Năm 2018, trong cuộc họp với các cổ đông Man Utd, cựu Giám đốc Điều hành Ed Woodward có phát biểu gây tranh cãi. Ông tuyên bố: “Màn trình diễn trên sân không mang nhiều ý nghĩa và chẳng tác động nhiều tới những gì chúng tôi có thể làm về mặt thương mại đội bóng”.
Những lời nói của Woodward chỉ ra thực trạng của nửa đỏ thành Manchester. 4 năm trôi qua kể từ sau phát biểu của Woodward, “Quỷ đỏ” tiếp tục chật vật tìm đường trở lại top 4. Trong khi đó, Liverpool, Man City hay Chelsea ngày càng lớn mạnh.
Lãng phí hơn 1 tỷ bảng mua sắm
Sự ra đi của Sir Alex Ferguson và David Gill biến Ed Woodward thành nhân vật quyền lực ở Old Trafford. Nhà Glazer trao toàn quyền cho ông Woodward trong việc đưa ra các quyết định về chuyên môn ở Old Trafford.
Khả năng đàm phán của ông Woodward sớm có vấn đề ngay trong hè đầu tiên. David Moyes được chọn ngồi vào ghế nóng và Man Utd trải qua mùa hè kéo dài theo đuổi những cái tên như Cesc Fabregas và Gareth Bale. Cuối cùng, họ chỉ mang về mỗi Marouane Fellaini.
Fellaini thậm chí là thương vụ kỳ lạ của “Quỷ đỏ”. Hợp đồng của Fellaini có điều khoản giải phóng trị giá 23,5 triệu bảng nếu vụ chuyển nhượng diễn ra trước ngày 31/7. Dù biết trước về điều khoản này, Man Utd đợi đến hạn chót kỳ chuyển nhượng vào tháng 9 để trả mức phí 27,5 triệu bảng cho Everton.
Sportbible mô tả năm đầu tiên của Woodward ở MU bằng hai từ “tuyệt vọng”. Điều này lặp lại trong 8 năm tiếp theo người đàn ông này cầm quyền cho đến khi rời bỏ quyền lực. Louis Van Gaal và Jose Mourinho thay thế Moyes nhưng tình hình chuyển nhượng của MU không khá hơn.
Trong cuộc phỏng vấn với Guardian vào năm 2019, khi được hỏi làm mới đội hình bằng cách nào trong thời gian dẫn dắt MU, Van Gaal thừa nhận: “Không phải lúc nào tôi cũng có được những cầu thủ mà tôi muốn. Đó chính là vấn đề. Woodward và cánh tay phải của ông ấy là Matt Judge làm mọi việc. Bạn luôn phụ thuộc vào Woodward và Judge”.
Từ năm 2013 đến nay, Man Utd đạt chi tiêu ròng (số tiền chênh lệch giữa tiền mua và bán cầu thủ, lấy tiền mua trừ đi tiền bán – PV) khoảng 914 triệu bảng. Để so sánh, Manchester City có mức chi tiêu ròng khoảng 824 triệu bảng cùng thời điểm. Và ai cũng thấy rõ đội nào gặt hái thành công nhiều hơn.
Trong một cuộc phỏng vấn với United We Stand năm 2019, ông Woodward tự hào tuyên bố: “Đúng là chúng tôi không ký hợp đồng với một trung vệ vào hè 2018. Có sự khác biệt về quan điểm giữa HLV (Mourinho – PV) và bộ phận tuyển dụng”.
Cựu sếp lớn của MU tiếp tục khẳng định: “Đôi khi tôi phải là người nói ‘không’, điều đó không dễ dàng gì. Xu hướng tự nhiên của chúng tôi là ủng hộ HLV trong mọi trường hợp có thể. Nhưng chúng tôi cũng phải lắng nghe các chuyên gia tuyển dụng”.
Thiếu sự đầu tư
Ngoài những bản hợp đồng đắt đỏ kém hiệu quả như Paul Pogba, Angel di Maria hay Romelu Lukaku, MU cũng thiếu tầm nhìn chiếc lược trong việc kiểm soát quỹ lương.
Phil Jones nhận hai hợp đồng mới trong 7 năm qua với mức lương 75.000 bảng/tuần dù chỉ ra sân 13 trận trong 3 mùa gần nhất. Luke Shaw và David De Gea là hai trong số những cầu thủ được trả lương cao nhất ở vị trí của họ. Brandon Williams kiếm được hơn 40.000 bảng mỗi tuần. Dean Henderson – thủ môn dự bị và vừa được cho mượn – kiếm hơn 110.000 bảng mỗi tuần. Danh sách này cứ kéo dài.
MU không thể bán cầu thủ. Chi tiêu ròng đạt 914 triệu bảng, nhưng số tiền để mua tân binh kể từ khi Sir Alex giải nghệ cán mốc 1 tỷ bảng. Một yếu tố góp phần giải thích tại sao chi tiêu ròng của “Quỷ đỏ” lại cao như vậy so với các CLB khác.
Man City luôn chi mạnh tay. Tuy nhiên, hè này họ thu về lợi nhuận gần 50 triệu bảng cho hoạt động mua bán cầu thủ, theo Marca.
Việc SVĐ Old Trafford không có sự nâng cấp đáng kể nào cũng góp phần khiến vị thế của MU đi xuống. Lần cải tạo lớn nhất mà MU thực hiện là vào năm 2006. Kể từ đó, người hâm mộ nhiều lần chứng kiến sân Old Trafford bị dột nước mưa. MU đơn giản bỏ bê việc cải tạo SVĐ và các cơ sở vật chất của đội bóng.
Trước khi Glazer tiếp quản, Carrington là cơ sở đào tạo hiện đại, có lẽ là tốt nhất trên thế giới. Giờ Carrington khó có thể sánh được với Man City hay Tottenham ở Anh.
Tính đến tháng 4/2022, MU chỉ chi 94 triệu bảng cho công tác nâng cấp cơ sở hạ tầng kể từ năm 2011. Trong cùng khoảng thời gian, Spurs, Manchester City, Liverpool, Brighton, Leicester và Arsenal đều chi nhiều hơn.
Spurs chi hơn 1,5 tỷ bảng, phần lớn trong số đó là cho việc xây dựng SVĐ mới. Manchester City và Liverpool lần lượt chi 379 triệu bảng và 259 triệu bảng. Ngay cả Leicester và Brighton cũng chi tới 150 triệu bảng.
Học viện của MU ngày càng lạc hậu, so với khuôn viên đào tạo trị giá 200 triệu bảng của Man City. Ngay cả những người gắn bó với MU từ lâu cũng gửi con cái tới Man City tập luyện. Darren Fletcher làm việc cho MU từ năm 2020 và trải qua 12 năm thi đấu ở Old Trafford. Tuy nhiên, hai cậu con trai của Fletcher lại đang ăn tập ở Etihad.
Theo thống kê, nhà Glazer buộc MU trả hơn 2 tỷ bảng tiền nợ, lãi, cổ tức và các khoản chi khác. Và con số này chắc chắn không dừng lại.
MU tiếp tục thay đổi nhưng chưa thể tìm thấy ánh sáng. “Quỷ đỏ” khởi đầu triều đại Erik ten Hag bằng 2 trận thua liên tiếp ở Premier League. Sự ổn định là điều xa xỉ ở Old Trafford thời điểm này.