Nghệ Thuật Hắc ám Của Simeone 624c106909566.jpeg

Nghệ thuật hắc ám của Simeone

Thứ bóng đá theo tinh thần “Cholismo” – được gọi theo biệt danh El Cholo của HLV Diego Simeone – sẽ lại là vũ khí để Atletico đấu cỗ máy tấn công Man City ở tứ kết Champions League hôm nay.

Khi đối đầu Atletico ở tứ kết Champions League trong tám ngày tới, Man City sẽ phải chiến đấu ở hai mặt trận. Đầu tiên là vấn đề chuyên môn. Đây là khía cạnh dễ dàng hơn, nơi Man City có thể kiểm soát hay thậm chí áp đảo, dù Atletico sở hữu những cầu thủ hàng đầu như Joao Felix hay Jan Oblak.

Nhưng cuộc chiến còn lại là thứ gì đó hoang đường, vô hình hơn, là cuộc chiến dữ dội của tâm lý, sức ép và sự khiêu khích. Tại đây, Simeone luôn cố gắng tận dụng dù chỉ là lợi thế nhỏ nhất.

Qua 11 năm dẫn dắt Atletico, HLV Diego Simeone đã xây dựng đội bóng này thành một tập thể khó chơi bậc nhất châu Âu với thứ bóng đá được đặt tên theo biệt danh của ông - Cholismo. Ảnh: PA

Qua 11 năm dẫn dắt Atletico, HLV Diego Simeone đã xây dựng đội bóng này thành một tập thể khó chơi bậc nhất châu Âu với thứ bóng đá được đặt tên theo biệt danh của ông – Cholismo. Ảnh: PA

Theo tờ Goal, Atletico giờ là bậc thầy của “thứ bóng đá hắc ám”. Đây không chỉ là cách khiêu khích người hâm mộ và hạ gục đối thủ, mà còn là chìa khóa trong tham vọng lên đỉnh đấu trường châu Âu của CLB thành Madrid.

“Tôi không biết liệu trận đấu có diễn ra hơn hai phút mà không bị gián đoạn với một cầu thủ nằm sân hay không”, HLV Ralf Rangnick phàn nàn, sau khi Man Utd thua Atletico 0-1 ở lượt về vòng 1/8 Champions League tại Old Trafford, và bị loại với tổng tỷ số 1-2.

Man City sẽ phải học hỏi từ thất bại của hàng xóm để làm tốt hơn từ tứ kết lượt đi hôm nay. Tại Etihad, Atletico được dự báo sẽ lại sử dụng thứ bóng đá “gai góc” để phá nhịp thi đấu, đồng thời kéo dài thời gian và gây ức chế cho đối thủ.

Các cầu thủ Atletico sẵn sàng ngã ra sân sau những pha tranh chấp, khiến trận đấu vỡ vụn. “Hễ chúng tôi chạm vào, cầu thủ Atletico lại nằm sân và trọng tài thổi phạt. Ngay từ đầu trận, khi Elanga không chiến và chạm vào Jan Oblak, lập tức có lỗi”, đội trưởng Man Utd Harry Maguire bức xúc sau khi rời Champions League.

Trong khi Rangnick và Maguire chỉ trích lối chơi, CĐV Man Utd tỏ rõ sự tức giận bằng hành động, khi ném chai lọ về phía Simeone trong lúc HLV Argentina đang vui sướng chạy vào đường hầm sân Old Trafford để chờ chia vui với các học trò trong phòng thay đồ.

Liverpool từng chịu chung số phận vào năm 2020. Hậu vệ trái Andy Robertson giãi bày: “Các cầu thủ Atletico ngã xuống và chọc tức chúng tôi”. Cựu tiền vệ Man City, Trevor Sinclair, khi đó cũng hướng mũi dìu vào lối chơi của Atletico sau khi loại Liverpool. Ông nói: “Tôi đã gặp Simeone ở World Cup, và Simeone là đối thủ tồi tệ để đối đầu. Atletico có nhiều cầu thủ tài năng tuyệt vời. Vì vậy, sử dụng thứ bóng đá kiểu hắc ám như vậy là sai lầm. Cố tình dùng tay chơi bóng, kéo áo, phạm lỗi có chủ ý, ăn vạ. Đó là những thứ tôi không muốn thấy trong một trận đấu đỉnh cao. Chúng ta gọi bóng đá là môn thể thao tuyệt đẹp là có lý do. Trước hết, bóng đá phải đẹp để người hâm mộ thưởng thức. Nhưng đây hoàn toàn là rác rưởi. Tôi không muốn nhìn thấy nó”.

