với các bạn trong quá trình ra nước ngoài thi đấu để đề phòng trong trường hợp cần thiết thì vẫn có một bữa ăn tốt. Chúng tôi hi vọng đóng góp một phần rất nhỏ trong nỗ lực chung của đoàn thể thao.

– VĐV cần có chế độ ăn bổ sung thế nào cho hợp lý, nhất là khi luyện tập và thi đấu ở nước ngoài?

TS. BS Trương Hồng Sơn: Chất dinh dưỡng rất quan trọng với các VĐV chuyên nghiệp. Giả sử bữa có 5 món thì nên cố gắng ăn cả chứ không phải chỉ sử dụng một vài món. Không nên ăn nhiều hay ít quá. Thực ra tôi cũng chưa biết ăn thế nào là đầy đủ dinh dưỡng, nhưng vẫn phải ăn đủ để có sức khỏe tốt đã.

Tôi rất cảm ơn TS. BS. Trương Hồng Sơn đã chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức trong buổi nói chuyện này. Điều đó giúp tôi hiểu thêm về dinh dưỡng, qua đó có thể áp dụng hàng ngày để tăng cường thể chất.

– Không chỉ các VĐV, đôi khi giờ giấc khó khăn chúng ta có thể tiếp cận đến những sản phẩm không mất nhiều thời gian mà vẫn cung cấp năng lượng. Giải pháp như vậy có được áp dụng cho các VĐV để tăng cường sức khỏe thể chất không?

TS. BS Trương Hồng Sơn: Trước buổi ra quân SEA Games, chúng tôi có dự buổi ra mắt sản phẩm mì ăn liền dành cho VĐV. Tôi nghĩ đó là bước tiến tốt so với trước. Vừa an toàn hơn, vừa nhiều vi khoáng hơn. Như vậy là bước tiến.

Quan điểm của chúng tôi là những cái gì thuận lợi cho chúng ta thì phải làm tốt hơn nữa. Chưa tốt ở đâu ta làm tốt ở đấy. Acecook là một đơn vị như vậy để biến những ý tưởng khoa học trở thành sản, để tốt hơn cho VĐV, cho những người tập luyện thể thao và cho cộng đồng.

– Thưa TS. BS Trương Hồng Sơn, đâu là bí quyết, giải pháp để các VĐV có thể khắc phục, cải thiện sức khỏe thể chất khi thi đấu?

TS. BS Trương Hồng Sơn: Giải pháp đầu tiên là ta phải biết chi tiết từng vận động viên. Quay lại câu chuyện đầu tiên, không VĐV nào giống VĐV nào. Thể lực khác nhau, tình trạng khác nhau, ta phải nắm được để định hướng cho từng người. 

Thứ hai là ta phải đảm bảo đủ năng lượng theo từng giai đoạn trước, trong và sau thi đấu. Điểm thứ ba mà tôi đề nghị là đa dạng hóa thực phẩm. Không có loại đồ ăn nào là siêu thực phẩm. Cơ thể ta cần năng lượng và rất nhiều vi khoáng khác nhau rải ở nhiều loại thực phẩm. Khi học được cách đa dạng ta có thể cung cấp đầy đủ và thích nghi được với nhiều loại thực phẩm ở nước ngoài.

Chúng tôi cũng thấy rằng cần nâng cao hiểu biết, kiến thức của các HLV, VĐV. VĐV không phải chỉ cần thành tích cao, thể lực tốt mà còn làm gương cho cộng đồng về chế độ ăn lành mạnh. Trên mạng bây giờ chủ yếu là chế độ ăn thể hình còn các môn khác chưa phổ biến.

Cuối cùng tôi nghĩ đây là bước tiến mà chúng ta cần đi từng bước một. Trong thời gian qua việc chăm sóc y tế được đẩy lên. Vấn đề dinh dưỡng thể thao cũng là rất quan trọng. Tôi mong muốn sau này những chủ đề đó sẽ được tăng cường truyền thông tới cộng đồng, trao đổi với VĐV, HLV để đần dần điều chỉnh, góp phần nâng cao sức khỏe của các VĐV.

– HLV Mai Đức Chung nghĩ thế nào về việc sử dụng các sản phẩm, thực phẩm ăn nhanh, ăn liền dành cho người tập luyện thể hiện nay? 

HLV Mai Đức Chung: Nói đến mì, tôi nhớ ra cách đây nhiều năm, khi tôi dẫn U22 Việt Nam đá giao hữu quốc tế ở Italy, các cầu thủ sang đó không ăn được bơ sữa, chỉ mang thùng mì đi. Đầu bếp ở bên đó nhìn cầu thủ mình ăn xong rồi, họ hỏi xin tôi ăn thử 1 gói mì tôm. Khi tôi mang gói mì xuống thì họ đổ nước sôi vào, bảo mì ở đất nước các ông thơm và ngon thế.

Đến giờ khi dẫn dắt lứa trẻ của nữ, tôi nói với cầu thủ rằng nếu thật đói hay thèm thì ăn cũng không sao, nhưng đừng duy trì hàng ngày theo bữa mà bỏ cơm. Chúng ta có thể ăn bơ, phô mai, bánh mì, sữa hoặc socola, bởi những món đó đều đủ chất. Có thể chúng ta không quen, nhưng đi nước ngoài thì không thể chỉ ăn thứ mình thích, tôi luôn dặn cầu thủ như thế. 

Khi đội tuyển nữ Việt Nam sang Tây Á, Ấn Độ, chúng tôi đề nghị bác sĩ mang giò, chả, ruốc, nước mắm, vừng, lạc rang để bổ sung cho bữa ăn. Người Việt Nam quen những món đó rồi, có thể dinh dưỡng không nhiều, nhưng ăn thêm để cho đỡ nhớ cũng không sao.

Có những cầu thủ mang cả cà, tôi bảo là không tốt sức khoẻ đâu, chỉ để ăn thêm cơm. Tôi nhắc nhở cầu thủ phải rèn luyện, đừng có thích thì ăn, không thích thì không ăn. Những thứ chúng ta không thích đó đôi khi lại rất giàu dinh dưỡng.

– HLV Mai Đức Chung cho rằng đâu là giải pháp để VĐV cải thiện sức khỏe và thi đấu tốt? 

HLV Mai Đức Chung: Chúng ta phải làm tốt hơn, chất lượng tốt hơn, thực phẩm phải sạch sẽ. Cả nước ta đang động viên người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, nhưng sản phẩm phải có chất lượng, bổ dưỡng thì mới người ăn mới đảm bảo sức khỏe được. 

Nếu chỉ vì đồng tiền, vì thương mại mà không đảm bảo chất lượng thì gây thiệt hại sức khoẻ. Tôi mong rằng đội nữ sẽ được tư vấn khám sức khoẻ, biết từng cầu thủ cần những gì, yếu gì, bổ sung dinh dưỡng thế nào.