Yếu Tố Giúp Nhật Bản, Hàn Quốc Tạo Phép Màu ở World Cup 2022 638b4dea37006.jpeg

Yếu tố giúp Nhật Bản, Hàn Quốc tạo phép màu ở World Cup 2022

 - Bóng Đá

 

Khác với thất bại 1-2 của Argentina khi ra quân tại World Cup 2022, trận thua 0-1 của Pháp trước Tunisia không được coi là địa chấn. Nhà đương kim vô địch vẫn giành ngôi nhất bảng D và gặp đối thủ dễ chơi ở vòng knock-out.

Tương tự, Bồ Đào Nha thua Hàn Quốc 1-2, Tây Ban Nha để Nhật Bản ngược dòng thắng 2-1 hay Brazil bất ngờ bị Cameroon đánh bại với tỷ số 1-0 ở lượt cuối vòng bảng.

Có nhiều yếu tố dẫn tới thất bại của 4 ông lớn. Trong đó, Nhật Bản và Hàn Quốc thật sự tạo nên kỳ tích trên đất Qatar.

Những toan tính

Pháp là một trong những đội tuyển bị thiệt hại nặng nề nhất World Cup 2022. Karim Benzema, Christopher Nkunku, Presnel Kimpembe cùng Paul Pogba và N’Golo Kante không thể góp mặt do chấn thương. Khi giải đấu diễn ra, tới lượt Lucas Hernandez rời giải.

 - Bóng Đá

Hàn Quốc đánh bại một Bồ Đào Nha không phải mạnh nhất. Nhạc trưởng Bruno Fernandes thậm chí không được sử dụng.

Với việc thắng 2 lượt đầu và chắc suất đầu bảng, HLV Didier Deschamps thực hiện tới 9 sự thay đổi trong đội hình xuất phát ở trận gặp Tunisia. Ông có lý do để giữ chân nhóm trụ cột gồm Kylian Mbappe, Antoine Griezmann, Theo Hernandez và Hugo Lloris.

“Các cầu thủ dồn nhiều thể lực vào 2 trận đấu ở cường độ cao cách đây ít ngày. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn kiểm tra năng lực của nhóm cầu thủ dự bị”, ông Deschamps thừa nhận. Gặp Tunisia chẳng khác nào một trận đấu thử nghiệm và “Les Bleus” có thua cũng chẳng sao.

Tương tự, HLV Fernando Santos trao cơ hội ra sân lần đầu tại World Cup 2022 cho các cầu thủ như Diogo Dalot, Antonio Silva, Ricardo Horta sau khi toàn thắng ở 2 lượt đầu. Khi mọi chuyện an bài vào những phút cuối, cảm giác “Selecao châu Âu” chơi bóng hời hợt. Ở bàn Hwang Hee-chan nâng tỷ số lên 2-1, các cầu thủ phòng ngự không vây ráp tạo điều kiện cho Son Heung-min thoải mái chuyền bóng.

Báo Hàn Quốc, Chosun, gọi trận thắng trước Bồ Đào Nha là ‘phép màu ở Doha’. Dễ hiểu cho sự phấn khích của đại diện châu Á. Còn với nhà vô địch Euro 2016, họ đi tiếp với vị trí nhất bảng và bảo toàn được lực lượng.

Với Tây Ban Nha, thầy trò HLV Luis Enrique không quá thất vọng vì trận thua Nhật Bản. Thực tế, họ tránh được đối thủ mạnh là Croatia ở bảng F. Gặp Morocco rõ ràng là dễ thở hơn rất nhiều. Một năm trước, “La Roja” toát mồ hôi mới giành chiến thắng 5-3 và loại Croatia ở vòng 16 đội tại Euro 2020. Chắc chắn họ không muốn lặp lại viễn cảnh này.

Tây Ban Nha nhả Nhật Bản để loại Đức cần thêm thời gian kiểm chứng. Nhưng việc loại “Cỗ xe tăng” rõ ràng nằm trong tính toán. Gặp lại đối thủ mạnh ở vòng knock-out bao giờ cũng nguy hiểm và có thể đe dọa tới tham vọng vô địch của “Bò tót”. Vì thế, họ đáng để cân nhắc việc lựa chọn một thế trận hợp lý trước Nhật Bản.