Liverpool từng ôm hận khi thua Atletico ở vòng 1/8 Champions League mùa 2019-20. Ảnh: PA

Liverpool từng ôm hận khi thua Atletico ở vòng 1/8 Champions League mùa 2019-20. Ảnh: PA

Atletico được coi là ông hoàng của “nghệ thuật bóng đá hắc ám” khi ra Champions League. Nhưng trong mắt người hâm mộ CLB thành Madrid, lối đá này là lựa chọn cần thiết và hợp lý, khi Atletico luôn bị đánh giá thấp hơn trong các trận cầu lớn. Trận thắng Man Utd tại Old Trafford hôm 15/3 gợi nhớ về Atletico thời đỉnh cao năm 2014, khi đội bóng này sở hữu Diego Costa và Diego Godin – hai chuyên gia hàng đầu của thứ bóng đá gai góc mà Simeone xây dựng.

Dù vậy, HLV Argentina nhận ít chỉ trích hơn khi đó, bởi lúc ấy, Atletico là đội cửa dưới trước hai gã khổng lồ BarcaReal. Nhưng họ tạo nên bất ngờ khi hòa Barca 1-1 tại Camp Nou ở lượt cuối để vô địch La Liga lần đầu sau 18 năm. Simeone đã phải làm mọi cách để giúp Atletico thu hẹp khoảng cách, cả về chuyên môn lẫn tài chính, với Barca và Real. Trong đó, quan trọng nhất là việc quyết tâm theo đuổi lối đá được coi là tiêu cực với đa số người hâm mộ trung lập.

Nhà cầm quân 51 tuổi khi đó phải dựa trên các giá trị của Atletico về sự chăm chỉ, lòng quả cảm và trái tim, để thúc đẩy tập thể dưới trướng chiến đấu, tận hiến cho mục tiêu chung của CLB, vượt qua mọi ranh giới.

Trong những năm qua, Atletico ngày càng phát triển và mang về nhiều ngôi sao tấn công chất lượng, từ Joao Felix đến Matheus Cunha, Antoine Griezmann đến Luis Suarez. Atletico vì thế phải tấn công nhiều hơn, với Suarez – người thừa nhận không lạ gì với lối đá thực dụng của Simeone – làm chủ công. Họ tiếp tục đoạt La Liga mùa trước, nhưng bằng phong cách bóng đá hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, ra Champions League, Atletico trở lại với bản ngã – “nghệ thuật hắc ám”. Và để cách chơi này đạt hiệu quả tốt nhất, mọi thành viên Atletico phải cố gắng gây khó chịu cho đối thủ về mặt chiến thuật, hạn chế các khoảng trống ở phía sau và sẵn sàng lùi xuống dựng xe bus phòng ngự sau khi dẫn bàn. Họ cũng liên tục phạm lỗi và nằm sân để phá lối chơi của đối thủ.

Joao Felix (xanh) ngã ra và nằm sân sau tranh chấp với McTominay trên sân Old Trafford ngày 15/3. Ảnh: PA

Joao Felix (xanh) ngã ra và nằm sân sau tranh chấp với McTominay trên sân Old Trafford ngày 15/3. Ảnh: PA

Sau trận thắng Man Utd, Diario Sport – nhật báo thể thao Tây Ban Nha có trụ sở tại Barcelona – đăng tải bài bình luận với tiêu đề “Simeone phục hồi lối chơi Cholismo thuần túy”, đề cập đến lối chơi nổi tiếng mà HLV Argentina xây dựng cho Atletico năm 2014. Trong khi đó, một nhật báo uy tín khác ở Tây Ban Nha – tờ El Pais – thì nhấn mạnh: “Cholismo thống trị sân Old Trafford”.

Atletico chưa vô địch Champions League, và cũng chưa bao giờ được xem là ứng viên hàng đầu. Simeone, vì thế, có thể truyền đạt tâm lý chống lại thế giới, khiến Atletico luôn vào trận với tâm thế cửa dưới. “Tôi thấy Atletico rất cạnh tranh, không hề xấu hổ khi lùi sâu đội hình”, nhà cầm quân 51 tuổi nói.

Trong lượt cuối vòng bảng Champions League mùa này gặp Porto, Atletico đã dùng mọi chiêu trò để thắng 3-1 ngay tại Estadio do Dragao để vào vòng knock-out. Việc Yannick Carrasco sớm bị đuổi khỏi sân vô tình tạo điều kiện cho Atletico toàn tâm toàn ý với lối chơi tử thủ. Không những vậy, họ còn liên tục tranh cãi với các trọng tài và khiêu khích các cầu thủ Porto.

Wendell bị hút vào như một con thiêu thân để rồi vung tay vào mặt Cunha khi bóng ở ngoài cuộc. Lập tức, cầu thủ Atletico ngã ra sân, còn trọng tài Clement Turpin truất quyền thi đấu của Wendell. Trong cảnh hỗn loạn với 42 người tham gia sau đó, thủ môn dự bị của Porto là Marchesin – do những phản ứng thái quá – nhận thẻ đỏ thứ ba từ trọng tài Turpin.

