Phía Sau ‘cơn Mưa Tiền Thưởng’ Của Tuyển Nữ Việt Nam 620a25693a980.jpeg

Phía sau ‘cơn mưa tiền thưởng’ của tuyển nữ Việt Nam

Những lễ mừng công và hàng chục tỷ đồng đã được dành cho đội tuyển nữ sau chiến tích dự World Cup 2023. Nhưng điều đó chưa chắc giúp họ bước sang trang mới.

Cho đến hôm nay 14/2, tổng số tiền thưởng mà VFF, các doanh nghiệp… dành cho đội tuyển vào khoảng 30 tỷ đồng. Nếu chia đều, mỗi cầu thủ được nhận trên dưới 1 tỷ đồng. Đó là con số đáng suy ngẫm bởi nó không lớn nếu so với mức lót tay mỗi mùa của một cầu thủ hạng khá tại V-League. Sẽ có ý kiến cho rằng “như vậy là quá tốt với bóng đá nữ” hoặc “có còn hơn không”.

Và đấy chính là vấn đề.

Các nữ tuyển thủ Việt Nam reo hò khi đại diện VFF công bố các khoản thưởng, ở trụ sở VFF sáng 11/2.

Các nữ tuyển thủ Việt Nam reo hò khi đại diện VFF công bố các khoản thưởng, ở trụ sở VFF sáng 11/2.

Đội bóng đá nữ đầu tiên được thành lập tại quận 1 (TP HCM) vào năm 1994. Đến năm 1998, giải vô địch quốc gia đầu tiên của nữ ra đời với bảy CLB, bao gồm một đội bóng nữ sinh đến từ quận Ba Đình (Hà Nội). Chỉ ba năm sau, đội tuyển đoạt HC vàng SEA Games 2001 và bảo vệ thành công ở SEA Games 2003. Đến năm 2008, Việt Nam vươn lên thứ sáu châu Á và năm 2022, tức là chỉ 24 năm kể từ ngày thi đấu chuyên nghiệp lần đầu tiên, đội tuyển đã giành vé dự World Cup. Thậm chí, năm 2014, tức là 20 năm tính từ lúc ra đời, bóng đá nữ Việt Nam đã giành vé dự World Cup nếu không sảy chân ở trận play-off trước Thái Lan trên sân nhà Thống Nhất.

Trong khi bóng đá nữ chỉ trải qua hơn ba thế hệ đã được dự World Cup thì ngược lại, bóng đá nam mất đến 40 mùa giải vô địch quốc gia mà mới chỉ “chạm khẽ” vào giấc mơ ấy bằng chiến thắng 3-1 trước Trung Quốc. Từ giải vô địch đầu tiên năm 1980, phải đến 28 năm sau đội tuyển mới vô địch Đông Nam Á (AFF Cup 2008) và hiện chỉ nằm đâu đó trong khoảng từ thứ 10 đến 20 của châu Á. Trong bóng đá, thông thường không có cú “đại nhảy vọt” nào cả. Muốn bây giờ dự World Cup, bóng đá nữ đã phải thường xuyên nằm trong nhóm 8 đội mạnh nhất khu vực từ gần 20 năm trước. Nghĩa là, con đường đến World Cup của bóng đá nam, kể cả khi giải đấu mở rộng số lượng từ 32 lên 48 năm 2026, cũng phải bắt đầu từ việc nỗ lực vào top 10 chứ không thể ở vị trí hiện tại.

Quay trở lại với câu chuyện hiện tại của bóng đá nữ, với hai câu hỏi cần được trả lời: Tại sao chỉ đến khi đoạt được vé World Cup thì hàng tỷ đồng mới được đổ vào theo dạng tiền thưởng cá nhân, trong khi cơ hội dự World Cup thực ra đã có từ gần 10 năm trước? Và kế đến, liệu sẽ có một “cơn mưa tiền thưởng” khác xuất hiện nếu bốn năm nữa, đội tuyển nữ tái lặp thành tích này?

Hỏi như vậy là bởi “cơn mưa tiền thưởng” hiện nay rất khó thay đổi bản chất của bóng đá nữ Việt Nam. Nó không chứng minh được rằng, kể từ sau cột mốc lịch sử này, bóng đá nữ sẽ thay đổi toàn diện để thoát khỏi sự manh mún, nghèo túng hiện nay. Cơ hội dự World Cup của bóng đá nữ rất sáng sủa do số lượng suất dành cho châu Á tương đối nhiều. Nghĩa là, Việt Nam có thể “đi World Cup” thường xuyên, và như vậy cần một chiến lược đầu tư để nâng cấp bóng đá nữ cho phù hợp với việc đá World Cup đều đặn ấy. Nhưng hiện nay, có bao nhiêu doanh nghiệp thật sự quan tâm đến bóng đá nữ, hay đa số chỉ thực hiện điều đó theo kiểu “nghĩa vụ”, bột phát và thậm chí còn biến chuyện trao thưởng thành một hoạt động truyền thông?

Tiền thưởng nhiều là tốt. Trước mắt, các tuyển thủ trong danh sách đăng ký dự Asian Cup 2022 vừa qua sẽ có một khoản tiết kiệm tương đối cho ngày giải nghệ. Nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ thúc đẩy phong trào bóng đá nữ phát triển hơn, bởi hơn 20 năm thi đấu của giải vô địch quốc gia, số lượng CLB cũng chỉ là tám và gần như nằm trong sự thống trị của TP HCM và Hà Nội. Cơ hội được lên tuyển và được nhận tiền thưởng lớn, vì thế, cũng chỉ dành cho vài chục con người, không thể tạo ra một sự bùng nổ ở bề rộng phong trào.

Vì không có phong trào, không xuất hiện thêm các CLB, nên chất lượng của giải vô địch quốc gia đang dậm chân tại chỗ. Thế hệ cầu thủ nữ giành vé dự World Cup hiện nay, xét về chuyên môn, chưa chắc vượt trội so với các thế hệ của Lưu Ngọc Mai hay Đặng Thị Kiều Trinh trước đây. Chính vì vậy, để có được thành tích, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phải chi rất nhiều tiền cho công tác tập trung, du đấu nước ngoài. Những khoản đầu tư đó của VFF thường không được nhìn thấy, và đó mới chính là các khoản đầu tư cần nhất những “cơn mưa tiền”.

Lần gần nhất giải vô địch quốc gia có nhà tài trợ đúng nghĩa cách đây đã 15 năm, từ một nhãn hàng liên quan đến sản phẩm phụ nữ. Sau lần đó, nguồn tiền dành cho bóng đá nữ chủ yếu được vận hành khá âm thầm, theo kiểu “người nhà” đóng góp là chính. Ví dụ như giải vô địch nữ do công ty của ông bầu futsal, Trần Anh Tú bỏ tiền tổ chức, còn đội tuyển quốc gia từng được ngân hàng BIDV (giai đoạn 2014-2016) và hiện nay là Hưng Thịnh Land hỗ trợ các chi phí tập huấn, du đấu. Nói là “âm thầm” bởi quyền lợi mà những nhà tài trợ cho bóng đá nữ nhận lại chủ yếu đến từ… các trận đấu của đội tuyển nam.

Niềm vui dành cho các cô gái vừa giành vé dự World Cup hy vọng sẽ còn kéo dài. Nhưng có khi, lúc trở về với CLB, họ chẳng “dám” vui khi nghĩ đến sự chạnh lòng của đồng nghiệp, của những ngày tháng đìu hiu ở giải nội địa sắp đến.

Song Việt