Brazil là những người hài lòng nhất khi mọi kế hoạch đi đúng hướng. “Selecao” giành vé đi tiếp sớm sau 2 lượt trận, để nhiều trụ cột nghỉ ngơi trong trận thua trước Cameroon. Họ cũng rơi vào nhánh đấu với nhiều đối thủ dễ chơi hơn các ứng viên khác, ít nhất là cho đến bán kết.

Tranh cãi và sự ghi nhận

HLV Enrique khẳng định ông không biết Tây Ban Nha có thể bị loại. Thực tế, “La Roja” hoàn toàn kiểm soát thế trận. Họ thua vì một bàn thắng gây tranh cãi của Ao Tanaka. Góc quay truyền hình cho thấy bóng dường như đã lăn hết qua vạch vôi trước khi Mitoma chuyền vào trong. Tuy nhiên sau khi trao đổi với tổ VAR, trọng tài chính quyết định công nhận bàn thắng cho “Samurai xanh”.

 - Bóng Đá

Bàn thắng tạo nên tranh cãi của Nhật Bản trước Tây Ban Nha.

Marca đưa ra một góc quay khác về tình huống dẫn đến bàn thắng của Nhật Bản. Ở góc hình ảnh từ trên cao, CĐV có thể thấy trái bóng dường như vẫn còn một vài centimet ở trên đường biên ngang. Dẫu vậy, việc tranh cãi vẫn chưa dứt.

Với Pháp, tình huống Antoine Griezmann bị tước bàn còn phức tạp hơn. Sau khi tiền đạo của Atletico Madrid đưa bóng vào lưới đối thủ ở phút 90+8, trọng tài Matthew Conger công nhận bàn thắng và cho trận đấu tiếp tục diễn ra với tỷ số 1-1.

Thế nhưng sau khi thổi hồi còi kết thúc trận, ông “Vua áo đen” bất ngờ kiểm tra lại VAR và tước bàn của “Les Bleus” vì lỗi việt vị. Hiệp hội Bóng đá Quốc tế (IFAB), cơ quan ban hành luật thi đấu, chỉ ra rằng việc dùng VAR đối với một bàn thắng không thể diễn ra sau khi trận đấu đã bắt đầu lại. Do đó, Liên đoàn Bóng đá Pháp yêu cầu FIFA làm rõ về quyết định này.

Kể từ đầu World Cup 2022, VAR và các quyết định của trọng tài nhiều lần gây tranh cãi. Điều này tiếp tục xuất hiện ở hai trận đấu của Tây Ban Nha và Pháp trước Nhật Bản và Tunisia.

Tuy nhiên, không vì thế mà phủ nhận mọi nỗ lực để giành được kết quả tốt của các đội tuyển bị đánh giá thấp. Có thể Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay Brazil chưa bung hết khả năng, nhưng lần lượt Tunisia, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Cameroon đều đạt được thành quả nhờ thứ tinh thần không bỏ cuộc, đổ mồ hôi trên sân. Tất cả xứng đáng được tôn trọng và ghi nhận.

Đáng chú ý, Nhật Bản và Hàn Quốc đều rơi vào tình thế sinh tử ở lượt cuối, chỉ có quyết tâm mới giúp họ làm nên lịch sử. Đặc biệt, “Samurai xanh” là đội châu Á đầu tiên đánh bại hai nhà cựu vô địch thế giới trong một kỳ World Cup. Nhật Bản thắng Đức và Tây Ban Nha khi đối thủ cùng thực hiện trên 700 đường chuyền. Một kỳ tích.

Nhìn chung, những toan tính, các quyết định gây tranh cãi cùng với nỗ lực giúp Tunisia, Cameroon, Nhật Bản hay Hàn Quốc lần lượt thắng Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay Brazil ở lượt cuối vòng bảng World Cup 2022. Trong đó, hai đại diện châu Á tạo nên phép màu khi giành quyền vào knock-out.

Nguồn: Zing.vn
Hiểu Phong | 19:00 03/12/2022