42 người xô xát trong trận Porto - Atletico Madrid

42 người xô xát trong trận Porto – Atletico Madrid

Felix là biểu tượng của sự thay đổi dưới trướng Simeone. Năm 2019, tiền đạo Bồ Đào Nha nổi tiếng với lối chơi hào hoa, kỹ thuật gia nhập Atletico với mức phí kỷ lục 142 triệu USD. Nhưng tới tháng 2/2021, sau khi ghi bàn trận gặp Villarreal, anh gây tranh cãi khi giơ ngón tay lên miệng với hàm ý “im miệng”, đồng thời hét to “Câm miệng đi thằng khốn” và hướng mặt về băng ghế HLV đội nhà.

Tiền đạo 22 tuổi sau đó thường xuyên làm bạn với ghế dự, rồi trở lại bằng phong độ bùng nổ thời gian qua. Felix làm nóng trước trận gặp Man City với cú đúp trong trận thắng Alaves 4-1 ở vòng 30 La Liga ngày 2/4. “Tôi thích việc các cầu thủ nổi loạn”, Simeone nói về sự bùng nổ của học trò.

Ký ức đầu tiên của nhiều người về Simeone là tình huống ở vòng 1/8 World Cup 1998. Khi đó, cựu tiền vệ Argentina cố tình ăn vạ sau khi bị David Beckham đá nhẹ vào chân, dẫn đến chiếc thẻ đỏ cho đồng nghiệp nổi tiếng hào hoa người Anh và chiến thắng trên loạt luân lưu của đoàn quân tango.

Không còn có thể tự làm điều đó trên sân, Simeone bây giờ đóng vai trò một nhạc trưởng từ ngoài đường biên. Cách ông mặc bộ đồ đen gợi đến sự hắc ám, và liên tục hò hét truyền lửa cho các học trò, thúc giục Atletico tiến lên phía trước.

Liverpool, ở vòng bảng, phần nào cho Man City thấy những gì cần thiết để vượt qua Atletico. Họ cần một chút may mắn, Danny Makkelie – một trọng tài công tâm, không dung thứ bất kỳ hành vi sai trái nào của Atletico, cùng cường độ thi đấu khủng khiếp để khiến đội quân của Simeone không thể theo kịp. Jurgen Klopp cũng thận trọng tối đa, sớm rút Sadio Mane rời sân, sau khi cầu thủ chạy cánh Senegal nhận thẻ vàng và liên tục bị đối thủ khiêu khích.

Man City không lạ gì với việc phạm lỗi chiến thuật. Nhưng Guardiola cần chỉ đạo các học trò tỉnh táo trước mọi chiêu trò khi tiếp Atletico ở Etihad hôm nay 5/4, và sau đó là chuyến hành quân tới Wanda Metropolitano đá lượt về ngày 13/4.

Sự tỉnh táo sẽ rất quan trọng, nếu không muốn nói mang tính quyết định tới tấm vé đi tiếp của Man City. Những mùa qua, đoàn quân của Guardiola thường đánh mất tinh thần, chịu áp lực để rồi gục ngã trước các đối thủ được đánh giá yếu hơn, gồm Lyon, Tottenham và Monaco.

Man City chưa từng gặp Atletico tại Champions League, nhưng Guardiola thì từng tranh cãi bên ngoài đường biên và nếm trái đắng trước Simeone. Tại bán kết Champions League năm 2016, Bayern hùng mạnh của Guardiola thua 0-1 ở lượt đi tại Vicente Calderon, sân nhà cũ của Atletico, rồi thắng 2-1 ở lượt về khi trở lại Allianz, qua đó bị loại bởi luật bàn trên sân khách.

Guardiola từng ôm hận trước Simeone ở bán kết Champions League năm 2016. Ảnh: AFP

Guardiola từng ôm hận trước Simeone ở bán kết Champions League năm 2016. Ảnh: AFP

Guardiola thậm chí có thể nhớ cuộc đụng độ với Atletico thời còn làm cầu thủ chuyên nghiệp. Trận đó, Simeone giữ bóng trước sự đeo bám của chính Guardiola, rồi liên tiếp xâu kim tiền vệ Barca Jose Mari Bakero hai lần. Ông sau đó vỗ tay tán thưởng bản thân trước khi tiếp tục triển khai bóng.

“Thứ bóng đá hắc ám” của Simeone chắc chắn sẽ là kim chỉ nam cho Atletico khi họ bước ra thảm cỏ Etihad hôm nay. Man City cần tĩnh táo, kiểm soát và chế ngự được được lối chơi ấy của đối phương, nếu muốn đi tiếp và nuôi tham vọng tái hiện cú ăn ba như Man Utd từng làm năm 1999.

Hồng Duy (theo Goal)